Soạn bài Luyện tập Kể chuyện tưởng tượng trang 139 – 141 SGK ngữ văn lớp 6 tập 1, Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Luyện tập Kể chuyện tưởng tượng sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ và chi tiết nhất theo sách giáo khoa.
Hướng dẫn soạn bài Luyện tập Kể chuyện tưởng tượng
Có thể chọn một trong năm đề bài đã cho ở bài trước, chú ý tránh trùng lặp với đề đã thực hiện trong giờ luyện tập trước. Sau đây là một đề trong số đó.
Giải câu 1 – Đề bài luyện tập (Trang 139 SGK ngữ văn 6 tập 1)
“Kể chuyện mười năm sau em về thăm lại mái trường mà hiện nay em đang học. Hãy tưởng tưởng những đổi thay có thể xảy ra.”
Gợi ý tìm hiểu đề và lập ý:
– Đây là đề tưởng tượng hoàn toàn, bởi học sinh không thể dựa vào tài liệu nào có sẵn.
– Mười năm nữa là lúc em bao nhiêu tuổi? Dự kiến lúc đó em đang học đại học hay đã đi làm?
– Em về thăm lại trường vào dịp nào? Có thể là vào ngày hội trường để có dịp thuận tiện gặp được nhiều thầy cô và bạn cũ.
– Mái trường thân yêu mười năm sau theo em sẽ có những thay đổi gì, có thêm gì, bớt đi cái gì? Chẳng hạn, cây cối và vườn hoa có gì đổi thay, nhà trường có thêm ngôi nhà nào mới?
– Các thầy (cô) giáo mười năm nữa sẽ có gì thay đổi? Thầy (cô) có nhận ra em không? Em và thầy (cô) sẽ nói gì với nhau?
– Còn các bạn, lúc ấy hẳn đều đã học đại học hay đi làm. Cuộc hội ngộ chắc sẽ nhắc lại những kỉ niệm cũ,…
– Em suy nghĩ gì khi chia tay với trường?
Trả lời:
Tham khảo dàn bài sau:
a) Mở bài:
– Mười năm nữa là năm nào? Em bao nhiêu tuổi? Em vẫn đang đi học hay đã đi làm?
– Em về thăm trường cũ vào dịp nào (khai giảng, kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam…)
b) Thân bài:
– Tâm trạng trước khi về thăm: bồn chồn, sốt ruột, lo lắng..
– Cảnh trường lớp sau mười năm xa cách có gì thay đổi (thêm, bớt), các khu nhà, vườn hoa, sân tập, lớp học cũ.
– Gặp gỡ với các thầy cô giáo cũ, mới như thế nào? Thầy chủ nhiệm, cô hiệu trưởng, bác bảo vệ..
– Gặp gỡ bạn cũ, những kỉ niệm bạn bè hiện về, thăm hỏi cuộc sông hiện nay, những hứa hẹn…
c) Kết bài:
– Phút chia tay lưu luyến…
– Ấn tượng sâu đậm về lần thăm trường.
Bài làm tham khảo:
Thời gian trôi nhanh thật, thấm thoắt mới đó mà đã mười năm. Giờ đây tôi đã lớn khôn, đã trở thành sinh viên năm thứ nhất đại học. Hôm nay, có dịp về thăm ngôi trường cu thân yêu, trong tôi dâng ngập một cảm giác xao xuyến và bỡ ngỡ khôn cùng.
Ngôi trường cũ hiện ra trước mắt tôi với nhiều kỉ niệm vừa quen thuộc vừa xen chút lạ lẫm. Xe tôi chạy chầm chậm trên con đường nhỏ. Chiếc cổng trường năm xưa giờ đã được thay thế bằng chiếc cổng xây cao và phía trên ghi rõ hàng chữ Trường THCS Nguyễn Du… Tôi còn nhớ rõ ngày ấy, mỗi lần đi học muộn, cánh cửa đóng sập lại, tôi phải năn nỉ mãi bác bảo vệ mới cho vào.
