Soạn bài – Nội dung và hình thức của văn bản văn học

Soạn bài Nội dung và hình thức của văn bản văn học trang 127 – 130 SGK ngữ văn lớp 10 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Nội dung và hình thức của văn bản văn học, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Nội dung và hình thức của văn bản văn học

I. CÁC KHÁI NIỆM CỦA NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC TRONG VĂN BẢNVĂN HỌC

Trong văn bản văn học, không thể tác biệt nội dung khỏi hình thức, hay hình thức khỏi nội dung. Nội dung chỉ có thể thể hiện trong hình thức. Và hình thức phải là hình thức của một nội dung nào đó. Nhưng trong nghiên cứu khoa học người ta cần phân chia nội dung và hình thức của văn bản văn học, để có thể đi sâu tuần tự vào các lớp của văn bản, cũng như hiểu dần dần mối quan hệ giữa nhà văn và hiện thực cuộc sống hoặc để chuyên nghiên cứu một phương diện nào đó của văn bản. Ví như: nội dung tư tưởng trong Truyện Kiều, hoặc các hình thức kết cấu của truyện ngắn 1930 – 1945,…

1. Các khái niệm thường được coi là thuộc về mặt nội dung của văn bản văn học gồm: đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng nghệ thuật.

Đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản.

Việc lựa chọn đề tài đã bước đầu bộc lộ khuynh hướng và ý đồ sáng tác của tác giả, ví dụ: đề tài của Tắt đèn là cuộc sống bi thảm của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong những ngày sưu thuế. Với đề tài đó, Ngô Tất Tố thể hiện sự gắn bó của mình đối với cuộc sống người nông dân.

Chủ đề là vấn đề cơ bản được nêu ra trong văn bản. Chủ đề thể hiện điều quan tâm cũng như chiều sâu nhận thức của nhà văn đối với cuộc sống.

Ví dụ: Chủ đề của Tắt đèn là sự mâu thuẫn giữa nông dân và bọn cường hào quan lại trong nông thôn Việt Nam.

Tầm quan trọng của chủ đề không phụ thuộc và khuôn khổ văn bản. Có những văn bản khuôn khổ nhỏ nhưng mang chủ đề lớn Bài thơ thần thời Lí (Sông núi nước Nam) chỉ có 28 chữ mà là một bản tuyên ngôn khẳng định chủ quyền của một quốc gia độc lập.

Mỗi văn bản có thể có một hoặc nhiều chủ đề tùy quy mô cũng như ý định của tác giả. Trong những tiểu thuyết đồ sộ như Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, hay Chiến tranh và hà bình của L.Tôn-xtôi, ta thấy nhiều chủ đề đan xen phức tạp, có chính có phụ. Lại có những văn bản quy mô nhỏ, đề tài có thể đồng nhất với chủ đề, ta không nhất thiết phải cố công phân biệt rạch ròi (chẳng hạn trong một số bài thơ tứ tuyệt, thơ bát cú,…).

Tư tưởng của văn bản là sự lí giải đối với chủ đề đã nêu lên, là nhận thức của tác giả muốn trao đổi, nhắn gửi, đối thoại với người đọc. Tư tưởng là linh hồn của văn bản. Trong Tắt đèn, tư tưởng lên án những thế lực hắc ám hoành hành ở nông thôn Việt Nam thời Pháp thuộc và sự trân trọng yêu thương người nông dân bị áp bức hiện lên rất rõ.

Cảm hứng nghệ thuật là nội dung tình cảm chủ đạo của văn bản. Những trạng thái tâm hồn, những cảm xúc được thể hiện đậm đà, nhuần nhuyễn trong văn bản sẽ truyền cảm và hấp dẫn người đọc. Qua cảm hứng nghệ thuật, người đọc cảm nhận được tư tưởng, tình cảm của tác giả nêu lên trong văn bản.

Cảm hứng trong Tắt đèn là lòng căm phẫn, là sự tố cáo bọn hào lí quan lại ở nông thôn cũng như chính sách dã man của thực dân Pháp. Những trang viết còn thể hiện rõ tấm lòng gắn bó với nông thôn, yêu thương, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân ở nhà văn Ngô Tất Tố.

Hiểu những khái niệm này, khi đọc một văn bản, ta có thể khảo sát từng yếu tố một cách có hệ thống để cuối cùng có một nhận định tổng hợp, chính xác.

