X

Soạn bài – Ông lão đánh cá và con cá vàng

Soạn bài Ông lão đánh cá và con cá vàng trang 90 – 97 SGK ngữ văn lớp 6 tập 1, Để học tốt hơn danh sách các bài tập  trong bài Ông lão đánh cá và con cá vàng sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ và chi tiết nhất.

Truyện cổ tích Ông lão đánh cá và con cá vàng

(Truyện cổ tích của A. Puskin(*))

Ngày xưa, có hai vợ chồng ông lão đánh cá ở với nhau trong một túp lều nát trên bờ biển. Ngày ngày chồng đi thả lưới, vợ ở nhà kéo sợi.

Một hôm, người chồng ra biển đánh cá. Lần đầu kéo lưới chỉ thấy có bùn; lần thứ nhì kéo lưới chỉ chỉ thấy cây rong biển(1); lần thứ ba kéo lưới thì bắt được một con cá vàng.

Con cá cất tiếng kêu vang:

– Ông lão ơi! Ông sinh phúc(2) tha tôi trở về biển, tôi sẽ xin đền ơn ông, ông muốn gì cũng được.

Ông lão ngạc nhiên, nhưng rồi cũng thả con cá xuống biển và bảo:

– Trời phù hộ cho ngươi! Ngươi trở về biển khơi mà vùng vẫy. Ta không đòi gì cả, ta cũng chẳng cần gì.

Về nhà, ông lão đem câu chuyện kể cho vợ nghe. Mụ vợ mắng:

– Đồ ngốc! Sao lại không bắt con cá đền cái gì? Đòi một cái máng(3) cho lợn ăn không được à? Cái máng nhà đã gần vỡ rồi!

Thế là ông lão đi ra biển. Biển gợn sóng êm ả. Ông lão gọi con cá vàng. Con cá bơi lên hỏi:

– Ông lão ơi! Ông cần gì thế?

Ông lão chào con cá và bảo:

– Cá ơi! Giúp tôi với! Mụ vợ tôi nó mắng tôi và càu nhàu mãi làm tôi không ở yên được. Mụ ấy đòi một cái máng lợn ăn mới. Máng nhà tôi đã sứt mẻ rồi.

Con cá vàng trả lời:

– Ông lão ơi! Đừng băn khoăn nữa. Cứ về đi. Tôi sẽ giúp ông. Ông sẽ có một cái máng mới.

Ông lão về đến nhà thì mụ vợ đã có một cái máng mới thật. Nhưng mụ lại quát to hơn:

– Đồ ngu! Đòi một cái máng thật à? Một cái máng thì thấm vào đâu! Đi tìm lại con cá và đòi một cái nhà rộng.

Thế là ông lão lại đi ra biển. Biển xanh đã nổi sóng. Ông lão gọi con cá vàng. Con cá bơi lên hỏi:

– Ông lão ơi! Ông cần gì thế?

Ông lão chào con cá và nói:

– Giúp tôi với, cá ơi! Mụ vợ tôi nó mắng nhiều hơn và không để tôi yên chút nào. Mụ đòi một toà nhà đẹp.

Con cá vàng lại trả lời ông:

– Ông lão ơi! Đừng băn khoăn quá. Thôi hãy về đi. Tôi kêu trời phù hộ cho, ông sẽ được cái nhà rộng và đẹp.

Ông lão trở về túp lều của mình, chẳng thấy lều đâu mà chỉ thấy trước mặt một ngôi nhà đẹp, có cổng lớn bằng gỗ lim, trong ngoài sáng sủa, có lò sưởi, quét vôi trắng xóa, và mụ vợ đang ngồi bên cửa sổ. Mụ thấy ông lão về lại mắng như tát nước vào mặt:

– Đồ ngu! Ngốc sao ngốc thế! Đòi một cái nhà thôi à? Trời! Đi tìm ngay con cá và bảo tao không muốn làm một mụ nông dân quèn(4), tao muốn làm một bà nhất phẩm phu nhân(5) kia.

Ông lão lại lóc cóc(6) ra biển. Biển xanh nổi sóng dữ dội. Ông lão gọi con cá vàng. Con cá bơi lên hỏi:

– Ông lão ơi! Ông cần gì thế?

Ông lão chào con cá và trả lời:

– Giúp tôi với, cá ơi! Mụ vợ tôi lại phát khùng lên, nó chẳng để tôi yên chút nào. Bây giờ nó không muốn làm nông dân nữa mà muốn làm một bà nhất phẩm phu nhân.

