Soạn bài – Muốn làm thằng Cuội – Tản Đà

Soạn bài Muốn làm thằng Cuội – Tản Đà trang 155 – 157 SGK ngữ văn lớp 8 tập 1, Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Muốn làm thằng Cuội – Tản Đà sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ và chi tiết nhất.

Muốn Làm Thằng Cuội

Đêm thu buồn lắm chị Hằng(1) ơi!

Trần thế(2) em nay chán nửa rồi,

Cung quế(3) đã ai ngồi đó chửa?

Cành đa(4) xin chị nhắc lên chơi.

Có bầu có bạn can chi tủi,

Cùng gió, cùng mây thế mới vui.

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám

Tựa nhau trông xuống thế gian(5) cười.

(Tản Đà(*), Thơ Tản Đà, NXB Văn học, Hà Nội, 1982)

Chú thích:

(*) Tản Đà (1889 – 1939) tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu, quê ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây). Tản Đà xuất thân là nhà nho, từng hai phen lều chõng đi thi nhưng không đỗ. Sau đó ông đã chuyển sang sáng tác văn chương quốc ngữ và sớm nổi tiếng, đặc biệt là vào những năm 20 của thế kỉ XX.

Thơ ông tràn đầy cảm xúc lãng mạn, lại rất đậm đà bản sắc dân tộc và có những tìm tòi, sáng tác mới mẻ. Có thể xem thơ Tản Đà như một gạch nối giữa thơ cổ điển và thơ hiện đại Việt Nam. Ngoài thơ, Tản Đà còn viết văn xuôi và cũng nổi tiếng với những bài tản văn, tùy bút, tự truyện, những thiên du kí viễn tưởng đặc sắc. Tác phẩm chính: Khối tình con I, II (thơ, 1917), Giấc mộng con I (tiểu thuyết, 1917), Thề non nước (tiểu thuyết, 1920), Giấc mộng con II (du kí, 1932), Giấc mộng lớn (tự truyện, 1932).
Bài thơ Muốn làm thằng Cuội nằm trong quyển Khối tình con I, xuất bản năm 1917. (Thằng Cuội: nhân vật ở trên cung trăng, theo truyền thuyết dân gian).

(1) Chị Hằng: tức Hằng Nga, chỉ mặt trăng.

(2) Trần thế (có bản ghi chép trần giới): cõi đời.

(3) Cung quế: theo thần thoại Trung Quốc, trên cung trăng có cây quế, do đó trăng còn được gọi là cung quế.

(4) Cành đa: theo thần thoại Trung Quốc và Việt Nam, trên mặt trăng có cây đa và thằng Cuội ngồi dưới gốc cây đa đó.

(5) Thế gian (cũng giống như trần gian): cõi đời, nơi người đời ở; người đời.

Hướng dẫn soạn bài – Muốn làm thằng Cuội

Thể loại

Thất ngôn bát cú Đường luật

Bố cục

+ Hai câu đề: cuộc sống trần gian nhàm chán, buồn tẻ

+ Hai câu thực: Cõi mộng tưởng của tác giả

+ Hai câu luận: Ước mơ thoát li khỏi thực tại

+ Hai câu kết: Viễn cảnh cuộc sống hạnh phúc

Hướng dẫn soạn bài – Muốn làm thằng Cuội – Tản Đà chi tiết

Giải câu 1 (Trang 156 SGK ngữ văn 8 tập 1)

Hai câu thơ đầu là tiếng than và lời tâm sự của Tản Đà với chị Hằng. Theo em, vì sao Tản Đà có tâm trạng chán trần thế?

Trả lời:

Tiếng than và lời tâm sự của Tản Đà với chị Hằng do tâm trạng chán trần thế;

+ Sống trong xã hội thực dân phong kiến tàn tác, bất nhân

+ Mang nỗi nhục mất nước, nỗi buồn vì bản thân rơi vào cảnh long đong, lận đạn, bế tắc

+ Tản Đà vốn phóng túng, lãng mạn không bằng lòng với cuộc sống tù túng đó.