2. Các khái niệm thường được coi là thuộc về mặt hình thức: ngôn từ, kết cấu và thể loại.

Ngôn từ là yếu tố đầu tiên của văn bản văn học. Các chi tiết, các sự việc, các hình tượng, các nhân vật,… và các thành tố khác được tạo nên nhờ lớp ngôn từ. Không có ngôn từ, ta không có căn cứ cụ thể để tìm hiểu, để thưởng thức văn bản. Vậy phải đi sâu khai thác lớp ngôn từ để tìm hiểu, khám phá. Ngôn từ hiện diện trong câu, trong hình ảnh, trong giọng điệu của văn bản. Có ngôn từ tài hoa của Nguyễn Tuân; ngôn từ trong sáng, tinh tế của Thạch Lam; có ngôn từ chân chất, đầy màu sắc Nam Bộ của Sơn Nam,… Không có ngôn từ nào là không ít nhiều mang dấu ấn của tác giả.

Kết cấu là sự sắp xếp, tổ chức các thành tố của văn bản thành một đơn vị thống nhất, hoàn chỉnh, có ý nghĩa. Như bản thiết kế cần thiết cho việc xây dựng ngôi nhà, bất kì văn bản văn học nào cũng phải có một kết cấu nhất định. Kết cấu hàm chứa dụng ý của tác giả sao cho phù hợp với nội dung văn bản. Có kết cấu hoành tráng của sử thi, kết cấu đầy yếu tố bất ngờ của truyện trinh thám, và kết cấu mở theo dòng suy nghĩ của tùy bút, tạp văn,…

Thể loại là những quy tắc tổ chức hình thức văn bảm thích hợp với nội dung văn bản: hoặc có chất thơ, chất tiểu thuyết, chất kịch,… Tất nhiên, thể loại cũng có cải biến, đổi mới theo thời đại, và mang sắc thái riêng của tác giả. Lục bát trong thơ Nguyễn Bính rất khác với lục bát trong thơ Huy Cận, càng khác với lục bát điêu luyện của Nguyễn Du.

Như trên đã nói, văn bản ngôn từ, kết cấu, thể loại,… chỉ tồn tại như là hình thức của một nội dung nào đó, không thể có “hình thức thuần túy”. Để nhấn mạnh điều này, người ta dùng khái niệm “hình thức mang tính nội dung”. Điều đó có căn cứ xác đáng. Và đó cũng là điều ta cần luôn nhớ trong quá trình tìm hiểu và phân tích văn bản.

II. Ý NGHĨA QUAN TRỌNG CỦA NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC VĂN BẢN VĂN HỌC

Văn học có những chức năng chủ yếu: chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mĩ, chức năng giao tiếp,… Nhà văn chân chính luôn luôn suy nghĩ, trăn trở sao cho nội dung văn bản của mình thấm nhuần tinh thần nhân dân, tinh thần dân chủ và những tư tưởng sâu sắc khác có tác dụng nâng cao phẩm chất, hoàn thiện con người. Không quan tâm đến nội dung văn bản, chỉ chú ý đến hình thức cốt sao khác lạ, gợi tính hiếu kì của một số người dọc là hướng đi không có triển vọng. Tất nhiên, văn học là một nghệ thuật. Không đạt đến một trình độ nghệ thuật nhất định, một văn bản ngôn từ không được xem là một văn bản văn học đích thực. Do đó cần coi trọng, trau dồi, cần tìm tòi những hình thức mới mẻ, hấp dẫn, có tính nghệ thuật cao.

Vì vậy, văn bản văn học cần phải có sự thống nhất giữa nội dung và hình thức – thống nhất nội dung tư tưởng cao đẹp và hình thức nghệ thuật hoàn mĩ. Những văn bản văn học ưu tú đã đạt được sự thống nhất ấy. Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc và nhiều áng thơ văn khác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát hay của Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên,… là những văn bản như vậy.

Nhiều văn bản khác còn chưa có sự phù hợp giữa nội dung và hình thức: hoặc nội dung có phần ưu trội hơn hình thức, hoặc hình thức có phần ưu trội hơn nội dung. Đó là điều ta cần nhận biết và phân tích cụ thể trong quá trình tìm hiểu văn bản văn học.

Giải câu 1 – (Trang 130 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Đề tài của văn bản văn học là gì? Cho ví dụ.

Trả lời:

– Đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản. Việc lựa chọn đề tài bước đầu bộc lộ khuynh hướng và ý đồ sáng tác của tác giả.

– Một số VD về đề tài:

+ Đề tài của truyện ngắn Lão Hạc (Nam Cao) là cuộc sống và số phận bi thảm của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.

+ Đề tài của Truyện Kiều (Nguyễn Du) là cuộc đời và số phận bất hạnh của người phụ nữ trong bối cảnh xã hội phong kiến thối nát.

+ Đề tài của bài thơ Đồng chí (Chính Hữu) là tình đồng chí, đồng đội của những anh bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp.

+ Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh lấy đề tài về mùa thu, cụ thể là thời khắc giao mùa.

Giải câu 2 – (Trang 130 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Chủ đề là gì? Cho ví dụ.

