Soạn bài Lập dàn ý bài văn thuyết minh trang 169 – 171 SGK ngữ văn lớp 10 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Lập dàn ý bài văn thuyết minh, sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.
Hướng dẫn soạn bài – Lập dàn ý bài văn thuyết minh.
I. Dàn ý bài văn thuyết minh
Giải câu 1 – Dàn ý bài văn thuyết minh (Trang 169 SGK ngữ văn 10 tập 1)
Hãy nhắc lại bố cục ba phần của một bài làm văn và nhiệm vụ của mỗi phần.
Trả lời:
– Mở bài :
+ Nêu đề tài thuyết minh.
+ Dẫn dắt, tạo ra sự chú ý của người đọc về nội dung thuyết minh.
– Thân bài :
+ Tìm ý, chọn ý : Cần triển khai những ý nào để thuyết minh về đối tượng đã giới thiệu.
+ Sắp xếp ý : Cần trình bày các ý theo trình tự nào cho phù hợp với đối tượng thuyết minh, đạt được mục đích thuyết minh, giúp người tiếp nhận dễ dàng nắm được nội dung thuyết minh ?
– Kết bài :
Nhấn lại đề tài thuyết minh và tô đậm ấn tượng cho người tiếp nhận về đối tượng vừa thuyết minh.
Giải câu 2 – Dàn ý bài văn thuyết minh (Trang 169 SGK ngữ văn 10 tập 1)
Bố cục ba phần của một bài làm văn có phù hợp với đặc điểm của văn thuyết minh không? Vì sao?
Trả lời:
– Bố cục 3 phần hoàn toàn phù hợp với văn bản thuyết minh.
– Bởi vì: Văn bản thuyết minh cũng là kết quả của một thao tác làm văn -> Một thao tác làm văn hoàn chỉnh phải bao gồm 3 phần.
Giải câu 3 – Dàn ý bài văn thuyết minh (Trang 169 SGK ngữ văn 10 tập 1)
So vơi phần mở bài và phần kết bài của một bài văn tự sự thì phần mở bài và phần kết bài của một bài văn thuyết minh có những điểm tương đồng và khác biệt nào?
Trả lời:
– Mở bài trong văn bản tự sự yêu cầu giới thiệu thời gian, địa điểm xảy ra câu chuyện, giới thiệu nhân vật chính, góc nhìn (người chứng kiến).
– Mở bài trong văn thuyết minh giới thiệu đối tượng, mục đích thuyết minh, điểm giống nhau là cùng có chức năng giới thiệu. Tuy nhiên, cách giới thiệu trong văn thuyết minh linh hoạt hơn, có khi rất ngắn, chỉ gồm 1, 2 câu.
– Kết bài trong văn tự sự đôi khi cũng gắn với thân bài, vì sau khi giải quyết vấn đề (mở nút xung đột) là câu chuyện đã kết thúc. Trong bài làm của học sinh hay trong một số sáng tác còn có phần cuối, dùng để nêu lên suy nghĩ và cảm xúc nhưng cách kết thúc đó hơi gượng ép.
– Kết bài trong văn thuyết minh đôi khi không nhận thấy được, nó đồng thời là phần cuối của nội dung thuyết minh. Chừng nào người đọc cảm nhận thấy đã thỏa mãn, thì khi đó bài văn thuyết minh cũng kết thúc.
– Kết bài trong văn tự sự và văn thuyết minh có những điểm giống nhau, chúng biến hóa năng động và nhiều khi chỉ là phần cuối của nội dung chính.
Giải câu 4 – Dàn ý bài văn thuyết minh (Trang 169 SGK ngữ văn 10 tập 1)
Các trình tự sắp xếp ý (cho phần thân bài) kể dưới đây có phù hợp với yêu cầu của một bài văn thuyết minh không? Vì sao?
– Trình tự thời gian (từ xưa đến nay).
– Trình tự không gian (từ gần đến xa, từ trong nhà ra ngoài, từ trên xuống dưới,…).
– Trình tự nhận thức của con người (từ quen đến lạ, từ dễ thấy đến khó thấy,…).
– Trình tự chứng minh – phản bác (hoặc phản bác – chứng minh).
Trả lời:
Loại trình tự không phù hợp với văn bản thuyết minh vì:
– Trình tự thời gian phù hợp với văn tự sự hơn.
– Trình tự không gian phù hợp với văn miêu tả hơn.
