Soạn bài Ôn tập về văn bản thuyết minh trang 35 – 36 SGK ngữ văn lớp 8 tập 2, Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Ôn tập về văn bản thuyết minh sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.
Hướng dẫn soạn bài – Ôn tập về văn bản thuyết minh
I. Ôn tập lý thuyết
Giải câu 1 (Trang 35 SGK ngữ văn 8 tập 2)
Văn bản thuyết minh có vai trò và tác dụng như thế nào trong đời sống?
Trả lời:
Văn bản thuyết minh có vai trò và tác dụng trong đời sống:
– Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng nhằm cung cấp tri thức cho con người bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích.
+ Tri thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.
Giải câu 2 (Trang 35 SGK ngữ văn 8 tập 2)
Văn bản thuyết minh có những tính chất gì khác với văn bản tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận?
Trả lời:
+ Không sa đà vào kể truyện, thuật sự việc như tự sự.
+ Không miêu tả quá chi tiết, tỉ mỉ như văn miêu tả.
+ Không mang sắc thái biểu cảm mạnh mẽ, chủ đạo như văn biểu cảm.
+ Không đưa ra lý lẽ, lập luận như văn nghị luận.
-> Thuyết minh bao gồm việc trình bày, giải thích, giới thiệu khách quan chân thực, rõ ràng.
Giải câu 3 (Trang 35 SGK ngữ văn 8 tập 2)
Muốn làm tốt bài văn thuyết minh, cần phải chuẩn bị những gì? Bài văn thuyết minh phải làm nổi bật điều gì?
Trả lời:
Để làm tốt bài văn thuyết minh cần:
+ Bước chuyển bị tài liệu bằng việc quan sát, tìm đọc, thu thập thông tin từ nhiều nguồn ( sách vở, truyền thông, thực nghiệm…).
+ Phải xây dựng được bố cục của bài văn thuyết minh theo trình tự hợp lý.
+ Làm nổi bật được điều muốn thuyết minh: đặc điểm, tính chất, cách sử dụng…
+ Xác định rõ mục đích thuyết minh và đối tượng thuyết minh
+ Sử dụng hợp lý các phương pháp thuyết minh.
Giải câu 4 (Trang 35 SGK ngữ văn 8 tập 2)
Những phương pháp thuyết minh nào thường được chú ý vận dụng?
Trả lời:
Những phương pháp thuyết minh được chú trọng:
+ Nêu định nghĩa
+ Giải thích
+ Liệt kê
+ So sánh
+ Dùng số liệu
+ Phân tích
II. Luyện tập
Giải câu 1 – Luyện tập (Trang 35 SGK ngữ văn 8 tập 2)
Hãy nêu cách lập ý và lập dàn bài đối với các đề bài sau:
a) Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt.
b) Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em.
c) Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học mà em đã học.
d) Giới thiệu cách làm một đồ dùng học tập (một thí nghiệm)
Trả lời:
a) Giới thiệu đồ dùng học tập hoặc trong sinh hoạt
Mở bài: Giới thiệu về đồ dùng thuyết minh (thước kẻ, bút chì, bút máy…)
Thân bài:
– Nguồn gốc, xuất xứ của đồ dùng : hãng sản xuất
Hình dáng: Màu sắc, kích thước
Cấu tạo:
+ Gồm mấy phần?
+ Gồm những bộ phận nào?
+ Các bộ phận được sắp xếp ra sao? Công dụng của từng bộ phận
Cách sử dụng
Cách bảo quản
Kết luận: Giá trị, tầm quan trọng hữu ích của đồ dùng đó trong học tập
b) Dàn bài giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em
Mở bài: Giới thiệu chung về thắng cảnh tại quê hương
Thân bài:
– Vị trí địa lý
+ Diện tích ( lớn, nhỏ )
+ Đến đó bằng phương tiện gì thuận tiện?
+ Cảnh vật xung quanh thắng cảnh đó như thế nào?
– Nguồn gốc ( hình thành và phát triển)
+ Lịch sử hình thành: có từ bao giờ, ai là người khởi công xây dựng…
+ Hiện tại thắng cảnh đó trong tình trạng nào? ( cần tu sửa nâng cấp, đã được sửa sang kiên cố…)
+ Quy mô
– Nhìn toàn cảnh:
+ Nhìn tổng thể từ xa
+ Nổi bật nhất là điều gì
+ Kiến trúc nổi bật bên trong: Cách trang trí, sắp xếp, bố cục…
– Giá trị văn hóa lịch sử của địa danh
+ Địa danh tô điểm đẹp cho vùng quê như thế nào?
