X

Soạn bài – Tào Tháo uống rượu luận anh hùng (La Quán Trung)

Soạn bài Tào Tháo uống rượu luận anh hùng (La Quán Trung) trang 80 – 83 SGK ngữ văn lớp 10 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Tào Tháo uống rượu luận anh hùng (trích hồi 21 – Tam quốc diễn nghĩa), sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

TIỂU DẪN

Đoạn này trích từ hồi 21, trước đoạn Hồi trống Cổ Thành (hồi 28). Khi đó, ba anh em Lưu, Quan, Trương đang nương náu trên đất Tào, nhẫn nhịn chờ thời để ra đi mưu đồ nghiệp lớn.

VĂN BẢN

Huyền Đức (1) bấy giờ sợ Tháo nghi mình có mưu đồ gì, bèn làm một vườn rau ở sau nhà, ngày ngày vun xới, tưới tắm để làm cho Tháo khỏi ngờ.

Quan, Trương thấy vậy hỏi rằng:

– Anh không lưu tâm đến việc lớn thiên hạ, học làm chi cái việc của kẻ tiểu nhân (2) này?

Huyền Đức nói:

– Hai em biết đâu ý anh!

Hai người từ đó không dám nói gì nữa.

Một hôm, Quan Vũ, Trương Phi cùng đi chơi vắng, Huyền Đức đang lom khom tưới rau, bỗng thấy Hứa Chử và Trương Liêu dẫn vài chục người vào vườn, nói rằng:

– Thừa tướng sai chúng tôi đến mời sứ quân đến ngay phủ.

Huyền Đức giật mình hỏi:

– Việc gì khẩn cấp thế, hai ông?

Hứa Chử thưa:

– Không rõ. Chúng tôi chỉ biết vâng lệnh đến mời.

Huyền Đức theo hai người vào phủ yết kiến Tháo, Tháo cười nói rằng:

– Huyền Đức độ này ở nhà làm một việc lớn lao đấy nhỉ!

Huyền Đức sợ tái mặt. Tháo cầm tay Huyền Đức dắt vào vườn sau nhà, nói rằng:

– Huyền Đức học làm vườn, chắc không phải là một việc dễ dàng?

Huyền Đức bấy giờ mới vững dạ, đáp rằng:

– Không có việc gì, làm để tiêu khiển đó thôi.

Tháo nói:

– Vừa rồi thấy trên cành mai đã có quả xanh, sực nhớ khi trước đi đánh Trương Tú, đi đường không có nước, tướng sĩ khát cào cuống họng. Bấy giờ ta nghĩ được một kế, cầm roi vờ trỏ nói rằng: Trước mặt có rừng mơ. Quân sĩ nghe thấy nói đến mơ, ai cũng ứa nước dãi, đỡ được khát nước. Nay có mơ thật, nên hái xuống mà thưởng. Vả lại rượu nấu vừa chín, cho nên mời sứ quân đến tiểu đình uống rượu.

Huyền Đức bấy giờ trấn tĩnh lại được, theo đến tiểu đình, đã thấy bày mâm bát, giữa bàn bày một đĩa mơ xanh, một bình rượu nóng.

Hai người ngồi đối diện, ăn uống vui vẻ. Lúc rượu ngà ngà say, chợt thấy mây đen mù mịt, cơn mưa to sắp đến.

Quân hầu trỏ lên trời, bẩm:

– Có vòi rồng lấy nước.

Tháo và Huyền Đức cùng dựa vào lan can ngắm xem, Tháo hỏi:

– Sứ quân có biết rồng nó biến hóa thế nào không?

Huyền Đức nói:

– Tôi chưa được tường.

Tháo nói:

– Rồng thì lúc to, lúc nhỏ, lúc bay, lúc nấp. Lúc to thì nổi mây phun mù; lúc nhỏ thì thu hình ẩn bóng; khi bay ra thì liệng trong trời đất; khi ẩn thì núp ở dưới sóng. Nay đang mùa xuân, rồng gặp thời biến hóa, cũng như người ta lúc đắc chí, tung hoành trong bốn bể. Rồng ví như anh hùng trong đời. Huyền Đức lâu nay đã đi khắp bốn phương, bao nhiêu anh hùng đời nay, hẳn đã biết cả, xin thử nói cho nghe.

Huyền Đức thưa:

– Bị này người trần mắt thịt, biết đâu được anh hùng.

Tháo nói:

– Huyền Đức không nên nhún mình quá!

