Soạn bài – Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang

Soạn bài Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang trang 127 – 130 SGK ngữ văn lớp 9 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang (Trích Rô-bin-xơn Cru-xô), sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

RÔ-BIN-XƠN NGOÀI ĐẢO HOANG

(Trích Rô-bin-xơn Cru-xô)

Nếu có ai đó ở nước Anh gặp một kẻ như tôi lúc bấy giờ, chắc tôi sẽ làm cho họ hoảng sợ hoặc phá lên cười sằng sặc; và lắm khi tôi đứng lặng ngắm nghía bản thân mình, tôi cứ mỉm cười tưởng tượng tôi lang thang khắp miền Y-oóc-sai với trang bị(1) và áo quần như vậy. Xin các bạn vui lòng hình dung bộ dạng của tôi như dưới đây.

Tôi đội một chiếc mũ to tướng cao lêu đêu chẳng ra hình thù gì làm bằng da của một con dê, với mảnh da rủ xuống phía sau gáy, vừa để che nắng, vừa để chắn không cho mưa hắt vào cổ; ở miền khí hậu này, chẳng gì tai hại bằng nước mưa luồn trong áo thấm vào da thịt.

Tôi mặc một chiếc áo bằng tấm da dê, vạt áo dài tới khoảng lưng chừng hai bắp đùi, và một cái quần loe đến đầu gối cũng bằng da dê; quần may bằng tấm da một con dê đực già, lông dê thõng xuống mỗi bên đến giữa bắp chân, chẳng khác nào quần dài; tôi không có bít tất mà cũng chẳng có giày, nhưng đã làm cho mình được một đôi, chẳng biết gọi là gì, giống như đôi ủng, bao quanh bắp chân và buộc dây hai bên…, nhưng hình dáng hết sức kì kục(2) chẳng khác gì áo quần của tôi.

Quanh người tôi là một chiếc thắt lưng rộng bản bằng da dê phơi khô thắt lại bằng hai sợi dây cũng bằng da dê để thay cho khóa, hai bên có hai quai đeo, nhưng không đeo kiếm và dao găm mà lủng lẳng bên này một chiếc cưa nhỏ, bên kia một chiếc rìu con.

Quàng qua vai tôi là một đai da khác hẹp bản hơn, hai đầu cũng buộc lại bằng dây như thế; và ở cuối đai, phía dưới cánh tay trái của tôi, đeo lủng lẳng hai cái túi, cả hai cũng đều làm bằng da dê, một túi đựng thuốc súng và túi kia đựng đạn ghém. Tôi đeo gùi(3) sau lưng, khoác súng bên vai, và giương trên đầu một chiếc dù lớn bằng da dê, xấu xí vụng về, nhưng lại là thứ cần thiết nhất cho tôi, bên khẩu súng của tôi. Còn về diện mạo tôi, nó không đến nỗi đen cháy như các bạn có thể nghĩ về một kẻ chẳng quan tâm tí gì đến da dẻ của mình lại sống ở vào khỏang chín hoặc mười độ vĩ tuyến miền xích đạo(4). Râu ria của tôi đã có lúc tôi để mặc cho nó mọc dài đến hơn một gang tay(5); nhưng vì tôi có cả kéo và dao cạo(6) đủ dùng, nên tôi cắt đi khá ngắn gọn, trừ hàng ria ở môi trên tôi xén tỉa thành một cặp ria mép to tướng kiểu Hồi giáo(7) như ria vài gã Thổ Nhĩ Kì tôi gặp ở Xa-lê(8), vì người Ma-rốc không để ria theo kiểu như người Thổ; tôi chẳng dám nói cặp ria mép ấy dài đến mức có thể dùng treo mũ của tôi; nhưng chiều dài và hình dáng kì quái của chúng cũng khiến cho mọi người phải khiếp sợ nếu như là ở nước Anh.

(Đ. Đi-phô(*), Rô-bin-xơn Cru-xô,

Tủ sách cho mọi nhà, Luân Đôn, 1992.

