Soạn bài Ra-ma buộc tội (trích Ra-ma-ya-na – sử thi Ấn Độ – Van-Mi-Ki) trang 55 – 60 SGK ngữ văn lớp 10 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Ra-ma buộc tội, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.
RA-MA BUỘC TỘI
(Trích Ra-ma-ya-na – sử thi Ấn Độ)
TIỂU DẪN
Ra-ma-ya-na và Ma-ha-bha-ra là hai sử thi Ấn Độ nổi tiếng, có ảnh hưởng sâu rộng, lâu bền trong văn học, văn hóa không những của dân tộc Ấn mà còn của nhiều nước Đông Nam Á. Ra-ma-ya-na hình thành vào khoảng thế kỉ III trước Công nguyên, duco975 bổ sung, chau chuốt bởi nhiều thế hệ tu sĩ – thi nhân và đạt đến hình thức hoàn thiện cuối cùng nhờ đạo sĩ Van-mi-ki. Tác phẩm bao gồm 24000 câu thơ đôi (một câu thơ đôi gồm hai dòng thơ).
Ra-ma-ya-na là câu chuyện kể về những kì tích của Ra-ma, hoàng tử trưởng của nhà vua Đa-xa-ra-tha muốn truyền ngôi báu cho Ra-ma, thì do lòng đố kị, thứ phi Ka-kê-i nhắc lại một ân huệ cũ, buộc nhà vua đày ải Ra-ma vào rừng 14 năm, trao vương quốc cho con trai bà là Bha-ra-ta. Ra-ma vâng lệnh. Vợ chàng, Xi-ta, cùng người em trai thân thiết nhất của chàng, Lắc-ma-na, tình nguyện theo Ra-ma chịu lưu đày.Khi thời hạn lưu đày sắp hết thì xảy ra một tai biến lớn. Quỷ Ra-va-na đã dùng mưu bắt cóc Xi-ta, cuốn nàng trong vạt áo, bay về đảo Lan-ka. Mất Xi-ta, Ra-ma đau buồn khôn xiết. Trên đường đi tìm Xi-ta, Ra-ma gặp và giúp đỡ vua khỉ Xu-gri-va chống lại người anh trai bất công, giành lại vợ và vương quốc. Do đó, chàng được vua khỉ Xu-gri-va, tướng khỉ Ha-nu-man cùng đoàn quân khỉ giúp sức vượt biển, tấn công đảo Lan-ka. Sau cùng, Ra-ma hạ thủ Ra-va-na trong giao tranh, giải cứu Xi-ta. Vợ chồng gặp lại nhau, nhưng nghi ngờ Xi-ta không còn trọn vẹn danh tiết sau những ngày tháng trong tay quỷ, Ra-ma tuyên bố từ bỏ nàng. Xi-ta thanh minh không được, đành bước lên giàn hỏa thiêu. Chứng giám đức hạnh của Xi-ta, thần Lửa đã đem nàng trả lại cho Ra-ma. Anh hùng Ra-ma cùng người vợ thủy chung Xi-ta quay trở về kinh đô, cai quản đất nước, khiến cho muôn dân được sống trong thái bình, thịnh trị.
Hơn hai ngàn năm qua, những nhân vậ lí tưởng như Ra-ma, Xi-ta, Lắc-ma-na, Ha-nu-man,…luôn luôn sống động và nuôi dưỡng tinh thần, đạo đức dân tộc Ấn Độ. Ra-ma-ya-na cũng được xưng tụng như kiệt tác thi ca đầu tiên của Ấn Độ, đặc biệt thành công trong miêu tả thiên nhiên tràn đầy sức sống và chan chứa tình người, thể hiện nội tâm nhân vật sâu sắc và chân thực. Người Ấn Độ tin rằng: Chừng nào sông chưa cạn, núi chưa mòn thì Ra-ma-ya-na còn làm say đắm lòng người và cứu vớt họ thoát khỏi tội lỗi.