Bước vào sân trường sự thay đổi ấy càng hiện lên rõ hơn. Dãy lớp tôi học năm xưa giờ được thay thế bằng một ngôi nhà cao tầng khang trang, sáng sủa. Lớp cũ không còn nhưng tôi vẫn như thấy đâu đây hình ảnh của các bạn cùng lớp: Lan, Hồng, Thắng mỏ vịt,… Ngày ấy, cũng ở góc sân trường này, chúng tôi thường chơi đùa. Cây xà cừ vẫn còn đó nhưng nó đã già hơn trước. Tôi bước lại gần, những nét chữ khắc vào thân cây đã mờ dần theo năm tháng.
Tôi bước tới khu hiệu bộ, căn nhà cũng được sửa lại đôi chút nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng năm xưa, nằm uy nghiêm giữa hai bên hàng cây mát rượi. Đây chính là hàng cây chúng tôi trồng khi trường mới xây xong mà. Trong tiếng gió tôi nghe những lời rì rầm như những tiếng chào. Dưới gốc cây vẫn còn chiếc biển đề quen thuộc “Cây kỉ niệm lớp… khoá…”.
Sân trường đang giờ học, im ắng đến lạ thường. Tôi nghe tiếng thầy cô âm vang, trầm âm trong lớp học. Nỗi nhớ thầy cô cùng các bạn dâng ngập hồn tôi. Từ ngày chia tay mỗi người một ngả không biết cuộc sống của họ ra sao. Và các thầy cô của tôi nữa, tôi nhớ cô Nhung dạy văn cũng đồng thời là giáo viên chủ nhiệm. Ngày ấy cô rất nghiêm khắc, không ít lần cô đã mắng chúng tôi khi chúng tôi không chịu nghe giảng. Tôi biết lúc đó đã có một số bạn tỏ ý không bằng lòng với cô nhưng chính những người bạn đó sau này đã tâm sự với tôi: Đến khi xa cô rồi mới thấm thìa lời cô dạy.
Thực ra ngày đó chúng tôi còn nhỏ quá chỉ thích chơi thôi. Giờ đây trưởng thành tôi chỉ mong có dịp gặp lại cô để nói hết những tâm sự của mình.
Đang mải mê với dòng suy nghĩ của mình thì tôi gặp cô, tôi vô cùng sung sướng và bất ngờ vì bao năm rồi cô vẫn dạy ở nơi đây. Tôi chạy lại, vui mừng:
– Em chào cô! Cô có nhận ra em không ạ?
Cô nheo đôi mắt, sửa lại cặp kính:
– Em là…
– Em là Lan học sinh lớp 6C2, khoá học cách đây mười năm rồi thưa cô.
Thế là cô trò tíu tít nói chuyện. Đến lúc này tôi mới có dịp ngắm nhìn lại gương mặt cô. Năm tháng trôi đi, trên khuôn mặt của cô đã có nhiều nếp nhăn, đôi mắt cũng không còn sáng như xưa nữa nhưng cái nhìn của cô vẫn thật dịu dàng. Mái tóc đen giờ đã có khá nhiều sợi bạc. Tôi bỗng thấy thương cô vô cùng bởi tôi biết cuộc đời riêng của cô không mấy hạnh phúc nên bao nhiêu tình cảm cô dành hết cho tất cả các học sinh.
Tôi và cô đi dạo quanh sân trường, cô trò nhắc lại bao chuyện cũ. Đi bên cô, tôi thấy mình như nhỏ lại, như được trở về tuổi học trò thơ ngây. Tôi vẫn thấy cô dịu dàng và ân cần như ngày tôi còn đi học. Tôi đã tâm sự hết với cô về những tình cảm của các bạn của lớp dành cho cô như thế nào. Cô rất xúc động, cô nói:
– Những gì cô dạy dỗ các em năm xưa, cô biết rằng có thể ngay lúc đó các em chưa hiểu hết nhưng cô tin rằng mai này lớn lên các em sẽ hiểu. Và từ đó các em sẽ trưởng thành hơn trong cuộc sống.
– Cô ơi, ngày đó chúng em còn nhỏ quá nên không hiểu hết tấm lòng của cô dành cho chúng em.
Cô vuốt tóc tôi mỉm cười, một nụ cười nhân hậu:
– Cô chỉ mong mỗi lớp học trò qua đi trở thành những người có ích cho xã hội và nếu có dịp về thăm cô là cô rất vui.
Trống vào lớp vang lên, tôi phải tạm biệt cô. Tôi tự hứa tết năm nay chúng tôi sẽ họp lớp và tất cả sẽ về thăm trường cũ, thăm cô giáo chủ nhiệm.
