X

Soạn bài – Sự tích Hồ Gươm

Soạn bài Sự tích Hồ Gươm trang 40 – 44 SGK ngữ văn lớp 6 tập 1, Để học tốt hơn danh sách các bài tập  trong bài Sự tích Hồ Gươm sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ và chi tiết nhất.

SỰ TÍCH HỒ GƯƠM

Vào thời giặc Minh(1) đặt ách đô hộ(2) ở nước Nam, chúng coi dân ta như cỏ rác, làm nhiều điều bạo ngược, thiên hạ căm giận chúng đến xương tủy. Bấy giờ ở vùng Lam Sơn(3), nghĩa quân nổi dậy chống lại chúng, nhưng trong buổi đầu thế lực còn non yếu nên nhiều lần nghĩa quân bị thua.

Thấy vậy, đức Long Quân(4) quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để họ giết giặc.

Hồi ấy, ở Thanh Hóa có một người làm nghề đánh cá tên là Lê Thận. Một đêm nọ, Thận thả lưới ở một bến vắng như thường lệ. Khi kéo lưới lên, thấy nằng nặng, Lê Thận chắc mẩm được mẻ cá to. Nhưng khi thò tay vào bắt cá, chàng chỉ thấy có một thanh sắt. Chàng vứt luôn thanh sắt xuống nước, rồi lại thả lưới ở một chỗ khác.

Lần thứ hai cất lưới lên cũng thấy nặng tay, Thận không ngờ thanh sắt vừa rồi lại chui vào lưới mình. Chàng lại ném xuống sông. Lần thứ ba, vẫn thanh sắt ấy mắc vào lưới. Lấy làm lạ, Thận đưa thanh sắt lại cạnh mồi lửa nhìn xem. Bỗng chàng reo lên:

– Ha ha! Một lưỡi gươm!

Về sau Thận gia nhập đoàn quân khởi nghĩa Lam Sơn. Chàng hăng hái, gan dạ, không nề nguy hiểm. Một hôm chủ tướng Lê Lợi cùng mấy người tùy tòng(5) đến nhà Thận. Trong túp lều tối om, thanh sắt hôm đó tự nhiên sáng rực lên ở xó nhà. Lấy làm lạ, Lê Lợi cầm lên xem và thấy có hai chữ “Thuận Thiên”(6) khắc sâu vào lưỡi gươm. Song tất cả mọi người vẫn không biết đó là báu vật.

Một hôm, bị giặc đuổi, Lê Lợi và các tướng rút lui mỗi người một ngả. Lúc đi qua một khu rừng, Lê Lợi bỗng thấy có ánh sáng lạ trên ngọn cây đa. Ông trèo lên mới biết đó là một cái chuôi gươm nạm ngọc(7). Nhớ đến lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, Lê Lợi rút lấy chuôi giắt vào lưng.

Ba ngày sau, Lê Lợi gặp lại mọi người, trong đó có Lê Thận. Lê Lợi mới đem chuyện bắt được chuôi gươm kể lại cho họ nghe. Khi đem tra gươm vào chuôi thì vừa như in.

Lê Thận nâng gươm lên ngang đầu nói với Lê Lợi:

– Đây là Trời có ý phó thác(8) cho minh công(9) làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương thịt của mình theo minh công, cùng với thanh gươm thần này để báo đền Tổ quốc!

Từ đó nhuệ khí(10) của nghĩa quân ngày một tăng. Trong tay Lê Lợi, thanh gươm thần tung hoành(11) khắp các trận địa, làm cho quân Minh bạt vía. Uy thế của nghĩa quân vang khắp nơi. Họ không phải trốn tránh như trước mà xông xáo đi tìm giặc. Họ không phải ăn uống khổ cực như trước nữa, đã có những kho lương mới chiếm được của giặc tiếp tế cho họ. Gươm thần mở đường cho họ đánh tràn ra mãi, cho đến lúc không còn bóng một tên giặc nào trên đất nước.

Một năm sau khi đuổi giặc Minh, một hôm Lê Lợi – bấy giờ đã làm vua – cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng. Nhân dịp đó, Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Khi thuyền rồng tiến ra giữa hồ, tự nhiên có một con rùa lớn nhô đầu và mai lên khỏi mặt nước. Theo lệnh vua, thuyền đi chậm lại. Đứng ở mạn thuyền, vua thấy lưỡi gươm thần đeo bên người tự nhiên động đậy. Con Rùa Vàng không sợ người, nhô đầu lên cao nữa và tiến về phía thuyền vua. Nó đứng nổi trên mặt nước và nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân!”.

