Soạn bài – Nói với con

Soạn bài Nói với con trang 72 – 74 SGK ngữ văn lớp 9 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Nói với con – Y Phương, sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

NÓI VỚI CON

Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình(1) yêu lắm con ơi
Đan lờ(2) cài nan hoa
Vách nhà ken(3) câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung(4) không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.

1980
(Y Phương(*), trong thơ Việt Nam 1945 – 1985, Sđd)

Chú thích:

(*) Nhà thơ Y Phương tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước, dân tộc Tày, sinh năm 1948; quê ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Y Phương nhập ngũ năm 1968, phục vụ trong quân đội đến năm 1981 chuyển về công tác tại Sở văn hóa  – Thông tin Cao Bằng. Từ năm 1993, ông là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ mà trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi.

(1) Người đồng mình: người vùng mình, người miền mình. Đây có thể hiểu cụ thể là những người cùng sống trên một miền đất, cùng quê hương, cùng một dân tộc.

(2) Lờ: một loại dụng cụ dùng để đặt bắt cá, được đan bằng những nan tre vót tròn.

(3) Ken: làm cho thật kín bằng cách đệm thêm vào những chỗ hở. Người miền núi thường dùng nhiều tấm ván gỗ dựng chắc sát nhau thành vách nhà. Ken ở đây là động từ, được hiểu như đan cài, kết.

(4) Thung (thung lũng): dải đất trũng và kéo dài nằm giữa hai sườn đồi, núi.

Hướng dẫn soạn bài – Nói với con

I. Bố cục

– Phần 1 (từ đầu đến “Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”): tình yêu thương của cha mẹ và quê hương là cội nguồn sinh dưỡng nuôi lớn con.

– Phần 2 (những câu thơ còn lại): Niềm tự hào về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ và truyền thống đẹp đẽ của quê hương.

II. Hướng dẫn soạn bài Nói với con – Y Phương

Giải câu 1 (Trang 73 SGK ngữ văn 9 tập 2)

Mượn lời nói của con, nhà thơ gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người, gợi về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương mình. Bố cục của bài thơ đã thể hiện ý tưởng đó như thế nào?

Trả lời:

Mượn lời một người cha nói với con, bài thơ gợi về cội nguồn của mỗi con người, đồng thời bộc lộ niềm tự hào trước sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương mình. Bố cục của bài thơ thể hiện ý tưởng đó theo hai đoạn:

– Đoạn 1 (từ đầu đến câu “Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”): con lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ và quê hương.

– Đoạn 2 (còn lại): lòng tự hào với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, với truyền thống cao đẹp của quê hương.

Theo bố cục, nhất là theo diễn biến tâm trạng của nhà thơ, có thể thấy nhà thơ đã mở rộng từ tình cảm gia đình đến tình cảm quê hương, từ những kỷ niệm gần gũi, thiết tha mà nâng lên thành lẽ sống.

Giải câu 2 (Trang 73 SGK ngữ văn 9 tập 2)

Con được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, trong sự đùm bọc của quê hương. Hãy tìm và phân tích các câu thơ nói lên điều ấy.

Trả lời:

Con lớn lên hàng ngày trong tình yêu thương ấy, trong sự nâng niu, mong chờ của cha mẹ:

Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười.

Không chỉ có tình yêu thương của cha mẹ, con còn lớn lên trong sự đùm bọc của quê hương: con người và rừng núi quê hương. Những từ ngữ giàu sắc thái biểu hiện (cài nan hoa, ken câu hát) đã miêu tả cụ thể cuộc sống ấy đồng thời thể hiện tình cảm gắn bó, quấn quýt của con người quê hương. Thiên nhiên với những sông, suối, ghềnh, thác… đã nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn và lối sống: “Rừng cho hoa, con đường cho những tấm lòng”.

Giải câu 3 (Trang 73 SGK ngữ văn 9 tập 2)

Người cha nói với con về những đức tính cao đẹp gì của người “đồng mình”, từ đó nhắc nhở con trên đường đời cần phải như thế nào?