+ Thu hút lượng khách du lịch
Kết bài: Tình cảm, cảm nghĩ chung về đối tượng
c) Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học mà em được học
Mở bài: Giới thiệu chung về thể loại văn học mà em chọn thuyết minh ( văn học dân gian, văn học trung đại, văn học hiện đại)
Thân bài:
Khái quát chung:
+ Đưa ra khái niệm về thể loại văn học đó
– Các đặc trưng của thể loại:
+ Chỉ ra các đặc điểm cơ bản
+ Nhấn mạnh vào đặc điểm nổi bật có giá trị khu biệt
– Dẫn ra các tác phẩm văn học tiêu biểu của thể loại
Kết bài: Cảm nghĩ chung về thể loại văn học đó.
d) Giới thiệu về cách làm đồ dùng học tập
Mở bài: Giới thiệu về đồ dùng học tập định làm ( hộp bút, giá để sách vở, túi vải đựng bút
Thân bài:
– Nguyên liệu cần chuẩn bị
– Cách làm tiến hành theo từng bước
– Yêu cầu về mặt thành phẩm
– Điều cần chú ý trong quá trình làm ra sản phẩm
– Công dụng của đồ dùng học tập vừa làm
– Cách bảo quản, giữ gìn
Kết bài: Cảm nghĩ về vai trò của đồ dùng học tập tự làm
Giải câu 2 – Luyện tập (Trang 36 SGK ngữ văn 8 tập 2)
Tập viết đoạn văn theo các đề bài sau:
a) Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt.
b) Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em.
c) Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học đơn giản (như văn bản đề nghị, báo cáo, thể thơ lục bát,…)
d) Giới thiệu một loài hoa (như hoa đào, hoa mai,…) hoặc một loài cây (như cây chuối, cây na,…)
e) Thuyết minh về một giống vật nuôi.
g) Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam (như chiếc nón lá, chiếc áo dài, trò chơi thả diều,…)
Trả lời:
a) Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt
Trong góc học tập của mỗi người học trò đều có một cái bàn. Cái bàn là một đồ dùng học tập và sinh hoạt rất thân thiết với mỗi chúng ta thời cắp sách.
Vật liệu để làm bàn học thường bằng gỗ. Phần lớn bằng gỗ thường. Mặt bàn là một hình chữ nhật, dài độ 120cm, rộng 60cm, bằng gỗ tấm hoặc gỗ dáng. Cái bàn theo kiểu cổ có bốn chân và chiếc ngăn kéo. Cái bàn theo kiểu mới có ngăn phụ chạy song song với mặt bàn, phía bên phải là một cái buồng có chiều cao độ 60- 70cm, rộng độ 50cm, chiều dài 60cm bằng chiều rộng mặt bàn, chứa được bao nhiêu thứ. Người thợ mộc đã dùng hai tấm ván gỗ, vừa tạo thành chân bàn, vừa để làm ngăn bàn đựng đồ dùng, sách vở; cái bàn trở nên vuông vắn, vững chắc.
Mặt bàn có thể bằng gỗ tấm bào nhẵn hoặc bằng gỗ dán phẳng lì được sơn hoặc đánh véc-ni màu, bóng lộn, đẹp mắt. Bàn được kê vào một nơi hợp lí trong gian nhà, thường gần cửa sổ, hướng ra sân ra vườn, nơi có ánh sáng chiếu rọi vào làm cho góc học tập được thoáng đãng.
Trên mặt bàn của người học sinh nào cũng có ít sách vở, cái đèn bàn, cái đồng hồ và một vài thứ đồ dùng học tập khác. Có thể đặt một lọ hoa nhỏ, trang trí một vài tranh ảnh đẹp cắt từ họa báo. Chỉ nhìn qua những thứ xếp đặt, bày biện… trên mặt bàn, là có thể hiểu được phần nào đạo đức, nếp sống, nếp sinh hoạt và tinh thần học tập của cô, cậu học trò – chủ nhân của cái bàn ấy.
Ngoài học ở trường ban ngày, học trò còn phải từ học ở nhà. Mỗi tối, mặt bàn được ánh đèn chiếu sáng, trở thành nơi học bài, làm bài của người học trò. Thời gian tự học gắn liền với cái bàn có thể dài, ngắn khác nhau; càng học lên cao, nhiều học sinh có thể ngồi học bài, làm bài đến 10-11 giờ khuya mới đi ngủ.
Ngày xưa, cái bàn học của các nho sinh gọi là cái án thư. Nguyễn Trãi có câu thơ Quốc âm: “Án sách, cây đèn hai bạn cũ”. Trong những năm dài “nấu sử sôi kinh”, cái đèn, cái bàn (án thư) trở thành người bạn vô cùng thân thiết với cậu tú, ông cống, ông nghè tương lai.
Cái bàn phải đi liền với cái ghế; cái ghế để ngồi học, ngồi đọc sách, làm bài.
Cạnh cái bàn học thường có tủ sách hoặc giá sách.
Cái bàn là một vật dụng bình dị, thân thiết, nó phản ánh đầy đủ nhất nền nếp, truyền thống hiếu học của bất cứ gia đình nào, người học sinh nào. Gia đình văn hoá phải có góc học tập, cái bàn học đàng hoàng cho tuổi trẻ, cho con cái thời cắp sách.
b) Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em.
