Soạn bài Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc – Tuần 5, trang 47 – 48 SGK tiếng việt lớp 4 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.
Hướng dẫn soạn bài – Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc
Đề bài: Kể một câu chuyện mà em đã được nghe, được đọc về tính trung thực.
Gợi ý:
Một số biểu hiện của tính trung thực:
– Không vì của cải hay tình cảm riêng tư mà làm trái lẽ công bằng (như ông Tô Hiến Thành trong truyện Một người chính trực – Tiếng Việt 4, tập một, trang 36).
– Dám nói ra sự thật, dám nhận lỗi (như chú bé Chôm trong truyện Những hạt thóc giống – Tiếng Việt 4, tập một, trang 46).
– Không làm những việc gian dối (như hai chị em trong truyện Chị em tôi – Tiếng Việt 4, tập một, trang 59).
– Không tham của người khác (như chàng tiều phu trong truyện Ba chiếc rìu – Tiếng Việt 4, tập một, trang 64).
Trả lời:
Bài kể mẫu
Đời nhà Lí có một vị quan nổi tiếng là người chính trực. Đó là Tô Hiến Thành. Năm 1175 vua Lí Anh Tông mất, di chiếu cho Tô Hiến Thành lập thái tử Long Cán con bà thái hậu họ Đỗ, lên ngôi. Nhưng một bà thái hậu khác lại muốn lập con mình là Long Xưởng lên ngôi vua, bèn tìm cách đút vàng bạc cho vợ Tô Hiến Thành để nhờ ông giúp đỡ. Tô Hiến Thành không nghe nhất định lập Long Cán làm vua theo di chiếu. Phò tá vua Cao Tông (tức Long Cán) được 4 năm thì ông lâm bệnh. Người mà ngày đêm hầu tạ bên giường bệnh là quan tham trị chính sự Vũ Tán Đường. Còn vị quan gián nghị đại phu Trần Trung Tá do bận nhiều công việc nên rất ít đến thăm Tô Hiến Thành. Một hôm, bà thái hậu họ Đỗ và vua Cao Tông tới thăm, hỏi ông :
– Nếu chẳng may ông mất đi thì ai sẽ người thay ông?
Tô Hiến Thành không do dự đáp ngay:
– Đó là gián nghị đại phu Trần Trung Tá!
Thái hậu ngạc nhiên nói:
– Vũ Tán Đường hết lòng vì ông, sao không tiến cử?
– Nếu thái hậu hỏi người hầu hạ giỏi thì thần xin cử Vũ Tán Đường, còn hỏi người tài ba giúp nước, thần xin cử Trần Trung Tá! – Tô Hiến Thành nói.
→ Ý nghĩa: Qua câu chuyện trên, Tô Hiến Thành đã là một tấm gương sáng trong sử sách về lòng trung thực và trách nhiệm cao cả đối với dân với nước mà thế hệ chúng ta hôm nay cần noi theo.
Tham khảo thêm cách soạn khác bài Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc
Đề bài: Kể một câu chuyện mà em đã được nghe, được đọc về tính trung thực.
Gợi ý:
BUỔI HỌC THỂ DỤC
Hôm nay có buổi học thể dục. Thầy giáo dẫn chúng tôi đến bên một cái cột cao, thẳng đứng. Chúng tôi phải leo lên đến trên cùng, rồi đứng thẳng người trên chiếc xà ngang.
Đê-rốt-xi và Cô-rét-ti leo như hai con khỉ. Xtác-đi thì thở hồng hộc, mặt đỏ như chú gà tây. Ga-rô-nê leo dễ như không. Tưởng chừng cậu có thể vác thêm một người nữa trên vai vì cậu khỏe chẳng khác gì một con bò mộng non.
Đến lượt Nen-li. Bạn này được miễn học thể dục vì bị tật từ nhỏ, nhưng cố xin thầy cho được tập như mọi người.
Nen-li bắt đầu leo một cách rất chật vật. Mặt cậu đỏ như lửa, mồ hôi ướt đẫm trán. Thầy giáo bảo cậu có thể xuống. Nhưng cậu vẫn cố sức leo. Mọi người vừa thấp thỏm sợ cậu tuột tay ngã xuống đất, vừa luôn miệng khuyến khích: “Cố lên! cố lên!”.
Nen-li rướn người lên và chỉ còn cách xà ngang hai ngón tay. “Hoan hô! Cố tí nữa thôi!” – Mọi người reo lên. Lát sau, Nen-li đã nắm chặt được cái xà.
Thầy giáo nói: “Giỏi lắm! Thôi, con xuống đi!” Nhưng Nen-li còn muốn đứng lên cái xà như những người khác.
Sau vài lần cố gắng, cậu đặt được hai khuỷu tay, rồi hai đầu gối, cuối cùng là hai bàn chân lên xà. Thế là cậu đứng thẳng người lên, thở dốc, nhưng mặt rạng rỡ vẻ chiến thắng, nhìn xuống chúng tôi.
Theo A-mi-xi (Hoàng Thiếu Sơn dịch)
→ Ý nghĩa: Lòng tự trọng đã giúp Nen-li đạt được mục đích của mình trong buổi học thể dục.
CÁI CÂN THỦY NGÂN
Có một nhà buôn nọ không bao lâu trở nên giàu có. Chẳng ai biết họ làm ăn thế nào, đành cho là người ta có hồng phúc. Thực ra là phường mua gian bán lận. Họ chế ra một cái cân, cán rỗng, trong đổ mấy giọt thủy ngân, hai đầu bít đồng, trông bề ngoài y như trăm nghìn cái cân khác. Thành ra, họ muốn cân già cũng được, muốn cân non cũng được; cân già thì nghiêng cán cân về đằng quả cân, mấy giọt thủy ngân chảy về phía ấy, cân non thì nghiêng cán cân về đằng đĩa cân, mấy giọt thủy ngân chảy về phía này. Cũng cái cân ấy, khi bán hàng thì khác mà khi mua hàng lại khác, bao giờ phần lợi cũng về họ. Ai kêu ca, họ nói trơn như nước chảy:
– Thì các ông, các bà cứ xem mặt cân! Nó có thiên vị ai đâu! Chúng tôi buôn ngay bán thật, chỉ lấy công làm lãi, chứ hay gì cái thói lừa đảo, buôn năm bán mười! Tội để cho ai! Giàu như thế có bền đâu!
Vợ chồng nhà ấy có hai đứa con trai, mặt mũi kháu khỉnh đáo để. Một hôm, chúng đau bụng rồi lăn đùng ra chết cả hai. Hai vợ chồng rầu rĩ than vắn thở dài, nghĩ bụng chắc mình ăn ở thất đức nên trời báo. Một hôm, họ cùng nằm mơ thấy một ông lão đầu tóc bạc phơ, mặt mũi phương phi, đến mắng:
– Chúng mày buôn bán lừa lọc, quen thói gian tham. Chúng mày che được mắt người trần, chứ không che được mắt Thần, Phật. Chúng mày sớm biết mà sám hối, ăn ở thật thà, lo làm điều hay điều tốt thì Trời sẽ ngoảnh mặt lại, cho chúng mày hai đứa con khác mà nối dõi.
Tỉnh dậy, hai vợ chồng ngồi bàn đi bàn lại, chần chừ hồi lâu rồi quyết bỏ cái cân tai ác ấy bằng cách đem chẻ cân. Khi chẻ ra, họ thấy trong cán cân có mấy giọt máu đỏ tươi.
Trương Chính kể
→ Ý nghĩa: Sự gian xảo, không trung thực đã đem lại hậu quả xấu cho con người.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)