Soạn bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (Ngô Sĩ Liên) trang 41 – 45 SGK ngữ văn lớp 10 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Trích Đại Việt sử kí toàn thư), sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.
TIỂU DẪN
Ngô Sĩ Liên, chưa rõ năm sinh và năm mất, người làng Chúc Lí, huyện Chương Đức, nay thuộc xã Chúc Sơn, huyện Chương Mĩ, tỉnh Hà Tây. Ông đỗ Tiến sĩ năm 1442 dưới triều Lê Thái Tông, được cử vào Viện Hàn lâm. Đến đời Lê Thánh Tông, ông giữ chức Hữu thị lang bộ Lễ, Triều liệt đại phu kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Tu soạn Quốc sử quán. Ông đã vâng lệnh Lê Thánh Tông biên soạn bộ Đại Việt sử kí toàn thư.
Đại Việt sử kí toàn thư là bộ chính sử lớn của Việt Nam thời trung đại do Ngô Sĩ Liên biên soạn, hoàn tất năm 1479, gồm 15 quyển, ghi chép lịch sử từ thời Hồng Bàng cho đến khi Lê Thái Tổ lên ngôi (năm 1428). Theo lời tựa của chính tác giả ở đầu tập sách thì Đại Việt sử kí toàn thư được biên soạn dựa trên cơ sở sách Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu ở thời Trần và Sử kí tục biên của Phan Chu Tiên ở đầu thời Hậu Lê. Tác phẩm thể hinệ tinh thần dân tộc mạnh mẽ, vừa có giá trị sử học vừa có giá trị văn học.
VĂN BẢN
Tháng 6, ngày 24, sao sa.
Hưng Đạo Đại Vương ốm. Vua ngự tới nhà thăm, hỏi rằng:
– Nếu có điều chẳng may mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?
Vương trả lời:
– Ngày xưa Triệu Vũ (1) dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế “thanh dã” (2), đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê dùng được người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ (3) mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua Lí mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lí Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh (4) là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây, vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước cùng nhà góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản (binh) chế trường (trận) là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cần thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.
Quốc Tuấn là con An Sinh Vương, lúc mới sinh ra, có một thầy tướng xem cho và bảo: “Người này ngày sau có thể giúp nước cứu đời”. Đến khi lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ. An Sinh Vương trước đây vốn có hiềm khích với Chiêu Lăng (5), mang lòng hậm hực, tìm khắp những người tài nghệ để dạy Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, An Sinh cầm tay Quốc Tuấn giối giăng rằng:
– Con mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.
Quốc Tuấn ghi để điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải.
Đến khi vận nước ở trong tay, quyền quân quyền nước đều do ở mình, ông đem lời cha dặn nói với gia nô là Dã Tượng, Yết Kiêu. Hai người gia nô can ông:
– Làm kế ấy tuy được phú qu một thời mà để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay đại vương há chẳng đủ phú và qu hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu, chỉ xin lấy người làm thịt dê là Duyệt (6) làm thầy mà thôi!
Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, khen ngợi hai người.
Một hôm Quốc Tuấn vờ hỏi con ông là Hưng Vũ Vương:
– Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?
Hưng Vũ Vương trả lời:
– Dẫu khác họ cũng còn không nên, huống chi là cùng một họ!
Quốc Tuấn ngầm cho là phải.
Lại một hôm Quốc Tuấn đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến lên thưa:
– Tống Thái Tổ (7) vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ.
Quốc Tuấn rút gươm kể tội:
– Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra.
Định giết Quốc Tảng. Hưng Vũ Vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha. Đến đây ông dặn Hưng Vũ Vương:
– Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng.
Mùa thu, tháng 8, ngày 20, Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.
Thánh Tông có soạn bài văn bia ở sinh từ (8) của Quốc Tuấn, ví ông với Thượng phụ (9) ngày xưa. Lại vì ông có công lao lớn, gia phong là Thượng quốc công, cho phép ông được quyền phong tước rồi tâu sau. Nhưng Quốc Tuấn chưa bao giờ phong tước cho một người nào. Khi giặc Hồ vào cướp, Quốc Tuấn lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân, mà cũng chỉ cho họ làm lang tướng giả chứ không dám cho họ chức lang tướng thực, ông kính cẩn giữ tiết làm tôi như vậy đấy.