Con cá vàng lại trả lời:

– Ông lão ơi! Đừng lo lắng quá. Trời sẽ phù hộ cho ông.

Ông lão lại trở về. Lão ngạc nhiên thấy trước mặt một tòa lâu đài lớn, mụ vợ đang đứng trên thềm cao, mình khoát áo lông, đầu đội mũ nhiều hoa, cổ quấn ngọc trai, tay đeo nhẫn vàng, chân đi giày đỏ. Xung quanh mụ kẻ hầu người hạ tấp nập, còn mụ thì luôn mồm quở mắng. Ông lão bảo mụ:

– Kính chào phu nhân, chắc bây giờ bà đã thỏa nguyện rồi chứ?

Mụ vợ mắng lão một thôi và bắt lão xuống quét dọn chuồng ngựa.

Được ít tuần lễ, mụ lại giận dữ, bắt ông lão đi tìm con cá:

– Lão đi tìm con cá và bảo nó tao không muốn làm một bà phu nhân nữa, tao muốn làm nữ hoàng(7) kia.

Ông lão hoảng sợ kêu xin:

– Mụ nói gì vậy? Mụ có lẫn(8) không? Mụ đi chẳng biết đường đi, nói chẳng biết đường nói mà đòi làm nữ hoàng? Thiên hạ họ biết, họ sẽ cười cho.

Mụ vợ nổi trận lôi đình(9) tát vào mặt ông lão:

– Mày cãi à? Mày dám cãi một bà nhất phẩm phu nhân à? Đi ngay ra biển, nếu không tao sẽ cho người lôi đi.

Ông lão đành lủi thủi ra biển. Biển nổi sóng mù mịt. Ông lão gọi cá vàng. Con cá bơi đến hỏi:

– Ông lão ơi! Ông cần gì thế?

Ông lão chào con cá và nói:

– Mụ vợ tôi lại nổi cơn điên rồi. Nó không muốn làm bà nhất phẩm phu nhân nữa, nó muốn làm nữ hoàng.

Con cá trả lời:

– Thôi đừng lo lắng. Cứ về đi. Trời phù hộ lão.Mụ già sẽ là nữ hoàng.

Ông lão trở về và thấy trước mặt cung điện nguy nga, mụ vợ lão đã thành nữ hoàng đang ngồi ở bàn tiệc. Bọn thị vệ(10) đang rót mời mụ những thứ rượu quý của các nước phương xa và dâng cho mụ những thứ bánh rất ngon lành. Xung quanh lại có cả một đội vệ binh(11) gươm giáo chỉnh tề(12) đứng đầu. Ông lão trông thấy, hoảng sợ, cúi rạp xuống đất chào mụ vợ và nói:

– Kính chào nữ hoàng. Chắc bây giờ nữ hoàng đã thỏa lòng rồi chứ?

Mụ vợ không thèm nhìn, ra lệnh đuổi đi. Bọn thị vệ xô tới đẩy ông lão ra ngoài, bọn vệ binh cũng chạy đến tuốt gươm dọa chém. Nhân dân không rõ đầu đuôi cũng chạy lại chế giễu ông lão và bảo: “Đáng kiếp! Có thế mới sáng mắt ra, bận sau đừng thấy người sang bắt quàng làm họ(13) nữa!”.

Được ít tuần, mụ vợ lại nổi cơn thịnh nộ(14). Mụ sai người đi bắt ông lão đến. Mụ bảo:

– Mày hãy đi tìm con cá, bảo nó tao không muốn làm nữ hoàng, tao muốn làm Long Vương ngự trên mặt biển, để con cá vàng hầu hạ tao và làm theo ý muốn của tao.

Ông lão không dám trái lời mụ. Ông lại đi ra biển. Một cơn dông tố kinh khủng kéo đến, mặt biển nổi sóng ầm ầm. Ông lão gọi con cá vàng. Con cá bơi đến hỏi:

– Ông lão có việc gì thế? Ông lão cần gì?

Ông lão chào con cá và nói:

– Cá ơi, giúp tôi với! Thương tôi với! Tôi sống làm sao được với mụ vợ quái ác này! Bây giờ mụ ấy không muốn làm nữ hoàng nữa, mụ muốn làm Long Vương ngự trên mặt biển, để bắt cá vàng phải hầu hạ mụ và làm theo ý muốn của mụ.