VĂN BẢN
Gia-na-ki(1) khiêm nhường đứng trước Ra-ma. Ra-ma nói: “Hỡi phu nhân cao quý! Ta đưa nàng tới đây sau khi đã đánh bại kẻ thù. Ta đã làm tất cả bằng khả năng của mình. Ta đã trả thù kẻ lăng nhục ta và cơn giận của ta đã hả. Ngày hôm nay, ai nấy đều đã được chứng kiến tài nghệ của ta. Ta đã làm tròn lời hứa, và giờ đây không còn gì vướng mắc với chính mình. Nàng đã bị gã Rắc-sa-xa(2) tâm địa xảo trá bắt cóc khi vắng mặt ta, đó là do số phận nàng xui nên, nhưng ta đã gỡ cho nàng khỏi điều vu khống. Kẻ nào bị quân thù lăng nhục mà không đem tài nghệ của mình ra để trả thù là kẻ tầm thường. Ngày hôm nay, việc chàng Ha-nu-man hảo hán vượt biển cả đã kết thúc thành công; việc đốt phá lan-ka và những kì tích khác đã đem lại vinh quang. Ngày hôm nay, tài nghệ và những lời khuyên sáng suốt của Vi-phi-sa-na(3) đã hoàn toàn được chứng tỏ; cả những cố gắng của chàng cũng thành công tốt đẹp, chàng đã từ bỏ người anh bất hảo của mình, ủng hộ đại nghĩa của ta và nương tựa vào ta”.
Nghe những lời đó, Gia-na-ki mở tròn đôi mắt đẫm lệ. Thấy người đẹp khuôn mặt bông sen với những cuộn tóc lượn sóng đứng trước mặt mình, lòng Ra-ma đau như dao cắt. Nhưng vì sợ tai tiếng, chàng bèn nói với nàng, trước mặt những người khác: “Để trả thù sự lăng nhục, ta đã làm những gì mà một con người phải làm: ta đã tiêu diệt Ra-va-na. Cũng như đại đạo sĩ A-ga-xti-a nhờ công sám hối, khổ hạnh đã giải thoát cho các xứ phương Nam khỏi nỗi kinh khiếp đối với In-van và Va-ta-pi(4), ta cũng giải thoát cho cõi thế gian này khỏi mối lo sợ Ra-va-na.
Phải biết chắc điều này: chẳng phải vì nàng mà ta đánh thắng kẻ thù với sự giúp đõ của bạn bè. Ta làm điều đó vì nhân phẩm của ta, để xóa bỏ vết ô nhục, để bảo vệ uy tín và danh dự của dòng họ lẫy lừng tiếng tăm của ta. Ta làm điều đó chính là để chứng tỏ ta không thuộc về một gia đình bình thường. Nay ta phải nghi ngờ tư cách của nàng, vì nàng đã lưu lại trong nhà một l\kẻ xa lạ. Giờ đây, nàng đang đứng trước mặt ta, nhưng trông thấy nàng, ta không chịu nổi, chẳng khác nào ánh sáng đối với người bị đau mắt. Vậy ta nói cho nàng hay, nàng muốn đi đâu tùy nàng, ta không ưng có nàng nữa. Người đã sinh trưởng trong một gia đình cao quý có thể nào lại lấy một người vợ từng sống trong nhà kẻ khác, đơn giản chỉ vì mụ ta là một vật để yêu đương? Nàng đã bị quấy nhiễu khi ở trong vạt áo của Ra-va-na, đôi mắt tội lỗi của hắn đã hau háu nhìn khắp người nàng, vậy làm sao ta có thể nhận nàng về khi nghĩ tới gia đình cao quý đã sinh ra ta?
Nay mục đích cứu nàng đã đạt được rồi, ta không cần đến nàng nữa. Nàng muốn đi đâu tùy ý. Hỡi phu nhân cao quý! Ta nói rõ cho nàng hay, chẳng chút quanh co, ngập ngừng: nàng có thể để tâm đến Lắc-ma-na, Bha-ra-ta, Xa-tru-na(5), Xu-gri-va(6), hay nếu nàng thích, nàng có thể đi theo Vi-phi-sa-na cũng được…
Thấy nàng yêu kiều xinh đẹp, lại có được nàng trong nhà hắn, Ra-va-na đâu có chịu đựng được lâu”.
Nghe những lời giận dữ đó của Ra-ma, Gia-na-ki đau đớn đến nghẹt thở, như một cây dây leo bị vòi voi quật nát. Nghe những lời tố cáo chưa từng có, trước mặt đông đủ mọi người, Gia-na-ki xấu hổ cho số kiếp của nàng. Nàng muốn tự chôn vùi cả hình hài thân xác của mình. Mỗi lời nói của Ra-ma xuyên vào trái tim nàng như một mũi tên. Nước mắt nàng đổ ra như suối. Lấy tà áo lau nước mắt, rồi bằng giọng nghẹn ngào, nức nở, nàng nói: “Cớ sao chàng lại dùng những lời lẽ gay gắt khó tả như vậy đối với thiếp, giống như một kẻ thấp hèn chửi mắng một con mụ thấp hèn? Thiếp đâu phải là người như chàng tưởng! Thiếp có thể lấy tư cách của mình ra mà thề, hãy tin vào danh dự của thiếp. Suy từ hành vi của loại phụ nữ thấp hèn, chàng đã ngờ vực tất cả giới phụ nữ, nhưng như thế đâu có phải. Nếu chàng có hiểu biết thiếp chút đỉnh thì xin hãy từ bỏ mối ngờ vực không căn cứ đó đi.