Quốc Tuấn lại từng soạn sách để khích lệ tướng sĩ dưới quyền, dẫn chuyện Kỉ Tín chết thay để cứu thoát Hán Cao (10), Do Vu giơ lưng chịu giáo để cứu Sở Tử (11). Thế là dạy đạo trung đó.
Khi sắp mất, ông dặn con rằng:
– Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải làm sao cho mau mục.
Quốc Tuấn giữ Lạng Giang, người Nguyên hai lần vào cướp, ông liên tiếp đánh bại chúng, sợ sau này có thể xảy ra tai họa đào mả chăng. Ông lo nghĩ tới việc sau khi mất như thế đấy.
Ông lại khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước, như Dã Tượng, Yết Kiêu là gia thần của ông, có dự công dẹp Ô Mã Nhi, Toa Đo. Bọn Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực vốn là một môn khách của ông, đều nổi tiếng thời đó về văn chương và chính sự, bởi vì ông có tài mưu lược, anh hùng, lại một lòng giữ gìn trung nghĩa vậy. Xem như khi Thánh Tông vờ bảo Quốc Tuấn rằng: “Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi”, Quốc Tuấn trả lời: “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”. Vì thế, đời Trùng Hưng lập nên công nghiệp hiếm có. Tiếng vang đến giặc Bắc, chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi tên. Sau khi mất rồi, các châu huyện ở Lạng Giang hễ có tai nạn, dịch bệnh, nhiều người cầu đảo ông. Đến nay, mỗi khi đất nước có giặc vào cướp, đến lễ ở đền ông, hễ tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng thắng lớn.
Quốc Tuấn từng soạn sách Binh gia điệu li yếu lược để dạy các tì tướng /…/ Quốc Tuấn lại sưu tập binh pháp các nhà, làm thành Bát quái cửu cung đồ, đặt tên là Vạn Kiếp tông bí truyền thư.
HOÀNG VĂN LÂU dịch
(Đại Việt sử kí toàn thư, tập II, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985)
CHÚ THÍCH:
(1) Triệu Vũ: Triệu Vũ Đế, tức Triệu Đà, có lúc được coi là vua nước ta từ năm 208 đến năm 137 tr.CN.
(2) Thanh dã: làm vườn không nhà trống, khiến quân xâm lược tới không có một nguồn hậu cần tại chỗ nào.
(3) Bình Lỗ: thành lũy xưa thuộc tỉnh Thái Nguyên.
(4) Mai Lĩnh: đèo ở phía Nam Trung Quốc.
(5) Chiêu Lăng: tức Trần Thái Tông.
(6) Sở Chiêu Vương chạy loạn ra nước ngoài, có người làm thịt dê tên là Duyệt đi theo. Sau Chiêu Vương phục nghiệp, trở về nước, ban thưởng cho Duyệt. Duyệt từ chối và nói: ”Nhà vua mất nước, tôi không được giết dê, nay vua về nước, tôi lại được làm nghề giết dê, tước lộc thế là đủ, còn thưởng gì nữa”.
(7) Thái Tổ nhà Hậu Tống tên là Lưu Dụ, vốn là người làm ruộng, sau nhân dịp loạn lạc nổi lên giành được thiên hạ.
(8) Sinh từ: đền thờ người còn sống, dành cho những người có công lao đức độ lớn trong việc cứu nước, giúp dân.
(9) Thượng phụ: Lã Vọng, giúp Chu Vũ Vương giành được thiên hạ, Vũ Vương tôn làm thầy, gọi là Thượng phụ.
(10) Hán Cao Tổ bị Hạng Vũ bao vây, bề tôi là Kỉ Tín giả làm Han Cao Tổ ra hàng, bị Hạng Vũ giết, Cao Tổ nhờ đó thoát nạn.
(11) Do Vu: bề tôi của Sở Chiêu Vương thời Xuân Thu. Sở Tử: Sở Chiêu Vương, lúc lánh nạn ở trọ, bị kẻ cướp đâm. Do Vu đã giơ lưng ra chịu đâm để cứu Sở Chiêu Vương.