Đoạn trích do NBS dịch và đặt nhan đề)

Chú thích:

(*) Đe-ni-ơn Đi-phô (1660 – 1731) là nhà văn lớn của Anh thế kỉ XVIII. Ông đến với tiểu thuyết khá muộn, khi đã gần sáu mươi tuổi. Rô-bin-xơn Cru-xô (1719) là tiểu thuyết đầu tay và cũng nổi tiếng nhất của ông. Sau đó ông còn viết một cuốn khác như Thủ lĩnh Xin-gơn-tơn (1720), Rô-xa-na (1724)…

Văn bản Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang trích từ tiểu thuyết Rô-bin-xơn Cru-xô. Tác phẩm được viết dưới hình thức tự truyện. Rô-bin-xơn, tức Rô-bin-xơn Cru-xô, xưng “tôi” tự kể chuyện mình. Một ngày cuối tháng chín năm 27 tuổi, Rô-bin-xơn quê ở miền Y-oóc-sai, nước Anh, bị bão đắm tàu, một mình sống sót dạt vào đảo hoang không có dấu chân người. Sau 28 năm 2 tháng 19 ngày, Rô-bin-xơn, khi ấy đã 55 tuổi, mới trở về được nước Anh. Đoạn trích Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang kể chuyện lúc Rô-bin-xơn đã một mình sống ngoài đảo hoang khoảng 15 năm.

(1) Trang bị: ở đây là các vật dụng mang theo người.

(2) Kì cục: khác thường đến mức vô lí.

(3) Gùi: giỏ lớn đan bằng tre hoặc mây đeo sau lưng bằng hai quai vàng qua vai.

(4) Chín hoặc mười độ miền xích đạo: vị trí của đảo hoang nơi Rô-bin-xơn bị đắm tàu và dạt vào.

(5) Hơn một gang tay: nguyên văn viết là khoảng một phần tư iat (iat là đơn vị đo chiều dài của Anh, bằng 0,914m).

(6) Kéo, dao cạo: những vật dụng này, cũng như cái cưa, cái rìu, khầu súng, thuốc đạn trên kia là do Rô-bin-xơn vớt được mang lên đảo từ ngày con tàu bị đắm.

(7) Kiểu Hồi giáo: kiểu (để ria mép) của những người theo đạo Hồi.

(8) Xa-lê: hải cảng của Ma-rốc, một nước ở Bắc Phi. Rô-bin-xơn trước khi bị đắm tàu, dạt vào đảo hoang, đã có lần đến hải cảng này.

Hướng dẫn soạn bài – Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang

I. Tóm tắt:

Rô-bin-xơn là một chàng trai dũng cảm người Anh, ưa mạo hiểm, khao khát đến những vùng đất lạ. Một lần bị bão đắm tàu, chàng một mình sống sót dạt vào đảo hoang. Chàng lên đảo, làm lán trại, săn bắn, kiếm ăn,…để duy trì cuộc sống trên đảo. Đến năm thứ 25, Rô-bin-xơn do tình cờ cứu được một tù binh da đen sắp bị thổ dân hành hình, chàng đặt tên cho nạn nhân là Thứ Sáu. Ít lâu sau, chàng lại cứu được hai tù binh, từ đó hoang đảo có 4 người. Một hôm có chiếc tàu ghé đến đậu sau đảo hoang. Bọn thủy thủ nổi loạn trói thuyền trưởng, thuyền phó giải lên bờ định giết. Chàng cứu vị thuyền trưởng và họ trở về Tổ quốc.

II. Bố cục

– Phần 1 (từ đầu…như dưới đây): nhà văn tự ngẫm và giới thiệu bản thân.

– Phần 2 (tiếp … khẩu súng của tôi): trang phục và trang bị của Rô-bin-xơn.

– Phần 3 (còn lại): diện mạo của Rô-bin-xơn.

III. Hướng dẫn soạn chi tiết bài Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang

Giải câu 1 (Trang 129 SGK ngữ văn 9 tập 2)

Xét xem nếu phải tách đoạn cuối cùng của văn bản thành hai đoạn riêng biệt thì nên ngắt ra ở chỗ nào. Tìm bố cục của văn bản và đặt tiêu đề cho từng phần.