Vua nâng gươm hướng về phía Rùa Vàng. Nhanh như cắt, rùa há miệng đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước. Gươm và rùa đã chìm đáy nước, người ta vẫn còn thấy vật gì sáng le lói dưới mặt hồ xanh.
Từ đó, hồ Tả Vọng bắt đầu mang tên là Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm(12).

(Theo Nguyễn Đổng Chi)

Chú thích:

(1) Giặc Minh: giặc phương Bắc triều đại nhà Minh (giặc Minh xâm lược nước ta từ năm 1407 đến năm 1427).
(2) Đô hộ: đặt ách thống trị lên một nước khác.
(3) Lam Sơn: nơi Lê Lợi khởi nghĩa, thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá.
(4) Đức Long Quân: tức Lạc Long Quân (đức: tiếng tôn xưng vua chúa, thần thánh,…).
(5) Tùy tòng: đi theo để giúp việc (tùy: theo; tòng: theo, phụ thuộc).
(6) Thuận Thiên: thuận theo ý Trời; đây là tên thanh gươm. Sau chiến thắng quân Minh, Lê Lợi lấy hiệu là “Thuận Thiên”.
(7) Nạm ngọc: gắn ngọc vào (nạm: gắn, dát, đặt kim loại hay đá quý vào một đồ vật để trang trí).
(8) Phó thác: tin cẩn mà giao cho.
(9) Minh công: từ ngày xưa thường dùng để tôn xưng người có danh vị (minh: sáng; công: ông).
(10) Nhuệ khí: khí thế hăng hái, quả quyết.
(11) Tung hoành: thoả chí hoạt động, không gì cản trở được (tung; dọc; hoành: ngang).
(12) Hoàn Kiếm: có nghĩa là “trả lại gươm” (hoàn: trả; kiếm: gươm).

Hướng dẫn soạn bài – Sự tích Hồ Gươm

I. Về thể loại

Truyền thuyết

– Là loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ.
– Thường có yếu tố tưởng tượng, kì ảo.
– Thể hiện quan điểm, thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử được kể.

II. Tóm tắt sự tích Hồ Gươm

Thời giặc Minh đô hộ nước ta, Lê Lợi dựng cờ tụ nghĩa tại Lam Sơn nhưng ban đầu thế yếu, lực mỏng nên thường bị thua. Đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để giết giặc.

Một người đánh cá tên là Lê Thận ba lần kéo lưới đều gặp một thanh sắt, nhìn kĩ hoá ra một lưỡi gươm. Sau đó ít lâu, Lê Lợi bị giặc đuổi, chạy vào rừng bắt được chuôi gươm nạm ngọc trên cây đa, đem tra vào lưỡi gươm ở nhà Lê Thận thì vừa như in, mới biết đó là gươm thần.

Từ khi có gươm thần, nghĩa quân đánh đâu thắng đấy, cuối cùng đánh tan quân xâm lược.

Sau khi thắng giặc, Lê Lợi đi thuyền dạo quanh hồ Tả Vọng; Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi lại gươm thần. Từ đó, hồ Tả Vọng đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm.

III. Hướng dẫn soạn bài sự tích hồ gươm chi tiết

Giải câu 1 (Trang 43 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Vì sao đức Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần?

Trả lời:

Đức Long Quân cho Lê Lợi mượn gươm thần, hay Ngọc Hoàng cho Nguyễn Huệ mượn gươm thần đều vì muốn nghĩa quân đánh thắng giặc.

Tác giả dân gian đã chứng tỏ rằng cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn, hay Tây Sơn, … hợp chính nghĩa, lòng trời, được nhân dân hết lòng ủng hộ.

Ý nghĩa: tượng trưng cho sức mạnh, nguyện vọng và công lý của nhân dân.

Giải câu 2 (Trang 43 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Lê Lợi đã nhận được gươm thần như thế nào? cách Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn và Lê Lợi mượn gươm có ý nghĩa gì?