Chàng xem, Ra-va-na đã đụng tới thiếp khi mà thiếp đang chết ngất đi, làm thế nào tránh được? Vế điều đó, chỉ có số mệnh của thiếp là đáng bị chê trách, nhưng những gì nằm trong vòng kiểm soát của thiếp, tức trái tim thiếp đây, là thuộc về chàng.
Thiếp có thể làm gì với cái thân thiếp đây, bởi nó có thể phụ thuộc vào kẻ khác, khi thiếp hoàn toàn ở dưới quyền lực của hắn. Thiếp còn gì là thanh danh, nếu như chàng vẫn chưa hiểu được thiếp qau tình yêu của thiếp và qua tiếp xúc với tâm hồn của thiếp. Hồi chàng phái Ha-nu-man(7) tới dò tin tức về thiếp, cớ sao chàng không gửi cho thiếp lời nhắn nhủ chàng từ bỏ thiếp? Nếu thế thì thiếp đã kết liễu đời mình ngay trước mặt chàng Va-na-ra(8) đó rồi. Mà sự thể đã như vậy, thì chàng chẳng cần phải mạo hiểm để có thể nguy hại đến thân mình; và các bạn hữu của chàng đã khỏi phải chịu đựng những phiền muộn, đau khổ. Hỡi đức vua! Như một người thấp hèn bị cơn giận giày vò, Người đang nghĩ về thiếp như một phụ nữ tầm thường. Tên thiếp là Gia-na-ki, bởi vì thiếp có liên quan đến lễ tế sinh của nhà vua Gia-na-ka chứ không phải vì thiếp sinh ra trong gia đình đó; chỉ có nữ thần Đất là mẹ của thiếp thôi. Vì không thể suy xét cho đúng đắn, chàng đã không hiểu được bản chất của thiếp. Chàng không nghĩ đến vì sao hồi còn thanh niên chàng đã cưới thiếp. Tình yêu của thiếp, lòng trung thành của thiếp nay xem ra hoàn toàn vô ích!”.
Nói dứt lời, Gia-na-ka òa khóc. Nàng nói với Lắc-ma-na lúc này đang buồn bã và suy nghĩ ủ ê: “Hỡi Lắc-ma-na, em hãy chuẩn bị cho chị một giàn hỏa thiêu. Với nông nỗi đáng buồn hiện nay, đó là phương thức duy nhất cho chị. Chị không muốn sống sau những lời tố cáo lầm lạc như vậy. Chồng chị không hài lòng về chị, chàng đã ruồng rẫy chị trước mặt mọi người. Giờ thì chị sẽ từ bỏ tấm thân này cho ngọn lửa”.
Cố nén cơn giận, Lắc-ma-na nhìn Ra-ma, và qua nét mặt, cử chỉ của người anh, Lắc-ma-na đoán được động cơ của anh. Chàng chuẩn bị một giàn hỏa thiêu cho Xi-ta.
Vào lúc đó, chẳng có ai trong đám bạn hữu dám nói gì với Ra-ma, hoặc nhìn vào chàng; lúc đó nom chàng khủng khiếp như thần Chết vậy.
Ra-ma vẫn ngồi, mắt dán xuống đất, Xi-ta lượn quanh chàng rồi bước tới giàn lửa. Sau khi cúi lạy chư thần, đấng Bra-ma(9), nàng thứa với thần Lửa A-nhi(10): “Nếu con trước sau một lòng một dạ với ra-ma thì cúi xin thần hãy tìm cách bảo vệ con. Ra-ma đã coi một phụ nữ trinh tiết như một kẻ gian dối, nhưng nếu con trong trắng, xin thần A-nhi phù hộ cho con”.
Nói dứt lời, Gia-na-ki lượn quanh giàn thiêu rồi dũng cảm bước vào ngọn lửa. Ai nấy, già cũng như trẻ, đau lòng đứt ruột xem nàng Gia-na-ki đứng trong giàn hỏa. Trước mặt mọi người, trang tuyệt sắc giai nhân đó nạp mình cho lửa. Các bậc thánh, các chư thần nhìn Gia-na-ki bước vào lửa, chẳng khác một lễ vật trong lễ tế sinh.