Trả lời:

– Nếu ngắt thành 2 đoạn thì nên tách ở chỗ “Còn diện mạo tôi…”

– Bố cục văn bản:

+ Phần 1 (đoạn 1): Mở đầu.

+ Phần 2 (đoạn 2, 3): Trang phục của Rô-bin-xơn.

+ Phần 3 (Từ “Quanh người tôi…” đến “bên khẩu súng của tôi”): Trang bị của Rô-bin-xơn.

+ Phần 4 (còn lại): Diện mạo của Rô-bin-xơn.

Giải câu 2 (Trang 129 SGK ngữ văn 9 tập 2)

Vị trí và độ dài phần Rô-bin-xơn kể về diện mạo của chàng có gì đáng chú ý so với các phần khác? Thử giải thích vì sao lại như vậy nếu xem xét từ góc độ nhân vật xưng “tôi” tự kể chuyện mình.

Trả lời:

– Phần miêu tả diện mạo chỉ chiếm một dung lượng ít ỏi (hơn mười dòng).

– Điều này có nguyên nhân từ ngôi kể chuyện. Chuyện được kể từ ngôi thứ nhất. Rô-bin-xơn tự miêu tả về mình, do đó chàng chỉ có thể miêu tả những gì chàng trông thấy mà thôi, đặc biệt là bộ ria mép.

Giải câu 3 (Trang 129 SGK ngữ văn 9 tập 2)

Cuộc sống hết sức khó khăn của Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang vào thời gian này hiện lên thấp thoáng qua những chi tiết của bức chân dung tự họa ấy ra sao?

Trả lời:

Rô-bin-xơn đã sống một mình ngoài đảo hoang trên mười năm. Mọi trang phục của chàng hầu hết đều bằng da dê: “bộ quần áo” là những tấm da dê buộc túm lại, ủng cũng bằng da dê, thậm chí cả bao đựng đạn cũng bằng da dê. Bên cạnh đó là những vật dụng khác: dao kiếm, cưa, rìu…

⇒ Cuộc sống của Rô-bin-xơn khi đó vất vả, khó khăn như thế nào.

⇒ Nghị lực phi thường, một ý chí sắt đá, một bản lĩnh sống không gì khuất phục nổi.

Giải câu 4 (Trang 130 SGK ngữ văn 9 tập 2)

Tinh thần lạc quan bất chấp mọi gian khổ của Rô-bin-xơn được thể hiện như thế nào qua bức chân dung tự họa và qua giọng kể của nhân vật?

Trả lời:

Rô-bin-xơn đã tưởng tượng: “Nếu có ai đó ở nước Anh gặp một kẻ như tôi lúc bấy giờ, chắc tôi sẽ làm cho họ hoảng sợ hoặc phá lên cười sằng sặc… áo quần như vậy…”. Ngay lúc đó nhân vật cũng đang “phá lên cười sằng sặc” bởi cái bộ dạng kì quái của mình. Từ cái mũ “to tướng, cao lêu đêu chẳng ra hình thù gì”, chiếc áo có vạt “dài tới khoảng lưng chừng hai bắp đùi” cho đến cái quần “loe đến đầu gối”, lại thêm một đôi chẳng biết nên gọi là bít tất hay là giày, tất cả đều bằng da dê. Chỉ qua trang phục thôi, chúng ta cũng đã thấy ý chí và nghị lực của nhân vật lớn đến mức nào. Thay vì bị hoàn cảnh éo le khuất phục, Rô-bin-xơn đã không ngừng lao động, cải tạo nó để nó phục vụ cho cuộc sống của mình.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang

Câu 1. Xét xem nếu phải tách đoạn cuối cùng của văn bản thành hai đoạn riêng biệt thì nên ngắt ra ở chỗ nào. Tìm bố cục của văn bản và đặt tiêu đề cho từng phần.

