Soạn bài – Hội thoại (tiếp theo)

Soạn bài Hội thoại (tiếp theo) trang 102 – 107 SGK ngữ văn lớp 8 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Hội thoại (tiếp theo), sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Hướng dẫn soạn bài – Hội thoại (tiếp theo)

I – LƯỢT LỜI TRONG HỘI THOẠI

Đọc lại đoạn miêu tả cuộc trò chuyện giữa nhân vật chú bé Hồng với người cô (đã dẫn ở tr. 92 – 93 về hội thoại). Trả lời các câu hỏi sau đây:

Giải câu 1 – Lượt lời trong hội thoại (Trang 102 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Trong cuộc hội thoại đó, mỗi nhân vật nói bao nhiêu lượt?

Trả lời:

Trong cuộc hội thoại giữa bé Hồng và người cô, mỗi nhân vật:

+ Chú bé Hồng có 2 lượt lời.

+ Người bà cô có 6 lượt lời.

Giải câu 2 – Lượt lời trong hội thoại (Trang 102 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Bao nhiêu lần lẽ ra Hồng được nói nhưng Hồng không nói? Sự im lặng thể hiện thái độ của Hồng đối với những lời nói của người cô như thế nào?

Trả lời:

Trong đoạn thoại, chú bé Hồng đáng lẽ được nói thêm hai lần nhưng cậu im lặng không nói.

→ Sự im lặng để nén lại nỗi đau, nhẫn nhịn và cố gắng bỏ ngoài tai những lời người bà cô nói.

Giải câu 3 – Lượt lời trong hội thoại (Trang 102 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Vì sao Hồng không cắt lời người cô khi bà nói những điều Hồng không muốn nghe?

Trả lời:

Hồng không cắt lời người bà cô vì cậu hiểu tâm địa độc ác của bà ta, ậu ý thức được vai nói của mình ( vai dưới không được xúc phạm hay tỏ ra bất kính với người trên.

II – LUYỆN TẬP

Giải câu 1 – Luyện tập (Trang 102 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Qua cách miêu tả cuộc thoại giữa các nhân vật cai lệ, người nhà lí trưởng, chị Dậu và anh Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ (Ngữ văn 8, tập một, tr. 28), em thấy tính cách của mỗi nhân vật được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

– Cai lệ là nhân vật hống hách, nhẫn tâm, luôn ra oai. Trong hội thoại hắn thường xuyên cướp lời người khác:

+ Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à? Nộp sưu mau.

+ Mày định nói cho cha mày nghe đấy à? Sưu của nhà nước dám mở mồm ra khất!

– Người nhà lý trưởng nịnh bợ, khúm núm đối với cai lệ nhưng lên mặt với chị Dậu:

+ Anh ta lại sắp phải gió như đêm qua đấy!

+ Chị khất tiền sưu đến chiều mai phải không? Đấy! Chị hãy nói với ông cai để ông ấy ra đình kêu với quan cho.

– Anh Dậu nhân vật luôn sợ sệt, ngại va chạm, tránh xô xát với người khác:

+ U nó không được thế! Người ta đánh mình không sao, mình đánh người ta phải tù phải tội.

– Nhân vật chị Dậu thương yêu chồng con, đảm đang nhưng khi cần thiết, tính cách của chị trở nên dứt khoát, mạnh mẽ:

+ Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho!

+ Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!

+ Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!

Giải câu 2 – Luyện tập (Trang 103 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi nêu ở dưới.

Thoáng thấy mẹ về đến cổng, thằng Dần mừng nhảy chân sáo:

– U đi đâu từ lúc non trưa đến giờ? Có mua được gạo hay không? Sao u lại về không thế?
Cái Tí ở trong bếp sa sả mắng ra:

– Đã bảo u không có tiền, lại cứ lằng nhằng nói mãi! Mày tưởng người ta dám bán chịu cho nhà mày sao? Thôi! Khoai chín rồi đây, để tôi đổ ra ông xơi, ông đừng làm tội u nữa.

Rồi nó tất tả bồng em chạy ra trước thềm đon đả chào mẹ:

– U đã về ạ! Ông lí cởi trói cho thầy con chưa, hử u? Cái nón của u làm sao bị rách tan thế ấy? Tay u làm sao lại phải buộc giẻ thế kia?
Chị Dậu không trả lời. Thơ thẩn, chị đón lấy con bé và ngồi ghé vào bên mép chõng.
Cái Tí xoa đầu cái Tỉu kể lể bằng giọng hú hí:

– Cô ả hôm nay quấy lắm u ạ! U đi khỏi nhà, cô ta cứ ra rả khóc không dứt miệng. Dỗ thế nào cô ta cũng không nín cho. Đặt ngồi xuống phản, cô ta lại níu lấy con và cố đứng lên. Con vừa lẽo đẽo cắp cô ta ở sườn, lại vừa hì hục rửa khoai, tra nồi, xin lửa dóm bếp. Củi thì ướt chảy ướt chả; lì lụi mãi vẫn không cháy cho. Thế mà con cũng luộc được chín nồi khoai rồi đấy! U bảo con có ngoan không?