Thấy nàng như vậy, như một thiên thần bị đuổi khỏi trời do một thần chú nguyền rủa, các phụ nữ bật tiếng khóc thảm thương. Cả loài Rắc-sa-xa lẫn loài Va0na-ra cùng kêu khóc vang trời trước cảnh tượng đó.
(VAN-MI-KI, Ra-ma-ya-na,
theo bản dịch ra văn xuôi của PHẠM THỦY BA,
NXB Văn học, Hà Nội, 1989)
Chú thích:
(1) Gia-na-ki: một tên khác của Xi-ta, gọi theo tên nhà vua Gia-na-ka. Khi cày đất chuẩn bị cho lễ tế sinh, vua Gia-na-ka thấy một bé gái xinh đẹp trên luống cày liền mang về nuôi, đặt tên là Xi-ta (có nghĩa Luống cày). Xi-ta chính là con của nữ thần Đất Mẹ Pri-thi-vi.
(2) Rắc-sa-xa: một loài yêu quỷ. Ra-va-na, kẻ bắt cóc Xi-ta, là vua của yêu quỷ Rắc-sa-xa sống trên đảo Lan-ka.
(3) Vi-phi-sa-na: em trai của Ra-va-na. Khuyên Ra-va-na trả Xi-ta lại cho Ra-ma không được, Vi-phi-sa-na đã từ bỏ người anh tội lỗi của mình sang chiến đấu bên phe của Ra-ma. Sau khi tiêu diệt Ra-va-na, Ra-ma đưa Vi-phi-sa-na lên ngôi cai trị đảo Lan-ka.
(4) In-van và Va-ta-pi là hai anh em yêu quỷ độc ác thường ăn thịt các tu sĩ Bà La Môn. Chúng bị đạo sĩ A-ga-xti-a tiêu diệt.
(5) Xa-tru-na: em của Ra-ma (cũng như Bha-ra-ta, Lắc-ma-na).
(6) Xu-gri-va: vua của loài khỉ Va-na-ra sống ở núi rừng trên cao nguyên Đê-can, miền Nam Ấn Độ.
(7) Ha-nu-man: một tướng tài ba, dũng cảm của loài khỉ Va-na-ra.
(8) Chàng Va-na-ra: ở đây chỉ Ha-nu-man.
(9) Bra-ma: thần Sáng tạo, một trong ba vị thần tối cao của đạo Bà La Môn.
(10) A-nhi: thần Lửa, rất quan trọng trong văn hóa Ấn Độ. Trong lễ hiến tế, con người dâng lễ vật trên giàn lửa, A-nhi đóng vai trò trung gian giữa con người và các vị thần. Trong hôn lễ, cô dâu và chú rễ đi vòng quanh lửa thiêng bảy vòng, thần A-nhi làm chứng cho sự thề nguyền thủy chung suốt đời của họ. Thần Lửa có mặt ở khắp mọi nơi, biết tất cả mọi hành động tốt, xấu mà con người đã làm, nên nghi lễ thử lửa được tin là có thể kiểm chứng đức hạnh người ta. Lửa còn có sức mạnh thanh tẩy. Hỏa táng là nghi lễ tang ma của Ấn Độ được xem như lễ tế sinh cuối cùng mà người chết dâng mình như một lễ vật cho thần linh.
Hướng dẫn soạn bài – Ra-Ma buộc tội
I. Bố cục
– Phần 1 (từ đầu đến “Ra-va-na đâu có chịu đựng được lâu”): Lời buộc tội của Ra-ma đối với Xi-ta.
– Phần 2 (đoạn còn lại): Lời mình oan cho bản thân mình của Xi-ta và quyết định bước vào giàn hỏa thiêu để chứng minh sự trong sạch của nàng.
II. Tóm tắt
Ra-ma-ya-na là câu chuyện kể về những kì tích của Ra-ma, hoàng tử của nhà vua. Vì lòng đố kị mà bị đày ải vào rừng 14 năm. Vợ chàng là Xi-ta cùng người em trai thân thiết nhất tình nguyện theo Ra-ma chịu lưu đày. Khi thời hạn lưu đày sắp hết, quỷ Ra-va dùng mưu bắt cóc Xi-ta. Ra-ma lại bắt đầu hành trình giải cứu vợ, trải qua nhiều gian khó, hoạn nạn, Ra-ma cuối cùng giải cứu được Xi-ta, giành lại vương quốc. Đoạn trích Ra-ma buộc tội bắt đầu từ khi vợ chồng gặp lại nhau, nhưng Ra-ma nghi ngờ Xi-ta không còn trọn vẹn danh tiết, Ra-ma tuyên bố từ bỏ nàng. Xi-ta không thể thanh minh cho mình, bèn bước lên giàn hỏa thiêu, nhờ thần Lửa chứng minh sự trong sạch khiến mọi người chứng kiến thương tiếc vô cùng.