Ngắm ngôi trường cũ một lần nữa, tạm biệt những kỉ niệm của tuổi thơ, tôi ra về trong lòng nao nao bao kỉ niệm buồn vui. Mái trường thân yêu, ngôi nhà thứ hai của chúng tôi, chính nơi đây đã chắp cánh cho tôi bao ước mơ hi vọng. Tôi hiểu rằng dù là mười năm hay bao nhiêu năm nữa, tôi cũng sẽ mãi khắc ghi những kỉ niệm về một thời cắp sách đến trường.
Giải câu 2 – Các đề bài bổ sung (Trang 140 SGK ngữ văn 6 tập 1)
Tìm ý cho các đề bài bổ sung sau đây:
1) Mượn lời một đồ vật hay con vật gần gũi với em để kể chuyện tình cảm giữa em và đồ vật hay con vật đó.
2) Thay ngôi kể để bộc lộ tâm tình của một nhân vật truyện cổ tích mà em yêu thích.
3) Tưởng tượng một đoạn kết mới cho một truyện cổ tích nào đó (chẳng hạn, truyện Sọ Dừa, Cây bút thần).
Trả lời:
1. Đề bài: Mượn lời một đồ vật hay con vật gần gũi với em để kể chuyện tình cảm giữa em và đồ vật hay con vật đó.
a) Mở bài: Giới thiệu nhân vật:
– Đồ vật (con vật) tự giới thiệu mình.
– Đồ vật (con vật) giới thiệu về tình cảm giữa mình và người chủ.
b) Thân bài:
– Lí do đồ vật (con trâu) trở thành vật sỡ hữu của người chủ.
– Tình cảm ban đầu giữa đồ vật (con vật) và người chủ.
– Những kỉ niệm vui, buồn khó quên của hai người.
– Tình cảm lúc sau (nếu có sự thay đổi trong tình cảm người chủ) lí do sự thay đổi.
c) Kết bài: Suy nghĩ, cảm xúc của đồ vật (con vật) đó với chủ của mình.
2. Đề bài: Thay ngôi kể để bộc lộ tâm tình của một nhân vật truyện cổ tích mà em yêu thích.
a) Mở bài:
– Giới thiệu không gian, thời gian của buổi gặp gỡ.
– Xây dựng tình huống gặp nhân vật trong truyện (nằm mơ? Tưởng tượng?…)
b) Thân bài: Cuộc trò chuyện thú vị.
– Hỏi han.
– Trao đổi suy nghĩ, thắc mắc (nếu có)… của mình.
c) Kết bài: Bày tỏ tình cảm đối với nhân vật đó.
3. Đề bài: Tưởng tượng một đoạn kết mới cho một truyện cổ tích nào đó (chẳng hạn: truyện Sọ dừa, Cây bút thần)
Gợi ý:
– Mã Lương sau khi vẽ biển, đánh chìm thuyền rồng, tiêu diệt cả triều đình, cả bè lũ Vua, quan tham ác thì cũng bất ngời bị sóng cuốn trôi dạt vào một hoang đảo.
– Ở đây Mã Lương lại dùng cây bút thần chiến đấu với thú dữ, trùng độc, với hoàn cảnh sống khắc nghiệt để tồn tại.
– Mã lương tình cờ gặp một con tàu thám hiểm vòng quanh trái đất chạy qua, ghé đảo để trữ nước ngọt.
– Mã Lương được mời lên tàu làm quen với nhà hàng hải nổi tiếng Magienlăng.
– Magienlăng mời Mã Lương đi cùng để vẽ những cảnh đẹp trên đường.
– Mã Lương sung sướng nhận lời.
Tham khảo bài soạn Kể chuyện tưởng tượng khác
Câu 1. Đề bài luyện tập: “Kể chuyện mười năm sau em về thăm lại mái trường mà hiện nay em đang học. Hãy tưởng tưởng những đổi thay có thể xảy ra.”
Gợi ý tìm hiểu đề và lập ý:
– Đây là đề tưởng tượng hoàn toàn, bởi học sinh không thể dựa vào tài liệu nào có sẵn.
– Mười năm nữa là lúc em bao nhiêu tuổi? Dự kiến lúc đó em đang học đại học hay đã đi làm?