Huyền Đức nói:

– Bị này được nhờ ơn Thừa tướng làm quan trong triều, anh hùng trong thiên hạ thực không được biết.

Tháo nói:

– Đã đành không biết mặt nhưng cũng có nghe tiếng chứ?

Huyền Đức nói:

– Viên Thuật ở Hoài Nam, binh lương (3) nhiều, có thể cho là anh hùng được chăng?

Tháo cười nói:

– Xương khô trong mả, chỉ nay mai là ta bắt được!

Huyền Đức lại nói:

– Anh Viên Thuật là Viên Thiệu ở Hà Bắc, bốn đời làm tam công, có nhiều đầy tớ cũ; hiện nay như con hổ dữ hùng cứ ở Kí Châu; bộ hạ nhiều tay tài giỏi, có thể cho là anh hùng được chăng?

Tháo lại cười nói:

– Viên Thiệu ngoài mặt mạnh bạo, trong bụng nhút nhát, thích mưu mẹo mà không quyết đoán, làm việc lớn lại lo đến bản thân, thấy lợi nhỏ thì lại quên mình, không thể gọi là anh hùng được.

Huyền Đức lại nói:

– Có một người nổi tiếng trong tám kẻ tuấn kiệt, uy danh khắp cả chín châu, là Lưu Cảnh Thăng, có thể cho là anh hùng được chăng?

Tháo lại cười:

– Lưu Biểu có hư danh nhưng không có thực tài, không phải anh hùng.

Huyền Đức lại nói:

– Có một người, sức lực đương khỏe, đứng đầu xứ Giang Đông, là Tôn Bá Phù, hẳn là anh hùng?

Tháo nói:

– Tôn Sách nhờ danh tiếng của bố, không phải anh hùng.

Huyền Đức nói:

– Lưu Quý Ngọc ở Ích Châu có phải là anh hùng không?

Tháo nói:

– Lưu Chương tuy là tôn thất (4) nhưng chỉ như con chó giữ nhà, sao gọi là anh hùng được?

Huyền Đức lại nói:

– Như bọn Trương Tú, Trương Lỗ và Hàn Toại thì thế nào?

Tháo vỗ tay cười to:

– Lũ tiểu nhân nhung nhúc ấy thì nói làm gì?

Huyền Đức nói:

– Ngoài những người ấy ra, Bị thực không còn biết ai nữa.

Tháo nói:

– Anh hùng là người trong bụng có chí lớn, có mưu cao, có tài bao trùm được cả vũ trụ, có chí nuốt cả trời đất kia.

Huyền Đức mới hỏi:

– Ai có thể xứng đáng được như thế?

Tháo lấy tay trỏ vào Huyền Đức, rồi lại trỏ vào mình nói rằng:

– Anh hùng trong thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân và Tháo mà thôi.

Huyền Đức nghe nói giật nảy mình, bất giác thìa, đũa cầm ở tay rơi cả xuống đất. Đúng lúc ấy, cơn mưa sắp đến, có một tiếng sấm rền vang. Huyền Đức ung dung cúi xuống nhặt đũa và thìa, nói tảng rằng:

– Gớm thật! Tiếng sấm dữ quá!

Tháo cười hỏi rằng:

– Trượng phu cũng sợ sấm à?

Huyền Đức nói:

– Đức thánh ngày xưa gặp lúc sấm dữ gió to cũng đổi sắc mặt, sao tôi lại không sợ!

Huyền Đức đã che đậy được hết việc mình đánh rơi cả thìa đũa khi nghe Tháo gọi mình là anh hùng.

Tháo thấy thế không nghi ngờ gì Huyền Đức nữa.

Theo bản dịch của PHAN KẾ BÍNH, BÙI KÍ hiệu đính
(Tam quốc diễn nghĩa, Sđd)

CHÚ THÍCH:

(1) Huyền Đức: Lưu Huyền Đức, tức Lưu Bị.

(2) Tiểu nhân: kẻ nhỏ nhen, hèn hạ, đối lập với quân tử.

(3) Binh lương: binh lính và lương thực.

(4) Tôn thất: dòng họ nhà vua.

Hướng dẫn soạn bài – Tào Tháo uống rượu luận anh hùng (La Quán Trung)

I. Tóm tắt

Tóm tắt: Tào Tháo uống rượu luận anh hùng (La Quán Trung)

Đoạn trích thuật lại cuộc đấu trí thông qua tiệc rượu của Lưu Bị với Tào Tháo khi Lưu Bị đang nương nhờ ở đất của Tào Tháo. Thông qua câu chuyện này, chân dung hai nhân vật hiện lên một cách rõ nét, chân thực.