+ Bản thân ông không đủ sức thay đổi thực tại bi kịch.

=> Lời giãi bày của người lạc lõng trước thời cuộc, luôn bất hòa với thực tại nhàm chán.

Giải câu 2 (Trang 156 SGK ngữ văn 8 tập 1)

Nhiều người đã nhận xét một cách xác đáng rằng. Tản Đà là một hồn thơ “ngông”. Em hiểu “ngông” nghĩa là gì (bộc lộ một thái độ như thế nào đối với cuộc sống)? Hãy phân tích cái “ngông” của Tản Đà trong ước muốn được làm thằng Cuội (chú ý các câu 3 – 4, 5 – 6).

Trả lời:

– Từ “ngông” được hiểu:

+ Những việc làm lớn, vượt trội hơn so với người bình thường

+ Chơi trội, dám làm trái lẽ thường, không sợ bị chê cười, thái độ phóng khoáng, coi thường khuôn phép.

– Cái “ngông” của Tản Đà trong ước muốn được làm thằng Cuội:

+ Muốn thoát khỏi trần buồn chán, xấu xa để lên cõi mộng

+ Xưng hô suồng sã với chị Hằng, muốn được chị coi là bạn

+ Cách lên trời, lên trăng bộc lộ chất “ngông”: muốn chị Hằng ghì cành đa xuống.

+ Câu 3 là sự ướm hỏi thì câu 4 Tản Đà tự tin về bản thân, khi lên cung quế sẽ làm cho chị Hằng bớt lẻ loi, buồn tủi.

=> Tản Đà một hồn thơ “ngông” giữa cái tỉnh và cái điên, giữa cõi thực và cõi mơ thể hiện cá tính, thái độ sống của ông trước cuộc đời đầy bất công, ô trọc. Phía sau cái “ngông” của ông là nhân cách hơn người.

Giải câu 3 (Trang 156 SGK ngữ văn 8 tập 1)

Phân tích hình ảnh cuối bài thơ: Tựa nhau trông xuống thế gian cười. Em hiểu cái cười ở đây có ý nghĩa gì?

Trả lời:

– Câu thơ cuối bài là sự kết hợp hoàn hảo giữa cái “ngông” và lãng mạn của Tản Đà. Câu thơ phản ánh khao khát thoát tục để giữ thiên lương.

– Cái “cười” ở đây của Tản Đà được mang nhiều ý nghĩa

+ Cười thể hiện niềm vui được thỏa mãn mơ ước lên cõi mộng tưởng

+ Cười vì nhà thơ thấy thế gian ông từ bỏ vẫn là trần tục tầm thường, buồn chán

+ Cười thể hiện sự mỉa mai, giễu cợt khi Tản Đà ở vị trí cao hơn cõi trần ông đang sống.

Giải câu 4 (Trang 156 SGK ngữ văn 8 tập 1)

Theo em, những yếu tố nghệ thuật nào đã tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ?

Trả lời:

– Yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ nằm ở:

+ Trí tưởng tượng sáng tạo, bay bổng của nhà thơ

+ Cảm xúc dồi dào, ngòi bút phóng khoáng đã tạo ra cuộc trò chuyện tưởng tượng lý thú, hấp dẫn

+ Thái độ sống “ngông” của tác giả tạo ra giọng điệu ngang tàng khác thường

+ Có những cách tân mới khi thể hiện cái “tôi”- khác với thơ Đường cổ điển.

Soạn phần luyện tập bài Muốn làm thằng Cuội – Tản Đà

Giải câu 1 – luyện tập (Trang 157 SGK ngữ văn 8 tập 1)

Nhận xét về phép đối trong hai câu 3 – 4 và 5 – 6 của bài thơ.

