Soạn bài – Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia (Tuần 24)

Soạn bài Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia trang 60 – 61 SGK tiếng việt lớp 5 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia (Tuần 24), sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia

Giải đề bài (Trang 60 SGK tiếng việt 5 tập 2)

Hãy kể một việc làm tốt góp phần bảo vệ trật tự, an ninh nơi làng xóm, phố phường mà em biết hoặc tham gia.

Gợi ý:

1. Những việc làm thể hiện ý thức bảo vệ trật tự, an ninh:

– Tuần tra, bắt trộm, cướp.

– Giữ gìn trật tự giao thông.

– Bảo vệ cầu, đường.

– Dẫn cụ già và em nhỏ qua đường.

– Tổ chức tuyên truyền về bảo vệ trật tự, an ninh

– Tổ chức tuyên truyền về giữ gìn an toàn giao thông.

– Thăm các đơn vị bộ đội, công an.

2. Tìm câu chuyện ở đâu?

– Trong gia đình (ông bà, cha mẹ, cô bác, anh em, …).

– Ở trường (thầy cô, bạn bè, anh chị em phụ trách).

– Ở làng xóm, khu phố.

– Ở nơi công cộng (trên đường, cửa hàng, bến xe, bưu điện, …).

– Hoặc ở việc làm của chính em.

3. Kể như thế nào?

a) Yêu cầu: Kể một câu chuyện cụ thể (diễn ra trong một thời gian xác định, ở một địa điểm xác định).

b) Trình tự kể:

– Giới thiệu câu chuyện.

– Thuật lại nội dung câu chuyện:

+ Câu chuyện bắt đầu như thế nào?

+ Diễn biến của câu chuyện ra sao? (Kể rõ trình tự các việc xảy ra, hành động của nhân vật; chú ý nhấn mạnh những chi tiết liên quan đến nội dung bảo vệ trật tự, an ninh.)

4. Nêu suy nghĩ của em về hành động của nhân vật trong câu chuyện.

Trả lời:

Bài văn mẫu 1:

Giữ gìn an toàn giao thông không chỉ mang lại sự an toàn cho chính bản thân chúng ta mà còn ổn định tình hình giao thông và mang lại hạnh phúc cho mọi người. Trong tuần vừa qua, em đã được tham gia một hoạt động tình nguyện rất có ý nghĩa do liên đội phát động, đó là nhắc nhở các bạn học sinh chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông tại khu vực cổng trường.

Trong buổi chào cờ sáng thứ Hai, chúng em đã được nghe cô giáo tổng phụ trách đọc báo cáo tình hình giao thông khu vực cổng trường em. Do nằm gần trục đường giao thông lớn và gần chợ nên vào giờ đến lớp mỗi buổi sáng và mỗi khi tan trường, các bạn học sinh tập trung ở khu vực cổng trường, đã gây ra tình trạng lộn xộn, tắc nghẽn tuyến đường. Bên cạnh đó, nhiều bạn được bố mẹ đưa đến trường nhưng không đội mũ bảo hiểm, đi bộ dưới lòng đường hoặc đi trên vỉa hè bên trái. Vì vậy, cô giáo đã yêu cầu các bạn học sinh toàn trường cần nghiêm túc thực hiện quy định về an toàn giao thông và phát động chương trình tình nguyện “Em là chiến sĩ giao thông”. Em rất vui khi nghe cô giáo thông báo và đã viết đơn xin tham gia đội tình nguyện, mong muốn được góp chút công sức nhỏ bé của mình vào việc làm ý nghĩa đó.

Theo sự phân công của cô giáo, chúng em được chia thành các đội, thay phiên trực các ngày trong tuần. Đội của em hoạt động vào mỗi buổi sáng và buổi chiều thứ Ba hàng tuần. Từ sáng sớm, em và các bạn đã có mặt, mặc đồng phục nghiêm túc và đeo khăn quàng đỏ. Chúng em nhắc nhở các bạn đi xe đạp cần ghi sát lề đường bên phải, khi sang đường cần quan sát tín hiệu đèn giao thông. Những bác phụ huynh đến đón các bạn đi học về, chúng em lễ phép chào hỏi và nhắc nhở các bạn ngồi sau xe máy cần đội mũ bảo hiểm cẩn thận. Khi vào cổng trường, chúng em yêu cầu các bạn dắt xe đạp vào bãi đỗ xe gọn gàng, không đi xe trong sân trường có thể gây tai nạn. Với những bạn cố tình vi phạm, chúng em sẽ ghi tên vào sổ liên đội.

