X

Soạn bài – Luyện tập làm văn bản đề nghị và báo cáo

Soạn bài Luyện tập làm văn bản đề nghị và báo cáo trang 138 SGK ngữ văn lớp 7 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Luyện tập làm văn bản đề nghị và báo cáo, sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ và chi tiết nhất theo sách giáo khoa.

Hướng dẫn soạn bài – Luyện tập làm văn bản đề nghị và báo cáo

I. Ôn lại lí thuyết về văn bản đề nghị và báo cáo

Xem lại Bài 28, 29, 30 và trả lời các câu hỏi sau:

Giải câu 1 – Ôn lại lí thuyết về văn bản đề nghị và báo cáo (Trang 138 SGK ngữ văn 7 tập 2)

Mục đích viết văn bản đề nghị và văn bản báo cáo có gì khác nhau?

Trả lời:

Điểm khác nhau về mục đích viết văn bản đề nghị và văn bản báo cáo:

– Văn bản đề nghị: nhằm để đạt một yêu cầu, một nguyện vọng, xin được cấp trên xem xét, giải quyết.

– Văn bản báo cáo: nhằm trình bày những việc đã làm và chưa làm được của một cá nhân hay một tập thể cho cấp trên biết.

Giải câu 2 – Ôn lại lí thuyết về văn bản đề nghị và báo cáo (Trang 138 SGK ngữ văn 7 tập 2)

Nội dung văn bản đề nghị và văn bản báo cáo có gì khác nhau?

Trả lời:

Điểm khác nhau về nội dung văn bản đề nghị và văn bản báo cáo:

– Văn bản đề nghị: nêu những dự tính, những nguyện vọng của cá nhân hay tập thể cần được cấp trên xem xét. Đó là những điều chưa thực hiện, là những định hướng ở tương lai.

– Văn bản báo cáo: nêu những sự kiện, sự việc đã xảy ra, có diễn biến, có kết quả làm được hoặc chưa làm được cho cấp trên biết. Đó là những điều đã qua, xảy ra trong quá khứ.

Giải câu 3 – Ôn lại lí thuyết về văn bản đề nghị và báo cáo (Trang 138 SGK ngữ văn 7 tập 2)

Hình thức trình bày của văn bản đề nghị và văn bản báo cáo có gì giống nhau và khác nhau?

Trả lời:

Điểm giống nhau và khác nhau về hình thức trình bày của văn bản đề nghị và văn bản báo cáo:

– Giống nhau: trình bày trang trọng, rõ ràng, sáng sủa theo số mục quy định sẵn.

– Khác nhau:

+ Văn bản đề nghị phải có mục chủ yếu: ai đề nghị, đề nghị ai, đề nghị điều gì.

+ Văn bản báo cáo phải có mục chủ yếu: báo cáo của ai, báo cáo với ai, báo cáo về việc gì, kết quả như thế nào.

Giải câu 4 – Ôn lại lí thuyết về văn bản đề nghị và báo cáo (Trang 138 SGK ngữ văn 7 tập 2)

Cả hai loại văn bản khi viết cần tránh những sai sót gì? Những mục nào cần chú ý trong mỗi loại văn bản?

Trả lời:

Những sai sót cần tránh của cả hai loại văn bản:

– Thiếu một trong các mục chủ yếu của mỗi loại văn bản.

– Trình bày không cân đối, thiếu sáng rõ.

– Thiếu số liệu, chi tiết cụ thể.

– Những mục cần chú ý là: tên văn bản, nơi nhận báo cáo (đề nghị), người báo cáo (đề nghị), nêu sự việc lí do báo cáo (đề nghị)

II. Luyện tập

Giải câu 1 – Luyện tập (Trang 138 SGK ngữ văn 7 tập 2)

Hãy nêu một tình huống thường gặp trong cuộc sống mà em cho là phải làm văn bản đề nghị và một tình huống phải viết báo cáo (không lặp lại các tình huống đã có trong sách giáo khoa).

Trả lời:

Tình huống thường gặp trong cuộc sống phải làm văn bản đề nghị, báo cáo:

– Một số trường hợp cần viết đề nghị:

+ Xin mượn hội trường để biểu diễn văn nghệ

+ Xin đi cắm trại của lớp

+ Xin mua thêm bàn ghế.