Con cá vàng không nói gì, quẫy đuôi lặn sâu xuống biển. Ông lão đứng trên bờ đợi mãi không thấy nó lên trả lời, mới trở về.

Đến nơi, ông sửng sốt, lâu đài, cung điện biến đâu mất; trước mắt ông lão lại thấy túp lều nát ngày xưa, và trên bậc cửa, mụ vợ đang ngồi trước cái máng lợn sứt mẻ.

(A. Pu-skin kể, theo bản dịch của Vũ Đình Liên và Lê Trí Viễn)

Chú thích:

(*) Truyện này do A-lếch-xan-drơ Xéc-ghê-ê-vích Pu-skin (1799 – 1837) – đại thi hào Nga – kể lại bằng 205 câu thơ trên cơ sở truyện dân gian Nga, Đức. Truyện vừa giữ được nét chất phát, dung dị của nghệ thuật dân gian, vừa thể hiện tài năng sáng tạo của Pu-skin.
(1) Rong biển: loài thực vật ở biển, thân mảnh, hình dải dài, thường mọc chi chít vào nhau.
(2) Sinh phúc: mở lòng nhân từ.
(3) Cái máng: ở đây là dụng cụ đựng thức ăn của lợn.
(4) Nông dân quèn: người dân cày tầm thường.
(5) Nhất phẩm phu nhân: vợ của quan nhất phẩm (quan có phẩm hàng cao nhất trong triều đình phong kiến). (Phu nhân: từ dùng để chỉ vợ những người có địa vị cao sang trong xã hội).
(6) Lóc cóc: đi một mình, vẻ vất vả, đáng thương.
(7) Nữ hoàng: người phụ nữ làm vua.
(8) Lẫn: nhầm cái nọ cái kia; ở đây là nói lẫn, lú lẫn.
(9) Trận lôi đình: cơn giận dữ dội như sấm sét.
(10) Thị vệ: lính hầu và bảo vệ vua.
(11) Vệ binh: lính canh gác.
(12) Chỉnh tề: xếp đặt ngay ngắn.
(13) Bắt quàng làm họ: không phải họ hàng mà cứ nhận là họ hàng.
(14) Cơn thịnh nộ: cơn giận dữ lớn.

Hướng dẫn soạn bài – Ông lão đánh cá và con cá vàng

I. Về thể loại

– Truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng thuộc thể loại truyện cổ tích về cuộc đời kì lạ của ông lão gặp được con cá vàng có phép thuật (Xem thêm về thể loại cổ tích ở bài Sợ Dừa).
– Truyện được viết bởi đại thi hào người Nga tên là A. Puskin (1799-1837). Truyện được viết sự trên cơ sở yêu tố dân gian của Nga, Đức thể hiện được nét chất phác, dung dị của thể loại dân gian.

II. Tóm tắt ông lão đánh cá và con cá vàng

Một ông lão đánh cá nghèo ra biển. Lần thứ nhất kéo lưới chỉ thấy có bùn, lần thứ hai kéo lưới được cây rong, lần thứ ba thì bắt được con cá vàng. Cá vàng kêu van, hứa trả ơn và ông đã thả.

Mụ vợ biết chuyện, mắng lão một trận và bắt ông ra biển năm lần, đòi cá vàng đáp ứng những yêu cầu của mụ:

– Lần thứ nhất mụ đòi cá giúp cho một chiếc máng lợn mới.

– Lần thứ hai, mụ vợ lại “quát to hơn”và bắt ông lão ra biển đòi cá vàng một cái nhà rộng.

– Lần thứ ba, mụ vợ lại “mắng như tát nước vào mặt”ông lão và đòi làm một bà nhất phẩm phu nhân.

– Lần thứ tư, mụ vợ lại “mắng lão một thôi”và đòi cá cho làm nữ hoàng.

– Lần thứ năm, mụ muốn làm Long Vương để bắt cá vàng hầu hạ.

Cá vàng tức giận, lấy lại tất cả những thứ đã cho. Ông lão trở về lại thấy túp lều nát ngày xưa, và trên bậc cửa, mụ vợ đang ngồi trước cái máng lợn sứt mẻ.