Trả lời:

Có thể tách đoạn cuối cùng của văn bản thành hai đoạn:

– Đoạn 1 (Quanh người tôi … khẩu súng của tôi) : trang bị của Rô-bin-xơn.

– Đoạn 2 (Còn về diện mạo … hết) : diện mạo của Rô-bin-xơn.

Bài văn có thể chia làm bốn phần:

– Phần 1 (đoạn 1): mở đầu.

– Phần 2 (đoạn 2, 3): trang phục của Rô-bin-xơn.

– Phần 3 (Từ “Quanh người tôi…” đến “bên khẩu súng của tôi”): trang bị của Rô-bin-xơn.

– Phần 4 (còn lại): diện mạo của Rô-bin-xơn.

Câu 2. Vị trí và độ dài phần Rô-bin-xơn kể về diện mạo của chàng có gì đáng chú ý so với các phần khác? Thử giải thích vì sao lại như vậy nếu xem xét từ góc độ nhân vật xưng “tôi” tự kể chuyện mình.

Trả lời:

Trong bài văn, phần miêu tả diện mạo chỉ chiếm một dung lượng ít ỏi (hơn mười dòng). Điều này có nguyên nhân từ ngôi kể chuyện. Chuyện được kể từ ngôi thứ nhất. Rô-bin-xơn tự miêu tả về mình, do đó chàng chỉ có thể miêu tả những gì chàng trông thấy mà thôi, điển hình là bộ ria mép. Ngược lại, các chi tiết về trang bị vũ khí, trang phục lại được miêu tả khá kỹ.

Đây cũng là một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Bằng cách kể theo ngôi thứ nhất, từ góc nhìn như vậy, tác giả có thể miêu tả một bộ dạng kỳ khôi, thu hút sự chú ý của bạn đọc.

Câu 3. Cuộc sống hết sức khó khăn của Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang vào thời gian này hiện lên thấp thoáng qua những chi tiết của bức chân dung tự họa ấy ra sao?

Trả lời:

Rô-bin-xơn đã sống một mình ngoài đảo hoang trên mười năm. Mọi trang phục của chàng hầu hết đều bằng da dê: “bộ quần áo” là những tấm da dê buộc túm lại, ủng cũng bằng da dê, thậm chí cả bao đựng đạn cũng bằng da dê. Bên cạnh đó là những vật dụng khác: dao kiếm, cưa, rìu… Chỉ qua trang phục và các vật dụng chàng mang trên người cũng đủ thấy cuộc sống của Rô-bin-xơn khi đó vất vả, khó khăn như thế nào, đồng thời cũng cho ta thấy một nghị lực phi thường, một ý chí sắt đá, một bản lĩnh sống không gì khuất phục nổi.

Câu 4. Tinh thần lạc quan bất chấp mọi gian khổ của Rô-bin-xơn được thể hiện như thế nào qua bức chân dung tự họa và qua giọng kể của nhân vật?

Trả lời:

Tuy cuộc sống cam go như thế, nhưng tuyệt nhiên Rô-bin-xơn không có lấy một lời than vãn nào. Với trang phục kì dị kèm theo các đồ lề linh kỉnh cả rìu với cưa chúng ta ngỡ ông là một vị chúa đảo trị vì oai vệ trên đảo quốc của mình.

Giọng kể chuyện của Rô-bin-xơn đượm vẻ hài hước thể hiện tinh thần lạc quan của ông. Đặc biệt là đoạn Rô-bin-xơn nói về bộ ria mép với cách chăm sóc, xén tỉa. Ông còn so sánh thật buồn cười là bộ ria mép to tướng, vểnh cao ấy với cái mắc áo để treo mũ.

Hoàn cảnh như Rô-bin-xơn là khó khăn cực kì. Ở hoàn cảnh ấy rât nhiều người sẽ nản lòng, tuyệt vọng. Nhưng Rô-bin-xơn khác hẳn. Ông bám chắc cuộc sống, phấn đấu làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Ông không bị thiên nhiên khuất phục mà đã khuất phục thiến nhiên.

Đó là bài học chúng ta rút ra được từ câu chuyện về ông.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status