Tam Cốc Bích Động vốn là điểm du lịch nổi tiếng ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Với hơn 2 tiếng đi theo đường cao tốc Cầu Giẽ – Pháp Vân, bạn có thể tới được danh lam thắng cảnh thú vị này. Tam Cốc – Bích Động từ lâu được ngợi ca là Nam Thiên Đệ nhị động” . Bạn nên tới danh thắng này vào mùa hè để có thể di chuyển trên thuyền thăm các hang động đá vôi tuyệt mĩ. Tam Cốc có ba hang chính là hang Cả, hang Hai, và Hang Ba. Trong đó Hang Cả là hang động rộng và đẹp nhất. Bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi ngồi trên thuyền đi sâu vào trong những hang động đã có tuổi đời hàng nghìn năm khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp như thực như mộng của các khối nhũ đá rủ xuống. Mỗi khối nhũ đá với nhiều cảnh độc đáo: rồng cuộn hổ qùy, cảnh tiên ông râu tóc bạc đánh cờ… Khi tới đây, mọi người sẽ cảm thấy sự an lạc, thư thái về tâm hồn. Thăm Bích Động bạn nhất định bạn phải tưới chùa Hạ và chùa Trung, chùa Thượng để chuyến đi được trọn vẹn. Nơi đây từng được thân phụ Nguyễn Du là nhà nho Nguyễn Nghiễm từng lưu lại tùy bút “ Búi đá, vườn câu tới đình chùa”. Bạn nào may mắn còn có cơ hội hái được những đóa hoa Sơn Kim Cúc bỏ xíu, thơm ngào ngạt để ướp trà với nước suối Tiên thì thật tuyệt vời.
c) Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học đơn giản (như văn bản đề nghị, báo cáo, thể thơ lục bát,…)
Thể thơ lục bát là một trong những thể loại truyền thống của nền văn học Việt. Thơ lục bát trở nên phổ biến, đi sâu vào đời sống tinh thần thơ ca của nước ta thông qua những câu tục ngữ, ca dao, đồng dao, lời hát ru… Hiện nay nhiều nhà thơ hiện đại cũng sử dụng thể lục bát trong các sáng tác của mình. Thể thơ lục bát thường do một cặp câu sáu tiếng và một câu tám tiếng xen kẽ lẫn nhau. Luật bằng trắc về thanh điệu cũng tạo nên sự hài hòa về nhịp điệu, tạo nhạc tính cho lời thơ. Cũng tuân thủ theo niêm luật nhất định, câu lục và câu bát tuân thủ chặt chẽ quy tắc nhất, tam, ngũ bất luận và nhị- tứ-lục phân minh. Về việc phối hợp thanh điệu, chỉ có tiếng thứ tư là trắc, tiếng thứ hai, thứ sáu, thứ tám là bằng. Trong các câu tám các tiếng thứ sáu, thứ tám buộc phải khác dấu và ngược lại. Thể thơ này được gieo vần bằng, tiếng cuối câu lục hiệp vần với tiếng thứ sáu của câu bát, cứ thế tạo nên sự nhịp nhàng êm ái cho câu thơ. Thơ lục bát mềm mại thích hợp để thể hiện tình cảm, cảm xúc của người Việt. Thơ lục bát luôn nền nã, nhẹ nhàng và kín đáo luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt.
d) Giới thiệu một loài hoa (như hoa đào, hoa mai,…) hoặc một loài cây (như cây chuối, cây na,…)
Cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, nhà nhà lại nô nức chuẩn bị bao thức vật thơm ngon, đẹp để cho dịp Tết trọng đại trong năm này. Và giữa bao nhiêu bánh trái, đồ đạc,… mới mẻ, sặc sỡ, một cành đào tươi tắn rực rỡ vẫn được chờ đợi, ngóng trông nhất.
Hoa đào là loài hoa đặc trưng cho cái Tết và mùa xuân miền Bắc Việt Nam. Hoa đào được trồng ở hầu hết các tỉnh miền Bắc: Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Nội,… Nhưng đẹp nhất, được yêu thích nhất vẫn là hoa đào Nhật Tân, Hà Nội. Gọi là hoa đào Nhật Tân vì giống hoa ấy được trồng ở làng Nhật Tân – một vùng đất ven sông Hồng của Hà Nội.
Hoa đào cũng có nhiều loại: đào bích, đào phai, đào bạch,… Trong đó, đào bích phổ biến hơn cả. Đó là loại đào mau cánh, cánh màu đỏ thắm. Đào phai thì nhạt hơn, sắc đã ngả sang hồng. Riêng đào bạch thì đúng như tên gọi, cánh hoa có màu trắng; đây là loại hoa đào rất hiếm và khó trồng.