III. Hướng dẫn soạn bài ông lão đánh cá và con cá vàng

Giải câu 1 (Trang 96 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Trong truyện, mấy lần ông lão ra biển gọi cá vàng? Việc kể lại những lần ông lão ra biển gọi cá vàng là biện pháp lặp lại có chủ ý của truyện cổ tích. Hãy nêu tác dụng của biện pháp này.

Trả lời:

Trong truyện, có đến năm lần ông lão ra biển gọi cá vàng. Đây là một biện pháp lặp lại có chủ ý của truyện cổ tích. Năm lần ông ra với năm tâm trạng khác nhau, từ bối rối, ngượng ngùng cho đến hoảng sợ. Thái độ của cá vàng và biểu hiện của biển cả cũng thay đổi, tăng dần theo lòng tham của mụ vợ. Cách kể chuyện như vậy khiến cho câu chuyện không hề đơn điệu mà trái lại, ngày càng khiến cho bạn đọc cảm thấy hấp dẫn, hứng thú. Đặc điểm tính cách của các nhân vật, đặc biệt là nhân vật mụ vợ ông lão, ngày càng được tô đậm, nổi bật hơn lên.

Giải câu 2 (Trang 96 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Mỗi lần ông lão ra biển gọi cá vàng, cảnh biển thay đổi như thế nào? Vì sao?

Trả lời:

Năm lần ra biển, cảnh biển thay đổi theo những đòi hỏi của mụ vợ ông lão:

– Lần 1, mụ đòi cái máng mới: Biển gợn sóng êm ả.

– Lần 2, mụ đòi cái nhà đẹp: Biển xanh đã nổi sóng.

– Lần 3, mụ đòi làm nhất phẩm phu nhân: Biển xanh nổi sóng dữ dội.

– Lần 4, mụ đòi làm nữ hoàng: Biển nổi sóng mù mịt.

– Lần thứ năm, mụ vợ đòi làm Long Vương: Một cơn dông tố kinh khủng kéo đến, mặt biển nổi sóng ầm ầm.

Những “phản ứng” của biển tăng dần theo những đòi hỏi ngày càng quá quắt của mụ vợ ông lão. “Nhân vật” biển tuy không trực tiếp tham gia vào cốt truyện nhưng đã thể hiện rất rõ thái độ của tác giả (và cũng là của nhân dân) trước thói tham lam vô hạn độ của con người – cụ thể ở đây là của mụ vợ ông lão.

Giải câu 3 (Trang 96 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Em có nhận xét gì về lòng tham và sự bội bạc của nhân vật mụ vợ? Sự bội bạc của mụ vợ đối với chồng đã tăng lên như thế nào? Khi nào sự bội bạc của mụ đi tới tột cùng? (Chú ý thái độ của mụ đối với cá vàng thể hiện ở ý muốn cuối cùng).

Trả lời:

Lòng tham và sự bội bạc của bà vợ là không đáy và quá quắt.

– Qua 5 lần đòi hỏi cá vàng phải đáp ứng thì lần đầu là một đòi hỏi chính đáng. Lần 2 cũng chính đáng nhưng cá vàng đã hiểu được cái xu thế tất yếu của lòng tham nên biển xanh êm ả đã nổi sóng. Ba yêu cầu sau thật là quá quắt, nó gắn với sự bội bạc vì vậy mà cảnh tượng của biển mỗi lúc một dữ dội, mù mịt, rồi ầm ầm.

– Sự bội bạc cũng tăng lên.

+ Lần đầu mụ vợ mắng chồng là đồ ngốc.

+ Lần hai mụ mắng chồng to hơn.

+ Lần ba mụ mắng như tát nước vào mặt, bắt ông lão quét dọn chuồng ngựa.

+ Lần tư mụ nổi giận lôi đình tát vào mặt ông lão, định cho người lôi ông lão ra bờ biển. Sau đó khi làm nữ hoàng mụ vợ đuổi chồng và để cho mọi người chế giễu.

+ Lần năm mụ vợ lại sai người bắt ông lão đến và ra lệnh.

– Mụ có ý định bắt cá vàng là kẻ cho mình đạt tất cả các yêu cầu giàu sang và địa vị, để phục vụ cho lòng tham, sự bội bạc không cùng của mụ. Rõ ràng lần thứ mụ không chỉ bội bạc chồng (người xứng đáng được hưởng những đặc ân của cá vàng) mà mụ vợ bội bạc với cá ân nhân (và ông lão mà trả ơn) đó chính là cá vàng.