Trải qua một tuần hoạt động của các nhóm tình nguyện, tình hình giao thông tại khu vực cổng trường em đã ổn định hơn. Không còn tình trạng tắc nghẽn tuyến đường, các bạn học sinh trong trường thực hiện nghiêm túc các quy định giao thông… Cô hiệu trưởng rất vui mừng và tuyên dương chúng em trước toàn trường. Cô mong muốn mỗi bạn học sinh sẽ là một tuyên truyền viên tích cực, không chỉ ở trường mà ở mọi nơi mỗi khi tham gia giao thông.

Hoạt động tình nguyện “Em là chiến sĩ giao thông” của trường em vẫn được duy trì và ngày càng thêm nhiều bạn đăng kí tham gia. Em thấy rất vui và hạnh phúc khi được tham gia một hoạt động có ý nghĩa, góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Em mong rằng mỗi bạn học sinh hãy làm thêm được nhiều việc tốt để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh và thanh bình như lời dạy của bác Hồ:

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức của mình…
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh

Bài văn mẫu 2:

Đến thôn Vinh Phú, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương vào một ngày đầu tháng 4, khi những người dân nơi đây đang bận rộn cho vụ thu hoạch dưa chuột, chúng tôi cảm nhận một không khí trong lành cùng với sự bình yên của thôn xóm. Theo những người dân nơi đây, đó có phần đóng góp không nhỏ của chị Hà Thị Khoa, Tổ trưởng Tổ liên gia tự quản số 11.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ngói 3 gian khang trang, chị Khoa không ngớt kể về những người dân nơi đây, về sự thật thà và đời sống tình cảm của họ. Chị cho biết, Tổ liên gia số 11 của chị được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1997, gồm 16 hộ dân, ở địa bàn ven làng của thôn, đường giao thông đi lại khó khăn, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông chăn nuôi và trồng trọt. Những năm đầu, mọi hoạt động của Tổ còn mang tính hình thức, nhưng được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ trực tiếp của Công an xã, Chi bộ thôn và sự chân thành, tình cảm của bà con trong tổ nên hoạt động dần đi vào nền nếp, thực sự phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ an ninh trật tự thôn xóm và phong trào xây dựng nông thôn mới. “Với bản tính hiền lành, chất phác của người nông dân, nên việc vận động bà con tham gia mọi hoạt động, phong trào; xây dựng xóm ngõ hòa thuận, yên vui, giữ vững sự đoàn kết trong Tổ với tôi đều gặp thuận lợi” – chị Khoa tâm sự.