Hoa đào ưa đất phù sa ven sông và thích hợp với khí hậu ấm áp của mùa xuân. Đó là lí do để cứ mỗi khi Tết đến, xuân về hoa đào lại tưng bừng khoe sắc. Không chỉ vậy, họa còn rất kén chọn cách chăm sóc, tưới bón. Tưới nước cho hoa đào phải tưới bằng nước sạch, nếu sử dụng nước bẩn bị ô nhiễm, đào nở hoa không đều và không đẹp. Hơn nữa, muốn hoa nở đúng dịp Tết phải biết cách tuốt lá đào vào dịp cuối năm.
Tuỳ theo tuổi đời, chủng loại và cách chăm bón của người trồng đào mà một cây đào có thể rất nhỏ hoặc rất rất lớn. Loại nhỏ nhất có thể cao vài chục xen-ti-mét, loại lớn nhất có thể cao đến vài mét. Đào là giống cây rễ cọc nên có một thân chính lớn và rất nhiều cành nhỏ vươn ra từ đây. Thân và cành đào dược bao bọc bởi một lớp vỏ màu nâu xám. Từ hàng chục cành nhỏ lại nhú ra các lá đào xanh non và dưới mỗi lá là một nụ đào nhỏ xíu có một lớp lóng phân trắng phủ ngoài. Đến đúng dịp, từ mỗi nụ nhỏ xinh xắn, một bông hoa đào đỏ thắm ngơ ngác xòe cánh nhìn cuộc sống. Hoa đào có năm cánh thắm, ở giữa là nhị hoa màu vàng tươi trông rất bắt mắt; cả cánh hoa và nhị hoa lại được nâng đỡ bởi sắc xanh non của đài hoa nên một bông hoa đào là một hình ảnh hài hòa về màu sắc.
Hoa đào chỉ nở một lần trong năm vàọ dịp đầu xuân, chính đặc điểm này cùng với màu đỏ thắm của cánh hoa được con người trân trọng. Bởi màu đỏ là màu của điềm lành, của sự may mắn. Và hoa đào nở vào dịp đầu xuân giống như lời chúc cát tường, thịnh vượng cho mọi gia đình. Cùng với màu sắc của hoa, hình dáng cây hoa cũng là một đặc điểm quan trọng. Thông thường, các cành đào vươn lên khiến cây giống như một chùm đèn lồng xoay ngược hay một li rượu vang lớn. Nhưng người trồng đào hoàn toàn có thể tạo “thế” cho cây bằng cách uốn, tỉa thân, cành. Thân chính của cây được tạo dáng sao cho uốn lượn theo hướng vươn lên giống hình ảnh con rồng bay lên trời xanh. Hoặc có thể được uốn tỉa theo hình các con vật; rất phong phú đa dạng. Muốn cây đào có được vẻ xù xì, cổ kính mà không bị cổng kềnh, cao to, người trồng đào thường chọn những cây già rồi cắt gần sát gốc để từ cái gốc cổ thụ ấy lại vươn ra những thân đào khác… Thế mới biết, nghề trồng đào – chơi đào cũng lắm công phu.
Vào ngày Tết, cây đào được đặt ở vị trí trung tâm trong phòng khách, kiêu hãnh khoe cái vẻ tươi tắn rực rỡ của mình. Nhiều gia đình còn treo lên cành cây những phong bao lì xì, những vật trang trí vô cùng bắt mắt. Mỗi lần gió xuân đi qua, những vật nhỏ xinh ấy lại quay tròn ríu rít vỗ tay mừng hoa đào đã nở.
Cây hoa đào với những đặc điểm đáng quý của mình đã được con người Việt Nam trân trọng và nâng niu như thế. Và mỗi dịp Tết đến xuân về, lòng người lại háo hức với niềm vui được chờ đón hoa đào nở, được chờ đón một năm mới an lành, hạnh phúc.
e) Thuyết minh về một giống vật nuôi.
Từng ngày trôi, cuộc sống sẽ buồn tẻ biết bao nếu bên cạnh chúng ta không có những người bạn nhỏ. Em rất thích mèo và luôn tìm hiểu về chúng. Mèo là vật nuôi quen thuộc trong các gia đình từ xưa đến nay.
Mèo là động vật thuộc lớp thú, có bốn chân. Trên mình phủ một bộ lông dày, mượt mà. Mèo nhà có nguồn gốc từ mèo rừng. Mèo được nuôi đầu tiên ở châu Phi, sau được nuôi ở các nước châu Âu và các nước nước khác. Thời đại phát triển ngày nay thì người ta đã lai tạo nhiều giống mèo mới như: Mèo tam thể, mèo lông xù, mèo mướp, mèo mun, …
Trên mặt mèo có bộ ria mép, đó chính là trợ thủ đắc lực của mèo. Những lúc đuổi chuột, chuột chạy vào hang, mèo muốn đuổi theo thì ria mép không được chạm vào cửa hang, còn nếu ria mép chạm vào thì mèo không thể đuổi theo được, vì chiều dài của ria đúng bằng chiều rộng thân. Đặt biệt tai mèo rất thính và mắt mèo rất tinh. Tai mèo có thể nghe mọi cử động của chuột, dù là nhỏ nhất. Mắt mèo có cấu tạo đặc biệt, có thể co giãn, ban ngày mắt mèo co lại, bạn đêm mắt mèo giãn ra, có thể nhìn được trong bóng tối. Điều đó giải thích vì sao mèo hay bắt chuột vào ban đêm.