Trả lời:

– Luật thơ Đường, các cặp câu 3- 4 và 5- 6 bắt buộc phải đối nhau. Trong bài câu 3- 4 đối nhau

+ Về hình ảnh: cung quế- cành đa

+ Về hành động: ngồi- nhắc

+ Đối về ý tứ: thăm dò-đề nghị

Câu 5- 6 đối về ý: bầu bạn- gió mây, tủi- vui

Phép đối trong 4 câu thơ trên nhẹ nhàng, ý vị, làm nổi bật được ước muốn được thoát khỏi những điều tầm thường nhàm chán của thế tục đang diễn ra.

Giải câu 2 – luyện tập (Trang 157 SGK ngữ văn 8 tập 1)

So sánh ngôn ngữ và giọng điệu ở bài thơ này với bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan (đã học ở lớp 7).

Trả lời:

-Bài Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan:

+ Ngôn ngữ: sử dụng nhiều từ láy, từ tượng hình và lối chơi chữ từ đồng âm

+ Giọng điệu: trầm buồn, trang nhã tạo nét buồn bâng khuâng

– Bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà

+ Ngôn ngữ: bình dị, gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày.

+ Giọng điệu: nhẹ nhàng, trữ tình, pha chút hóm hỉnh, ngông nghênh

Nội dung chính

Bài thơ nói lên tâm sự của người luôn muốn thoát li khỏi xã hội tầm thường, tẻ nhạt bằng mộng tưởng lên cung trăng làm bạn với chị Hằng.

Tham khảo thêm cách Muốn làm thằng Cuội – Tản Đà

I. Đọc hiểu văn bản

Câu 1: Hai câu thơ đầu là tiếng than và lời tâm sự của Tản Đà với chị Hằng. Theo em, vì sao Tản Đà có tâm trạng chán trần thế?

Trả lời:

Tại sao nhà thơ lại muốn làm thằng Cuội, muốn lên cung trăng với chị Hằng? Nỗi buồn chán của nhà thơ là do đâu

Mở đầu bài thơ, hai câu đề, là tâm trạng của tác giả trước cảnh đời thu:
Đêm buồn lắm chị Hằng ơi!

Trần thế em nay chán nửa rồi.

Gặp cảnh đêm thu đã buồn lại buồn và chán nữa. Nỗi buồn chán ấy như thể được nhân lên, chất chứa trong lòng, khiến nhà thơ phái thốt thành lời. Lời thở than cũng là một tâm trạng, một nỗi buồn da diết khôn nguôi. Ấy là nỗi buồn thời thế hay thân thế khiến nhà thơ chán cả cõi đời. Trong bài Giải sầu (1918), Tản Đà đã viết: Từ độ sầu đến nay, ngày cũng có lúc sầu, đêm cũng có lúc sầu. Mưa dầm lá rụng mà sầu, trăng trong gió mát mà càng sầu, nằm vắt tay lên trán mà sầu, đem thơ vẫn ngâm vịnh mà càng sầu… Sầu không có mối, chém sao cho dứt, sầu không có khối đập sao cho tan.. Không chỉ sầu đời, thi sĩ còn chán đời, một nỗi chán đời ngỡ như như đậm đặc trong thơ ông:

Đời đáng chán biết thôi là đủ

Sự chán đời xin nhủ lại tri âm.

Hay:

Gió gió mưa mưa đã chán phèo

Sự đời nghỉ đến lại buồn teo.

Thật đúng như lời thi sĩ Xuân Diệu đã viết: Có ai đã sống những ngày tháng từ 1925 trở về đến 1935 chắc đều đã nhận thấy xã hội ta lúc đó sống trong một không khí tù hãm, u uất, phàm ai có đầu óc đều muốn thoát li, mà không thoát li cho nổi (chỉ có những người làm cách mạng mới sang một hệ thống, một phạm trù tư tưởng, tình cảm, tâm trạng khác). Muốn giải khuây, người ta mượn thơ văn, để thấy mình trong đó, ngõ hầu thơ văn có thốt hộ ra lời nói cái điều gì mà mình chỉ cảm thấy mờ mờ (cái mà châu Âu gọi là “cái mù mờ của những đam mê khát vọng”). Vì vậy, thuở ấy người ta đọc thơ nhiều. Tản Đà, qua những thơ văn trước tác hồi dó, đã nói lẽn đúng cái sầu bằng bạc của đất nước, tiềm tàng trong tim gan người ta (Tìm hiếu về Tản Đà, Tuyển tập Tản Đà NXB Văn học, Hà Nội, 1986).