– Một số trường hợp cần viết báo cáo:

+ Lớp trưởng báo cáo kết quả xếp loại thi đua của lớp trong tháng.

+ Bí thư báo cáo về buổi sinh hoạt chi đoàn của lớp

+ Tình hình học tập của lớp khi kết thúc năm học.

Giải câu 2 – Luyện tập (Trang 138 SGK ngữ văn 7 tập 2)

Từ tình huống cụ thể đó, hãy viết một văn bản đề nghị và một văn bản báo cáo (chuẩn bị ở nhà để trình bày trước lớp).

Trả lời:

Tự viết một văn bản đề nghị và một văn bản báo cáo theo tình huống đã lựa chọn.

Giải câu 3 – Luyện tập (Trang 138 SGK ngữ văn 7 tập 2)

Chỉ ra những chỗ sai trong việc sử dụng các văn bản sau đây:

a) Do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, một học sinh đã viết báo cáo xin nhà trường miễn học phí.

b) Thầy, cô giáo chủ nhiệm cần biết những công việc tập thể lớp đã làm để giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Một học sinh thay mặt lớp đã viết giấy đề nghị với thầy, cô giáo chủ nhiệm về những việc làm trên.

c) Cả lớp đều khâm phục tinh thần giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ của bạn H. Bạn ấy thật xứng đáng là Cháu ngoan Bác Hồ. Lớp trưởng thay mặt lớp viết đơn xin Ban Giám hiệu nhà trường biểu dương, khen thưởng bạn H.

Trả lời:

Chỉ ra chỗ sai trong việc sử dụng các văn bản:

– Văn bản 1: Viết báo cáo là không phù hợp, trong tình huống này phải viết đơn để trình bày hoàn cảnh gia đình và để đạt nguyện vọng của mình.

– Văn bản 2: Viết văn bản đề nghị là không đúng trong trường hợp này phải viết báo cáo vì cô giáo chủ nhiệm muốn biết tình hình và kết quả của lớp trong việc giúp đỡ gia đình thương bình liệt sĩ và bà mẹ Việt Nam anh hùng.

– Văn bản 3: Trường hợp này không thể viết đơn mà phải viết văn bản đề nghị Ban Giám hiệu nhà trường biểu dương khen thưởng cho bạn H.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Luyện tập làm văn bản đề nghị và báo cáo

I. Luyện tập làm văn bản đề nghị và báo cáo:

Xem lại Bài 28, 29, 30 và trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1. Mục đích viết văn bản đề nghị và văn bản báo cáo có gì khác nhau?

Trả lời:

a) Đề nghị: Đề xuất một nguyện vọng, một ý kiến,

b) Báo cáo: Tổng kết, nêu những gì đã làm cho cấp trên biết?

Câu 2. Nội dung văn bản đề nghị và văn bản báo cáo có gì khác nhau?

Trả lời:

a) Đề nghị: Ai đề nghị? Đề nghị ai? Đề nghị gì?

b) Báo cáo: Báo cáo của ai? Báo cáo với ai? Báo cáo việc gì? Kết quả như thế nào?

Như vậy, chúng đều giống nhau là phải có người giữ văn bản, trình văn bản; có nơi nhận và xử lí văn bản.

Tuy nhiên do nội dung đề nghị và nội dung báo cáo nên phần sau khác nhau. Mục đích đề nghị là để được giải quyết yêu cầu nguyện vọng. Còn mục đích báo cáo lại là trình bày để nơi nhận nắm được cụ thể chi tiết thông tin về vụ việc, công việc đã tiến hành.

Câu 3. Hình thức trình bày của văn bản đề nghị và văn bản báo cáo có gì giống nhau và khác nhau?

Trả lời:

– Giống nhau bởi tính chất của loại văn bản hành chính. Chúng viết theo khuôn mẫu và không biểu cảm.

– Khác nhau là do nội dung cụ thể từng văn bản nhiều hay ít mà dài hay ngắn. Nhiều đề mục hay ít đề mục.

Câu 4. Cả hai loại văn bản khi viết cần tránh những sai sót gì? Những mục nào cần chú ý trong mỗi loại văn bản?

Trả lời:

Cả hai loại văn bản khi viết phải lưu ý (1), (2), (3) ở trên.