– Em về thăm lại trường vào dịp nào? Có thể là vào ngày hội trường để có dịp thuận tiện gặp được nhiều thầy cô và bạn cũ.
– Mái trường thân yêu mười năm sau theo em sẽ có những thay đổi gì, có thêm gì, bớt đi cái gì? Chẳng hạn, cây cối và vườn hoa có gì đổi thay, nhà trường có thêm ngôi nhà nào mới?
– Các thầy (cô) giáo mười năm nữa sẽ có gì thay đổi? Thầy (cô) có nhận ra em không? Em và thầy (cô) sẽ nói gì với nhau?
– Còn các bạn, lúc ấy hẳn đều đã học đại học hay đi làm. Cuộc hội ngộ chắc sẽ nhắc lại những kỉ niệm cũ,…
– Em suy nghĩ gì khi chia tay với trường?
Trả lời:
a. Mở bài:
– Mười năm nữa là năm nào? Năm ấy em bao nhiêu tuổi? Em đi học hay đã đi làm?
– Em về thăm trường cũ vào dịp nào?(Khai giảng, Bế giảng, 20-11…).
b. Thân bài:
– Tâm trạng trước khi về thăm: bồn chồn, lo lắng, sốt ruột.
– Cảnh trường lớp sau 10 năm xa cách có gì thay đổi: xây dựng thêm một dãy nhà ba tầng để phục vụ học tập, một sân bóng to và một căng tin.
– Gặp gỡ các thầy, cô giáo cũ, mới ra sao?
+ Thầy hiệu trưởng vẫn nghiêm khắc như vậy.
+ Các cô bộ môn giờ đã nhiều thay đổi.
+ Bác bảo vệ: đã thay bác mới
…
– Gặp gỡ bạn cũ: những kỉ niệm ngày xưa chợt ùa về, hỏi thăm các bạn xem thế nào và tương lai hứa sẽ lại quay về trường.
c. Kết bài:
– Phút chia tay lưu luyến, không muốn xa các thầy cô và các bạn.
– Cảm xúc, cảm nghĩ của em khi về thăm trường lần này.
Câu 2. Các đề bài bổ sung
Tìm ý cho các đề bài bổ sung sau đây:
a) Mượn lời một đồ vật hay con vật gần gũi với em để kể chuyện tình cảm giữa em và đồ vật hay con vật đó.
b) Thay ngôi kể để bộc lộ tâm tình của một nhân vật truyện cổ tích mà em yêu thích.
c) Tưởng tượng một đoạn kết mới cho một truyện cổ tích nào đó (chẳng hạn, truyện Sọ Dừa, Cây bút thần).
Trả lời:
a) Mượn lời một đồ vật hay con vật gần gũi với em để kể chuyện tình cảm giữa em và đồ vật hay con vật đó.
Mở bài: Đồ vật (con vật) tự giới thiệu mình, giới thiệu về tình cảm giữa mình và người chủ.
Thân bài:
– Lí do đồ vật, con vật trở thành sở hữu của người chủ.
– Tình cảm ban đầu khi mới chơi cùng, quen biết.
– Những kỉ niệm, những gắn bó của em với đồ vật, con vật.
Kết bài: Suy nghĩ, cảm xúc của em với con vật, đồ vật.
b) Thay đổi ngôi kể để bộc lộ tâm tình của một nhân vật truyện cổ tích mà em yêu thích. (trong bài lựa chọn nhân vật Thạch Sanh)
Mở bài: Không gian để nhân vật bộc lộ tâm tình: có thể là trong rừng, trong hang tối,…
Thân bài:
– Ta là Thạch Sanh bản tính lương thiện mà hay bị người khác hãm hại. Thật đáng buồn biết bao.
– Niềm tin vào công lí.
– Nỗi buồn, thất vọng khi người mình vẫn coi là anh em lại hết lần này lần khác lừa dối, hãm hại mình.
– Với công chúa, ta đã cứu nàng, người con gái hiền lành, xinh đẹp, yếu đuối mà nàng đã chẳng thể nói lên nỗi lòng với vua cha cứu ta.
– Chỉ có cây đàn là tri kỉ ta nói lên nỗi lòng mình. Ta tức giận Lí Thông đã lừa dối, cướp công ta, sao lại có kẻ ăn ở bất nhân như vậy.