Tưởng là vô cớ nhưng thực ra nỗi buồn chán của thi sĩ đã chứa chan bao quát nhiều điều: từ nỗi đau trước sự tồn vong của đất nước, của dân tộc đến nỗi đau kiếp người trước cảnh gió gió mưa mưa rồi nỗi cô đơn thất vọng, bế tắc của riêng mình: “Hai mươi năm lẻ hoài cơm áo. Mà đến bây giờ có thế thôi”.

Chính vì thế, thi sĩ Tản Đà muốn thoát li cái xã hội ngột ngạt tầm thường thời bấy giờ bằng mộng tưởng. Ông “muốn làm thằng Cuội” bỏ quách nhân gian để lên cung quế sống bên chị Hằng.

Câu 2: Nhiều người đã nhận xét một cách xác đáng rằng. Tản Đà là một hồn thơ “ngông”. Em hiểu “ngông” nghĩa là gì (bộc lộ một thái độ như thế nào đối với cuộc sống)? Hãy phân tích cái “ngông” của Tản Đà trong ước muốn được làm thằng Cuội (chú ý các câu 3 – 4, 5 – 6).

Trả lời:

Nhiều người đã nhận xét một cách xác đáng rằng Tản Đà là một hồn thơ “ngông”. Ngông là gì? Ngông là làm những việc trái với lẽ thường, khác với mọi người xung quanh mình. Trong văn học, ngông là biếu hiện cùa ngòi bút có cá tính mạnh mẽ, bất hòa sâu sắc với xã hội đương thời, không chịu gò ép mình trong khuôn khổ chật hẹp của lễ nghi lề thói thông thường, chẳng hạn Nguyễn Công Trứ lấy mo cau che đít bò đủng đỉnh cưỡi lên chùa trong Bài ca ngất ngưởng hay Trần Tế Xương trong bài Bần nhi lạc đã ngợi ca lối sống của chú Mán: “Không đội nói chịu màu da dãi nắng. Chẳng nhuộm răng, dễ trắng dễ cười đời”.

Còn Tản Đà, chính nhà thơ cũng tự nhận:

Bẩm quả cỏ tên Nguyễn Khắc Hiếu

Đầy xuống hạ giới về tội ngông.

Trong bài thơ này, cái ngông đó bộc lộ trong ý muốn được làm thằng Cuội, bỏ quách trần gian lên cung trăng cùng sống bên chị Hằng, bầu bạn vui cùng gió cùng mây trông xuống cõi người mà cười cợt.

Tuy nhà thơ gọi Hằng Nga là chị, tự xưng mình là em nhưng giọng điệu bài thơ không khỏi ít nhiều có tình ý lơi lả, ý vị cợt đùa. Trong cách xưng hô trò chuyện cùa ông với người đọc ít nhiều cũng hàm chứa thái độ chơi ngông. Đặc biệt là tư thế ở cuối bài thơ: Tựa nhau trông xuống thể gian cười thì đúng là một thái độ ngông nghênh khác lạ so với đương thời.

Vì sao nhà thơ là ngông như thế? Phải chăng là do mối bất hòa sâu sắc với hiện thực. Hơn nữa, ông lại có cá tính phóng khoáng và “thuộc giống đa tình” như chính ông đã tự nhận.

Câu 3: Phân tích hình ảnh cuối bài thơ: Tựa nhau trông xuống thế gian cười. Em hiểu cái cười ở đây có ý nghĩa gì?