II. Bố cục

Phần 1 (từ đầu đến tiểu đình uống rượu): Việc Lưu Bị lấy việc làm vườn để che mắt Tào Tháo và giới thiệu hoàn cảnh của tiệc rượu.

Phần 2 (phần còn lại): Cuộc luận bàn về anh hùng của Tào Tháo và Lưu Bị trong tiệc rượu.

III. Hướng dẫn soạn bài Tào Tháo uống rượu luận anh hùng (La Quán Trung)

Giải câu 1 (Trang 83 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Phân tích tâm trạng và tính cách của Lưu Bị khi phải ở nhờ Tào Tháo.

Trả lời:

Tâm trạng và tính cách của Lưu Bị khi phải ở nhờ Tào Tháo

– Cách hành xử: cẩn trọng, tâm trạng: lo lắng, hoang mang.

– Khi bị Tào Tháo triệu đến bất ngờ, Huyền Đức “sợ tái mặt”. Lúc ngồi uống rượu: càng dè dặt.

– Khi đánh rơi thìa và đũa: Lưu Bị đã có được cách ứng phó thông minh, tránh được sự nghi ngờ của Tào Tháo.

Giải câu 2 (Trang 83 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Qua cách đối xử của Tào Tháo với Lưu Bị và cách đánh giá những nhân vật anh hùng mà Lưu Bị đề xuất, anh (chị) hiểu gì về tính cách của nhân vật này?

Trả lời:

Qua cách đối xử với Lưu Bị và cách đánh giá những nhân vật anh hùng (những người mà Lưu Bị đề xuất), có thể đánh giá về tính cách của Tào Tháo như sau:

Trong cuộc đối ứng với Lưu Bị, Tào Tháo đã chứng tỏ rất rõ sự kiêu căng, ngạo mạn của mình. Không những một tay gạt đi tất cả các anh hùng trong thiên hạ, Tào Tháo còn tự cao tự đại đắc ý tự cho mình là anh hùng và ngầm ý xếp trên Lưu Bị. Qua cách ứng xử của Tào Tháo, có thể thấy, Tháo là một kẻ gian hùng (đa nghi, nham hiểm và tàn bạo). Song cũng phải nhận thấy rằng, Tào Tháo còn là một người rất thông minh, cơ trí và ngoan cường. Dường như càng thông minh bao nhiêu, Tào Tháo càng đa nghi bấy nhiêu; càng cơ trí bao nhiêu thì càng nham hiểm bấy nhiêu; càng ngoan cường bao nhiêu thì càng tàn bạo bấy nhiêu. Tính cách của Tào Tháo là sự hợp bởi cái uy hùng và cái gian hùng.

Giải câu 3 (Trang 83 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Phân tích những điểm khác nhau về tính cách giữa Lưu Bị và Tào Tháo.

Trả lời:

Sự khác nhau giữa tính cách của Lưu Bị và Tào Tháo:

Trong truyện cũng như trong quan niệm đánh giá của dân gian, Lưu Bị vẫn được xem là người giàu đức độ. Trong đoạn trích, Lưu Bị giống như một tấm gương soi để soi rõ lòng dạ nham hiểm của Tào Tháo. Trái với sự nham hiểm, tàn bạo, xảo trá của Tào Tháo, Lưu Bị lấy lòng thành, dùng nhân nghĩa mà đối đãi với người. Nhờ thế mà Bị mới được lòng dân chúng khắp nơi. Ngược lại, như trên đã nói, Tào Tháo là một kẻ gian hùng, ứng xử với đời bằng nhiều thủ đoạn. Sự khác nhau cơ bản trong tính cách giữa Lưu Bị và Tào Tháo nằm ở chữ đức. Tào Tháo làm mọi việc, kể cả những việc tàn nhẫn để đạt được ý định của mình, trong khi đó, Lưu Bị, thậm chí có thể hi sinh lợi ích riêng tư vì niềm vui của thiên hạ.

Giải câu 4 (Trang 83 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Vì sao cách kể chuyện trong đoạn văn lại hấp dẫn người đọc?

Trả lời:

Về cách kể chuyện trong đoạn trích

Đây là một đoạn kể chuyện hết sức hấp dẫn bởi tài dẫn dắt của nhà văn. Câu chuyện như là một trò chơi trốn tìm, cuộc trốn tìm giữa một người quyết trốn và một kẻ quyết tìm. Và cuối cùng Lưu Bị suýt lộ diện khi giật mình đánh rơi cả đũa. Đó là một chi tiết hấp dẫn nhất của đoạn trích này.