Hướng dẫn soạn bài – Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (Ngô Sĩ Liên)
I. Tóm tắt: Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn
Trần Quốc Tuấn là con An Sinh Vương, lúc mới sinh được dự báo sau có thể giúp nước cứu đời. Lớn lên, ông có dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, văn võ toàn tài. Vốn có hiềm khích với Trần Thái Tông, trước khi mất cha ông đã dặn phải vì cha mà lấy được thiên hạ. Ông ghi để điều đó trong lòng nhưng không cho là phải. Ông đem lời cha dặn hỏi hai gia nô và rất cảm phục trước sự khẳng khái quyết không làm điều bất trung của họ. Ông cũng vờ hỏi hai người con. Người con thứ nhất trả lời “không nên”, ông ngầm cho là phải. Người con thứ hai có ý nên thừa cơ để giành thiên hạ. Ông rút gươm định giết bởi tội loạn thần, bất hiếu, sau tha nhưng không cho nhìn mặt lần cuối.Có công lớn, ông được vua Trần phong là Thượng quốc công nhưng vẫn luôn “giữ tiết làm tôi”. Ông là vị tướng tài ba, luôn khích lệ, động viên tướng sĩ, tiến cử nhân tài, soạn sách Binh gia diệu lí yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư cho đất nước, kiên quyết chống giặc ngoại xâm tới cùng. Tên tuổi của ông khiến quân giặc phải kinh sợ. Khi nằm trên giường bệnh, ông vẫn giúp vua lo tính kế sách giữ nước, an dân. Ngày 8 tháng 12, ông mất ở Vạn Kiếp, được tặng Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.
II. Bố cục
– Phần 1 (từ đầu … thượng sách giữ nước vậy) : Kế sách giữ nước của Trần Quốc Tuấn tâu lên vua.
– Phần 2 (tiếp … Quốc Tảng vào viếng) : Quốc Tuấn giữ tiết làm tôi.
– Phần 3 (còn lại) : Nhắc lại những công tích và lời dặn con của Trần Quốc Tuấn.
III. Hướng dẫn soạn bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (Ngô Sĩ Liên)
Giải câu 1 (Trang 44 SGK ngữ văn 10 tập 2)
Anh (chị) rút ra được điều gì qua lời trình bày của Trần Quốc Tuấn với vua về kế sách giữ nước?
Trả lời:
Qua lời trình bày của Trần Quốc Tuấn với vua về kế sách giữ nước, có thể thấy:
– Theo Trần Quốc Tuấn, chống giặc phải tùy thời mà tạo thế, binh pháp chống giặc cần vận dụng linh hoạt không theo khuôn mẫu nhất định.
– Điều kiện quan trọng nhất để chống giặc thành công là phải có sự đoàn kết toàn dân, phải “có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được”.
– Muốn vậy, phải “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” (giảm thuế khóa, bớt hình phạt, chăm lo để nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc …), đó chính là “thượng sách giữ nước”.
Giải câu 2 (Trang 44 SGK ngữ văn 10 tập 2)
Chi tiết Trần Quốc Tuấn đem lời cha dặn ra hỏi kiến hai người gia nô cùng hai người con và những phản ứng của ông khi nghe câu trả lời của họ có ý nghĩa như thế nào?
Trả lời:
Chi tiết đem lời cha dặn ra hỏi gia nô và những người con: với lời cha dặn, ông để trong lòng nhưng không cho là phải. Ông dùng nó để thử lòng gia nô và hai đứa con nhằm phân định người hiền tài và kẻ bạc nhược, nhỏ nhen:
– Đối với câu trả lời của Yết Kiêu, Dã Tượng: ông cảm phục, khen ngợi hai người.
– Đối Hưng Vũ Vương: ông vui mừng và đồng tình, ngầm cho là phải.
– Đối với Hưng Nhượng Vương: câu trả lời có ý bất trung => ông nổi giận, định xử tội với Hưng Nhượng Vương, rút gươm kể tội, không cho vào nhìn mặt ông lần cuối.
Ý nghĩa:
– Thể hiện lòng trung nghĩa với vua, với nước, không tư lợi, đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích gia đình.