Trả lời:

Người cha nói với con về những đức tính cao đẹp của “người đồng mình” là:

– Dễ thương, giàu tình cảm (Người đồng mình thương lắm con ơi)

– Thủy chung, gắn bó với quê hương (Sống trên đá không chê đá gập ghềnh – Sống trong thung không chê thung nghèo đói)

– Hồn nhiên, mạnh mẽ (Sống như sông như suối – Lên thác xuống ghềnh – Không lo cực nhọc)

– Bản lĩnh, bền bỉ (Cao đo nỗi buồn – xa nuôi chí lớn – … Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương)

– Mộc mạc, chân chất mà to lớn, kiêu hãnh (Người đồng mình thô sơ da thịt – Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con)

Từ đó nhắc nhở con khi lên đường phải nhớ rằng “người đồng mình” yêu lắm, phải giữ gìn truyền thống của người “đồng mình”, và điều đặc biệt là không thể nhỏ bé, phải luôn đàng hoàng, bằng anh bằng em.

Giải câu 4 (Trang 74 SGK ngữ văn 9 tập 2)

Em cảm nhận như thế nào về tình cảm của người cha đối với con trong bài thơ? Điều lớn lao nhất mà người cha muốn truyền cho con qua những lời này là gì?

Trả lời:

Qua những lời người cha nói với con, có thể thấy tình cảm của người cha đối với con thật trìu mến, thiết tha và tin tưởng. Điều lớn lao nhất mà người cha muốn nói với con chính là niềm tự hào với sức sống mạnh mẽ bền bỉ của quê hương và niềm tin khi bước vào đời.

Giải câu 5 (Trang 74 SGK ngữ văn 9 tập 2)

Nhận xét về cách diễn tả tình cảm và suy nghĩ bằng hình ảnh của nhà thơ. (Gợi ý: Người miền núi thường có cách nói giàu hình ảnh, cụ thể, mộc mạc mà có tính khái quát, giàu chất thơ. Chẳng hạn bốn dòng thơ đầu bài hay các câu: “Đan lờ cài nan hoa – Vách nhà ken câu hát”, “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương”…)

Trả lời:

Bài thơ có nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật, tuy nhiên, độc đáo nhất và đặc sắc nhất là cách thể hiện, diễn tả tình cảm. Những từ ngữ, hình ảnh trong bài rất mộc mạc nhưng đồng thời cũng rất giàu hình ảnh gợi tả, vừa cụ thể vừa có sức khái quát cao.

Ngoài ra, còn có thể kể đến bố cục chặt chẽ, cách dẫn dắt rất tự nhiên của tác giả.

Soạn phần luyện tập bài Nói với con – Y Phương

Giải câu hỏi – Luyện tập (Trang 74 SGK ngữ văn 9 tập 2)

Đặt mình là nhân vật người con trong bài thơ, soạn một bài nói ngắn về cảm xúc, suy nghĩ của mình khi nghe lời cha nói với con.

Trả lời:

Gợi ý trả lời: Bài nói có thể dựa trên những luận điểm chính như sau:

1. Lòng biết ơn của bản thân đối với tình cảm gia đình và sự chở che của mảnh đất quê hương đã sinh thành, nuôi lớn em.

2. Niềm tự hào sâu sắc với những truyền thống tốt đẹp của quê hương: chăm chỉ, cần cù, vượt lên mọi gian khổ, giàu sức sống.

3. Suy nghĩ về bài học mà cha nói với con: phải luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống, khắc phục những khó khăn, không được nản lòng, nhụt chí.

Ý nghĩa – Nhận xét:

Qua bài thơ, học sinh cảm nhận được tình cảm gia đình ấm cúng, truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mà tác giả Y Phương đã thể hiện, cụ thể là sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, từ đó tác giả gợi nhắc những tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống của con người.

Học sinh đồng thời cảm nhận được ý nghĩa của những đặc sắc nghệ thuật trong ngòi bút tác giả: những từ ngữ mang tính chất địa phương miền núi, chân chất, giản dị, những hình ảnh giàu sức gợi, giọng điệu thủ thỉ, tâm tình ngọt ngào.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Nói với con

Câu 1. Mượn lời nói của con, nhà thơ gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người, gợi về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương mình. Bố cục của bài thơ đã thể hiện ý tưởng đó như thế nào?