Giải câu 4 (Trang 96 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Câu chuyện đã được kết thúc như thế nào? Ý nghĩa của cách kết thúc đó.

Trả lời:

Câu chuyện kết thúc bằng hình ảnh “trước mặt ông lão lại thấy túp lều nát ngày xưa, và trên bậc cửa, mụ vợ đang ngồi trước cái máng lợn sứt mẻ”. Cái kết cục ấy là tất yếu nhưng cũng đã để lại cho người đọc người nghe nhiều suy nghĩ. Với ông lão, việc trở về cuộc sống bình thường hẳn sẽ tốt hơn rất nhiều. Còn với mụ vợ, con người không có chút công lao gì với cá vàng mà lại đòi hỏi quá nhiều thì việc mất hết những gì mụ đã có (mà không phải bỏ ra chút công sức nào) là lẽ công bằng, một sự trừng phạt đích đáng cho thói tham lam vô độ và sự bội bạc của mụ đối với ông lão. Đó cũng là sự thể hiện ước mơ công lí của nhân dân và lời nhắn nhủ phải sống giàu ân tình và nhân hậu chứ không được bội bạc, có mới nới cũ.

Giải câu 5 (Trang 96 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Thảo luận ở lớp: Cá vàng trừng trị mụ vợ vì tội tham lam hay tội bội bạc? Hãy nêu ý nghĩa tượng trưng của hình tượng con cá vàng.

Trả lời:

Cá vàng trừng trị mụ vợ vì hai tội: tham lam và bội bạc, trong đó lòng tham đã làm mụ mù quáng, mất hết lương tri. Tuy nhiên, ở đây, tội bội bạc có ý nghĩa quyết định khiến lòng tham trở nên vô hạn độ và dẫn đến sự trừng trị đích đáng của cá vàng với mụ vợ.

Hình tượng cá vàng chính là công lí của nhân dân, là thái độ của nhân dân với những người lương thiện, hiền lành và những kẻ tham lam bội bạc.

Soạn phần luyện tập ông lão đánh cá và con cá vàng

Giải câu 1 – Luyện tập ông lão đánh cá và con cá vàng (Trang 97 SGK ngữ văn 6 tập 1)

Bài 1: Có người cho rằng truyện này nên đặt tên là Mụ vợ ông lão đánh cá và con cá vàng. Ý kiến của em thế nào?

Trả lời:

Nếu đặt tên truyện là Mụ vợ ông lão đánh cá và con cá vàng cũng có cơ sở vì:

– Mụ vợ là nhân vật chính của truyện

– Ý nghĩa của truyện là phê phán, nêu bài học đích đáng cho nhưng kẻ tham lam bội bạc như mụ vợ ông lão.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài ông lão đánh cá và con cá vàng

Câu 1: Trong truyện, mấy lần ông lão ra biển gọi cá vàng? Việc kể lại những lần ông lão ra biển gọi cá vàng là biện pháp lặp lại có chủ ý của truyện cổ tích. Hãy nêu tác dụng của biện pháp này.

Trả lời:

Trong truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng có năm lần ông lão ra biển gọi cá vàng. Việc kể lại những lần ông, lão ra biển gọi cá vàng là biện pháp lặp lại có chủ ý của truyện cổ tích. Biện pháp này có mấy tác dụng sau:

– Tạo nên tình huống, gây hồi hộp cho người nghe.

– Sự lặp lại ở đây không phải là sự lặp lại nguyên xi mà có những chi tiết thay đổi, tăng tiến (cảnh biển thay đổi, lòng tham của mụ vợ tăng lên). Vì vậy, mỗi lần truyện lặp lại là mỗi lần có chi tiết mới xuất hiện. Đây là sự lặp lại tăng tiến.

– Qua những lần lặp lại, tính cách các nhân vật (ông lão, mụ vợ, cá vàng) và chủ đề của truyện được tô đậm dần.

Câu 2: Mỗi lần ông lão ra biển gọi cá vàng, cảnh biển thay đổi như thế nào? Vì sao?

Trả lời:

Trong truyện, ông lão nầm lần ra biển gọi cá vàng, mỗi lần như thế cảnh biển lại thay đổi:

– Lần 1: Biển gợn sóng êm ả.

– Lần 2: Biển xanh đã nổi sóng.

– Lần 3: Biển xanh nổi sóng dữ dội.

– Lần 4: Biển nổi sóng mù mịt.