– Là người thận trọng, quyết đoán trong hành động và suy nghĩ.
– Ông là người có tình cảm chân thành, thẳng thắn, nghiêm khắc trong giáo dục con cái.
Giải câu 3 (Trang 44 SGK ngữ văn 10 tập 2)
Đoạn trích đã làm nổi bật những đặc điểm gì về nhân cách của Trần Quốc Tuấn? Chỉ ra sự khéo léo trong nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật của tác giả. (Nhân vật được đặt trong những mối quan hệ và những tình huống như thế nào?)
Trả lời:
– Phẩm chất nổi bật ở Trần Quốc Tuấn được khắc hoạ là trung quân ái quốc. Lòng trung với vua của Trần Quốc Tuấn thể hiện ở tinh thần yêu nước sâu sắc và ý thức trách nhiệm công dân đối với đất nước. Ông hết lòng lo tính kế sách giúp vua giữ nước an dân. Lòng trung của ông được đặt trong hoàn cảnh có thử thách, bản thân ông cũng bị đặt trong mối mâu thuẫn giữa “hiếu” và “trung”. Trần Quốc Tuấn đã đặt “trung” lên trên “hiếu” , nợ nước trên tình nhà.
– Bên cạnh phẩm chất trung quân ái quốc, Trần Quốc Tuấn còn là một vị tướng anh hùng đầy tài năng, mưu lược đồng thời là con người có đức độ lớn lao.
– Những phẩm chất trên đây của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được tác giả sử kí khéo léo khắc hoạ trong nhiều mối quan hệ và đặt vào những tình huống có tính chất thử thách. Từ quan hệ với nước (câu nói nổi tiếng “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”), với vua đến quan hệ với dân (khi sống nhắc nhở vua “khoan sức dân”, khi chết hiển linh phò trợ dân), với tướng sĩ dưới quyền (tận tâm dạy bảo, tiến cử người tài), từ quan hệ đối với con cái (nghiêm khắc giáo dục) đến quan hệ đối với bản thân (khiêm tốn, giữ đạo trung nghĩa), … Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, bất kì quan hệ nào, Trần Quốc Tuấn vẫn là một mẫu mực của một vị tướng toàn đức, toàn tài. Ông không những được nhân dân ngưỡng mộ mà cả quân giặc cũng phải kính phục.
Giải câu 4 (Trang 44 SGK ngữ văn 10 tập 2)
Anh (chị) có nhận xét gì về nghệ thuật kể chuyện trong đoạn trích?
Trả lời:
Nghệ thuật kể chuyện:
– Đoạn trích kể về cuộc đời nhân vật theo lối đảo ngược thời gian: bắt đầu từ mốc Hưng Đạo Vương ốm nặng -> ngược dòng thời gian kể về xuất thân, tài mạo, hoàn cảnh gia đình …
– Cách kể chuyện ngắn gọn, cô đọng, tự nhiên và hấp dẫn đồng thời giải quyết được những vấn đề có ý nghĩa then chốt về lịch sử: nhân vật là ai, có đặc điểm gì, có đóng góp gì … Nhân vật được khắc họa sinh động => đặc trưng lối sử kí “văn sử bất phân”.
– Song song với kể, người viết xen vào những nhận xét khéo léo để định hướng cho người đọc.
=> Nghệ thuật kể chuyện điêu luyện, mang lại hiệu quả cao. Nó giúp người đọc tiếp nhận một cách hứng thú những gì mà nhà viết sử muốn truyền tải.
Giải câu 5 (Trang 45 SGK ngữ văn 10 tập 2)
Chi tiết về lòng tin của dân chúng vào sự hiển linh của Hưng Đạo Vương, đặc biệt là hình ảnh “tráp đựng kiếm có tiếng kêu” có nghĩa gì?
a) Cho thấy tín ngưỡng và những tập tục thờ cúng của nhân dân ta thời xưa.
b) Cho thấy lòng cảm phục và ngưỡng mộ của nhân dân đối với Hưng Đạo Vương sâu sắc đến mức họ đã thần thánh hóa ông, cho rằng ông đã trở thành thần linh để giúp dân, giữ nước.
c) Chỉ là những truyền thuyết để làm nổi bật tấm lòng thương dân yêu nước và khí phách anh hùng của ông – những nét đẹp đã trở thành bất tử trong lòng người.
d) Ý kiến khác.