Mèo sợ lạnh, chúng thích ngủ ở những nơi ấm áp, thích cuộn tròn người và vuốt ve bộ lông. Vào mùa đông, mèo hay ngủ cạnh bếp lò, chui vào trong chăn ấm. Vào những ngày nắng, mèo hay nhảy lên mái bếp hoặc nằm ngoài sân để sưởi nắng. Lông mèo rất đặc biệt, khi được chiếu sáng sẽ tổng hợp thành vitamin D, mèo lấy vitamin bằng cách liếm lông, chúng ta hay nhầm tưởng mèo tự làm sạch cho mình.
Dưới chân mèo có một đệm thịt dày, dù nhảy trên cao xuống cũng không phát ra tiếng động. Thức ăn chính của mèo là chuột, ngoài ra mèo còn ăn thêm cơm, cá và rau. Chân mèo có móng vuốt đàn hồi, bình thường móng cụp lại, khi tự vệ hay vồ mồi thì móng duỗi ra.
Mèo đẻ con và nuôi con bằng sữa. Mèo đẻ mỗi lứa từ 2 – 6 con. Mèo con một tháng tuổi được mẹ dạy cách bắt chuột, vồ mồi. Mèo giúp diệt trừ các động vật có hại, mèo còn biết bắt gián.
Hiện nay, số lượng mèo ngày càng ít vì có chi chít những quán Tiểu Hổ mọc lên. Vậy nên chúng ta phải bảo vệ mèo. Những chú mèo đáng yêu giúp cho con người rất nhiều việc. Từ việc bắt chuột trừ hại cho mùa màng, đến việc bắt gián cho tủ quần áo chúng ta thơm tho. Em rất yêu quý mèo và luôn bảo vệ chúng.
g) Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam (như chiếc nón lá, chiếc áo dài, trò chơi thả diều,…)
Đối với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Việt Nam, chắc chắn sẽ gắn bó với rất nhiều trò chơi dân gian được lưu truyền từ xưa đến nay. Tuổi thơ của họ gắn tràn ngập kỉ niệm về những ngày tháng êm đềm lớn lên bên nhau, cười giòn tan khi được ngắm cánh diều bay cao vút, reo hò ầm ĩ khi chơi trò trốn tìm…Đối với những đứa trẻ xóm chợ ở quê em, có lẽ trò chơi dân gian trốn tìm để lại trong nhau nhiều xúc cảm đáng nhớ nhất.
Từ khi chúng em sinh ra, trò chơi trốn tìm đã có, và cứ thế từ thế hệ này đến thế hệ khác xem đó như một trò chơi cần phải trải qua khi còn ấu thơ. Trò chơi mang đến nhiều tiếng cười reo rộn ràng nhất.
Trò chơi trốn tìm là trò chơi càng đông càng vui, trong đó sẽ có hai phe, một người đi tìm và một nhóm người sẽ đi trốn. Ai oản tù tỳ thua thì chắc chắn phải làm người đi tìm những người còn lại. Trốn tìm không phải trò chơi cần bất cứ dụng cụ gì hết, chỉ cần có người là có thể chơi được, ở bất cứ nơi đâu, trong nhà hay ngoài sân, trong những bụi rậm…Tuy nhiên mọi người thường chọn những nơi rộng rãi, có nhiều chỗ để trốn mới thú vị.
Người đi tìm phải bịt mắt, úp mặt vào tưởng và bắt đầu đếm từ một đến một trăm; đếm đến lúc nào không nghe tiếng ai trả lời nữa thì bắt đầu công cuộc đi tìm. Còn những người đi trốn thì cần phải khéo léo nhanh nhẹn tìm được nơi ẩn nấp an toàn, bí mật để người kia không tìm ra và mình thành người thắng cuộc. Cuộc chơi chỉ thực sự kết thúc khi người đi tìm tìm được hết số người đi trốn, còn nếu người đi tìm đầu hàng thì coi như đã thua và bắt đầu chơi lại từ đầu.
Thực ra trò chơi trốn tìm rất đơn giản, mang lại nhiều niềm vui, bất ngờ và hứng khởi cho mọi người. Một trò chơi dân gian bình dị, gần gũi và góp phần tạo nên “hồn” riêng của vùng quê nông thôn Việt Nam.
