Soạn bài – Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia (Tuần 21)

Soạn bài Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia trang 29 – 30 SGK tiếng việt lớp 5 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia (Tuần 21), sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia

Chọn một trong các đề bài sau:

1. Kể một việc làm của những công dân nhỏ thể hiện ý thức bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử – văn hoá.

2. Kể một việc làm thể hiện ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

3. Kể một việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ.

Gợi ý

1. Tìm hiểu yêu cầu của các đề bài trên:

a) Đề 1

– Thế nào là công trình công cộng và di tích lịch sử – văn hóa?

+ Công trình công cộng là những nơi được xây dựng để mọi người dùng chung như cung văn hóa, viện bảo tàng, rạp hát, công viên,…

+ Di tích lịch sử – văn hóa là những công trình hoặc những vật đời trước để lại, gắn với những sự kiện, những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử hoặc có ý nghĩa, giá trị cao về văn hóa.

– Những việc làm thể hiện ý thức bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử – văn hóa: giữ vệ sinh; không hái hoa; không leo trèo, nghịch ngợm; không viết, vẽ lên tường; phát hiện và ngăn chặn các hành vi phá hoại công trình,…

b) Đề 2

– Luật Giao thông đường bộ gồm các quy định mà mỗi người dân phải tuân theo khi đi lại trên đường để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra tai nạn.

– Những việc làm thể hiện ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ: đi bộ trên vỉa hè; không chạy nhảy, nô đùa dưới lòng đường; đi xe ở bên phải đường; không đi xe hàng ba, hàng bốn trên đường; không vượt đèn đỏ; đấu tranh, ngăn chặn các hiện tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

c) Đề 3

– Liệt sĩ và thương binh là những người đã dũng cảm hi sinh tính mạng hoặc một phần thân thể để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc và cuộc sống của nhân dân.

– Các việc làm thể hiện lòng biết ơn thương binh, liệt sĩ: chăm sóc mộ liệt sĩ, thăm nom giúp đỡ các gia đinh liệt sĩ neo đơn, giúp đỡ các cô, chú thương binh gặp khó khăn,…

2. Nhớ lại câu chuyện. nhớ lại sự việc mà em đã chứng kiến hoặc tham gia.

3. Kể chuyện trong tổ, trong lớp .

– Giới thiệu câu chuyện.

– Kể diễn biến của câu chuyện.

– Bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của em về câu chuyện đó.

4. Trao đổi, thảo luận về nội dung, ý nghĩa của câu chuyện.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia (Tuần 21)

Đề 1. Kể một việc làm của những người công dân nhỏ thể hiện ý thức bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử – văn hóa.

Trả lời:

Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ nhưng hậu quả của nó vẫn còn ghi dấu mãi. Để có được độc lập tự do hôm nay, bao thế hệ đã hi sinh. Họ là những thương binh, liệt sĩ. Học sinh chúng em luôn biết ơn những người anh hùng đó. Để tri ân các thương binh, liệt sĩ, em đã tham gia hoạt động tưởng niệm hàng năm.

Quê hương em là quê hương những anh hùng Cách mạng. Bao người con nơi đây đã ra đi để chiến đấu, để rồi hòa bình lập lại, người trở về người lại mãi mãi nằm  tại chiến trường. Hàng năm, địa phương em đều tổ chức hoạt động tri ân ngày 27 tháng 7, Em vẫn nhớ như in lần đầu tiên mình được tham gia hoạt động ý nghĩa đó. Chiều ngày 26 chúng em đã có mặt để làm cỏ, phát quang nghĩa trang liệt sĩ – nơi nhân dân xây dựng để tưởng niệm. Chúng em thắp hương, nhìn những bức ảnh và tên tuổi của họ, nỗi xúc động không thể kìm nén. Có những người hi sinh khi tuổi còn rất trẻ. Họ ra đi để lại cả tuổi trẻ còn đang dang dở.

Tối hôm ấy, cả nghĩa trang uy nghiêm và thiêng liêng biết mấy. Tốp học sinh chúng em được phân công cầm cờ, đốt nến và hương. Các anh trong Đoàn xã đọc diễn văn tưởng nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ. Sau đó là văn nghệ. Ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” năm nào cũng vang lên như lời nhắc nhở thế hệ sau. Phần quan trọng nhất là lễ thắp nến tri ân. Trong không gian thiêng liêng, từng ánh nến lần lượt thắp lên, lung linh sáng rực. Đó là lời tri ân của tất cả những người đang sống tới những người đã ngã xuống cho độc lập tự do hôm nay. Họ ra đi để bảo vệ quê hương, để chiến đấu cho Tổ quốc thân yêu. Những người còn sống luôn biết ơn và ghi nhớ công lao của họ. Giây phút tưởng niệm, ai nấy đều xúc động cúi đầu. Có những giọt nước mắt không kìm nén được lặng lẽ rơi. Những người nằm tại nơi đây còn là người thân trong gia đình họ.

