X

Soạn bài – Lập dàn ý bài văn nghị luận

Soạn bài Lập dàn ý bài văn nghị luận trang 89 – 91 SGK ngữ văn lớp 10 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Lập dàn ý bài văn nghị luận, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Lập dàn ý bài văn nghị luận

I. Tác dụng của việc lập dàn ý

Lập dàn ý là công việc lựa chọn và sắp xếp những nội dung cơ bản dự định triển khai vào bố cục ba phần của văn bản. Việc lập dàn ý bài văn nghị luận giúp cho người viết bao quát được những nội dung chủ yếu, những luận điểm, luận cứ cần triển khai, phạm vi và mức độ nghị luận,… nhờ đó mà tránh được tình trạng xa đề, lạc đề hoặc lặp ý; tránh được việc bỏ sót hoặc triển khai ý không cân xứng. Hơn nữa, có dàn ý người viết sẽ phân phối thời gian làm bài hợp lí, không bị rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột” như đã thấy trong khá nhiều bài làm văn ở nhà trường.

II. Cách lập dàn ý bài văn nghị luận

Ví dụ ta cần lập dàn ý bài văn nghị luận với đề bài sau:

Bàn về vai trò và tác dụng to lớn của sách trong đời sống tinh thần của con người, nhà văn M. Go-rơ-ki có viết: “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới.”

Hãy giải thích và bình luận ý kiến trên.

Trước tiên, anh (chị) hãy đọc kĩ, xác định yêu cầu của đề bài và lần lượt tiến hành các bước sau:

Giải câu 1 – Cách lập dàn ý bài văn nghị luận (Trang 90 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Tìm ý cho bài văn

Tìm ý là tìm hệ thống luận điểm, luận cứ cho bài văn.

a) Xác định luận đề

Bài văn cần làm sáng tỏ vấn đề gì? Quan điểm của chúng ta về vấn đề đó như thế nào?

b) Xác định các luận điểm

Căn cứ vào đề bài, vào yêu cầu của bài văn và huy động những hiểu biết của mình, anh (chị) hãy suy nghĩ và trả lời các câu hỏi sau đây:

– Sách là gì?
– Sách có tác dụng như thế nào?
– Thái độ đối với sách và việc đọc sách như thế nào?

c) Tìm luận cứ cho các luận điểm

Hãy lần lượt trả lời các câu hỏi sau đây:

– Đối với luận điểm 1 (Sách là sản phẩm tinh thần kì diệu của con người):

+ Sách là sản phẩm thuộc lĩnh vực nào của con người?
+ Sách phản ánh, lưu giữ những thành tựu gì của nhân loại?
+ Sách có chịu ảnh hưởng của thời gian và không gian không?

– Đối với luận điểm 2 (Sách mở rộng những chân trời mới):

+ Sách đem lại cho con người những hiểu biết gì về tự nhiên và xã hội?
+ Sách có tác dụng như thế nào với cuộc sống riêng tư và quá trình tự hoàn thiện mình?

– Đối với luận điểm 3 (Cần có thái độ đúng đối với sách và việc đọc sách):

+ Thái độ của anh (chị) đối với các loại sách?
+ Đọc sách như thế nào là tốt nhất?

Trả lời:

a) Xác định luận đề

– Bài văn cần làm sáng tỏ vấn đề: Tác dụng to lớn của sách trong đời sống tinh thần của con người.

– Quan điểm của chúng ta về vấn đề đó:

Sách là khối tài sản quý giá của nhân loại. Sách giúp truyền tải một khối lượng tri thức lớn. Sách có tác dụng vô cùng to lớn đến đời sống tinh thần của chúng ta.

⇒ Sách đóng góp một vai trò rất lớn trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của con người.

b) Xác định luận điểm

– Sách là gì? – Sách là một sản phẩm tinh thần của con người

– Sách có tác dụng như thế nào? – Mở rộng vốn hiểu biết về đời sống xung quanh, là người bạn tâm tình, giúp con người hoàn thiện chính mình.

– Thái độ đối với sách và việc đọc sách như thế nào? – Duy trì thói quen đọc sách thường xuyên, đồng thời nên giữ gìn và bảo vệ sách.

c) Tìm luận cứ cho các luận điểm

– Đối với luận điểm 1 (Sách là sản phẩm tinh thần kỳ diệu của con người):

+ Sách là sản phẩm thuộc lĩnh vực nào của con người? – Lĩnh vực tinh thần.

+ Sách phản ánh, lưu giữ những thành tựu gì của nhân loại? – Tri thức.

+ Sách có chịu ảnh hưởng của thời gian và không gian không? – Sách là sợi dây kết nối giữa không gian và thời gian khác nhau.

– Đối với luận điểm 2 (Sách mở rộng những chân trời mới):

+ Sách đem lại cho con người những hiểu biết gì về tự nhiên và xã hội? – Những kiến thức thú vị về tự nhiên và xã hội.

+ Sách có tác dụng như thế nào với cuộc sống riêng tư và quá trình tự hoàn thiện mình? – Sách như một người bạn tâm tình, sẻ chia và đồng cảm với những tâm tư thầm kín của con người. Sách giúp con người tự hoàn thiện chính mình.