Giữa những đống rơm mẹ mới phơi hôm qua, còn thơm mùi rạ, trẻ con có thể chui rúc vào đó mà trốn đến nghẹt thở. Có những người thì lẻn vào góc nhà không có ánh điện, nín thở và lắng nghe tiếng bước chân của người tìm. Trò chơi đơn giản nhưng đầy hồi hộp và mong chờ, đầy bất ngờ.
Khi người đi tìm mệt mỏi, tìm mãi không ra đành bất lực tớ thua rồi, các bạn ra đi thì người trốn sẽ hét hò ầm ĩ “Tớ ở đây này, dễ thế cũng không tìm ra”. Lúc đấy mắt của cái người đi tìm xị xuống y như bị ai lấy cắp đồ chơi.
Trò chơi trốn tìm như một nét văn hóa của nông thôn, những đứa trẻ lớn lên đều ít nhiều biết đến trò chơi thú vị, đơn giản này. Sẽ thật buồn nếu những đứa trẻ nông thôn nào không được trải qua những giây phút thoải mái, êm đềm, thư giãn và đầy hồi hộp như trò chơi này.
Trò chơi trốn tìm cứ thế ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều đứa trẻ nông thôn, theo chúng lớn lên, theo chúng đến những mảnh đất xa xôi. Mỗi người đều có một ký ức, những dòng chảy thời gian về tuổi thơ cứ thế neo đọng lại mãi trong kí ức. Khi tìm về tuổi thơ, bất chợt thấy mình trưởng thành, trò chơi ấy đang dần dần mất đi. Bất giác giật mình và buồn rười rượi.
Tham khảo thêm cách soạn khác bài Ôn tập về văn bản thuyết minh
Câu 1. Văn bản thuyết minh có vai trò và tác dụng như thế nào trong đời sống?
Trả lời:
Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống nhằm cung cấp các tri thức về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân… của các sự vật và hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, xã hội cho con người bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích.
Câu 2. Văn bản thuyết minh có những tính chất gì khác với văn bản tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận?
Trả lời:
STT | Văn bản Thuyết minh | Văn bản tự sự | Văn bản miêu tả | Văn bản biểu cảm | Văn bản nghị luận |
---|---|---|---|---|---|
Đặc điểm (tính chất) | Tri thức chính xác, khách quan về sự vật, hiện tượng. | Kể lại sự việc, nhân vật theo một trình tự | Tái hiện cụ thể đặc điểm về con người, sự vật | Biểu đạt tình cảm, cảm xúc của con người | Trình bày ý kiến, luận điểm. |
Câu 3. Muốn làm tốt bài văn thuyết minh, cần phải chuẩn bị những gì? Bài văn thuyết minh phải làm nổi bật điều gì?
Trả lời:
Muốn làm tốt bài văn thuyết minh, cần phải chuẩn bị tư liệu bằng cách quan sát trực tiếp, thu thập tài liệu liên quan qua sách vở, các phương tiện thông tin, xây dựng bố cục bài thuyết minh theo trình tự hợp lí. Phải làm nổi bật điều mình muốn thuyết minh: đặc điểm, tính chất, cách sử dụng, … Điều đó phụ thuộc vào mục đích thuyết minh và đối tượng được thuyết minh.
Câu 4. Những phương pháp thuyết minh nào thường được chú ý vận dụng?
Trả lời:
Để bài văn thuyết minh có sức thuyết phục, dễ hiểu, sáng rõ, người ta có thể sử dụng phối hợp nhiều phương pháp thuyết minh như: Nêu định nghĩa, giải thích, liệt kê, nêu ví dụ, dùng số liệu, so sánh, phân tích, phân loại.
II – Soạn phần luyện tập bài Ôn tập về văn bản thuyết minh trang 35 – 36 SGK ngữ văn 8 tập 2
Bài 1. Hãy nêu cách lập ý và lập dàn bài đối với các đề bài sau:
a) Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt.
b) Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em.
c) Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học mà em đã học.
d) Giới thiệu cách làm một đồ dùng học tập (một thí nghiệm)
Trả lời:
Giới thiệu một đồ dùng
a) Mở bài: Giới thiệu đồ dùng một cách chung nhất.
b) Thân bài:
– Giới thiệu về hình dáng, chất liệu, kích thước, màu sắc, cấu tạo, cách sử dụng, công dụng.
– Những điều cần lưu ý khi lựa chọn để mua, khi sử dụng.
c) Kết bài: Giá trị của đồ dùng đối với cuộc sống.
Giới thiệu một danh lam thắng cảnh:
a) Mở bài: Giới thiệu chung về thắng cảnh.
b) Thân bài: Giới thiệu vị trí địa lí, quá trình hình thành và phát triển …
– Cấu trúc, quy mô, từng khối, từng mặt, từng phần …
– Sơ lược sự tích, hiện vật trưng bày, …
– Phong tục, lễ hội …
c) Kết bài: ý nghĩa lịch sử, văn hóa xã hội của thắng cảnh.
