X

Soạn bài – Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Hoà bình

Soạn bài Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Hoà bình trang 47 SGK tiếng việt lớp 5 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Hoà bình, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Hoà bình

Giải câu 1 (Trang 47 SGK tiếng việt 5 tập 1)

Dòng nào dưới đây nêu đúng nghĩa của từ hòa bình?

a) Trạng thái bình thản.

b) Trạng thái không có chiến tranh.

c) Trạng thái hiền hòa, yên ả.

Trả lời:

Dòng b: Trạng thái không có chiến tranh nêu đúng ý nghĩa của từ hòa bình.

Giải câu 2 (Trang 47 SGK tiếng việt 5 tập 1)

Những từ nào dưới đây đồng nghĩa với từ hòa bình?

– Bình yên                                       – Bình thản

– Lặng yên                                       – Thái bình

– Hiền hòa                                       – Thanh thản

– Thanh bình                                    – Yên tĩnh

Trả lời:

Các từ đồng nghĩa với hòa bình: bình yên, thanh bình, thái bình.

Giải câu 3 (Trang 47 SGK tiếng việt 5 tập 1)

Em hãy viết một đoạn văn từ 5 đến 7 câu miêu tả cảnh thanh bình của một miền quê hoặc thành phố mà em biết.

Trả lời:

Trong chiến tranh, cây cầu ở làng em là một trọng điểm đánh phá của địch. Bởi vậy, cây cầu ấy đã chịu rất nhiều bom đạn. Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, cây cầu đã được tu sửa lại, cuộc sống nơi đây thật êm ả, thanh bình. Mỗi sáng sớm đều có nhiều cụ già lên cầu tập thể dục. Sau đó, từng tốp học sinh băng qua cầu để tới trường. Các bà, các cô quang gánh kéo qua cầu để về kịp phiên chợ huyện. Ai cũng vui tươi, phấn khởi. Những đêm trăng sáng, rất nhiều người lên cầu để hóng mát, đón ngọn gió từ cánh đồng thổi tới mang theo mùi lúa chín thơm.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Luyện từ và câu: Mở rộng vốn từ: Hoà bình

Câu 1. Dòng nào dưới đây nêu đúng nghĩa của từ hòa bình?

a) Trạng thái bình thản.

b) Trạng thái không có chiến tranh.

c) Trạng thái hiền hòa, yên ả.

Trả lời:

  • (a) Trạng thái bình thản: Là trạng thái không lo, không nghĩ của con người.
  • (c) Trạng thái hiền hòa, yên ả: Hiền hòa là tính nết của con người, còn yên ả là  trạng thái của cảnh vật. Không nói gì về hòa bình hoặc chiến tranh.

→ Vậy hòa bình là: Trạng thái không có chiến tranh (b).

Câu 2. Những từ nào dưới đây đồng nghĩa với từ hòa bình?

– Bình yên                                       – Bình thản

– Lặng yên                                       – Thái bình

– Hiền hòa                                       – Thanh thản

– Thanh bình                                    – Yên tĩnh

Trả lời:

– Những từ đồng nghĩa với hòa bình là: Bình yên, thanh bình, thái bình.

  • Bình yên: Yên lành, không gặp điều gì tai hại, rủi ro.
  • Thanh bình: Yên vui trong cảnh hoà bình.
  • Thái bình: Yên ổn, không có loạn lạc, chiến tranh.

– Những từ:

+ Bình thản, thanh thản (Nói về trạng thái tinh thần của con người).

  • Bình thản: Phẳng lặng, yên ổn.
  • Thanh thản: Tâm trạng nhẹ nhàng, thoải mái, không có gì lo lắng, suy nghĩ.

+ Lặng yên, yên tĩnh (Trạng thái của cảnh vật).

  • Lặng yên: Yên và không có tiếng động.
  • Yên tĩnh: Ở trạng thái không có tiếng ồn, tiếng động hoặc không bị xáo trộn.

+ Hiền hòa (Trạng thái của cảnh vật hoặc tính nết của con người).

  • Hiền hoà: Hiền lành và ôn hoà.

Câu 3. Em hãy viết một đoạn văn từ 5 đến 7 câu miêu tả cảnh thanh bình của một miền quê hoặc thành phố mà em biết.

Trả lời:

Mùa hè, Tâm thường được ba đưa về quê ngoại. Đó là một miền quê thanh bình, yên ả.

Ngoại thường dắt Tâm theo mỗi khi ngoại ra thăm ruộng vào mỗi sáng, sương sớm còn đọng trên ngọn cỏ, làm bàn chân Tâm mát lạnh. Gió từ bờ sông thổi về mát rượi. Mặt trời chưa nhô lên hẳn, còn lấp ló nơi rặng cây. Xa xa, trong xóm tiếng gà vịt, tiếng trâu bò rộn lên đòi ăn. Khói từ các mai nhà bốc lên, quyện với vị phù sa theo gió từ sông thổi vào nghe ngai ngái, ấm nồng và thân thuộc. Khi hai ông cháu về đến nhà, mặt trời đã lên đến rặng cau. Tiếng xuồng khua ngoài bờ sông đã rộn ràng, tiếng người gọi nhau í ới…

Một ngày mới đã bắt đầu nơi xóm nhỏ ven sông.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

Vàng Anh: Ở trường học, bạn được dạy một bài học trước, sau đó mới làm bài kiểm tra. Còn ở trường đời, bạn phải làm một bài kiểm tra trước rồi nó mới dạy bạn một bài học. Thế nên, quên cái gọi là điểm số trung bình đi, nó chỉ nói lên được bạn đã học như thế nào ở trường thôi! Còn khi ra đời, chẳng ai quan tâm đến mấy con số đấy đâu.
Leave a Comment