– Đối với luận điểm 3 (Cần có thái độ đúng đối với snch và việc đọc sách):

+ Thái độ của anh (chị) đối với các loại sách? – Biết cách lựa chọn những loại sách phù hợp với lứa tuổi và nhận thức của bản thân, biết yêu quý, giữ gìn sách.

+ Đọc sách như thế nào là tốt nhất? – Nên duy trì thói quen đọc sách. Sắp xếp thời gian hợp lí để đọc hàng ngày. Khi đọc sách cần tĩnh tâm.

Giải câu 2 – Cách lập dàn ý bài văn nghị luận (Trang 90 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Anh (chị) hãy sắp xếp các luận điểm, luận cứ đã xác định được vào bố cục sau đây:

a) Mở bài

Nên mở bài trực tiếp hay gián tiếp? Làm thế nào để nêu được vấn đề và phương hướng nghị luận cho toàn bài?

b) Thân bài

– Sắp xếp các luận điểm theo trình tự nào cho hợp lí?

– Sắp xếp các luận cứ cho từng luận điểm ra sao?

– Cần triển khai luận điểm và luận cứ nào nhiều nhất? Tại sao?

– Cần lựa chọn và sử dụng các kí hiệu gì đặt trước các đề mục để dàn ý được rõ ràng, minh bạch?

c) Kết bài

– Nên kết bài theo kiểu đóng hay mở?

– Khẳng định những nội dung nào?

– Mở ra những nội dung nào để người đọc tiếp tục suy nghĩ?

Trả lời:

a) Mở bài

– Khái quát vai trò của sách đối với đời sống con người.

– Dẫn dắt câu nói của M. Go-rơ-ki

b) Thân bài

* Trình tự sắp xếp luận điểm và luận cứ:

– Luận điểm 1: Sách là sản phẩm tinh thần quý giá của con người, là nơi lưu giữ khối kiến thức đồ sộ của nhân loại về tự nhiên và xã hội.

+ Sách là sản phẩm tinh thần của con người.

+ Sách lưu trữ và phản ảnh khối kiến thức đồ sộ và phong phú của nhân loại.

+ Sách là sợi dây kết nối nhiều thế hệ bạn đọc từ những không gian và thời gian khác nhau.

– Luận điểm 2: Mỗi cuốn sách là một cách cửa dẫn người đọc tới một chân trời mới, một miền tri thức mới.

+ Sách cung cấp những tri thức mới, những điều thú vị và mới lạ về tự nhiên và xã hội cho con người.

+ Sách còn là người bạn tâm tình, người chia sẻ những buồn vui trong đời sống nội tâm của con người.

– Luận điểm 3: Chúng ta cần phải có thái độ đúng với sách và việc đọc sách.

+ Chúng ta cần phải biết chọn lựa những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi và nhận thức.

+ Cần đọc, tìm hiểu và giới thiệu những loại sách bổ ích. Tránh mất quá nhiều thời gian cho những loại sách vô bổ và nên phê phán những loại sách có hại.

+ Nên có kế hoạch đọc sách thường xuyên và không để các tác động bên ngoài ảnh hưởng đến việc đọc sách.

c) Kết bài

– Nên khái quát ý chính của bài và mở rộng vấn đề

– Khẳng định: Sách là khối tài sản tinh thần quý giá của nhân loại. Cần trân trọng giá trị của mỗi cuốn sách, lưu giữ và bảo tồn những giá trị ấy.

– Mở rộng: Tình hình thị trường sách đang ngày càng phong phú và phức tạp: sách in, sách điện tử,… ⇒ chất lượng không đảm bảo, sách lậu. Cần sáng suốt khi lựa chọn sách. Thực trạng đọc sách trong giới trẻ hiện nay (so sánh tương quan với các phương tiện cập nhật thông tin và giải trí khác tràn lan trên mạng xã hội).

III. Luyện tập

Giải câu 1 – Luyện tập (Trang 91 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Sau đây là một đề làm văn:

Trong một lần nói chuyện với học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.”.

Theo anh (chị), nên hiểu và vận dụng lời dạy đó của Người như thế nào?

Một bạn đã tìm được một số ý:

a) Giải thích khái niệm tài và đức.

b) Có tài mà không có đức là người vô dụng.

c) Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.

Hãy:

– Bổ sung các ý còn thiếu.
– Lập dàn ý cho bài văn.

Trả lời:

a. Bổ sung các ý:

– Mối quan hệ giữa tài và đức.

– Tự hoàn thiện tài và đức trong quá trình rèn luyện của con người.

b. Lập dàn ý:

* Mở bài:

– Tài và đức là những phẩm chất đáng quý của con người.

– Dẫn dắt câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

– Từ lời dạy của Người, có thể thấy tài và đức là hai phẩm chất cần có và cốt yếu của những người thành công.

* Thân bài:

– Giải thích khái niệm “tài” và “đức”:

+ Tài: tài năng, kiến thức, hiểu biết, kỹ năng, kinh nghiệm sống của con người để hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất.