Đoạn trích là thử thách cuối cùng của Ra-ma và Xi-ta trên con đường tìm về với hạnh phúc và danh vọng. Bằng lối kể chuyện giàu kịch tính và nghệ thuật khắc họa tính cách rất điển hình, tác giả đã cho chúng ta thấy được quan niệm của người ấn Độ cổ đại về người anh hùng, về đường quân vương mẫu mực và về người phụ nữ lí tưởng trong xã hội.
III. Hướng dẫn soạn chi tiết bài Ra-Ma buộc tội
Giải câu 1 (Trang 59 SGK ngữ văn 10 tập 1)
Sau chiến thắng, Ra-ma và Xi-ta gặp lại nhau trước sự chứng kiến của “mọi người”. Công chúng đó bao gồm những ai?
a) Anh em, bạn hữu của Ra-ma.
b) Đội quân của loài khỉ Va-na-ra.
c) Quan quân, dân chúng của loài quỷ Rắc-sa-xa.
d) Tất cả những đối tượng trên.
Hoàn cảnh ấy có tác động như thế nào đến tâm trạng, ngôn ngữ đối thoại của Ra-ma, Xi-ta? (Phân tích những câu cho thấy ý thức của Ra-ma, Xi-ta về tình thế “trước mặt những người khác”, “trước mặt đông đủ mọi người”,…)
Trả lời:
a) Công chúng đó bao gồm: anh em, bạn hữu của Ra-ma, đội quân của loài khỉ Va-na-ra, quan quân, dân chúng của loài quỷ Rắc-sa-xa => Đáp án D: Tất cả những đối tượng trên
b) Sự tác động của hoàn cảnh đến tâm trạng, ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật:
– Nhân vật Ra-ma: Khi đứng trước rất nhiều người, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, Ra-ma không chỉ đứng trên tư cách một người chồng mà còn trên tư cách một người anh hùng, một đức vua. Tư cách kép ấy khiến Ra-ma phải có những thái độ ứng xử phù hợp. Chàng không thể nói nguyên nhân của cuộc chiến kia chỉ đơn thuần là cứu người vợ của mình mà còn phải nói rõ rằng lí do của cuộc chiến là để lấy lại danh dự của dòng tộc chàng (dù chàng có yêu thương, xót xa cho người vợ thì vẫn phải giữ bổn phận gương mẫu của một đức vua anh hùng).
– Nhân vật Xi-ta: Xi-ta vừa là người vợ của Ra-ma, đồng thời cũng là hoàng hậu của một nước. Lời của nàng nói không phải chỉ hướng vào Ra-ma mà còn là hướng vào tất cả mọi người có mặt ở đó, do vậy mọi lời nàng nói ra đều phải cẩn trọng, làm sao để mọi người hiểu được tấm lòng của nàng đối với chồng và giữ được sự cao quý của một hoàng hậu.
Giải câu 2 (Trang 59 SGK ngữ văn 10 tập 1)
Theo lời tuyên bố của Ra-ma:
– Chàng giao tranh với quỷ Ra-va-na, tiêu diệt hắn để giải cứu Xi-ta vì động cơ gì?
a) Danh dự người anh hùng bị xúc phạm khi Ra-va-na dám cướp vợ của chàng.
b) Tình yêu thương của người chồng đối với vợ, khát khao đoàn tụ vợ chồng.
c) Cả hai lí do trên.
– Chàng ruồng bỏ Xi-ta vì lí do gì?
a) Danh dự không cho phép người anh hùng chấp nhận một người vợ đã chung chạ với kẻ khác.
b) Sự ghen tuông của người chồng không chấp nhận người vợ đã chung chạ với kẻ khác.
c) Cả hai lí do trên.
Phân tích những từ ngữ lặp đi lặp lại nhiều trong lời nói của Ra-ma cho thấy ý chí, tâm trạng của chàng.
Phân tích thái độ của Ra-ma khi Xi-ta bước lên giàn lửa.