– Trình tự nhận thức phù hợp với văn nghị luận hơn.
– Riêng trình tự chứng minh – phản bác cần phải lập luận để thuyết phục người nghe (người đọc).
II. Lập dàn ý bài văn thuyết minh
Anh (chị) được giao viết một bài văn thuyết minh để giới thiệu với người đọc về một danh nhân vân hoá, một tác giả văn học một nhà khoa học mà anh (chị) yêu thích và đã tìm hiểu kĩ.
Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, anh (chị) hãy lần lượt làm những công việc sau đây:
1. Xác định đề tài
Anh (chị) sẽ viết bài thuyết minh để giới thiệu về ai nhằm đảm bảo được các yêu cầu nêu ở đề bài:
– Đó là một danh nhân văn hoá.
– Đó là người mà anh (chị) yêu thích và đã tìm hiểu kĩ.
Chẳng hạn, có thể tìm và xác định đề tài theo những hướng sau:
– Năm 2005 là năm mang tên nhà bác học Anh – xtanh. Có thể tìm hiểu để viết bài về nhà khoa học vĩ đại này.
– Anh (chị) đã vì yêu thích mà tìm hiểu kĩ về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của các văn nhân, hãy viết bài giới thiệu một trong những văn nhân đó.
2. Lập dàn ý
a) Mở bài: Hãy suy nghĩ xem, anh (chị) cần làm gì để:
– Nêu được đề tài bài viết (giới thiệu về danh nhân nào, tác giả, hoặc nhà khoa học nào)
– Cho người đọc nhận ra kiểu văn bản của bài làm (thuyết minh chứ không phải miêu tả, tự sự, biểu cảm hay nghị luận).
– Thu hút sự chú ý của người đọc đối với đề tài (thấy được đó là một danh nhân, một tác giả, một nhà khoa học,… rất cần được tìm hiểu, rất cần biết rõ).
b) Thân bài
– Tìm ý, chọn ý: Cần cung cấp cho người đọc những tri thức nào? Những tri thức ấy có chuẩn xác, khoa học và đủ để giới thiệu rõ danh nhân hay tác giả, nhà khoa học,… được giới thiệu không?
– Sắp xếp ý: Cần bố trí các ý đã tìm được theo hệ thống nào để có thể giới thiệu được rành mạch và trôi chảy?
Chẳng hạn, anh (chị) đã quyết định viết bài thuyết minh để giới thiệu danh nhân Chu Văn An, một người thầy tài đức vẹn toàn. Anh (chị) thấy có thể (hay không thể) chọn cách sắp xếp ý nào trong các cách dưới đây:
– Cách thứ nhất: Lần lượt thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của Chu Văn An qua các giai đoạn:
+ Thời kì dạy học ở quê nhà.
+ Thời kì làm quan.
+ Thời kì từ quan về dạy học ở núi Phượng Sơn.
– Cách thứ hai: Lần lượt thuyết minh về thân thế và sự nghiệp của Chu Văn An:
+ Cuộc đời Chu Văn An từ khi sinh ra cho tới khi qua đời
+ Sự nghiệp của Chư Van An: tấm gương sáng về tài năng và đức độ
c) Kết bài: Anh (chị) cần làm gì để:
– Trở lại được đề tài của bài thuyết minh.
– Lưu lại những suy nghĩ và cảm xúc lâu bền trong lòng độc giả.
III. Luyện tập
Lập dàn ý cho các bài văn thuyết minh sau:
Giải câu 1 – Luyện tập (Trang 171 SGK ngữ văn 10 tập 1)
Giới thiệu một tác giả văn học
Trả lời:
a) Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả
b) Thân bài:
– Cuộc đời và sự nghiệp văn học:
+ Hoàn cảnh xuất thân, truyền thống gia đình, học vấn, đường đời,…
+ Các chặng đường sáng tác và những tác phẩm chính.
– Phong cách nghệ thuật:
+ Những đặc điểm nổi bật về nội dung trong sáng tác.
+ Những đặc sắc nghệ thuật mà tác giả thể hiện trong tác phẩm của mình.
