Soạn bài Ôn tập phần văn học trang 196 – 197 SGK ngữ văn lớp 12 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Ôn tập phần văn học, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.
Hướng dẫn soạn bài – Ôn tập phần văn học
I. NỘI DUNG ÔN TẬP
Sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập hai, phần văn học Việt Nam gồm những tác phẩm văn học hiện đại từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX, thuộc các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, văn nhật dụng.
Về truyện ngắn và tiểu thuyết, chương trình gồm các tác phẩm: Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân), Rừng xà nu (Nguyên Trung Thành), Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) và các tác phẩm đọc thêm: Bắt sấu rừng U Minh Hạ (Sơn Nam), Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Một người Hà Nội (Nguyễn Khải). Khi ôn tập, cần nắm được những kiến thức cơ bản về thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết để vận dụng vào việc phân tích tác phẩm. Ngoài việc nắm vững nội dung tư tưởng các tác phẩm, nên so sánh để làm rõ những nét đặc sắc về nghệ thuật của mỗi truyện: tình huống truyện, khắc họa nhân vật, nghệ thuật trần thuật, ngôn ngữ nghệ thuật,… Ở đây, ngoài yêu cầu nhận ra những nét đặc sắc của từng tác phẩm thể hiện tư tưởng và phong cách nghệ thuật của mỗi nhà văn, còn phải thấy được phần nào sự đa dạng, phong phú của truyện ngắn thời kì này.
Về kịch hiện đại Việt Nam, sách giáo khoa trích học vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Khi ôn tập, ngoài việc nắm vững giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích, cần phải hiểu được một số đặc điểm của thể loại kịch qua đoạn trích và vận dụng được những tri thức đó để đọc văn bản kịch.
Phần văn học nước ngoài có các trích đoạn truyện ngắn và tiểu thuyết: Thuốc (Lỗ Tấn), Số phận con người (M. Sô-lô-khốp), Ông già và biển cả (Ơ. Hê-minh-uê). Khi ôn tập, ngoài việc nắm vững giá trị nội dung, những sáng tạo về hình thức trong mỗi tác phẩm, còn cần nắm được cách đọc một tác phẩm truyện hiện đại nước ngoài.
II. PHƯƠNG PHÁP ÔN TẬP
Học sinh có thể vận dụng những hình thức ôn tập sau:
– Làm bài tập tại lớp.
– Thuyết trình.
– Thảo luận ở lớp (có thể theo nhóm).
– Viết báo.
Có thể lập đề cương ôn tập theo hệ thống các vấn đề và câu hỏi sau:
Giải câu 1 (Trang 197 SGK ngữ văn 12 tập 2)
Những phát hiện khác nhau về số phận và cảnh ngộ của người dân lao động trong các tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân). Phân tích nét đặc sắc trong tư tưởng nhân đạo của mỗi tác phẩm.
Trả lời:
a) Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài):
– Số phận và cảnh ngộ của con người: Số phận bi thảm của người dân miền núi Tây Bắc dưới ách áp bức, bóc lột của bọn phong kiến trước cách mạng một cổ đôi ba tròng xiết chặt: thực dân Pháp, chế độ phong kiến (thống lí Pá Tra), những quan niệm mê tín dị doan và những hủ tục xa xưa.
– Tư tưởng nhân đạo của tác phẩm: Ngợi ca sức sống tiềm tàng của con người và con đường họ tự giải phóng, đi theo cách mạng.
b) Vợ nhặt (Kim Lân):
– Số phận và cảnh ngộ của con người: Đặt nhân vật vào tình cảnh thê thảm của người dân lao động trong nạn đói 1945, tác giải đã dựng lên không khí tối tăm, ảm đạm bao trùm xóm ngụ cư, những người nông dân nghèo khổ, thậm chí là dân ngụ cư, gặp nhau trong tình huống truyện oái oăm: “vợ nhặt”.
– Tư tưởng nhân đạo của tác phẩm:
+ Đi sâu lí giải, phân tích hiện thực bằng cái nhìn vừa đau xót, vừa căm giận.
+ Ngợi ca tình người cao đẹp, khát vọng sống, hạnh phúc và hi vọng vào một tương lai tươi sáng.
Giải câu 2 (Trang 197 SGK ngữ văn 12 tập 2)
Các tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi đều viết về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Hãy so sánh để làm rõ những khám phá, sáng tạo riêng của từng tác phẩm trong việc thể hiện chủ đề chung đó.