Giới thiệu một thể loại văn học:
a) Mở bài: Nêu định nghĩa chung về thể loại đó.
b) Thân bài: Nêu các đặc điểm của thể loại đó (có ví dụ kèm theo minh họa)
c) Kết bài: Cảm nhận của em về vẻ đẹp của thể loại văn học đó.
Giới thiệu một phương pháp (làm đồ dùng học tập, thí nghiệm):
a) Mở bài: Giới thiệu tên đồ dùng.
b) Thân bài:
– Nguyên vật liệu.
– Cách làm.
– Yêu cầu thành phẩm.
c) Kết bài: Những điều cần lưu ý trong quá trình tiến hành.
Bài 2. Tập viết đoạn văn theo các đề bài sau:
a) Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt.
b) Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em.
c) Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học đơn giản (như văn bản đề nghị, báo cáo, thể thơ lục bát,…)
d) Giới thiệu một loài hoa (như hoa đào, hoa mai,…) hoặc một loài cây (như cây chuối, cây na,…)
e) Thuyết minh về một giống vật nuôi.
g) Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam (như chiếc nón lá, chiếc áo dài, trò chơi thả diều,…)
Trả lời:
a) Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt.
– Đoạn văn mẫu 1:
Chiếc bàn học của em do chính ba em làm từ những tấm ván và thanh gỗ lựa từ đống củi mẹ mới mua. Suốt một ngày chủ nhật cưa, bào, đục, đẽo… không ngơi tay, ba em đã đóng xong chiếc bàn xinh xắn. Nó được kê ngay cửa sổ, hướng đông nên suốt ngày có đủ ánh sáng. Hình dáng chiếc bàn này giống hệt chiếc bàn ở lớp nhưng kích thước của nó chỉ bằng một nửa. Mặt bàn được bào nhẵn. Ba em đánh véc-ni thật kĩ. Các đường vân nổi lên rất đẹp. Dưới mặt bàn là hai ngăn rộng rãi, đủ để đựng sách vở và đồ dùng học tập. Bàn đóng liền với ghế, có chỗ dựa lưng thoải mái. Ba mua cho em một cây đèn nê-ông nhỏ, bệ đèn là chiếc giá cắm bút bằng nhựa màu hồng. Cây đèn được gắn cố định vào mặt bàn để buổi tối em có đủ ánh sáng học bài.
– Đoạn văn mẫu 2:
Dù còn là học sinh, hay đã đi làm, ai trong chúng ta cũng cần phải sử dụng bút. Chiếc bút gắn liền với tất cả mọi người, không ai không biết đến tác dụng của nó. Thế nhưng bút có từ bao giờ và hiện nay có những loại như thế nào thì chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu.
b) Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê hương em.
– Đoạn văn mẫu 1:
Thành phố Nha Trang là một trung tâm du lịch lớn của cả nước với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, điều kiện thiên nhiên ưu đãi cả về vị trí, cảnh quan, khí hậu, cùng với nền tảng về lịch sử, nhân văn của mình. Nha Trang – Khánh Hòa có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng. Nằm ở vị trí trung tâm tỉnh Khánh Hòa, thành phố Nha Trang có diện tích 251 km2, bao gồm 27 xã, phường và 19 hòn đảo, với trên 2.500 hộ và khoảng 15.000 người sống trên các đảo. Đảo lớn nhất là Hòn Tre rộng 36km2 nằm che chắn ngoài khơi khiến cho vịnh Nha Trang (nằm trong số 29 vịnh đẹp nhất trên thế giới) trở nên kín gió và êm sóng. Nơi đây được nhiều du khách mệnh danh là “Hòn ngọc viễn đông” nhờ những bãi tắm đẹp, con đường nhựa xanh sạch, các ngôi biệt thự ẩn mình trong rừng hoa và cây xanh.
– Đoạn văn mẫu 2:
Vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh quê em được công nhận là một trong những di sản thiên nhiên thế giới. Đến với vịnh Hạ Long quý khách không chỉ được ngắm cảnh, đi du thuyền mà còn được tắm mình trong những bãi biển mát lạnh và đẹp nhất cả nước. Ai đã từng đi Hạ Long chắc sẽ mãi không quên vẻ đẹp ngây ngất ở nơi này.
c) Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học đơn giản (như văn bản đề nghị, báo cáo, thể thơ lục bát,…)
– Đoạn văn mẫu 1:
Lục bát là một thể thơ dân tộc với số lượng tiếng cố định: dòng 6 tiếng (câu lục) và dòng 8 tiếng (câu bát). Thể thơ này gieo vần lưng và vần chân về luật bằng trắc, chỉ có quy định cho những tiếng chẵn mà thường là tiếng thứ 4 trắc, còn lại bằng. Về ngắt nhịp, thể thơ lục bát chủ yếu ngắt nhịp chẵn.