Trả lời:
Chi tiết về lòng tin của dân chúng vào sự hiển linh của Hưng Đạo Vương vừa cho thấy tín ngưỡng và những tập tục thờ cúng của nhân dân ta thời xưa đồng thời cũng cho thấy lòng cảm phục và sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với Hưng Đạo Vương sâu sắc tới mức họ đã thần thánh hóa ông và cho rằng ông đã trở thành thần linh để giúp dân giữ nước. Hiện nay, ở rất nhiều nơi có đền thờ Trần Hưng Đạo. Dân gian sùng kính tôn ông là Đức Thánh Trần (một trong bốn vị thánh bất tử theo sự suy tôn của họ). Điều đó cho thấy uy đức của Hưng Đạo Vương có ảnh hưởng to lớn và sâu rộng trong thế giới tâm linh của người Việt.
=> Đáp án đúng là sự kết hợp cả a, b.
Soạn phần luyện tập bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (Ngô Sĩ Liên)
Giải câu 1 – Luyện tập (Trang 45 SGK ngữ văn 10 tập 2)
Từ những chi tiết trong đoạn trích, anh (chị) hãy tóm tắt lại câu chuyện về Trần Quốc Tuấn (không quá 20 dòng).
Trả lời:
Tóm tắt câu chuyện (các ý chính) :
– An Sinh Vương hiềm khích với Trần Thái Tông, trước lúc mất dặn con phải lấy được thiên hạ; Quốc Tuấn ghi nhớ lời dặn của cha nhưng không cho là phải, một lòng kính cẩn giữ tiết làm tôi. Ông đi hỏi ý kiến hai người gia nô và hai người con.
– Quốc Tuấn soạn sách Binh gia diệu lí yếu lược để dạy các tướng, sưu tập binh pháp các nhà làm thành Bát quái cưu cung đồ.
– Quốc Tuấn giữ Lạng Giang, liên tiếp đánh bại hai lần người Nguyên vào cướp.
– Quốc Tuấn được Thánh Tông cho phép được phong quyền phong tước cho người khác, từ Minh tự trở xuống, chỉ có tước Hầu thì phong trước rồi râu sau; nhưng ông chưa bao giờ phong tước cho một người nào.
– Ngày 24, tháng 6, năm 1300, Hưng Đạo Đại Vương ốm, vua ngự tới thăm và hỏi về kế sách giữ nước.
– Ngày 20 tháng 8, năm 1300, Hưng Đạo Đại Vương mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.
Giải câu 2 – Luyện tập (Trang 45 SGK ngữ văn 10 tập 2)
Sưu tầm những câu chuyện có liên quan đến Trần Quốc Tuấn hoặc những bài thơ viết về ông (từ các tài liệu lịch sử, tài liệu văn học, các giai thoại trong dân gian).
Trả lời:
Sưu tầm câu chuyện, bài thơ liên quan đến Trần Quốc Tuấn :
– Câu chuyện về lối ngoại giao của Trần Quốc Tuấn :
“Tân Tỵ, [Thiệu Bảo] năm thứ 3 [1281] (…) [Nhân tôn] Sai chú họ là Trần Di Ái (tức Trần Ải) và Lê Mục, Lê Tuân sang Nguyên. Nhà Nguyên lập Di Ái làm Lão hầu, cho Mục làm Hàn lâm học sĩ, Tuân làm Thượng thư, lại sai Sài Xuân [có sách gọi Sài Thung] đem 1.000 quân hộ tống về nước. Xuân ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân sĩ Thiên Trường ngăn lại, Xuân dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy chăng bày màn trướng, hắn mới chịu xuống ngựa. Vua sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp. Xuân nằm khểnh không ra, Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp. Hưng Đạo vương Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Xuân làm gì. Lúc ấy Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, ông đi thẳng vào trong phòng. Xuân đứng dậy vái chào mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, có biết đâu gọt tóc, mặc áo vải là hình dạng nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Người hầu của Xuân cầm cái tên đứng sau Quốc Tuấn, chọc vào đầu đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi trở về, Xuân ra cửa tiễn ông” (Toàn thư, Bản kỷ – Trần Nhân tôn)
Tham khảo thêm cách soạn khác bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (Ngô Sĩ Liên)
Câu 1. Anh (chị) rút ra được điều gì qua lời trình bày của Trần Quốc Tuấn với vua về kế sách giữ nước?