Trả lời:
Về hình tượng nhân vật của hai truyện ngắn:
a) Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trước tiên thể hiện ở những nhân vật mang phẩm chất anh hùng, bất khuất, từ đau thương trỗi dậy để chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược:
– Họ đều là những người con được sinh ra từ truyền thống bất khuất của gia đình, của quê hương, của dân tộc:
+ Tnú là người con của làng Xô Man, nơi từng người dân đều hướng về cách mạng, bảo vệ cán bộ “Đảng còn thì núi nước này còn” – Lời cụ Mết. (Rừng xà nu)
+ Chiến và Việt sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nứơc, căm thù giặc: Cha là cán bộ cách mạng, má là người phụ nữ Nam bộ kiên cường trong đấu tranh, hai con tiếp nối lí tưởng của cha mẹ. (Những đứa con trong gia đình)
– Họ đã chịu nhiều đau thương, mất mát do kẻ thù gây ra, tiêu biểu cho đau thương mất mát của cả dân tộc:
+ Tnú chứng kiến cảnh vợ con bị kẻ thù tra tấn đến chết, bản thân bị giặc đốt mười đầu ngón tay.
+ Chiến và Việt chứng kiến cái chết của ba má: ba bị chặt đầu, má chết vì đạn giặc.
–> Những đau thương đó hun đúc tinh thần chiến đấu, lòng căm thù giặc sâu sắc của con người Việt Nam.
– Họ đều mang phẩm chất anh hùng, bất khuất, là những con người Việt Nam kiên trung trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm:
+ Tnú từ nhỏ đã gan dạ, đi liên lạc bị giặc bắt được, tra tấn dã man vẫn không khai. Anh vượt ngục trở về, lại là người lãnh đạo thanh niên làng Xô Man chống giặc, bị đốt mười ngón tay vẫn không kêu rên trước mặt kẻ thù Ở Tnú toát lên vẻ đẹp của người anh hùng trong sử thi Tây Nguyên và vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại chống Mĩ.
+ Việt bị thương trong trận đánh lại lạc mất đơn vị, vẫn chắc tay súng quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. Đối với chị, Việt ngây thơ, nhỏ bé. Còn trước kẻ thù, Việt vụt lớn lên, chững chạc trong tư thế người anh hùng.
–> Chủ nghĩa anh hùng cách mạng không chỉ thể hiện ở từng nhân vật, mà còn thể hiện ở tập thể nhân vật anh hùng, và mỗi nhân vật đều tượng trưng cho phẩm chất của cả cộng đồng: Cụ Mết, Mai, Dít, Heng trong “Rừng xà nu”; ba, má, chú Năm trong “Những đứa con trong gia đình”. Họ đều là những con người yêu quê hương đất nước, gắn bó với buôn làng, với gia đình, với người thân yêu. Tình yêu tổ quốc của họ bắt đầu từ những tình cảm bình dị đó, cho nên nó càng bền bỉ, càng có sức mạnh lớn lao khiến kẻ thù phải run sợ.
b) Chủ nghĩa anh hùng cách mạng còn thể hiện ở sức sống bất diệt của con người Việt Nam trong cuộc chiến đấu ác liệt:
+ Dân làng Xô Man như rừng cây xà nu mặc dù “Trong rừng hàng vạn cây, không cây nào không bị thương”, nhưng vẫn “ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng”, một cây ngã xuống thì bốn năm cây con mọc lên. Mai hi sinh thì Dít vươn lên thay thế, Heng như cây xà nu non hứa hẹn trở thành cây xà nu cường tráng tiếp nối cha anh. Tầng tầng, lớp lớp những người dân Xô Man Tây Nguyên tiếp nối đứng lên kiên cường chiến đấu với quân thù để bảo vệ quê hương đất nước mình.
+ Ông nội bị giặc giết, cha của Chiến và Việt trở thành cán bộ Việt Minh, cha bị giết hại dã man, má Việt tiếp tục nuôi con và chiến đấu, đến khi má ngã xuống thì anh em Chiến và Việt lại tiếp nối con đường chiến đấu, thực hiện lí tưởng của gia đình, và trong dòng sông truyền thống của gia đình, họ là khúc sông sau nên hứa hẹn đi xa hơn cả thế hệ trước.