Trả lời:

– Lê Thận gặp được lưỡi gươm khi kéo lưới. Lê Lợi ghi nhận điều là của gươm khi đến nhà Lê Thận: Lưỡi gươm phát sáng và có hai chữ “thuận thiên”. Khi chạy giặc Lê Lợi được chuôi gươm có ánh sáng lạ. Lấy chuôi và lưỡi tra vào thì vừa khớp.

– Cách Long Vương cho nghĩa quân Lam Sơn và Lê Lợi mượn gươm như vậy có ý nghĩa nói về sức mạnh của toàn dân:

+ Lê Lợi chủ tướng được chuôi.

+ Lê Thận là người đánh cá được lưỡi.

+ Gươm tỏa sáng biểu hiện cho dân tộc trên dưới đồng lòng sẽ tạo thành sức mạnh cứu nước.

+ Thuận Thiên thực ra là ý muốn muôn dân muốn Lê Lợi là minh chủ của họ trong cuộc kháng chiến.

Giải câu 3 (Trang 43 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Hãy chỉ ra sức mạnh của gươm thần đối với nghĩa quân Lam Sơn ?

Trả lời:

– Sức mạnh của gươm thần:

+ Từ khi có gươm, nhuệ khí của nghĩa quân ngày một tăng cao. Sức mạnh của gươm thần làm cho quân Minh bạt vía.

+ Từ bị động và nhiều lần thua trận, nghĩa quân chủ động đi tìm giặc đánh và đã chiến thắng giòn giã, đuổi hẳn quân Minh về nước.

Giải câu 4 (Trang 43 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Khi nào Long Quân cho đòi gươm? Cảnh đòi gươm và trả gươm diễn ra như thế nào?

Trả lời:

Đất nước đã thanh bình, Long Quân cho Rùa Vàng lên đòi lại gươm. Khi ấy Lê Lợi đang dạo chơi trên hồ Tả Vọng, Rùa Vàng nhô lên, lưỡi gươm đeo bên mình Lê Lợi động đậy. Rùa Vàng nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân”. Vua rút gươm nâng về phía Rùa Vàng, Rùa Vàng ngậm lấy và lặn xuống nước.

Giải câu 5 (Trang 43 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Thảo luận ở lớp: Ý nghĩa của truyện Sự tích hồ Gươm.

Trả lời:

– Truyện Sự tích Hồ Gươm trước hết giải thích tên gọi của Hồ Gươm (Hoàn Kiếm) nhưng điều chủ yếu nhân dân ta muốn nói đến là tính chất chính nghĩa, hợp lòng trời, được nhân dân ủng hộ của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

– Truyện đề cao, suy tôn vai trò của Lê Lợi, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã được nhân dân hết lòng ủng hộ, có công đánh đuổi giặc, đem lại thái bình cho đất nước, nhân dân.

– Truyện thể hiện khát vọng của quần chúng nhân dân muốn được sống trong hoà bình, hạnh phúc.

Giải câu 6 (Trang 43 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Em biết còn truyền thuyết nào của nước ta cũng có hình ảnh Rùa Vàng? Theo em, hình tượng Rùa Vàng trong truyền thuyết Việt Nam tượng trưng cho ai và cho cái gì?

Trả lời:

Hình ảnh Rùa Vàng còn xuất hiện trong truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ. Như vậy, trong truyền thuyết Việt Nam, Rùa Vàng thường tượng trưng cho Long Vương – vị thần cai trị dưới biển, tượng trưng cho sự giúp đỡ của các vị thần với con người.

Soạn phần luyện tập Sự tích Hồ Gươm

Giải câu 1 – Luyện tập sự tích hồ gươm (Trang 43 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Bài 1: Hãy đọc phần Đọc thêm để thấy rõ hơn tính lặp lại và ý nghĩa của chi tiết trao gươm thần trong các truyền thuyết Việt Nam.

Trả lời:

ĐỌC THÊM
ẤN, KIẾM TÂY SƠN

Đồng bào An Khê (Bình Định) kể:
Sau khi làm lễ khởi binh chân núi Ông Bình, Nguyễn Huệ dẫn quân xuống núi trấn Tây Sơn Hạ. Trên đường đi, nghĩa quân gặp hai Ông Xà (nhân dân gọi những con rắn lớn là Ông Xà). Một ông cắp ngang thanh bảo kiếm chuôi đỏ, vỏ vàng, dây đeo có nạm ngọc óng ánh. Một ông cắp hộp màu son đựng ấn(a) ngọc. Cả hai bò tới ngẩng đầu dâng ấn, kiếm trước mặt Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ biết đây là hai sứ giả của Ngọc Hoàng xuống ban ấn, kiếm nên ông nâng bảo vật lên, cung kính cảm tạ trời đất, cảm tạ lưỡng xà(b).