Trả lời:
Lời trình bày của Trần Quốc Tuấn với vua về kế sách giữ nước cho thấy:
– Vận dụng linh hoạt sách lược, binh pháp phù hợp với thời thế.
– Sức mạnh đoàn kết là mấu chốt quan trọng nhất để chiến thắng.
– Thượng sách giữ nước chính là khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc.
Câu 2. Chi tiết Trần Quốc Tuấn đem lời cha dặn ra hỏi kiến hai người gia nô cùng hai người con và những phản ứng của ông khi nghe câu trả lời của họ có ý nghĩa như thế nào?
Trả lời:
Sau khi đem lời cha dặn ra hỏi hai người gia nô và hai người con, Trần Quốc Tuấn có những phản ứng khác nhau:
+ Trước câu trả lời của hai người gia nô là Dã Tượng và Yết Kiêu: Quốc Tuấn cảm phục đến khóc và khen ngợi hai người gia nô.
+ Khi nghe câu trả lời của người con cả là Hưng Vũ Vương: Ông ngầm cho là phải.
+ Khi nghe câu trả lời của người con thứ là Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng: Quốc Tuấn rút gươm ra kể tội con và nói “Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra” và chỉ chấp nhận cho Quốc Tảng vào viếng ông khi ông mất sau khi nắp quan tài đã đậy lại.
-> Ý nghĩa của những phản ứng này: Trần Quốc Tuấn không chỉ là vị tướng thông thạo binh pháp mà còn là bậc trung quân, không vì phú quý của bản thân mà quên đi nghĩa vụ phải trung thành với đất nước, ông không chấp nhận những ý nghĩ phản loạn. Hơn nữa, Trần Quốc Tuấn còn là người suy xét rất công minh, không vì người trả lời là con trai mình mà dung túng, đồng thời còn khen ngợi những người gia nô sống trung nghĩa.
Câu 3. Đoạn trích đã làm nổi bật những đặc điểm gì về nhân cách của Trần Quốc Tuấn? Chỉ ra sự khéo léo trong nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật của tác giả. (Nhân vật được đặt trong những mối quan hệ và những tình huống như thế nào?)
Trả lời:
– Những đặc điểm nổi bật của Trần Quốc Tuấn: tấm lòng trung quân ái quốc ; vị tướng anh hùng có tài năng, đức độ.
– Sự khéo léo trong nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật:
+ Đặt nhân vật trong nhiều mối quan hệ: quan hệ với nước, với vua (thà chết xin nhà vua không đầu hàng giặc), với dân (nhắc nhở vua khoan sức dân, phò trợ dân), với tướng sĩ dưới quyền (tận tâm dạy bảo) và quan hệ với con cái (nghiêm khắc giáo dục), với bản thân (giữ đạo trung nghĩa)…
+ Nhân vật với tình huống có tính thử thách: mâu thuẫn giữa “hiếu” và “trung”, Trần Quốc Tuấn đặt trung lên hiếu, nợ nước trên tình nhà.
Câu 4. Anh (chị) có nhận xét gì về nghệ thuật kể chuyện trong đoạn trích?
Trả lời:
Đoạn trích thể hiện nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, tài hoa của tác giả:
+ Tác giả sử dụng ngôi kể thứ ba, là người đứng ngoài và thuật lại những câu chuyện về cuộc đời Trần Quốc Tuấn.
+ Giọng kể của tác giả mang tính chất trung hòa, không bộc lộ cảm xúc trực tiếp.
-> Điều này tạo nên tính khách quan cho những câu chuyện được kể đồng thời tạo được lòng tin ở bạn đọc.
