Soạn bài Kiểm tra tổng hợp cuối năm trang 145 – 147 SGK ngữ văn lớp 7 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Kiểm tra tổng hợp cuối năm, sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ và chi tiết nhất theo sách giáo khoa.
Hướng dẫn soạn bài – Kiểm tra tổng hợp cuối năm
I – NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN CHÚ Ý
Bài kiểm tra tổng hợp cuối năm nhằm tập trung đánh giá một cách toàn diện những kiến thức và kĩ năng của môn học Ngữ văn theo tinh thần tích hợp cả ba phần: Văn, Tiếng Việt và Tập làm văn trong một bài viết. Tuy trọng tâm chú ý hơn vào các nội dung của chương trình học kì II, nhưng học sinh vẫn phải liên hệ và vận dụng những kiến thức đã học ở học kì I.
1. Về phần Văn
Trọng tâm phần Văn (Đọc – hiểu văn bản) trong Ngữ văn 7, tập hai là văn bản nghị luận (lập luận). Ngoài ra còn có đọc – hiểu một vài tác phẩm tự sự và văn bản nhật dụng. Khi học ôn phần này, học sinh cần chú ý một số điểm sau đây:
a) Xem lại bài hướng dẫn Kiểm tra tổng hợp cuối học kì I trong Ngữ văn 7, tập một. Nắm được nội dung cụ thể của các văn bản tác phẩm được học trong Ngữ văn 7, tập hai. Nội dung nổi bật của các bài văn nghị luận được học đều thể hiện rõ ở tiêu đề của mỗi văn bản: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, Sự giàu đẹp của tiếng Việt, Đức tính giản dị của Bác Hồ, Ý nghĩa văn chương, …
Đây chính là các luận điểm bao trùm mà mỗi bài văn nghị luận tập trung làm sáng tỏ.
Ngoài các văn bản nghị luận vừa nêu, Ngữ văn 7, tập hai còn có một số tác phẩm tự sự. Đó là hai truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỉ XX: Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn và Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu của Nguyễn Ái Quốc. Nếu như truyện ngắn của Phạm Duy Tốn nhằm vạch trần cuộc sống lầm than khổ cực của người dân, tố cáo bọn quan lại mục nát, bê tha, vô trách nhiệm,… thì truyện của Nguyễn Ái Quốc lại tập trung phơi bày những trò lố bịch của tên Toàn quyền Va-ren, đại diện cho thực dân Pháp, trước người anh hùng đầy khí phách cao cả là Phan Bội Châu.
b) Qua các văn bản nghị luận được học đã nêu, thấy được vẻ đẹp của các trang văn lập luận (hệ thống luận điểm, luận cứ, cách thức lập luận chặt chẽ, ngắn gọn, sáng sủa, giàu sức thuyết phục,…). Những truyện ngắn đầu thế kỉ XX cho thấy nghệ thuật miêu tả, châm biếm của hai ngòi bút tiêu biểu cho văn xuôi Việt Nam những năm 20 của thế kỉ XX.
c) Nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản nhật dụng Ca Huế trên sông Hương – một di sản văn hóa tinh thần mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Đó là một vẻ đẹp tinh thần giàu có và phong phú cần được trân trọng, bảo tồn, gìn giữ và phát triển.
2. Về phần Tiếng Việt
Học sinh cần phải chú ý một số vấn đề sau đây trong Ngữ văn 7, tập hai:
a) Đặc điểm của các loại câu rút gọn, câu đặc biệt, câu chủ động, câu bị động,…
b) Đặc điểm và tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê.
c) Cách mở rộng câu bằng cụm C- V và trạng ngữ.
d) Công dụng của các dấu câu: dấu chấm lửng, dấu chấm phẩy, dấu gạch ngang.
3. Về phần Tập làm văn
Trọng tâm phần Tập làm văn học kì II, lớp 7 là văn bản nghị luận (lập luận). Học sinh cần chú ý một số điểm sau đây:
a) Nắm được một số vấn đề chung về văn nghị luận:
– Thế nào là văn nghị luận (lập luận), mục đích và tác dụng của văn nghị luận;
– Bố cục của bài văn nghị luận;
– Các thao tác lập luận: chứng minh, giải thích.
b) Cách làm bài văn nghị luận:
– Giải thích, chứng minh về một vấn đề chính trị – xã hội;
– Giải thích, chứng minh về một vấn đề văn học.
c) Nắm được nội dung khái quát về văn bản hành chính (hành chính – công vụ):
– Đặc điểm văn bản hành chính;
– Cách làm một văn bản đề nghị và báo cáo;
– Các lỗi thường mắc về các loại văn bản trên.
II – VỀ CÁCH ÔN TẬP VÀ HƯỚNG KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ
Nội dung phần này đã được nêu rõ ở Ngữ văn 7, tập một. Học sinh cần xem lại để nắm vững cách ôn tập và hướng kiểm tra, đánh giá theo tinh thần mới. Chú ý ôn tập một cách toàn diện, không học tủ, học lệch, tập vận dụng các kiến thức và kĩ năng của cả ba phần một cách tổng hợp theo hướng tích hợp. (Các kiến thức về Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn đều dựa vào cùng một hệ thống văn bản để khai thác và hình thành. Khi học ôn cần liên hệ và gắn các kiến thức của mỗi phần với các văn bản chung có trong sách giáo khoa.) Tập làm quen với hình thức kiểm tra trắc nghiệm kết hợp với tự luận. Có thể tham khảo đề kiểm tra cuối học kì I đã nêu trong Ngữ văn 7, tập một.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)
Leave a Comment