Trả lời:

Sau cùng, hai câu kết càng bộc lộ tâm trạng của nhà thơ:

Rồi cứ mồi năm rằm tháng tám

Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Hình ảnh “tựa nhau” giữa nhà thơ cùng chị Hằng mới lãng mạn làm sao. Rằm tháng Tám, đêm Trung thu chính là lúc trăng tròn và sáng nhất trong năm. Khi đó, người người trong cõi trần gian này đều ngẩng đầu lên ngắm trăng. Cùng chính khi đó, nhà thơ ngồi trên cung trăng tựa vai chị Hằng “trông xuống thế gian, cười”.

Buồn chán cõi trần gian xô bồ, nhố nhăng, bất hòa với thực tế, nhà thơ muốn tìm nơi ẩn náu. Nơi ấy là thiên nhiên, là cung quế chị Hằng, đẽ từ đó giễu cợt lại đời bằng thái độ kiêu bạc của mình.

Câu 4: Theo em, những yếu tố nghệ thuật nào đã tạo nên sức hấp dẫn của bài thơ?

Trả lời:

Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ

Bài thơ tuy được viết theo thể Đường luật nhưng không hề gò bó, trái lại, rất tự nhiên, đậm đà và có duyên. Nhà thơ lại đưa cả lời ăn tiếng nói dân gian vào đây một cách nhuần nhị, mộc mạc và giàu sức biểu hiện, tạo được một không khí trò chuyện thân tình (“chị Hằng ơi!”, “chán nửa rồi”, “ai ngồi đó chứa, nhắc lên chơi…”)

Cả bài thơ thể hiện sức tưởng tượng phong phú, dồi dào và táo bạo của hồn thơ lãng mạn Tản Đà, nói lên một thấm thía tâm sự buồn chán của nhà thơ đối với thực tại khi ấy. Ý tình này về sau được nhiều nhà thơ mới kế thừa và đẩy tới mức sâu sắc hơn.

II. Luyện tập

Câu 1: Nhận xét về phép đối trong hai câu 3 – 4 và 5 – 6 của bài thơ.

Trả lời:

Theo luật thơ Đường, các cặp câu trên nhất thiết phải đối nhau. Hai cặp câu trên đối nhau như sau:

Câu 3 – 4 : đối về hình ảnh, hoạt động, ý tứ. (cung quế >< cành đa)
Câu 5 – 6: đối về ý là chính. (đã ai ngồi đó chửa >< xin chị nhắc lên chơi)
Nhịp thơ (2/2/3) và từ loại phù hợp nhau.

Câu 2: So sánh ngôn ngữ và giọng điệu ở bài thơ này với bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan (đã học ở lớp 7).

Trả lời:

So sánh:
Giống nhau:

Cả hai bài thơ đều thể hiện nỗi buồn của thi nhân.
Đều được sáng tác theo thể thơ thất ngôn bát cú, đều tuân thủ khá chặt chẽ nguyên tắc của thơ Đường luật.
Khác nhau

Ở bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan: thể hiện nỗi buồn kín đáo “ta với ta”,. thuật dùng từ và diễn tả tài tình, đọc lên lòng ta có một cảm giác bâng khuâng, một nỗi buồn man mác. Nhà thơ đã sử dụng thành thạo các từ láy, từ tượng hình, tượng thanh và cách chơi chữ đồng âm trong thơ. Ngôn ngữ trong bài thơ thể hiện sự trang trọng mực thước mang màu sắc cổ kính.
Bài thơ Muốn làm thằng Cuội thể lộ nỗi niềm rõ ràng hơn:“Buồn lắm chị Hằng ơi”, “Chán nữa rồi”. Lời thơ giản dị, trong sáng, gần gũi với những lời nói thường ngày , không khuôn sáo và có nét phóng túng, ngông nghênh của một hồn thơ lãng mạn. Tạo nên sức hấp dẫn cho bài thơ.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status