Trả lời:
a) Theo lời tuyên bố của Ra-ma thì chàng giao tranh với quỷ Ra-va-na, tiêu diệt hắn để giải cứu Xi-ta vì danh dự người anh hùng bị xúc phạm khi Ra-va-na dám cướp vợ của chàng => Đáp án A
b) Chàng ruồng bỏ Xi-ta vì danh dự không cho phép người anh hùng chấp nhận một người vợ đã chung chạ với kẻ khác (“Người đã sinh trưởng… một vật để yêu đương). Tuy nhiên cũng không phủ nhận được rằng trong thái độ ruồng bỏ Xi-ta của Ra-ma có “sự ghen tuông của người chồng” => Đáp án C
c) Trong lời nói của mình, Ra-ma lặp lại nhiều nhất những từ ngữ liên quan đến tài nghệ và nhất là danh dự (“nhân phẩm”, “uy tín”, “tiếng tăm”, “gia đình cao quý”…) của đức anh hùng. Chàng hiểu sâu sắc vai trò của chàng cũng như các khuôn mẫu của xã hội để dân chúng noi theo. Do đó, dù rất đau khổ và thương yêu vợ của mình, Ra-ma vẫn phải giữ trọn bổn phận: trước mặt mọi người, chàng nén lòng để nói “những lời gay gắt khó tả”, những lời “tàn nhẫn chưa từng có” dù cho những lời ấy có thể làm tổn thương đến Xi-ta, anh em, bạn hữu của chàng (“nàng có thế để tâm đến…Vi-phi-sa-na cũng được”). Bên cạnh đó là sự lúng túng, bối rối và không đành lòng nơi chàng khi chàng nói, dù với thái độ dứt khoát (“phải biết chắc điều này…”, “ta nói rõ cho nàng hay…”)
d) Khi Xi-ta bước lên giàn lửa, trong lòng của Ra-ma cũng đang chịu thử thách thật dữ dội, sự căng thẳng và có phần bất lực khi chỉ dám đứng nhìn người vợ yêu thương của mình bước gần tới sự đau đớn và cái chết (“Vào lúc đó, chẳng có ai trong…mắt dán xuống đất).
Giải câu 3 (Trang 60 SGK ngữ văn 10 tập 1)
Trong lời đáp của mính, Xi-ta đã nhấn mạnh như thế nào về:
– Sự khác biệt giữa tư cách, đức hạnh của nàng và loại phụ nữ tầm thường, thấp kém?
– Sự khác biệt giữa điều tùy thuộc vào số mệnh của nàng, vào quyền lực kẻ khác (“cái thân thiếp đây”) và điều trong vòng kiểm soát của nàng (“trái tim thiếp đây”) ?
Từ vai trò của thần A-nhi trong văn hóa Ấn Độ, có thể hiểu như thế nào về quyết định bước lên giàn hỏa và những lời cấu khấn thần A-nhi của nàng Xi-ta?
Trả lời:
– Trong lời đáp của mình, Xi-ta đi từ sự đau đớn, mất tự chủ đến sự bình tĩnh, lấy lại được vị thế của mình (“Lấy tà áo lau nước mắt… nức nở, nàng nói), những lời nói của nàng dụ dàng màn đầy sức mạnh, thấu tình đạt lí:
+ Xi-ta khẳng định tư cách, phẩm hạnh của mình, đưa ra những lời trách khi Ra-ma không suy xét chính chắn mà so sánh nàng ngang hàng với hạng phụ nữ tầm thường: có thể những người phụ nữ kia sẽ thay lòng đổi dạ khi ở trong hoàn cảnh của nàng, nhưng nàng thì không. Xét cho cùng, một người phụ nữ đã từ bỏ cung điện sa hoa để theo chồng vào rừng chịu khổ, người con gái được sinh ra bởi Đất Mẹ không thể bị đánh đồng với hạng phụ nữ tầm thường kia được.
+ Xi-ta phân biệt giữa sự phụ thuộc vào số mệnh của nàng, quyền lực của kẻ khác và điều trong vòng kiểm soát của nàng: Việc nàng bị bắt cóc và bị quỷ Ra-va-na động chạm xảy ra khi nàng bị ngất đi, đây là việc ngoài ý muốn của nàng. Còn trái tim cùng tình yêu, những thứ nàng chủ động vẫn luôn dành trọn cho Ra-ma. Nàng nhắc lại việc Ha-nu-man ngỏ ý muốn cõng nàng đến gặp chồng nhưng nàng từ chối như một minh chứng khẳng định thêm cho sự trong sạch của mình.