– Đoạn văn mẫu 2:
Trong các thể thơ đã học thì em thích nhất là thể thơ lục bát. Đây là thể thơ truyền thống của dân tộc với số tiếng cố định: câu lục là một dòng gồm 6 tiếng, còn câu bát là một dòng gồm 8 tiếng. Thể thơ góp phần tạo nên âm hưởng ngọt ngào tha thiết của những vần thơ, những làn điệu dân ca, ca dao.
d) Giới thiệu một loài hoa (như hoa đào, hoa mai,…) hoặc một loài cây (như cây chuối, cây na,…)
– Đoạn văn mẫu 1:
Cây hoa mai có nhiều loại, phổ biến nhất là mai vàng (Hoàng Mai), sau đó là mai tứ quý, rồi đến mai trắng (Bạch Mai) và mai chiếu thuỷ.Cây mai vàng dễ sống, ưa đất gò pha cát hoặc đất bãi ven sông. Có thể trồng đại trà thành vườn rộng hàng vài mẫu mà cũng có thể trồng dăm cây trong vườn, hoặc trong chậu sứ. Đất trồng mai có độ ẩm vừa phải và không úng nước. Phân bón cho mai thường là phân bò khô trộn với tro bếp, khô dầu và một ít u-rê, ka-li, …
– Đoạn văn mẫu 2:
Nếu hoa mai là đặc trưng cho mùa xuân miền Nam, thì hoa đào báo hiệu mùa xuân miền Bắc. Hàng năm, mỗi độ tết đến xuân về, những cánh đào bắt đầu khoe sắc. Có rất nhiều loại đào: đào bích, đào phai,.. mỗi loại có một màu sắc riêng, vẻ đẹp riêng. Nói về trồng đào thì nổi tiếng nhất là Nhật tân (Hà Nội), nơi có những vườn đào rộng vài trăm ha.
e) Thuyết minh về một giống vật nuôi.
– Đoạn văn mẫu 1:
Chú thỏ con nhà tôi xinh thật là xinh. Chú có cái mũi đo đỏ lúc nào cũng ươn ướt luôn hít hít thở thở. Bộ ria mọc hai bên mép cũng trắng như cước. Đôi mắt đỏ hồng tròn xoe như hai hòn bi trông rất hiền. Hai tai thỏ như hai lá doi lúc nào cũng vểnh lên.
– Đoạn văn mẫu 2:
Trong tất cả các loài vật nuôi thì em thích nhất là con chó. Chó là loài thú bốn chân, tiến hóa từ chó sói, sau thành chó nhà. Chó có nhiều loại, có loại to 40-50kg, nhưng cũng có loại chỉ 5-10kg. Hiện nay, nhiều gia đình đang nuôi chó để giữ nhà, để làm người bạn thân thiết cùng các thành viên trong gia đình. Chó còn để phục vụ cho công tác điều tra của các chiến sĩ cảnh sát, những con chó được huấn luyện nghiệp vụ một cách kĩ lưỡng có thể phát hiện ra những thứ lạ thường giúp vụ án có thể phá nhanh chóng.
g) Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam (như chiếc nón lá, chiếc áo dài, trò chơi thả diều,…)
– Đoạn văn mẫu 1:
Chiếc áo dài xuất hiện trong đời sống của người Việt Nam từ lâu đời. Nó mang đậm bản sắc dân tộc và tượng trưng cho vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ. Từ đầu thế kỉ XIX đến năm 1945, áo dài phụ nữ có hai loại: áo tứ thân và áo hai mảnh sau ghép liền giữa sống lưng. Đằng trước là hai tà áo không có khuy, khi mặc bỏ buông hoặc buộc thắt vào nhau. Áo năm thân cũng may như áo tứ thân, chỉ có điều vạt trước phía trái may ghép từ hai thân vải nên nó rộng gấp đôi vạt phải. Từ những 30 của thế kỉ XX, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến dần thành chiếc áo dài ” tân thời”. Chiếc áo dài tân thời là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo với phong cách hiện dại phương tây.
– Đoạn văn mẫu 2:
Nếu Hàn Quốc nổi tiếng với hanbook, Nhật Bản nổi tiếng với Kimono thì Việt Nam ta chiếc áo dài chính là biểu tượng cho người phụ nữ. Xuất phát từ chiếc áo tứ thân, áo bà ba của các bà, các mẹ, ngày nay chiếc áo dài đã được cải tiến rất nhiều về mẫu mã và chất liệu để phù hợp hơn với các hoạt động của người phụ nữ. Không chỉ giáo viên, học sinh, áo dài còn được sử dụng rộng rãi với mọi đối tượng như nhân viên ngân hàng, tiếp viên hàng không,.. hay cả trong những đám cưới hỏi của các cô dâu.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)
Leave a Comment