Soạn bài – Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc

Soạn bài Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc – Tuần 2, trang 18 – 19 SGK tiếng việt lớp 5 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc

Đề bài: Hãy kể một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc về một anh hùng, danh nhân của nước ta.

Trả lời:

1. Một số anh hùng, danh nhân:

– Các anh hùng dân tộc (những người có công lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc): Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng), Lê Hoàn (Lê Đại Hành), Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo), Lê Lợi, Nguyễn Huệ (Quang Trung), Hồ Chí Minh,…

– Các anh hùng liệt sĩ tiêu biểu trong lịch sử: Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu Lê Lai, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Võ Thị Sáu, Kim Đồng, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Nguyễn Văn Trỗi,…

– Các nhà chính trị, nhà hoạt động văn hoá, khoa học nổi tiếng: Tô Hiến Thành, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Hải Thượng Lãn ông, Lê Quý Đôn, Trương Vĩnh Ký, Đặng Văn Ngữ, Lương Định Của, Trần Đại Nghĩa, Văn Cao, Tô Ngọc Vân,…

2. Tìm câu chuyện về anh hùng, danh nhân ở đâu?

– Những câu chuyện em được nghe người thân kể.

– Báo, truyện đọc xưa và nay.

– Chú ý loại truyện về anh hùng, danh nhân đất Việt, sách Truyện đọc lớp 5.

3. Trình tự kể:

  • Giới thiệu câu chuyện.
  • Nêu tên câu chuyện.
  • Nêu tên nhân vật.
  • Kể diễn biến của câu chuyện.
  • Trao đổi với các bạn về ý nghĩa của câu chuyện.

Tham khảo câu chuyện dưới đây:

Thánh Gióng

Ngày xưa, ở làng Gióng có một cậu bé kì lạ, đã lên ba tuổi mà vẫn không biết đi, không biết nói, chỉ đặt đâu nằm đấy trơ trơ.

Giặc Ân từ phương Bắc tràn sang xâm lấn bờ cõi nước ta. Nhà vua sai sứ giả đi khắp nơi, cầu người hiền tài đứng ra cứu nước. Nghe tiếng loa rao, cậu bé bỗng nhiên biết nói. Cậu nhờ mẹ gọi sứ giả vào rồi bảo: “ông hãy về tâu với nhà vua, đúc cho ta một con ngựa sắt, một áo giáp sắt, một chiếc nón sắt. Ta sẽ đánh tan lũ giặc”.

Kể từ khi gặp sứ giả, cậu bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng chẳng no, quần áo vừa may xong đã chật. Mẹ cậu không đủ thóc gạo, cả làng phải góp lương thực để nuôi cậu.

Khi nhà vua cho mang các thứ tới, Gióng vươn vai vụt trở thành một tráng sĩ dũng mãnh. Tráng sĩ mặc áo giáp sắt, đội nón sắt, cầm roi sắt, cưỡi lên lưng ngựa sắt. Ngựa sắt hí vang, phun lửa, lao ra trận. Tráng sĩ dùng roi sắt quất túi bụi vào kẻ thù. Roi sắt gãy, tráng sĩ nhổ từng bụi tre bên đường đánh tiếp. Giặc chết như ngả rạ.

Dẹp xong giặc nước, Gióng cởi áo giáp sắt, nón sắt, bỏ lại dưới chân núi, lưu luyến nhìn lại quê hương một lần cuối rồi cưỡi ngựa từ từ bay lên trời. Nhân dân trong vùng ghi nhớ công ơn to lớn của Gióng, lập đền thờ và suy tôn là Thánh Gióng.

Ý nghĩa câu chuyện: Truyền thuyết Thánh Gióng xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước và được nhân dân ta lưu truyền từ đời này sang đời khác cho đến tận ngày nay.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc

Đề bài: Hãy kể một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc về một anh hùng, danh nhân của nước ta.

Trả lời:

1. Nội dung

Nói về một số anh hùng, danh nhân nước ta:

  • Các anh hùng dân tộc (Những người có công lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc).
  • Các anh hùng liệt sĩ tiêu biểu trong lịch sử.
  • Các nhà chính trị, nhà hoạt động văn hóa, khoa học nổi tiếng.

2. Tìm câu chuyện ở đâu?

– Những câu chuyện em được nghe người thân kể.

– Báo, truyện đọc xưa và nay.

Chú ý:

  • Các câu chuyện thiếu nhi
  • Loại truyện về anh hùng, danh nhân đất Việt
  • Sách Truyện đọc lớp 5.

3. Cách kể chuyện

– Giới thiệu câu chuyện (đọc ở đâu hoặc nghe ai kể, tên câu chuyện là gì, câu chuyện nói về ai, về việc gì,…)

  • Nêu tên câu chuyện.
  • Nêu tên nhân vật.

– Kể diễn biến câu chuyện, tập trung vào những tình tiết thể hiện tài năng, sự lớn lao, vĩ đại của một vị anh hùng, danh nhân của nước nhà.