+ Đưa và phân tích chung về một số tác phẩm tiêu biểu để làm rõ đặc trưng sáng tác của tác giả
+ Thành công của tác giả, những giải thưởng được nhận.
c) Kết bài:
– Khẳng định về vị trí của tác giả trong lòng độc giả
– Nêu suy nghĩ, cảm nhận về cuộc đời, sự nghiệp văn chương của tác giả vừa thuyết minh,…
Giải câu 2 – Luyện tập (Trang 171 SGK ngữ văn 10 tập 1)
Giới thiệu một tấm gương học tốt
Trả lời:
a) Mở bài: Dẫn dắt để giới thiệu ra một tấm gương học tốt (bạn bè, anh chị em, một nhân vật trong lịch sử…)
b) Thân bài:
– Hoàn cảnh gia đình, môi trường học tập,…
– Quá trình phấn đấu trong học tập.
– Những kết quả học tập tốt.
– Thái độ của mọi người xung quanh đối với nhân vật được nói đến như thế nào (và ngược lại)
c) Kết bài:
– Khẳng định đây là một tấm gương học tập đáng được noi theo.
– Suy nghĩ về bài học rút ra cho bản thân và cho mọi người.
Giải câu 3 – Luyện tập (Trang 171 SGK ngữ văn 10 tập 1)
Giới thiệu một phong trào của trường (hoặc của lớp) mình.
Trả lời:
a) Mở bài: Giới thiệu chung về phong trào.
b) Thân bài:
– Phong trào đã được phát động ở đâu và được hưởng ứng ra sao? (Tên người/cơ quan/tổ chức đầu tiên phát động phong trào? Ở đâu? Vì sao lại có phong trào này?…)
– Diễn biến của phong trào qua các năm.
– Những kết quả cho thấy sự thành công, hiệu quả của phong trào.
c) Kết bài: Ý nghĩa của phong trào
Giải câu 4 – Luyện tập (Trang 171 SGK ngữ văn 10 tập 1)
Trình bày một quy trình sản xuất (hoặc các bước của một quá trình học tập).
Trả lời:
a) Mở bài: Giới thiệu chung về quy trình sản xuất (hoặc các bước của một quá trình học tập).
b) Thân bài:
– Những nét cơ bản về quy trình sả xuất hoặc học tập: sản xuất (học tập) cái gì? Tại sao chúng ta cần sản xuất/học tập ra những sản phẩm/môn học đó?…
– Mô tả quy trình sản xuất (hoặc các bước của một quá trình học tập): bắt đầu như thế nào, diễn biến qua các công đoạn (các bước, các giai đoạn, các quá trình,…) ra sao ?
– Sản phẩm của quy trình sản xuất(hoặc kết quả của một quá trình học tập) là gì, chất lượng, giá trị ra sao ?
c) Kết bài: Nhận xét về quy trình sản xuất (hay các bước của một quá trình học tập).
Tham khảo thêm cách soạn khác bài Lập dàn ý bài văn thuyết minh
Luyện tập
Câu 1. Lập dàn ý Giới thiệu một tác giả văn học
Trả lời:
– Giới thiệu về cuộc đời, xuất thân.
– Giới thiệu về sự nghiệp sáng tác.
+ Phong cách nghệ thuật
+ Những tác phẩm tiêu biểu và giá trị của chúng
Câu 2. Lập dàn ý Giới thiệu một tấm gương học tốt
Trả lời:
– Giới thiệu về lý lịch của tấm gương học tốt (là ai, ở đâu,…)
– Những việc làm tốt của người đó trong quá trình học tập
– Ý nghĩa của những hành động tốt trong học tập ấy đã để lại ấn tượng như thế nào trong lòng mọi người.
Câu 3. Lập dàn ý Giới thiệu một phong trào của trường (hoặc của lớp) mình.
Trả lời:
– Giới thiệu tên của phong trào, thời gian diễn ra phong trào ấy.
– Mục đích của phong trào
– Cách thức mà phon trào ấy được tiến hành.
– Thái độ của học sinh trong trường (lớp) đối với phong trào ấy.
Câu 4. Lập dàn ý Trình bày một quy trình sản xuất (hoặc các bước của một quá trình học tập).
– Giới thiệu chung, mở ra vấn đề
– Bước thứ nhất: Xác định nội dung, vấn đề cần nắm bắt và giải quyết
– Bước thứ hai: Tổng hợp tư liệu học tập thông qua gợi nhớ và tìm kiếm tư liệu mới
– Bước thứ ba: Sắp xếp thông tin thu thập được để giải quyết vấn đề đặt ra
(HTTPS://BAIVIET.ORG)
Leave a Comment