(Theo Nguyễn Xuân Nhân)

Chú thích:

(a) Ấn: con dấu của vua, quan.
(b) Lưỡng xà: hai con rắn (lưỡng: hai, xà: rắn).

Giải câu 2 – Luyện tập sự tích hồ gươm (Trang 43 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Bài 2: Vì sao tác giả dân gian không để Lê Lợi được trực tiếp nhận cả chuôi gươm và lưỡi gươm cùng một lúc?

Trả lời:

Nếu tác giả dân gian để Lê Lợi trực tiếp nhận cả chuôi gươm và lưỡi gươm cùng một lúc thì tác phẩm sẽ không thể hiện được tính chất toàn dân, trên dưới một lòng của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến. Thanh gươm Lê Lợi nhận được ìà thanh gươm thông nhất và hội tụ tư tưởng, tình cảm, sức mạnh của toàn dân trên mọi miền đất nước.

Giải câu 3 – Luyện tập sự tích hồ gươm (Trang 43 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Bài 3*. Lê Lợi nhận gươm ở Thanh Hoá nhưng lại trả gươm ở Hồ Gươm – Thăng Long. Nếu Lê Lợi trả gươm ở Thanh Hoá thì ý nghĩa của truyền thuyết sẽ khác đi như thế nào?

Trả lời:

– Thăng Long. Nếu Lê Lợi trả gươm ở Thanh Hóa thì ý nghĩa của truyền thuyết sẽ khác đi như thế nào?

Trả lời:

Lê Lợi nhận gươm ở Thanh Hóa nhưng lại trả gươm ở Hồ Gươm – Thăng Long. Nếu Lê Lợi trả gươm ở Thanh Hóa thì ý nghĩa của truyền thuyết này sẽ bị giới hạn. Bởi vì lúc này, Lê Lợi đã về kinh thành Thăng Long là thủ đô, tượng trưng cho cả nước. Việc trả gươm diễn ra ở hồ Tả Vọng của kinh thành Thăng Long mới thể hiện hết được tư tưởng yêu hòa bình và tinh thần cảnh giác của cả nước, của toàn dân.

Giải câu 4 – Luyện tập sự tích hồ gươm (Trang 43 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Bài 4. Hãy nhắc lại định nghĩa truyền thuyết và kể tên những truyền thuyết đã học.

Trả lời:

Truyền thuyết

– Là loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ.
– Thường có yếu tố tưởng tượng, kì ảo.
– Thể hiện quan điểm, thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử được kể.

Các truyền thuyết đã học là: Con rồng cháu tiên, Sơn Tinh Thủy Tinh, Thánh Gióng, Sự tích Hồ Gươm.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài sự tích hồ gươm

Câu 1: Vì sao đức Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần?

Trả lời:

– Giặc Minh đô hộ nước ta, làm nhiều điều bạo ngược, nhân dân ta căm giận chúng đến tận xương tủy.

– Ở vùng Lam Sơn, nghĩa quân nổi dậy chống lại chúng, nhưng buổi đầu thế lực còn yếu, nhiều lần bị thua.

– Đức Long Quân thấy vậy, quyết định cho nghĩa quân mượn gươm thần để giết giặc.

Câu 2: Lê Lợi đã nhận được gươm thần như thế nào? Cách Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn và Lê Lợi mượn gươm có ý nghĩa gì?

Trả lời:

* Cách Long Quân cho mượn gươm:

– Chàng đánh cá Lê Thận bắt được lưỡi gươm dưới nước. Chàng gia nhập đoàn quân khởi nghĩa Lam Sơn. lưỡi gươm khi gặp chủ tướng Lê Lợi thì sắng rực lên hai chữ “Thuận thiền”. Lê Lợi cùng mọi người xem gươm nhưng không ai biết đó là báu vật.