Bài luyện tập làm văn bản đề nghị và báo cáo trang 138 SGK Văn 7

Bài 1: Hãy nêu một tình huống thường gặp trong cuộc sống mà em cho là phải làm văn bản đề nghị và một tình huống phải viết báo cáo (không lặp lại các tình huống đã có trong sách giáo khoa).

Trả lời:

Tình huống thường gặp trong cuộc sống:

– Văn bản đề nghị: Cấp kinh phí đào tạo dạy nghề cho những bộ đội xuất ngũ.

– Văn bản báo cáo: Kết quả về việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết ở địa phương em.

Bài 2: Từ tình huống cụ thể đó, hãy viết một văn bản đề nghị và một văn bản báo cáo (chuẩn bị ở nhà để trình bày trước lớp).

Trả lời:

a) Văn bản đề nghị.

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.

Hà Nội, ngày…tháng…năm…

GIẤY ĐỀ NGHỊ

Kính gửi: Ban Giám đốc Sở Lao Động –Thương binh xã hội.

Đồng kính gửi: Phòng Tài vụ, phòng Kế hoạch.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở, Trung Tâm xúc tiến việc làm đã trình đề án Đào tạo dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ và đã được Hội đồng thẩm định của Sở thông qua. Tuy nhiên, cho đến nay , Trung Tâm vẫn chưa nhận được kinh phí để thực hiện đề án.

Nhằm tạo điều kiện cho Trung tâm thực hiện tốt đề án, Trung tâm đề nghị Ban Giám đốc Sở và các phòng chức năng duyệt cấp kinh phí theo đề án đã được thẩm định.

Rất mong Ban Giám đốc Sở và các phòng chức năng lưu ý giúp đỡ.

Xin chân thành cảm ơn!
T/M Trung tâm
Giám đốc

b. Văn bản báo cáo:

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập –Tự do – Hạnh phúc.

Hà Nội, ngày…tháng…năm

BÁO CÁO

VỀ TÌNH HÌNH BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT Ở XÃ X.

Kính gửi: Ủy ban nhân dân huyện A.

Ngày 8-10-2017, qua việc kiểm tra nơi ở của các hộ dân thuộc xã X, chúng tôi đã phát hiện khoảng trên 20 căn hộ có dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết. Nguyên nhân là do bà con không chịu vệ sinh nhà cửa, vứt rác một cách bừa bãi, đồ dùng chứa đầy nước bẩn.

Để kịp thời ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết, chúng tôi đã ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết để không lây lan sáng các xã khác bằng các biện pháp sau:

1. Giao cho ban Y tế cộng đồng và những người quản lý về phòng chống dịch bệnh ở xã X phải luôn luôn nhắc nhở, theo dõi, và phun thuốc chống sốt xuất huyết.

2. Tổ chức đội bảo vệ giúp các nhà bị mắc bệnh sốt xuất huyết.

Chúng tôi viết báo cáo này để UBND huyện biết tình hình và cho ý kiến chỉ đạo.

T/M UBND xã
Chủ tịch

Bài 3: Chỉ ra những chỗ sai trong việc sử dụng các văn bản sau đây:

a) Do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, một học sinh đã viết báo cáo xin nhà trường miễn học phí.

b) Thầy, cô giáo chủ nhiệm cần biết những công việc tập thể lớp đã làm để giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Một học sinh thay mặt lớp đã viết giấy đề nghị với thầy, cô giáo chủ nhiệm về những việc làm trên.

c) Cả lớp đều khâm phục tinh thần giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ của bạn H. Bạn ấy thật xứng đáng là Cháu ngoan Bác Hồ. Lớp trưởng thay mặt lớp viết đơn xin Ban Giám hiệu nhà trường biểu dương, khen thưởng bạn H.

Trả lời:

Chỗ sai:

a) Học sinh viết báo cáo là không phù hợp. Tình huống này phải viết đơn để trình bày hoàn cảnh gia đình và đề xuất nguyện vọng của cá nhân.

b) Học sinh viết Đề nghị không đúng. Trường hợp này viết Báo cáo để cô chủ nhiệm biết tình hình và kết quả của lớp trong việc giúp đỡ gia đình thương binh liệt sĩ và Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.

c) Ở đây không viết Đơn mà cả lớp phải viết Đề nghị để cô chủ nhiệm và Ban Giám hiệu nhà trường khen thưởng bạn H.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

Ngọc Trinh:
Leave a Comment