Kết bài: Hóa thân vào nhân vật mới nhận ra tâm tư, tình cảm của nhân vật ấy.
c) Tưởng tượng một đoạn kết mới cho một truyện cổ tích nào đó (Sọ Dừa)
Mở bài: Nối tiếp câu chuyện Sọ Dừa, từ đoạn Sọ Dừa cứu vợ, từ hoang đảo trở về, mở tiệc nhưng giấu vợ trong buồng. Đoạn kết mới bắt đầu.
Thân bài:
– Hai cô chị nghĩ cô em đã chết, ra vẻ khóc lóc tiếc thương.
– Sọ Dừa gọi vợ ra, hai cô chị sửng sốt, xấu hổ, lén ra về.
– Trong hai năm, vợ chồng Sọ Dừa và dân làng không ai biết tin gì về hai cô chị.
– Thật ra họ đã xấu hổ cùng ra đi đến một vùng đất mới, xây nhà trồng trọt làm ăn lương thiện. Hai năm sau họ đã trở nên khá giả nhưng trong lòng vẫn ân hận về lòng đố kị của mình trước kia. Và thế là họ đã quyết định chia hết của cải cho dân nghèo, trở về thành tâm xin lỗi hai vợ chồng Sọ Dừa.
– Vợ chồng Sọ Dừa thấy họ ăn năn cũng không còn giận và tha lỗi cho họ.
– Hai người chị dù được tha thứ vẫn không nguôi nỗi day dứt, tiếp tục ra đi, đi khắp miền núi, miền biển giúp đỡ những người nghèo.
Kết bài: Kết thúc truyện tốt đẹp.
Bài tham khảo
CON CÒ VỚI TRUYỆN NGỤ NGÔN
Ngày xửa ngày xưa, có một câu chuyện ngụ ngôn như thế này: Cáo mời cò đến ăn bữa trưa và bày ra một đĩa canh. Với cái mỏ dài Cò chẳng ăn được chút gì, thế là cáo chén sạch. Cò tức, ngày hôm sau mời Cáo sang và dọn bữa ăn đựng trong một cái bình cổ cao. Cáo không chõ mõm vào được. Cò thì với chiếc mỏ dài đã thò mỏ vào và một mình ăn no.
Câu chuyện ấy được lan truyền từ đời này sang đời khác, trong những cánh rừng và trên các dòng sông.
Có một chú Cáo mói lớn nghĩ bụng, câu chuyện cũng hay nhưng đó chỉ là truyền miệng. Còn thực tế ở đời thì sao nhỉ? Mình thử kiểm tra lại xem sao mới được. Và nó cũng bày một cái đĩa đầy thức ăn ngon rồi mời Cò đến.
Quả đúng như truyện, Cò mới mổ được vài tí thì Cáo đã liếm sạch cả đĩa. Thế mà Cò không tỏ ra khó chịu, nó chỉ nhỏ nhẹ mời Cáo đến nhà nó ăn, rồi lặng lẽ ra về.
Còn một mình, Cáo mỉm cười nghĩ bụng: “Chắc sẽ diễn ra đúng như truyện đây. Ta đã chơi Cò một vố, thế nào mà Cò chẳng trả thù ta”.
Tuy vậy, hôm sau Cáo vẫn đến nhà Cò. Chủ nhà vui vẻ ra tận cổng mời khách rồi nhanh chóng bày bữa ăn. Nó bê ra một cái bình cổ cao đặt trên bàn rồi đi vào. Cáo đang nghĩ bụng: “Đúng y như truyện rồi. Ta đành phải mang bụng đói về thôi…” thì Cò khệ nệ bưng ra một đĩa tròn đầy thức ăn.
– Xin mời anh ăn phần ở đĩa này. Chiếc bình là phần tôi. Xin mời anh xơi!
Khi ăn đã no say, Cáo mới vui vẻ hỏi Cò:
– Sao chị không trả thù tôi, sao chị không làm theo truyện?
Cò cười:
– Có cái làm theo truyện, có cái phải làm khác truyện. Trong trường hợp này mà làm theo truyện thì tôi sẽ trở thành kẻ thù của anh chứ đâu còn là bạn của anh nữa!
(Đồng Xuân Lan)
(HTTPS://BAIVIET.ORG)
Leave a Comment