Đoạn trích hấp dẫn còn bởi thái độ của tác giả trong việc khen chê rất rành rọt, các nhân vật được bố trí sắp xếp thành hai phía đen, trắng đối lập nhau, rất điển hình và mẫu mực.

Soạn phần luyện tập bài Tào Tháo uống rượu luận anh hùng (La Quán Trung)

Câu 1. Phân tích tâm trạng và tính cách của Lưu Bị khi phải ở nhờ Tào Tháo.

Trả lời:

Tâm trạng và tính cách của Lưu Bị khi phải ở nhờ Tào Tháo thể hiện qua hai sự việc chính trong tác phẩm: khi làm vườn và khi uống rượu bàn luận về anh hùng.

+ Tâm trạng của Lưu Bị: cố giấu kín tâm tư trong lòng mình, không muốn để Tào Tháo hiểu thấu suy nghĩ của mình và gây cản trở, chọn việc làm vườn để che đậy. Lưu Bị còn cố bằng mọi cách giấu đi trí lược, mưu cao, chí lớn của mình trước mặt Tào Tháo, Lưu Bị giật mình khi thấy Tào Tháo gọi mình là anh hùng và cố giả vờ như là giật mình với tiếng sấm.

+ Tính cách của Lưu Bị: là người khôn ngoan, trầm tĩnh, khéo léo giấu kín tâm tư, cảm xúc của mình trước mặt kẻ thù lại thêm nhẫn nại, hi sinh vì chí lớn.

Câu 2. Qua cách đối xử của Tào Tháo với Lưu Bị và cách đánh giá những nhân vật anh hùng mà Lưu Bị đề xuất, anh (chị) hiểu gì về tính cách của nhân vật này?

Trả lời:

Tính cách của Tào Tháo được thể hiện qua cách đối xử với Lưu Bị và cách đánh giá những nhân vật anh hùng được Lưu Bị nhắc đến:

+ Tào Tháo có mắt nhìn người, biết đâu là anh hùng thật sự trong thời thế này, tự tin, hiểu mình hiểu người.

+ Tào Tháo cũng là anh hùng nhưng là gian hùng, mưu sâu kế độc.

+ Tuy nhiên Tháo lại là người chủ quan, đắc chí, lộ liễu, để lộ những suy nghĩ, tâm tư của mình cho người khác nhìn thấu nên dễ dàng bị Lưu Bị đánh lừa.

Câu 3. Phân tích những điểm khác nhau về tính cách giữa Lưu Bị và Tào Tháo.

Trả lời:

Tào Tháo (gian hùng) Lưu Bị (anh hùng)
– Đang có quyền thế, có quân, lợi dụng vua Hán để khống chế chư hầu.

– Tự tin, bản lĩnh, thông minh, hiểu biết

– Chủ quan, đắc chí, coi thường người nên bị Lưu Bị qua mặt nhẹ nhàng.

– Đang thua, mất đất, mất quân, phải sống nhờ nơi kẻ thù nguy hiểm.

– Lo lắng, sợ hãi, cố che giấu ý nghĩ, tình cảm.

– Khôn ngoan, linh hoạt che giấu được hành động của mình.

Câu 4. Vì sao cách kể chuyện trong đoạn văn lại hấp dẫn người đọc?

Trả lời:

Cách kể chuyện trong đoạn văn hấp dẫn người đọc là bởi:

+ Tình huống kịch tính, đặt nhân vật vào tình thế thử thách (chi tiết Lưu Bị giật mình bất giác làm rơi thìa đũa cầm ở tay).

+ Lời thoại của nhân vật tuy ngắn gọn nhưng lại liền mạch, nối tiếp nhau khiến người đọc hiểu rõ đặc điểm tính cách của từng nhân vật.

+ Hoàn cảnh trong câu chuyện được xây dựng một cách tự nhiên, không gò ép (việc mơ chín, nấu rượu, mời rượu và bàn luận về anh hùng trong thiên hạ)

+ Cách kể chuyện giản dị, ngôn từ dễ hiểu, chủ yếu tập trung vào tình tiết là chính.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

Phương Thảo: Học vấn là chìa khóa mở cánh cửa của tương lai. Hãy cùng nhau chia sẻ những kiến thức học tập bổ ích.
Leave a Comment