–> Sự tiếp nối và kế thừa đó đã làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam thời chống Mĩ, là sức sống bất diệt giúp họ vượt qua bao đau thương do kẻ thù gây ra để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng.
c) Về chất sử thi trong hai truyện ngắn: Góp phần thể hiện thành công chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Nghệ thuật sử thi đòi hỏi tác phẩm tập trung phản ánh những vấn đề cơ bản nhất, có ý nghĩa sống còn của đất nước; phản ánh được chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng.
+ Đề tài: cuộc chiến đấu của dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược.
+ Chủ đề: ngợi ca phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ.
+ Nhân vật chính: Là những con người tiêu biểu cho cộng đồng về lí tưởng và phẩm chất, nhân danh cộng đồng mà chiến đấu hi sinh.
+ Giọng văn: ngợi ca, thấm đẫm cảm hứng lãng mạn cách mạng.
–> Hai truyện ngắn là hai bản anh hùng ca thời đại đánh Mĩ.
Giải câu 3 (Trang 197 SGK ngữ văn 12 tập 2)
Phân tích tình huống truyện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
Trả lời:
Tình huống truyện “Chiếc thuyền ngoài xa”:
Tình huống truyện trong “Chiếc thuyền ngoài xa” được xây dựng qua việc phát hiện ra những nghịch lí của Phùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh săn tìm cái đẹp ở ngoài bãi biển và ở toà án huyện.
– Ở ngoài bãi biển:
+ Nghệ sĩ Phùng đã phát hiện ra một cảnh đẹp trời cho trên một vẻ đẹp mờ sương, mặt biển mà cả đời bấm máy anh chỉ có diễm phúc bắt gặp được một lần: hình ảnh chiếc thuyền lướt vó nhạt nhoà trong làn sương mù màu trắng buổi bình minh… Phát hiện ấy khiến người nghệ sĩ cảm thấy sung sướng hạnh phúc, tưởng tâm hồn mình được gột rửa, trở nên trong trẻo, tinh khôi, bắt gặp các tận Thiện, tận Mĩ.
+ Nhưng ngay sau đó, người nghệ sĩ lại phát hiện ra một sự thực trớ trêu và đầy nghịch lí như trò đùa quái ác của cuộc sống. Anh đã chứng kiến từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ ấy bước ra một người đàn bà xấu xí mệt mỏi và cam chịu, một lão đàn ông thô kệch dữ dằn độc ác, coi việc đánh vợ như một phương cách giải toả những ấm ức khổ đau. Phùng cay đắng nhận thấy: hoá ra đằng sau cái vẻ đẹp thơ mộng của “chiếc thuyền ngoài xa” trên biển sớm mờ sương lại là một sự thực tàn nhẫn của bi kịch gia đình. Đằng sau cái vẻ đẹp ấy mới là sự thực của cuộc đời. Cái vẻ đẹp bên ngoài ấy nhiều khi thường đánh lừa ta như vậy.
– Trong toà án huyện là nghịch lí: người đàn bà hang chài van xin để toà cho chị được sống cùng người chồng vũ phu. Câu chuyện về cuộc đời chị đã giúp cho nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu “ngộ” ra được những chân lí sâu sắc, éo le của cuộc đời.
Ý nghĩa tình huống truyện:
– Giúp nhà văn gửi gắm những thông điệp tư tưởng và nghệ thuật: cái bên ngoài chưa hẳn là bản chất thật bên trong, nhiều khi còn đối lập với phẩm chất bên trong, không phải bao giờ cái Đẹp cũng thống nhất với cái Thiện, vì thế, cần phải có cái nhìn đa chiều sâu sắc, cảm thông với cuộc sống và con người. Thể hiện tuyên ngôn nghệ thuật về trách nhiệm người nghệ sĩ: Không nên tách rời nghệ thuật với cuộc đời, cần phải rút ngắn khoảng cách giữa cuộc đời và nghệ thuật; nghệ sĩ không được nhìn cuộc đời bằng con mắt đơn giản, dễ dãi, phải có tấm lòng, có can đảm, và biết trăn trở về con người.