Buổi tưởng niệm kết thúc, trên đường về lòng em vẫn bâng khuâng mãi. Sáng hôm sau đó, địa phương em tổ chức đến thăm và giúp đỡ những thương binh. Em cũng xin được tham gia. Men theo những con đường nhỏ, em cùng đoàn đến từng ngôi nhà nhỏ của các cựu chiến binh năm xưa, những người đã chịu tàn phá từ chiến tranh khốc liệt. Chúng em trao đi những món quà, giúp họ dọn dẹp nhà cửa, sân vườn và cùng nghe những câu chuyện kháng chiến. Mỗi câu chuyện lại gợi lên niềm xúc động, lòng biết ơn tha thiết với bao thế hệ cha anh đi trước. Họ không ngại mất mát, không ngại đau thương. Họ cho ra đi với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hiện tại, chiến tranh vẫn in hằn trên cơ thể họ với những nỗi đau thể xác và tinh thần không thể xóa nhòa. Nhưng họ nói không bao giờ hối hận vì sự lựa chọn năm xưa.

Hoạt động tri ân kết thúc để lại nhiều dư âm trong trái tim em. Từ tận đáy lòng mình, mỗi lần tri ân là một lần em thêm biết ơn những thương binh liệt sĩ. Không chỉ trân trọng quá khứ anh hùng mà em còn có ý thức hơn với tương lai của mình, tương lai của cả đất nước.

Đề 2. Kể một việc làm thể hiện ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Trả lời:

Chắc hẳn các bạn còn nhớ câu chuyện Trận bóng dưới lòng đất được học ở lớp Hai. Vì đá bóng dưới lòng đường, các bạn đã đá bóng vào người đi đường, thậm chí một bạn đã đá vào đầu ông nội của mình khiến ông phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Hành động của các bạn nhỏ đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Ở trường, chúng ta cũng đã được học các quy định của Luật Giao thông đường bộ rồi còn gì? Thế mà hôm chủ nhật vừa rồi, khi tôi và ba ra hiệu sách ở quận Bình Thạnh thì lại thấy một số bạn nam trạc tuổi như tôi đang say sưa đá bóng dưới lòng đường. Mồ hôi nhễ nhại trên đôi vai trần của các bạn, tôi hiểu các bạn đã đá bóng từ sáng tới giờ. Các bạn thi nhau la hét, bóng bay vào khung thành đối phương nào là các bạn lại nhảy lên ôm nhau cười sung sướng.

Ô tô, xe máy qua lại ngày một đông, nhưng các bạn bất chấp nguy hiểm, cứ cắm đầu vào đá, chẳng thèm để ý gì cả. Và rồi quả bóng do bạn nào đá bay vào vỉa hè, đập vào đầu một bà cụ đang đi, cụ ngã khụy xuống, hai tay ôm lấy mặt. Tôi tưởng các bạn phải ngừng trận đấu, chạy lại đỡ cụ dậy. Nhưng không! Các bạn vẫn mải mê giành bóng, coi như không có chuyện, gì xảy ra. Thấy vậy, ba tôi dựng xe, chạy lại đỡ cụ dậy, cụ bị chảy máu mũi. Ba vội lấy khăn tay lau vết máu cho cụ, còn tôi nhặt giỏ trái cây của cụ rơi ra đường. Sau khi dìu cụ vào ngồi nghỉ ở một gốc cây bên đường và thấy vết thương của cụ không nghiêm trọng lắm, ba đi lại phía các bạn đang đá bóng và yêu cầu ngưng ngay trận đấu. Một số bạn nam tỏ vẻ bực tức, miệng làu bàu một câu gì đó. Ba ôn tồn nói với các bạn:

– Các cháu không học Luật Giao thông đường bộ hả? Tại sao lại chơi bóng dưới lòng đường? Chính các cháu đã gây tai nạn cho người đi đường rồi đấy! Các cháu không xin lỗi mà còn tiếp tục đá bóng nữa hay sao? Bác cảnh cáo các cháu đấy!

Sau khi nghe ba giảng giải, các bạn thấy mình có lỗi và lần lượt từng bạn chạy đến xin lỗi bà cụ.

Chơi bóng dưới lòng đường thật nguy hiểm phải không các bạn? Nó không những gây tai nạn cho người qua đường mà chính bản thân mình cũng sẽ nguy hiểm vì đường là nơi ô tô, xe cộ qua lại. Các bạn ơi! Chúng ta phải có ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ để góp phần giữ gìn trật tự đường phố.

Đề 3. Kể một việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ.

Trả lời:

Để thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ, Liên đội trường em thường tổ chức đến những gia đình thương binh liệt sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để thăm hỏi sức khỏe và làm những việc vừa với sức của mình.

Chi đội của em được Liên đội phân công chăm sóc, giúp đỡ chú Thắng bị cụt hai chân hồi đánh Mĩ. Chú đi lại bằng xe lăn hoặc hai cái nạng kẹp hai bên nách. Ngoài tiền trợ cấp hàng tháng, chú còn phải đi bán thêm vé số để có thêm thu nhập nuôi hai con ăn học cấp II và cấp III. Vợ của chú đi làm thuê làm mướn, ai kêu gì làm nấy.

Hàng tuần, vào ngày chủ nhật, chúng em gồm mười bạn đến nhà chú Thắng làm những công việc: quét dọn nhà cửa, chăm sóc vườn rau đủ các loại, kéo nước từ giếng khơi đủ đầy các lu, khạp. Việc làm của chúng em tuy nhỏ nhưng đủ làm chú Thắng ấm lòng. Chú khen chúng em ngoan, biết giúp đỡ người khác và chú thường nhắc nhở chúng em phải cố gắng học hành cho giỏi.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status