Nhiều năm nay, 16 hộ dân trong Tổ chị không xảy ra tình trạng cãi cọ, mất đoàn kết, không có trẻ em hư hỏng hay mắc vào các tệ nạn xã hội. Chị là người đi đầu trong việc vận động bà con đóng góp Quỹ khuyến học. Với số tiền ít ỏi chỉ 3 triệu đồng, nhưng đã kịp thời động viên, cổ vũ các cháu học giỏi, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và giúp đỡ những hộ gặp khó khăn. Do vậy, nhiều năm liền, các gia đình trong Tổ chị đều nuôi dạy con, em nên người, nhiều em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và thành đạt. Năm học vừa qua, Tổ liên gia 11 của chị có 3 cháu thi đỗ vào các trường đại học. Trong năm, chị đã vận động được nhiều ngày công lao động của bà con để tu bổ đường giao thông trong Tổ và đóng góp ngày công xây dựng các công trình văn hóa xã của thôn. Chị Khoa cho biết, đường giao thông nông thôn Tổ chỉ có 500m từ sông Mỏ Cầy lên trạm bơm Cội Thông đã xuống cấp nghiêm trọng, đường nhỏ hẹp, có những đợt mưa kéo dài người dân đi lại rất khó khăn. Chứng kiến nhiều vụ ngã xe, trong đó có cả các cháu nhỏ đi học qua đây, chị băn khoăn, trăn trở và tìm mọi cách để vận động 16 hộ dân trong Tổ đóng góp mua đá đổ đường, tận dụng mọi nguồn lực và vật liệu, cải tạo, nâng cấp để đoạn đường đi lại đỡ vất vả hơn. Dưới sự nhiệt tình, tâm huyết và bản tính cởi mở, chân thành, chị đã thành công trong vận động sức dân, ngày càng tạo niềm tin trong thôn xóm. Cũng chính vì thế, đường làng ngõ xóm tuy nhỏ hẹp nhưng không tối nào không có điện chiếu sáng. Đó là công của chị Khoa vận động các hộ dân đóng tiền mua 6 bóng điện và duy trì chiếu sáng thường xuyên, góp phần phục vụ công tác bảo vệ an ninh thôn xóm và đời sống văn hóa ở khu dân cư. Cụ Nguyễn Thị Hương năm nay đã 75 tuổi, phấn khởi kể lại: “Tổ tôi từ nhiều năm nay luôn vui vẻ, đoàn kết vì gia đình nào cũng có các con ngoan ngoãn, chăm chỉ. Nhờ sự vận động của chị Khoa, Tổ trưởng nên các gia đình đều nghiêm chỉnh chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và tham gia đầy đủ các hoạt động của thôn xóm. Nhà tôi có việc lớn như xây dựng gia đình cho các con, các cháu; xây dựng, sửa sang lại nhà cửa… đều được sự giúp đỡ nhiệt tình của chị em trong Tổ.”

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia (Tuần 24)

Đề bài: Hãy kể một việc làm tốt góp phần bảo vệ trật tự, an ninh nơi làng xóm, phố phường mà em biết hoặc tham gia.

Trả lời:

Câu chuyện tôi kể các bạn nghe nói về anh tổ trưởng dân phố có tới sáu mươi bằng khen.

Anh Chắng Vòng Phẩu, tổ trưởng dân phố 56, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh là một thành viên của đội dân phòng phường Hòa Thạnh. Nhiều năm qua, ngoài những đóng góp đáng kể trong công việc tuần tra giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn, anh Phẩu còn vận động và đưa hàng trăm thanh niên nghiện hút đi cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng. Cho đến nay, cả phường Hòa Thanh không còn bóng dáng của “nàng tiên nâu”. Để “dụ” một thanh niên đi cai nghiện, anh phải làm đủ mọi cách từ thuyết phục nhẹ nhàng cho tới “hù dọa”… Sau khi gia đình người nghiện đã gật đầu, đích thân anh đón xe đưa người nghiện đi đến các trại cai nghiện ở nhiều tỉnh xa như: Bình Dương, Lâm Đồng, Đắklắk… Chính anh cũng không hiểu sao mình “mát tay” trong khoản “dụ” người nghiện đi cai như vậy. Tiếng lành cứ thế đồn xa nên hễ gia đình nào có con bị nghiện là lập tức nhờ anh Phẩu ra tay.

Hàng ngày, anh Phẩu còn phải đội nắng mấy tiếng đồng hồ làm “cảnh sát giao thông” bất đắc dĩ để điều khiển xe cộ, giảm ùn tắc giao thông trong khu phố. Không những thế, anh đã từng nhiều lần cùng cảnh sát khu vực truy quét những đối tượng buôn bán và tàng trữ ma túy. Trong một lần đi tuần đêm, phát hiện kẻ tình nghi là tên cướp, anh liền tiếp cận bằng nghiệp vụ học “lỏm” được từ mấy anh công an, tên cướp đã khai sạch và thú tội.

Anh Phẩu đã có hơn 60 bằng khen trong mấy năm qua, nổi bật nhất là của ủy ban Nhân dân thành phố, quận, Thành đoàn rồi cả bằng khen của Công an thành phố vì thành tích bắt-Cướp, truy quét tội phạm. Ba mươi tuổi, anh Phẩu đã được người dân phố tôi tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố56 và anh là một trong những tổ trưởng khu phố trẻ nhất thành phố Hồ Chí Minh.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status