– Tình huống truyện góp phần làm nên giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm:
+ Giá trị hiện thực: Cuộc sống đói nghèo lạc hậu tăm tối là nguyên nhân dẫn tới nạn bạo hành gia đình. Cuộc chiến đấu bảo vệ quyền sống của cả dân tộc trải qua bao hi sinh gian khổ nhưng cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống của từng con người còn đầy cam go, lâu dài, cần có sự quan tâm của cách mạng, của cộng đồng.
+ Giá trị nhân đạo: Sự chia sẻ cảm thông của tác giả với những số phận đau khổ tủi nhục của những người lao động vô danh đông đảo trong xã hội. Lên án, đấu tranh với cái xấu, cái ác vẫn còn tồn tại trong từng gia đình. Phát hiện, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người lao động.
Giải câu 4 (Trang 197 SGK ngữ văn 12 tập 2)
Ý nghĩa tư tưởng của đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.
Trả lời:
Ý nghĩa tư tưởng của đoạn trích “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”
– Cuộc sống của con người thật quý giá, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình muốn và theo đuổi còn quý giá hơn. Cuộc sống hỉ thực dự có ý nghĩa khi người ta được sống tự nhiên với sự hài hòa giửa tâm hồn và thể xác. Không thể đem lắp những mảng ghép khập khiễng hòng tạo nên những giá trị đích thực của cuộc sống.
– Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.
Giải câu 5 (Trang 197 SGK ngữ văn 12 tập 2)
Ý nghĩa tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn Số phận con người của M. Sô-lô-khốp.
Trả lời:
Ý nghĩa tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn Số phận con người của M. Xô – lô – khốp:
* Ý nghĩa tư tưởng tác phẩm:
– Tác phẩm là bài ca giản dị mà mà hào hùng, ca ngợi tính cách Nga nhân hậu hết mực mà bản lĩnh phi thường.
– Hai nét tính cách này có mối quan hệ mật thiết với nhau, giúp con người thêm nghị lực vượt qua nghịch cảnh. Nghịch cảnh lại gắn kết những con người bất hạnh ngày càng bền chắc hơn.
* Đặc sắc nghệ thuật:
– Lối kể chuyện tự nhiên, miêu tả nhẹ nhàng, chọn chi tiết đặc sắc.
– Nghệ thuật miêu tả tâm lí:
+ Lời nhân vật được bộc bạch.
+ Nghệ thuật xây dựng tình huống để bộc lộ tâm lí.
Giải câu 6 (Trang 197 SGK ngữ văn 12 tập 2)
Trong truyện ngắn Thuốc, Lỗ Tấn phê phán căn bệnh gì của người Trung Quốc đầu thế kỉ XX? Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm?
Trả lời:
* Trong truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn, thuốc là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng nhằm phê phán căn bệnh của người Trung Quốc đầu thế kỉ XX đó là:
– Thuốc trước hết được hiểu là thuốc chữa bệnh.
– Thuốc chữa bênh nan ý cho người nghèo thì chỉ là thứ bùa mê của người dân Trung Quốc dưới thời nô lệ nó đem đến cho họ niềm tin ngu xuẩn, niềm vui tâm hồn và hết sức vu vơ.
– Thuốc cứu nước của Trung Hoa, máu của người cách mạng là một thứ thuốc để cứu đất nước nhưng lại là thứ thuốc để chữa bệnh lao. Từ đó tác giả đặt ra vấn đề phải tìm ra thuốc chữa bệnh mu muội của người dân.
* Đặc sắc nghệ thuật truyện ngắn Thuốc (Lỗ Tấn):
– Cốt truyện đơn giản nhưng có sự độc đáo ở việc lựa chọn các tình tiết, cách xắp xếp thời gian nghệ thuật và không gian truyện.
– Nghệ thuật tả cảnh: chỉ có tả mới phơi bày một cách khách quan, lạnh lùng trước thái độ mu muội của quần chúng nhân dân mà vô cảm trước máu của người cách mạng.
Giải câu 7 (Trang 197 SGK ngữ văn 12 tập 2)
Ý nghĩa biểu tượng trong đoạn trích Ông già và biển cả của Ơ.Hê-minh-uê? Lưu ý: Về những tác phẩm khác, học sinh dựa vào câu hỏi ở phần Hướng dẫn học bài để ôn tập.
Trả lời:
Ý nghĩa biểu tượng của đoạn trích Ông già và biển cả ( Hê – minh –uê):
* Hình tượng con cá kiếm:
– Biểu tượng cho ước mơ, lí tưởng mà mỗi người thường theo đuổi trong cuộc đời.