– Lần 5: Một cơn giông tố kinh khủng kéo đến, mặt biển nổi sóng ầm ầm.

Câu 3: Em có nhận xét gì về lòng tham và sự bội bạc của nhân vật mụ vợ? Sự bội bạc của mụ vợ đối với chồng đã tăng lên như thế nào? Khi nào sự bội bạc của mụ đi tới tột cùng? (Chú ý thái độ của mụ đối với cá vàng thể hiện ở ý muốn cuối cùng).

Trả lời:

* Lòng tham không đáy và sự bội bạc của mụ vợ ngày càng quá quắt:

– Lần 1: đòi máng lợn mới => đòi hỏi vật chất.

– Lần 2: đòi một cái nhà rộng => đòi hỏi vật chất (tăng lên).

– Lần 3: muốn làm nhất phẩm phu nhân => đòi hỏi của cải và danh vọng.

– Lần 4: muốn làm nữ hoàng => đòi hỏi của cải, danh vọng và quyền lực.

– Lần 5: muốn làm Long Vương, bắt cá vàng hầu hạ và làm theo ý muôn của mụ => đòi hỏi một địa vị đầy quyền uy nhưng không có thật và một quyền phép vô hạn.

Lòng tham của mụ vợ cứ tăng mãi không có điểm dừng. Mụ muốn có tất cả mọi thứ: của cải, danh vọng, quyền phép vô hạn.

* Đối với chồng, thái độ bội bạc của mụ ngày càng tăng lên:

– Mụ mắng chồng là đồ ngốc (đòi máng lớn)

– Mụ quát to hơn: đồ ngu (đòi nhà)

– Mụ mắng như tát nước vào mặt: “Đồ ngu, ngốc sao ngốc thể (đòi làm nhất phẩm phu nhân).

– Mụ giận dữ, nổi trận lôi đình tát vào mặt ông lão: “mày dám cãi… ” (đòi làm nữ hoàng).

– Mụ lại nổi cơn thịnh nộ, sai người đi bắt ông lão đến (đòi làm Long Vương)

Những chi tiết ấy chứng tỏ: Lòng tham càng lớn thì tình nghĩa vợ chồng càng nhỏ lại, rồi tiêu biến.

Với lòng tham không đáy, mụ vợ đòi hỏi tất cả mọi thứ con người có thể có, chưa đủ, mụ còn muốn chính cá vàng cũng trở thành đầy tớ hầu hạ mụ để tuỳ mụ sai khiến. Mụ không muốn đòi hỏi cá vàng qua trung gian là ông lão đánh cá nữa, mụ muốn gạt bỏ ông lão đi – ân nhân đã trở thành chướng ngại. Sự bội bạc của mụ đến đây đã đi tới tột cùng, người và trời đều không dung tha.

Câu 4: Câu chuyện đã được kết thúc như thế nào? Ý nghĩa của cách kết thúc đó.

Trả lời:

Kết thúc truyện, vợ chồng ông lão trở về cảnh sống như xưa. Với ông lão kết thúc như thế, ông lão không mất gì cả mà chỉ như vừa qua một cơn ác mộng. Còn đối với mụ vợ thì đó là một sự trừng trị thích đáng. Cá vàng không chỉ lấy đi những gì nó đã cho mà còn lấy nhiều hơn thế. Mở đầu truyện, mụ vợ sống trong cảnh nghèo khó mà chưa hề nếm trải sung sướng giàu sang. Kết thúc truyện, sau khi mụ đã được sống qua tột đỉnh giàu sang, danh vọng mà lại phải trở về cảnh nghèo khó ban đầu, điều đó thực chẳng dễ chút nào.

Câu 5: Thảo luận ở lớp: Cá vàng trừng trị mụ vợ vì tội tham lam hay tội bội bạc? Hãy nêu ý nghĩa tượng trưng của hình tượng con cá vàng.

Trả lời:

* Cá vàng trừng trị mụ vợ vì cả hai tội. Cả hai tội đều nặng, nhưng có lẽ, tội bội bạc là tội lớn hơn.

* Ý nghĩa tượng trưng của hình tượng cá vàng:

– Cá vàng tượng trưng cho sự biết ơn, tấm lòng vàng củạ nhân dân đôì với những người nhân hậu đã cứu giúp cõi người khi hoạn nạn, khó khăn. Cá vàng đại diện cho lòng tốt, cái thiện.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

Ngọc Trinh:
Leave a Comment