– A-nhi – thần Lửa là một vị thần rất quan trọng trong văn hóa của người Ấn Độ. Thần Lửa có mặt ở khắp mọi nơi nên có thể biết được mọi hành động tốt, xấu của con người đã làm. Nghi lễ thử lửa cũng vì thế mà được tin rằng có thể kiểm chứng đức hạnh của người phụ nữ. Việc Xi-ta chọn cách tự thiêu mình và lời cầu khấn của ngàng trước khi bước vào giàn lửa là một phép thử để chứng minh tiết hạnh của bản thân, hành động này vừa hào hùng vừa bi thương. Xi-ta đã nhờ đến thần Lửa để chứng minh phẩm tiết thủy chung của nàng đối với người chồng trước mặt tất cả mọi người, đem lại một cái kết đẹp hơn cho câu truyện.
Giải câu 4 (Trang 60 SGK ngữ văn 10 tập 1)
Phân tích thái độ của công chúng khi chứng kiến Xi-ta nạp mình cho lửa. Cảm nghĩ của anh (chị) trước cảnh Xi-ta bước vào lửa.
Trả lời:
Chứng kiến cảnh Xi-ta bước chân vào gian lửa đang cháy lớn là một cảnh đêm đến cho người chứng kiến nhiều cảm xúc, mọi người ai nấy đều xúc động, thương xót cho nàng (“Ai nấy, già cũng như trẻ đau lòng đứt ruột… Các phụ nữ bật ra tiếng kêu khóc thảm thương). Và có thể nói, hình ảnh của Xi-ta là hình mẫu của một người phụ nữ hội tụ đầy đủ những phẩm chất của người phụ nữ lí tưởng ở Ấn Độ xưa.
Tham khảo thêm cách soạn khác bài Ra-ma buộc tội
Câu 1. Sau chiến thắng, Ra-ma và Xi-ta gặp lại nhau trước sự chứng kiến của “mọi người”. Công chúng đó bao gồm những ai?
a) Anh em, bạn hữu của Ra-ma.
b) Đội quân của loài khỉ Va-na-ra.
c) Quan quân, dân chúng của loài quỷ Rắc-sa-xa.
d) Tất cả những đối tượng trên.
Hoàn cảnh ấy có tác động như thế nào đến tâm trạng, ngôn ngữ đối thoại của Ra-ma, Xi-ta? (Phân tích những câu cho thấy ý thức của Ra-ma, Xi-ta về tình thế “trước mặt những người khác”, “trước mặt đông đủ mọi người”,…)
Trả lời:
a) Công chúng đó bao gồm tất cả những đối tượng trên.
b) Hoàn cảnh ấy có tác động như thế nào đến tâm trạng, ngôn ngữ đối thoại của Ra-ma, Xi-ta?
– Tâm trạng, ngôn ngữ đối thoại của Ra-ma:
+ Ra-ma vừa với tư cách cá nhân, vừa với tư cách xã hội, chàng vừa yêu thương lại xót xa cho người vợ nhưng vẫn phải giữ bổn phận gương mẫu của một đức vua anh hùng. “ Thấy người đẹp khuôn mặt bông sen với những cuộn tóc lượn sóng đứng trước mặt mình, lòng Ra-ma đau như dao cắt. Nhưng vì sợ tai tiếng, chàng bèn nói với nàng, trước mặt những người khác…”. Thực chất những lời chàng nói không hoàn toàn chân thực,, không phải những lời sâu kín trong lòng.
– Tâm trạng, ngôn ngữ đối thoại của Xi-ta:
+ Xi-ta “như muốn giấu mình đi vì xấu hổ”, rồi “khiêm nhường đứng trước Ra – ma”, “nàng muốn tự chôn vùi cả hình hài thân xác của mình”. Nàng xót xa, tủi hẹn. Hơn thế, đó là nỗi khổ đau mất đi danh dự của một con người trước cộng đồng.
+ Lúc đầu, Xi-ta xưng hô là “chàng” – “thiếp” rất thân mật, riêng tư nhưng sau đó là quan hệ xã hội “Hỡi Đức vua!… Người..”.
+ Sau đó, nàng quyết định chứng minh tấm lòng trong sạch của mình: “Chị không muốn sống sau những lời tố cáo lầm lạc như vậy. Chồng chị không hài lòng về chị, chàng đã ruồng rẫy chị trước mặt mọi người. Giờ thì chị sẽ từ bỏ tấm thân này cho ngọn lửa.” . Và Xi-ta đã bước vảo ngọn lửa và cầu xin thần lửa bảo vệ để minh chứng cho lòng trong sạch của mình.