Trả lời:

Văn bản được chia làm 2 phần:

– Đoạn 1 (từ đầu đến câu “Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”): con lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ và quê hương.

– Đoạn 2 (còn lại): lòng tự hào với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, với truyền thống cao đẹp của quê hương.

Theo bố cục bài thơ và mạch cảm xúc của tác giả, ta có thể thấy nhà thơ đã mở rộng từ tình cảm gia đình đến tình cảm quê hương, từ những kỷ niệm gần gũi, thiết tha mà nâng lên thành lẽ sống.

Câu 2. Con được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, trong sự đùm bọc của quê hương. Hãy tìm và phân tích các câu thơ nói lên điều ấy.

Trả lời:

Con lớn lên trong tình thương của cha mẹ, trong sự đùm bọc của quê hương :

– 4 câu thơ đầu Chân phải…tiếng cười có những hình ảnh cụ thể, cách diễn đạt dường như vô ý song lại tạo ra sự độc đáo trong tư duy và cách diễn đạt người miền núi.

– Con người trưởng thành trong cuộc sống lao động, trong thiên nhiên thơ mộng, trữ tình của quê hương : người đồng mình, cài nan hoa, ken câu hát, rừng cho hoa…

Câu 3. Người cha nói với con về những đức tính cao đẹp gì của người “đồng mình”, từ đó nhắc nhở con trên đường đời cần phải như thế nào?

Trả lời:

Đức tính cao đẹp của “người đồng mình” và lời nhắc nhở của cha :

+ Yêu lắm, thương lắm … không lo cực nhọc : sống vất vả mà mạnh mẽ, bền bỉ → mong con có nghĩa tình thủy chung, biết chấp nhận vượt gian nan bằng ý chí.

+ Thô sơ da thịt … Nghe con : mộc mạc (thô sơ da thịt) nhưng giàu ý chí, niềm tin (tự đục đá kê cao quê hương), chan chứa niềm tự hào quê hương (quê hương thì làm phong tục) -> mong con hãy tự hào về truyền thống, tự tin xây dựng quê hương.

Câu 4. Em cảm nhận như thế nào về tình cảm của người cha đối với con trong bài thơ? Điều lớn lao nhất mà người cha muốn truyền cho con qua những lời này là gì?

Trả lời:

– Tình cảm người cha với con: trìu mến, thiết tha và tin tưởng.

– Điều lớn lao nhất người cha muốn truyền cho con là lòng tự hào, sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, tự tin bước vào đời.

Câu 5. Nhận xét về cách diễn tả tình cảm và suy nghĩ bằng hình ảnh của nhà thơ. (Gợi ý: Người miền núi thường có cách nói giàu hình ảnh, cụ thể, mộc mạc mà có tính khái quát, giàu chất thơ. Chẳng hạn bốn dòng thơ đầu bài hay các câu: “Đan lờ cài nan hoa – Vách nhà ken câu hát”, “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương”…)

Trả lời:

Nghệ thuật độc đáo nhất và đặc sắc nhất của “Nói với con” là cách thể hiện và diễn tả tình cảm. Những từ ngữ, hình ảnh trong bài rất mộc mạc nhưng đồng thời cũng rất giàu hình ảnh gợi tả, vừa cụ thể vừa có sức khái quát cao. Ngoài ra, còn có thể kể đến bố cục chặt chẽ, cách dẫn dắt rất tự nhiên của tác giả.

Soạn phần luyện tập bài Nói với con trang 74 SGK ngữ văn 9 tập 2

Câu hỏi: Đặt mình là nhân vật người con trong bài thơ, soạn một bài nói ngắn về cảm xúc, suy nghĩ của mình khi nghe lời cha nói với con.

Trả lời:

– Tình phụ tử thiêng liêng, ấm cúng.

– Yêu mến truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình. Hiều thêm sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, thêm yêu quý gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

– Chúng ta từng viện cớ thiếu thốn, khó khăn mà đánh mất đạo đức, văn hóa, dường như ngày nay các con em dân tộc không mấy mặn mà với truyền thống, họ đang dần tự nguyện nhập ngoại một cách dễ dãi. Nghe lời cha nói, tôi ủng hộ hòa nhập nhưng không hòa tan. Văn hóa là tài sản vô cùng to lớn.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status