– Biểu tượng cho cái đẹp – là đối tượng tìm kiếm, săn đuổi một đời của nhà văn hay những người làm nghệ thuật nói chung.
* Hành trình săn bắt cá của ông lão biểu tượng cho hành trình thực hiện khát vọng, ước mơ của con người. Qua đó, tác giả gửi gắm niềm tin lớn lao vào con người trong bất kì hoàn cảnh nào “Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại”.
Tham khảo thêm cách soạn khác bài Ôn tập phần văn học
Câu 1. Những phát hiện khác nhau về số phận và cảnh ngộ của người dân lao động trong các tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân). Phân tích nét đặc sắc trong tư tưởng nhân đạo của mỗi tác phẩm.
Trả lời:
– Vợ nhặt (Kim Lân):
+ Tác giả đã đặt nhân vật của mình vào bối cảnh nạn đói năm 1945.
+ Các nhân vật trong truyện đều là những người nông dân nghèo khổ, thậm chí là dân ngụ cư.
+ Giá trị nhân đạo của tác phẩm:
Tố cáo sâu sắc tội ác của bọn thực dân, phát xít và tay sai vì chúng đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945.
Trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của con người.
Niềm tin của tác giả đặt vào những khát vọng bình dị mà chân chính những con người vẫn muốn sống, vẫn khát khao tình thương và sự gắn bó, việc nương tựa vào nhau đã cho họ niềm tin để sống.
– Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài):
+ Tô Hoài đã khắc họa rõ nét hình ảnh những kiếp người đau khổ trong xã hội cũ. Dù bị vùi dập tưởng chừng không thể nào ngẩng đầu lên được, hai người nô lệ Mị và A Phủ vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt.
+ Tô Hoài lựa chọn nhân vật là những người dân tộc Mông ở miền Tây Bắc
+ Giá trị nhân đạo:
Sự cảm thông với số phận của những con người bất hạnh.
Phát hiện, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của con người, nhất là tình yêu tự do và sức sống tiềm tàng mãnh liệt của người dân miên núi.
Phê phán sâu sắc bọn quan lại phong kiến miền núi, thể hiện thái độ căm giận trước những thế lực chà đạp con người.
Câu 2. Các tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi đều viết về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Hãy so sánh để làm rõ những khám phá, sáng tạo riêng của từng tác phẩm trong việc thể hiện chủ đề chung đó.
Trả lời:
a) Những khám phá, sáng tạo của Nguyễn Trung Thành trong Rừng xà nu.
– Chọn một loại cây rất gần gũi với đời sống của đồng bào Tây Nguyên và xây dựng hình ảnh ấy thành biểu tượng đẹp đẽ, đặc sắc, tiêu biểu cho sức sống mãnh liệt và ý chí kiên cường, bất khuất của đồng bào Tây Nguyên trong công cuộc chống Mĩ cứu nước – hình tượng rừng xà nu.
– Chọn cách thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước qua hình ảnh một tập thể nhân dân anh hùng, đó là dân làng Xô man.
– Chủ đề của truyện là chân lí của thời đại cách mạng: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”.
b) Những khám phá, sáng tạo của Nguyễn Thi trong Những đứa con trong gia đình.
– Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong tác phẩm được thể hiện sắc nét trong truyền thống anh dũng, đáng tự hào của một gia đình. Tiêu biểu cho ý tưởng đó của tác giả là hình ảnh hai chị em Chiến và Việt.
– Chọn một gia đình để viết truyện, ý tưởng của nhà văn chính là để nói lên sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng khi nó đã thấm sâu đến từng người dân, đặc biệt nó đầy ắp trong tim thế hệ trẻ.
– Nguyễn Thi đã xây dựng rất thành công kiểu nhân vật đánh Mĩ trong gia đình, đặc biệt là Chiến và Việt.
Câu 3. Phân tích tình huống truyện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
Trả lời:
Dàn bài:
a) Định nghĩa tình huống truyện
b) Tình huống truyện trong “Chiếc thuyền ngoài xa” được xây dựng qua việc phát hiện ra những nghịch lí của Phùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh săn tìm cái đẹp ở ngoài bãi biển và ở toà án huyện
– Ở ngoài bãi biển
+ Nghệ sĩ Phùng đã phát hiện ra một cảnh đẹp trời cho. Nhưng đằng sau cái vẻ đẹp ấy mới là sự thực của cuộc đời.