Câu 2. Theo lời tuyên bố của Ra-ma:
– Chàng giao tranh với quỷ Ra-va-na, tiêu diệt hắn để giải cứu Xi-ta vì động cơ gì?
a) Danh dự người anh hùng bị xúc phạm khi Ra-va-na dám cướp vợ của chàng.
b) Tình yêu thương của người chồng đối với vợ, khát khao đoàn tụ vợ chồng.
c) Cả hai lí do trên.
– Chàng ruồng bỏ Xi-ta vì lí do gì?
a) Danh dự không cho phép người anh hùng chấp nhận một người vợ đã chung chạ với kẻ khác.
b) Sự ghen tuông của người chồng không chấp nhận người vợ đã chung chạ với kẻ khác.
c) Cả hai lí do trên.
Phân tích những từ ngữ lặp đi lặp lại nhiều trong lời nói của Ra-ma cho thấy ý chí, tâm trạng của chàng.
Phân tích thái độ của Ra-ma khi Xi-ta bước lên giàn lửa.
Trả lời:
a) Chọn đáp án A. Danh dự người anh hùng bị xúc phạm khi Ra-va-na dám cướp vợ của chàng.
b) Chọn đáp án A. Danh dự không cho phép người anh hùng chấp nhận một người vợ đã chung chạ với kẻ khác.
c) Những từ ngữ lặp lại trong lời nói của Ra-ma: anh hùng, sự lăng nhục, trả thù,..
→ Những từ ngữ này cho thấy phẩm chất người anh hùng không bao giờ chịu đựng sự lăng nhục của kẻ thù, không bao giờ chấp nhận những vết ố bẩn trong cuộc sống của mình. Vì thế chàng hết sức quyết tâm khi từ bỏ vợ mình.
→ Ra-ma là người anh hùng của cộng đồng với những phẩm chất lý tưởng.
d) Thái độ của Ra-ma khi Xi-ta bước lên giàn lửa:
– Ra-ma ngồi yên, mắt dán xuống đất vờ như không quan tâm.
– Nhưng thực ra điều này cho thấy sự đau lòng ẩn bên trong của chàng, hơn nữa chàng muốn vợ mình, trước mặt đông đảo mọi người, được chứng minh sự trong sạch bởi chính thần Lửa.
Câu 3. Trong lời đáp của mính, Xi-ta đã nhấn mạnh như thế nào về:
– Sự khác biệt giữa tư cách, đức hạnh của nàng và loại phụ nữ tầm thường, thấp kém?
– Sự khác biệt giữa điều tùy thuộc vào số mệnh của nàng, vào quyền lực kẻ khác (“cái thân thiếp đây”) và điều trong vòng kiểm soát của nàng (“trái tim thiếp đây”) ?
Từ vai trò của thần A-nhi trong văn hóa Ấn Độ, có thể hiểu như thế nào về quyết định bước lên giàn hỏa và những lời cấu khấn thần A-nhi của nàng Xi-ta?
Trả lời:
– Xi-ta khẳng định đức hạnh, tư cách của nàng hoàn toàn khác với hành vi của loại phụ nữ thấp hèn. Nàng còn lấy cả tư cách ra để thề, Xi-ta vốn là con của nữ thần Đất Mẹ.
– Xi-ta còn khẳng định thêm, thân thể là điều mà trong lúc chết ngất đi, nàng không thể nào làm chủ được nên quý đã nhân cơ hội làm hại tới nàng. Còn trái tim nàng, là điều nàng có thể kiểm soát được, không bao giờ mảy may dao động, ô uế, nàng luôn giữ tấm lòng chung thủy.
– Quyết định bước lên giàn lửa của Xi-ta là nhằm nhờ cậy thần linh minh oan cho sự trong sạch của mình. Điều này cũng thể hiện phẩm chất trong sạch, cao quý, không sợ hãi ngay cả cái chết của nàng.
Câu 4. Phân tích thái độ của công chúng khi chứng kiến Xi-ta nạp mình cho lửa. Cảm nghĩ của anh (chị) trước cảnh Xi-ta bước vào lửa.
Trả lời:
– Tất cả công chúng đều thương tiếc, từ các phụ nữ cho tới cả loài Rắc-sa-xa và loài Va-na-ra đều kêu khóc thảm thương → Mọi người đều tôn trọng, tin tưởng vào đức hạnh, phẩm giá cao quý, trong sạch của nàng Xi-ta.
– Cảnh Xi-ta bước vào lửa khiến mọi người đều cảm thấy đau lòng, đồng thời gợi lên lòng cảm phục vô cùng trước bản lĩnh, phẩm chất cao quý của Xi-ta. Cảnh Xi-ta bước vào lửa đã làm bật nổi giá trị sâu sắc của tác phẩm.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)
Leave a Comment