4. Thảo luận

Cả lớp cùng thảo luận về ý nghĩa của câu chuyện tiêu biểu nhất.

Tham khảo câu chuyện dưới đây:

Vua Quang Trung đại phá quân Thanh

Nghe tin quân Thanh đã chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương và các tướng sĩ bàn việc đem quân ra đánh. Các tướng sĩ đều xin vua dẹp giặc để yên lòng người và danh nghĩa rõ rệt.

Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân 1788, Bắc Bình Vương làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung.

Vua Quang Trung liền đó tự đem quân thủy bộ tiến ra Bắc. Đến Nghệ An lại 10 ngày tuyển thêm binh, cả thảy được 10 vạn và hơn 100 con voi.

Ngày 20 tháng Chạp ra tới núi Tam Điệp, Ngô Văn Sở ra mắt tạ tội. Vua Quang Trung an ủi mọi người rồi truyền cho tướng sĩ ăn Tết Nguyên Đán để ngày 30 tháng Chạp thì cất quân, định ngày mùng 7 tháng Giêng ra Thăng Long mở tiệc ăn mừng.

Vua Quang Trung chia đại quân ra làm 5 đạo:

– Hai đạo theo đường biển, vào sông Lục Đầu để tiếp ứng mặt hữu và chặn quân Thanh chạy về.

– Hai đạo đi đường núi để tiếp ứng mặt tả và đánh vào phía tây quân địch.

– Đạo trung quân do vua Quang Trung điều khiển tiến theo quan lộ thẳng Thăng Long.

Qua sông Giản Thủy (địa giới Ninh Bình và Hà Nam), quân lính vua Quang Trung phá tan tiến đến Phú Xuyên, bắt sống đám quân do thám nhà Thanh đóng ở đó, không để một người nào chạy thoát được để báo tin với các đồn lân cận.

Nửa đêm ngày mồng 3 tháng Giêng năm Kỉ Dậu (1789), vua Quang Trung vây kín đồn Hà Hồi, rồi bắc loa gọi hàng. Quân Thanh sợ hãi xin hàng, giao nộp cả quân lương, khí giới.

Mờ sáng ngày mồng 5, vua Quang Trung cho lệnh tiến đánh đồn Ngọc Hồi, quân Thanh bắn súng ra như mưa. Vua Quang Trung sai lấy ván ghép lại thành mảnh to và quấn rơm cỏ ướt, cứ 20 người khiêng một mảnh, mang dao nhọn, lại có 20 người cầm khí giới núp theo sau. Đến trước cửa đồn, quân sĩ bỏ ván xuống rút dao xông vào chém. Quân đi sau cũng lăn xả vào đánh. Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn. Quân ta thừa thế đánh tràn tới lấy được các đồn. Xác quân Thanh nằm ngổn ngang khắp nơi, các tướng Thanh như Hứa Thế Hanh đều tử trận.

Trong lúc vua Quang Trung kịch chiến ở Ngọc Hồi, Đô đốc Long đem cánh tả quân đánh dồn Khương Thượng, gần gò Đống Đa. Sầm Nghi Đống chống không nổi, thắt cổ chết. Đô đốc Long tiến đánh Thăng Long.

Tôn Sĩ Nghị bỏ cả ấn tín chạy qua sông để lên mạn Bắc. Quân sĩ tranh nhau qua cầu, cầu đổ, chết đuối thây đầy sông. Đạo quân Vân Nam và Quý Châu đóng ở miền Sơn Tây vội vã chạy về.

Trưa hôm ấy, vua Quang Trung áo ngự bào đẫm đen thuốc súng, hiên ngang tiến vào Thăng Long giữa muôn tiếng hoan hô của quân sĩ và dân chúng.

* Giải thích từ ngữ:

Đại phá: đánh lớn và thắng lớn.

Bắc Bình Vương: chức vị của Nguyễn Huệ trước khi lên ngôi vua trở thành Hoàng đế Quang Trung.

Quân thủy: quân sĩ dùng thuyền đánh trên sông nước, quân bộ là quân sĩ đánh trên mặt đất.

Tết Nguyên Đán: tết đầu năm âm lịch.

Mặt hữu: mặt phải (phía phải).

Mặt tả: mặt trái (phía trái).

Đạo trung quân: Đạo quân đi chính giữa.

Quan lộ: đường cái quan, đường chính do Nhà nước quản lý.

– Điều khiển: sắp đặt và chỉ đạo.

Quân lương: lương thực của quân đội.

Tử trận: chết trong trận đánh.

Kịch chiến: đánh nhau quyết liệt, dữ dội.

Ấn tín: nghĩa đen là cái ấn để làm tin, cần hiểu là cái ấn (con dấu) để chứng tỏ quyền lực của một vị tướng.

Ngự bào: áo của nhà vua.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status