Trả lời:

Chủ đề là vấn đề cơ bản được nêu ra trong văn bản. Chủ đề thể hiện điều quan tâm cũng như chiều sâu nhận thức của nhà văn đối với cuộc sống.

Ví dụ:

– Chủ đề của tác phẩm Chữ người tử tù: Truyện miêu tả tài năng và dũng khí, thiên lương cao cả kết tinh thành vẻ đẹp của Huấn Cao đồng thời làm rõ cái đẹp và cái thiện đã cảm hóa được cái xấu, cái ác và khẳng định tài và tâm, cái đẹp và cái thiện không thể tách rời.

– Chủ đề của truyện ngắn Lão Hạc (Nam Cao) là nhân cách, lòng tự trọng của người nông dân trước cái đói, sự nghèo khổ.

Giải câu 3 – (Trang 130 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Mối quan hệ giữa cảm hứng và tư tưởng trong văn bản văn học.

Trả lời:

Mối quan hệ giữa cảm hứng và tư tưởng của văn bản văn học: Cảm hứng nghệ thuật là nội dung tình cảm chủ đạo của văn bản, nó thể hiện những trạng thái cảm xúc, tâm hôn của văn bản. Qua cảm hứng nghệ thuật, người đọc có thể cảm nhận được tư tưởng, tình cảm của tác giả gửi gắm vào bên trong tác phẩm.

Giải câu 4 – (Trang 130 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Hãy nêu ý nghĩa quan trọng của nội dung và hình thức văn bản văn học.

Trả lời:

Ý nghĩa:

– Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong tác phẩm văn học là mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời nhau. Nội dung phải được thực hiện hóa bằng một hình thức cụ thể và hình thức phải gắn với nội dung nhất định.

– Văn bản văn học cần có sự thống nhất giữa nội dung tư tưởng cao đẹp và hình thức nghệ thuật hoàn mĩ => đây là ý nghĩa quan trọng và cũng là tiêu chuẩn để đánh giá một tác phẩm.

– Trong quá trình phân tích, phải chú ý cả nội dung và hình thức, phải kết hợp cả hai yếu tố.

III. Luyện tập

Giải câu 1 – Luyện tập (Trang 130 SGK ngữ văn 10 tập 2)

So sánh đề tài của hai văn bản văn học Tắt đèn của Ngô Tất Tố và Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan.

Trả lời:

So sánh:

– Sự giống nhau: Tắt đèn của Ngô Tất Tố và Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan đều viết về cuộc sống cơ cực của người nông dân ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám và sự vùng lên phản kháng tự phát của họ.

– Khác nhau:

+ Tắt đèn: miêu tả cuộc sống người nông dân trong những ngày sưu thuế nặng nề, nông dân bị áp bức, bóc lột quá mức phải vùng lên phản kháng.

+ Bước đường cùng: miêu tả cuộc sống lầm than cơ cực của người nông dân trước những thủ đoạn bóc lột bằng hình thức cho vay nặng lãi của bọn địa chủ ở nông thôn. Bị cướp lúa, cướp đất. bị đẩy vào bước đường cùng, không còn lối thoát, họ phải vùng lên chống lại.

– Đề tài của Tắt đèn và Bước đường cùng có ý nghĩa rất lớn trong việc thức tỉnh người nông dân và ý thức đấu tranh của họ, giục giã họ quyết tâm thay đổi hoàn cảnh sống khi hiểu ra thực trạng bi thảm cuộc sống của mình. Xét về ý nghĩa tố cáo và tác dụng đấu tranh thì rõ ràng là những tác phẩm này mang tính tích cực hơn những sáng tác lãng mạn, mang màu sắc cải lương của các nhà văn lãng mạn đương thời.

Giải câu 2 – Luyện tập (Trang 130 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Phân tích tư tưởng bài thơ sau của Nguyễn Khoa Điềm.

MẸ VÀ QUẢ

Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những màu quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi

Và chúng tôi một thứ quả trên đời
Bày mươi tuổi mẹ mong chờ được hái
Tôi hoảng sợ, ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

(Thơ Việt Nam 1945 – 1985, NXB Văn học, Hà Nội, 1985)

Trả lời:

– Hai khổ thơ đầu nói đến lòng mong mỏi đợi chờ cũng như công phu khó nhọc của người mẹ khi chăm sóc cây trái trong vườn (Những mùa quả … thăm lặng mẹ tôi).

– Từ chuyện trồng cây chuyển sang chuyện trồng người (khổ thơ cuối). Tác giả ví mình như một thứ quả mà người mẹ đã gieo trồng. Phải cố gắng học tập trau dồi để xứng đáng với tấm lòng người mẹ đã cất công nuôi nấng dạy dỗ, và kì vọng vào tương lai của con mình.