+ Đức: đạo đức, tư cách, tác phong, lòng nhiệt tình, khát vọng “Chân, Thiện, Mỹ” trong mỗi con người.

– Giải thích câu nói của Hồ Chủ tịch: Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.

+ Một số người có tài mà không có đức thì chẳng thể làm được những việc có ích. Có tài mà hành động trái đạo đức còn có thể gây hại cho cộng đồng.

Ví dụ: một học sinh giỏi nhưng vô kỷ luật, nhà bác học có tài nhưng thiếu đạo đức, đem phát minh của mình phục vụ thế lực xấu.

+ Những người có phẩm chất đạo đức tốt thì khó có khả năng hoàn thành tốt công việc, nhất là những việc khó khăn.

Ví dụ: một diễn viên có đời sống trong sạch, đạo đức tốt nhưng không có tài thì chỉ được diễn vai phụ, một nhân viên tốt nhưng không có tài thì không thăng quan,…

+ Mối quan hệ giữa tài và đức: Là hai khái niệm riêng biệt nhưng luôn song hành và cần thiết trong mỗi con người.

⇒ Khẳng định ý nghĩa lời dạy của Bác đối với việc rèn luyện và tu dưỡng nhân cách của con người.

– Đề ra phương hướng phấn đấu, rèn luyện cả tài và đức của mỗi người, nhất là thế hệ thanh thiếu niên: phải rèn luyện cả tài và đức, để tài và đức được cân bằng.

– Kết bài:

+ Khẳng định lại vấn đề được nói tới: Tài và đức luôn song hành và tồn tại mới tạo nên thành công của mỗi người.

+ Khẳng định thế hệ trẻ cần phải được định hướng đúng đắn trong rèn luyện và tu dưỡng để hoàn thiện nhân cách là một người có tài, có đức và có ích.

Giải câu 2 – Luyện tập (Trang 91 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Hãy lập dàn ý cho bài văn nghị luận với đề bài sau đây:

Trong lớp anh (chị) có một số bạn gặp khó khăn trong đời sống nên chểnh mảng học tập. Các bạn đó thường mượn câu tục ngữ “Cái khó bó cái khôn” để tự biện hộ. Theo anh (chị), nên hiểu và vận dụng câu tục ngữ này như thế nào?

Trả lời:

a. Mở bài

– Cuộc sống là những chuỗi ngày gian nan thử thách để tôi luyện con người. Những khó khăn trong cuộc sống có những thứ rất nhỏ nhặt, lại có những điều rất lớn lao, thậm chí có những khó khăn đánh gục ý chí con người. Những khó khăn ấy thường hạn chế việc phát huy tài năng của con người. Vì vậy, dân gian đã đúc kết câu tục ngữ: “Cái khó bó cái khôn”. Câu tục ngữ trên phải hiểu như thế nào mới đúng? Và chúng ta nên vận dụng nó ra sao?

b. Thân bài

– Giải thích câu tục ngữ:

+ Cái khó: khó khăn, thử thách, trở ngại cuộc sống.

+ bó: trói buộc, kìm hãm

+ cái khôn: khả năng suy nghĩ, ứng biến và giải quyết vấn đề của con người.

⇒ ý nghĩa: những khó khăn, thử thách, trở ngại của cuộc sống trói buộc con người, khiến khả năng suy nghĩ bị hạn chế, những sáng tạo bị kìm hãm.

– Tính đúng sai của câu tục ngữ: câu tục ngữ vừa đúng lại vừa chưa đúng.

+ Đúng: quá trình phát triển của con người có phần phụ thuộc vào hoàn cảnh khách quan. Những khó khăn trói buộc và hạn chế sự phát triển của mỗi cá nhân.

Ví dụ: một học sinh giỏi nhưng hoàn cảnh gia đình thiếu thốn sẽ khó có thể phát triển tài năng.

+ Chưa đúng: câu tục ngữ đánh giá sai lệch về nỗ lực của con người. Trên thực tế vẫn có những người vượt khó vươn lên (học sinh nghèo vượt khó,…)

* Liên hệ câu tục ngữ cải biên thời hiện đại “Cái khó ló cái khôn”: Đôi khi những hoàn cảnh khó khăn lại là điều kiện để bộc lộ những năng lực tiềm ẩn của con người. Ví dụ: những phát minh của những người nông dân là từ những khó khăn đồng ruộng mà hình thành,…

– Bài học rút ra:

+ Khi suy nghĩ về vấn đề cần phải tính đến những khó khăn do các yếu tố khách quan gây ra và có ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân.

+ Trong mọi hoàn cảnh cần phải đặt sự chủ động, nỗ lực của bản thân lên hàng đầu.

c. Kết bài

Cuộc sống vẫn là những chuỗi ngày khó khăn và gian nan không ngừng thử thách con người. Nhưng càng khó khăn bao nhiêu, con người ta càng cần phải nỗ lực bấy nhiêu. Chúng ta cũng cần phải chuẩn bị sẵn tâm thế đương đầu với thử thách bất cứ lúc nào. Và thay vì để “cái khó bó cái khôn” thì hãy để “cái khó ló cái khôn”.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

Ngọc Trinh:
Leave a Comment