+ Tác giả còn lựa chọn những chi tiết có giá trị biểu hiện cao, gây xúc động cho người đọc, vậy nên dù dung lượng đoạn trích không lớn nhưng đã khắc họa khá toàn vẹn vẻ đẹp của nhân vật.
+ Tác giả không kể chuyện theo trật tự thời gian, khô khan nhàm chán mà đã đảo trật tự các sự kiện trong cuộc đời nhân vật đồng thời xen vào đó những câu chuyện mang tính bàn luận để làm nổi bật tính cách nhân vật.
Câu 5. Chi tiết về lòng tin của dân chúng vào sự hiển linh của Hưng Đạo Vương, đặc biệt là hình ảnh “tráp đựng kiếm có tiếng kêu” có nghĩa gì?
a) Cho thấy tín ngưỡng và những tập tục thờ cúng của nhân dân ta thời xưa.
b) Cho thấy lòng cảm phục và ngưỡng mộ của nhân dân đối với Hưng Đạo Vương sâu sắc đến mức họ đã thần thánh hóa ông, cho rằng ông đã trở thành thần linh để giúp dân, giữ nước.
c) Chỉ là những truyền thuyết để làm nổi bật tấm lòng thương dân yêu nước và khí phách anh hùng của ông – những nét đẹp đã trở thành bất tử trong lòng người.
d) Ý kiến khác.
Trả lời:
Cả ý B và C đều đúng.
B. Cho thấy lòng cảm phục và ngưỡng mộ của nhân dân đối với Hưng Đạo Vương sâu sắc đến mức họ đã thần thánh hóa ông, cho rằng ông đã trở thành thần linh để giúp dân, giữ nước.
C. Chỉ là những truyền thuyết để làm nổi bật tấm lòng thương dân yêu nước và khí phách anh hùng của ông – những nét đẹp đã trở thành bất tử trong lòng người.
Soạn phần luyện tập bài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (Ngô Sĩ Liên) trang 45 SGK ngữ văn 10 tập 2
Bài 1. Từ những chi tiết trong đoạn trích, anh (chị) hãy tóm tắt lại câu chuyện về Trần Quốc Tuấn (không quá 20 dòng).
Trả lời:
Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là người anh hùng dân tộc mang vẻ đẹp nhân cách, tài lược vĩ đạị, bất tử. Sinh thời, vua đã nhiều lần hỏi ông về kế sách giữ nước, ông sáng suốt đưa ra kế sách của mình, thà chết chứ không đầu hàng kẻ thù. Khi Thánh Tông vờ bảo ông: “Thế giặc như vậy, ta phải hàng thôi”, ông không chần chừ đáp ngay: “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”. Ông là người hiến kế cho vua, trực tiếp cầm quân hai lần đánh bại giặc Nguyên. Trần Quốc Tuấn là người chính trực, công tư phân minh, ông vì nghĩa lớn, vì lợi ích quốc gia mà bỏ qua lợi ích gia tộc, lợi ích cá nhân. Ông còn thẳng thừng rút kiếm kề lên cổ người con trai thứ vì ý nghĩ nghịch loạn, bất hiếu, đồng thời hết mực cảm phục tấm lòng của hai người gia nô là Dã Tượng và Yết Kiêu khi đem lời cha là An Sinh Vương dặn đi hỏi ý kiến họ. Vì cảm phục tài năng đức độ của bề tôi, nhà vua phong ông là Thượng quốc công, cho ông quyền phong tước cho kẻ khác nhưng ông luôn kính cẩn giữ tiết làm tôi, không một lần lạm dụng quyền hành ấy. Quốc Tuấn cũng đã từng soạn nhiều cuốn sách quý giá để dạy đạo trung, khích lệ các binh tướng. Mùa thu, tháng 8, ngày 20, Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương.
Bài 2. Sưu tầm những câu chuyện có liên quan đến Trần Quốc Tuấn hoặc những bài thơ viết về ông (từ các tài liệu lịch sử, tài liệu văn học, các giai thoại trong dân gian).
Trả lời:
– Ba lần đánh tan quân Nguyên-Mông
– Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông thế kỉ XIII (Hà Văn Tấn-Phạm Thị Tâm).
(HTTPS://BAIVIET.ORG)
Leave a Comment