– Nhưng sau đó, là nỗi “hoảng sợ” của đứa con:

Tôi hoảng sợ, ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

Nỗi “hoảng sợ” đó là sự lo lắng sâu sắc của đứa con. Nó chính là biểu hiện cao của ý thức trách nhiệm phải đền đáp công ơn người đã nuôi nấng dạy dỗ mình. Chữ “mẹ” ở đây có thể hiểu rộng ra là Tổ quốc. Đó là tư tưởng của bài thơ.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Nội dung và hình thức của văn bản văn học

Câu 1. Đề tài của văn bản văn học là gì? Cho ví dụ.

Trả lời:

– Đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản.

– Ví dụ: Đề tài của Chí phèo là sự tha hóa của những người nông dân dưới đáy cùng của xã hội khi bị dồn vào bước đường cùng.

Câu 2. Chủ đề là gì? Cho ví dụ.

Trả lời:

– Chủ đề là vấn đề cơ bản được nêu ra trong văn bản, thể hiện điều quan tâm cũng như chiều sâu nhận thức của nhà văn đối với cuộc sống.

– Ví dụ: Chủ đề của Chí Phèo là sự mâu thuẫn giữa nông dân và quan lại, cường hào ác bá dưới chế độ thực dân nửa phong kiến.

Câu 3. Mối quan hệ giữa cảm hứng và tư tưởng trong văn bản văn học.

Trả lời:

Cảm hứng nghệ thuật là nội dung tình cảm chủ đạo của văn bản. Qua cảm hứng nghệ thuật, người đọc cảm nhận được tư tưởng, tình cảm tác giả gửi gắm và trong tác phẩm.

Câu 4. Hãy nêu ý nghĩa quan trọng của nội dung và hình thức văn bản văn học.

Trả lời:

– Ý nghĩa nội dung: Nội dung phải thấm nhuần tinh thần nhân văn, tinh thần dân chủ và những tư tưởng sâu sắc. Đây chính là điều nhà văn luôn trăn trở khi bắt đầu viết tác phẩm.

– Ý nghĩa hình thức: văn học là một nghệ thuật nên phải đạt đến một trình độ nghệ thuật nhất định ⇒ nhà văn phải tìm hiểu, khám phá và tìm tòi những hình thức mới mẻ, hấp dẫn.

Luyện tập

Câu 1. So sánh đề tài của hai văn bản văn học Tắt đèn của Ngô Tất Tố và Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan.

Trả lời:

– Đề tài của hai tác phẩm là người nông dân trong xã hội thực dân nửa phong kiến.

– Sự khác nhau giữa đề tài của hai tác phẩm: nếu ở Tắt đèn là số phận bi kịch của người nông dân bị chèn ép bởi sưu cao thuế nặng thì trong Bước đường cùng lại là những bất hạnh của người nông dân muốn chống lại cường hào ác bá đè đầu cưới cổ người dân.

Câu 2. Phân tích tư tưởng bài thơ sau của Nguyễn Khoa Điềm.

MẸ VÀ QUẢ

Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những màu quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi

Và chúng tôi một thứ quả trên đời
Bày mươi tuổi mẹ mong chờ được hái
Tôi hoảng sợ, ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

(Thơ Việt Nam 1945 – 1985, NXB Văn học, Hà Nội, 1985)

Trả lời:

Bài thơ là một minh chứng thuyết phục về luật nhân – quả trong cuộc sống con người. Hình tượng Mẹ và Quả xuyên suốt bài thơ làm sáng rõ thêm luật nhân quả, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm và tâm hồn của chúng ta. Từ những câu thơ đầu tiên, ta đã thấy sự chờ mong cũng như công lao khó nhọc của người mẹ trong việc chăm bón để có ngày hái được quả ngon. Để diễn tả công cao của mẹ, tác giả hình tượng hóa nỗi gian nan của mẹ bằng hình ảnh bí và bầu. Từ việc trồng cây, tác giả liên tưởng đến việc trồng người. Những đứa con là những thứ quả đặc biệt của mẹ. Mẹ chăm bẵm không phải mong một ngày con báo hiếu cho mẹ như bầu và bí lớn lên đem đến cho mẹ những trái ngọt. Mẹ chăm bẵm đàn còn và chỉ muốn con nên người, thành người có ích cho xã hội. Đoạn cuối tập trung toàn bộ tư tưởng của nhà thơ. Những thứ quả đặc biệt của mẹ

– những đứa con lớn lên và bỗng hoảng sợ ngày mẹ già yếu mà mình vẫn còn khờ dại. Bổn phận làm con là phải biết ơn cha mẹ sinh thành, phải trở thành người tốt để báo hiếu cha mẹ. Đó chính là tư tưởng chủ đạo của bài thơ.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status