– Trong toà án huyện là nghịch lí: người đàn bà hàng chài van xin để toà cho chị được sống cùng người chồng vũ phu.
c) Ý nghĩa tình huống truyện:
– Không nên tách rời nghệ thuật với cuộc đời, cần phải rút ngắn khoảng cách giữa cuộc đời và nghệ thuật; nghệ sĩ không được nhìn cuộc đời bằng con mắt đơn giản, dễ dãi, phải có tấm lòng, có can đảm, và biết trăn trở về con người.
d) Kết luận
– Tình huống truyện là một thành công lớn của truyện ngắn nói chung và của tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” nói riêng.
– Với tình huống truyện độc đáo sẽ tạo ra tài năng của tác giả.
Câu 4. Ý nghĩa tư tưởng của đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.
Trả lời:
Tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt gửi gắm một triết lí sâu sắc về lẽ sống, lẽ làm người: Cuộc sống thật đáng quý nhưng không phải sống thế nào cũng được. Con người phải luôn đấu tranh với bản thân đế vươn tới sự thống nhất, hài hoà giữa linh hồn và thể xác, hướng tới sự hoàn thiện nhân cách.
Câu 5. Ý nghĩa tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn Số phận con người của M. Sô-lô-khốp.
Trả lời:
* Ý nghĩa tư tưởng:
– Khẳng định sức mạnh tiềm ẩn và những cống hiến của nhân dân Nga trong sự nghiệp bảo vệ xây dựng tổ quốc và tin tưởng vào tính cách Nga kiên cường và nhân hậu. Đồng cảm trước vô vàn khó khăn trở ngại mà con người phải vượt qua trên con đường vươn tới tương lai và hạnh phúc.
* Đặc sắc nghệ thuật:
– Tác phẩm được kể theo ngôi thứ nhất, kết cấu theo trình tự thời gian. Truyện viết theo kiểu truyện lồng trong truyện. Tác phẩm có hai người kể chuyện: Người kể chuyện – tác giả và người kể chuyện – nhân vật;
– Sô- lô- khốp tạo được nhiều tình huống nghệ thuật đặc sắc để thử thách, khám phá chiều sâu tính cách Nga, con người Nga.
Câu 6. Trong truyện ngắn Thuốc, Lỗ Tấn phê phán căn bệnh gì của người Trung Quốc đầu thế kỉ XX? Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm?
Trả lời:
Thuốc đề cập đến một vấn đề đó là sự u mê, đớn hèn, mông muội về chính trị xã hội của quần chúng và bi kịch không được hiểu, không được ủng hộ của những người cách mạng tiên phong.
– Nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm
+ Khắc họa các hình ảnh, nhân vật: tác giả triển khai nhiều điểm nhìn về phía nhân vật Hạ Du, nhân vật Hạ Du được miêu tả gián tiếp qua suy tư, lời đối thoại của nhiều nhân vật.
+ Về nghệ thuật trần thuật: truyện được kể theo ngôi thứ ba. Thuốc là tác phẩm hiện thực phê phán nhưng lại có yếu tố lãng mạn tích cực
Câu 7. Ý nghĩa biểu tượng trong đoạn trích Ông già và biển cả của Ơ.Hê-minh-uê? Lưu ý: Về những tác phẩm khác, học sinh dựa vào câu hỏi ở phần Hướng dẫn học bài để ôn tập.
Trả lời:
Ý nghĩa biểu tượng của đoạn trích Ông già và biển cả:
– Ông lão tượng trưng cho vẻ đẹp của con người trong việc theo đuổi ước mơ giản dị nhưng rất to lớn của đời mình:
– Con cá kiếm là đại diện cho tính chất kiêu hùng, vĩ đại của tự nhiên:
– Trong mối quan hệ phức tạp của thiên nhiên với con người không phải lúc nào thiên nhiên cũng là kẻ thù. Con người và thiên nhiên có thể vừa là bạn, vừa là đối thủ. Con cá kiếm là biểu tượng của ước mơ vừa bình thường giản dị nhưng đồng thời cũng rất khác thường, cao cả mà con người ít nhất từng theo đuổi một lần trong đời.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)
Leave a Comment