– Chủ tướng Lê Lợi trên đường bị giặc đuổi thấy “ánh sáng lạ” – chính là chuôi gươm nạm ngọc – ở ngọn cây đa, đã lây chuôi gươm đó mang về.

– Đem lưỡi gươm Lê Thận bắt được dưới nước tra vào chuôi gươm mà Lê Lợi bắt được trên rừng thì “vừa như in”.

– Lê Thận nâng gươm thần lên đầu, dâng cho Lê Lợi: “Đây là trời có ý phó thác cho minh công làm việc lớn. Chúng tôi nguyện mang xương thịt của mình theo minh công…

* Ý nghĩa cách cho mượn gươm:

– Các nhân vật được lưỡi gươm dưới nước, chuôi gươm trên rừng: khả năng cứu nước có ở khắp nơi, từ miền sông nước đến miền rừng núi, miền ngược, miền xuôi cùng đánh giặc.

– Các bộ phận của thanh gươm rời nhau nhưng khi khớp lại thì “vừa như in”. Điều đó có nghĩa là nguyện vọng của nhân dân là như nhau, nghĩa quân trên dưới một lòng.

– Lê Lợi được chuôi gươm, Lê Thận dâng gươm cho Lê Lợi – những chi tiết này khẳng định, đề cao vai trò minh chủ của Lê Lợi.

Câu 3: Hãy chỉ ra sức mạnh của gươm thần đốì với nghĩa quân Lam Sơn.

Trả lời:

Sức mạnh của nghĩa quân được nhân lên gấp bội nhờ có gươm thần: thanh gươm thần tung hoành khắp các trận địa, làm cho quân Minh bạt vía, uy thê của nghĩa quăn vang khắp nơi… Gươm thần mở đường cho nghĩa quân đánh tràn ra mãi, cho đến lúc không còn một bóng quân xâm lược nào trên đất nước.

Câu 4: Khi nào Long Quân cho đòi gươm? Cảnh đòi gươm và trả gươm đã diễn ra như hế nào?

Trả lời:

– Nhân dịp vua Lê Lợi ngự thuyền rồng dạo chơi trên hồ Tả Vọng, một năm sau khi đuổi hết giặc Minh, Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi lại gươm thần.

– Khi thuyền vua đến giữa hồ, rùa vàng nhô lên, vua thấy lưỡi gươm thần deo bên người động đậy. Rùa tiến đến thuyền vua đòi gươm: Xin bệ hạ hoàn lại gươm cho Long Quân. Vua Lê trao gươm, rùa đớp lấy, lặn xuống.

Câu 5: Thảo luận: ý nghĩa của truyện Sự tích Hồ Gươm.

Trả lời:

Truyện có những ý nghĩa sau:

– Ý nghĩa ca ngợi tính nhân dân, toàn dân và chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

– Ý nghĩa đề cao, suy tôn Lê Lợi và nhà Lê.

– Ý nghĩa giải thích nguồn gốc tên gọi hồ Hoàn Kiếm (trả gươm)

Câu 6: Em biết còn truyền thuyết nào của nước ta cũng có hình ảnh rùa vàng? Theo em, hình tượng rùa vàng trong truyền thuyết Việt Nam tượng trưng cho ai và cho cái gì?

Trả lời:

* Truyền thuyết có hình ảnh rùa vàng: An Dương Vương.

* Thần Kim Quy xuất hiện lúc nhân vật gặp khó khăn để khơi đường chỉ lối. Thần hi sinh một phần thân thể của mình cho nhân vật làm vũ khí (lẫy nỏ thần làm bằng móng vuôt của Rùa Vàng). Rùa Vàng giúp Long Quân nhận lại gươm để thực hiện tư tưởng yêu hòa bình của nhân dân ta.

Như vậy, rùa vàng trong truyền thuyết Việt Nam tượng trưng cho tổ tiên, khí thiêng sông núi, tư tưởng, tình cảm và trí tuệ của nhân dân. Riêng trong sự tích Hồ Gươm, ngoài ý nghĩa đó, rùa vàng còn có ý nghĩa đề cao, gây thanh thế cho nghĩa quân Lam Sơn và củng cố uy thế cho nhà Lê sau cuộc khởi nghĩa.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

Ngọc Lan: Ngủ dậy muộn thì phí mất cả ngày, ở tuổi thanh niên mà không học tập thì phí mất cả cuộc đời .
Leave a Comment