Chị Dậu vẫn không nói gì. […] Cạnh chõng, nghi ngút một đám khói bay.
Cái Tí lễ mễ bưng rổ khoai luộc ghếch vào chân cột, và dặn thằng Dần:

– Hãy còn nóng lắm đấy nhé! Em đừng mó vào mà bỏng thì khốn.
Vừa nói, nó vừa tung tăng chạy đến rổ bát, lục lấy hai cái to và một đôi đũa, đem lại. Bới từ trôn rổ bới lên, nó gắp những mẩu khoai to xếp đầy hai bát. Bằng cái dáng bộ vui vẻ, nhẹ nhàng, nó đặt một bát lên chõng:
– Mời u xơi khoai đi ạ!

Rồi nhanh nhảu, nó bưng một bát, bước qua tấm phản cập kênh ngửa cổ để lên bàn thờ, và quay xuống, nó bảo thằng Dần:

– Bát này chị để phần thầy đấy nhé! Chốc nữa thầy về thầy ăn. Đứa nào ăn “vèn” của thầy thì chị không cho đi chơi với chị. […] Những sự hiếu thảo, ngoan ngoãn của hai đứa trẻ ngây thơ vô tình lộ ra từ nãy đến giờ, hình như đều là những lưỡi dao găm cắt từng khúc ruột chị Dậu. Càng nhìn chúng nó, chị càng nước mắt ngắn dài.
Ngạc nhiên, cái Tí thỏ thẻ giục mẹ:

– U ăn khoai đi, để lấy sữa cho em nó bú. Từ sáng đến giờ, u chưa ăn gì, đói quá chịu làm sao được?
Chị Dậu vẫn cứ rầu rĩ nét mặt, những giọt nước mắt rơi xuống càng mau.

Với vẻ mặt băn khoăn, cái Tí lại bưng bát khoai chìa tận mặt mẹ:
– Này u ăn đi! Để mãi! U có ăn thì con mới ăn. U không ăn con cũng không muốn ăn nữa.
Nể con, chị Dậu cầm lấy một củ, rồi chị lại đặt xuống chõng.
Vẻ nghi ngại hiện ra sắc mặt, con bé hóm hỉnh hỏi mẹ một cách thiết tha:

– Sáng ngày người ta đấm u có đau lắm không?
Chị Dậu khẽ gạt nước mắt:
– Không đau con ạ!
– Thế làm sao u cứ khóc mãi mà không ăn khoai? Hay là u thương chúng con đói quá? Không, chúng con không đói nữa đâu. Hai đứa ăn hết ngần khia củ khoai thì no mòng bụng ra rồi còn đói gì nữa. U cứ ăn đi, cứ ăn hết bát khoai ấy đi! Nếu u không ăn, lấy đâu ra sữa cho em nó bú?
Chị Dậu vừa nói vừa mếu:
– Thôi u không ăn, để phần cho con. Con chỉ được ăn ở nhà bữa này nữa thôi. U không muốn ăn tranh của con. Con cứ ăn thật no, không phải nhường nhịn cho u.
Cái Tí chưa hiểu hết ý câu nói của mẹ, nó xám mặt lại và hỏi bằng giọng luống cuống:
– Vậy thì bữa sau con ăn ở đâu?
Điểm thêm một “giây” nức nở, chị Dậu ngó con bằng cách xót xa:
– Con sẽ ăn ở nhà cụ Nghị Thôn Đoài.
Cái Tí nghe nói giãy nảy, giống như sét đánh bên tai, nó liệng củ khoai vào rổ và òa lên khóc:
– U bán con thật đấy ư? Con van u, con lạy u, con còn bé bỏng, u đừng đem bán con đi, tội nghiệp. U để cho con ở nhà chơi với em con.
Thằng Dần cũng khóc tru tréo, bỏ luôn rổ khoai đứng dậy, ngoay ngoảy lắc cái mông đít, nó nhắc lại câu nói sáng ngày:
– Em không! Nào! Em không cho bán chị Tí! Nào! Có bán thì bán cái Tỉu này này!
Chị Dậu thổn thổn, thức thức, không nói thêm được câu gì. Bộ mặt sầu thảm dần ngả xuống, đối thẳng với mặt con bé đang bú. […] Chị Dậu lại càng rũ rượi. chống tay lên trán, chị như nghĩ ngợi phân vân. Một lúc sau, chị đứng phắt dậy với cái dáng điệu quả quyết:
– Thôi, phải tội với trời, mẹ chịu! Cảnh nhà đã thế, mẹ đành dứt tình với con!
Tức thì, chị chùi nước mắt và đi làm những việc mà chị cho là đau đớn.
Cái Tỉu lại bậu bên sườn cái Tí.

Con chó cái chúi đầu vào sợi xích sắt để cho bà chủ buộc vào cột nhà.

Đàn chó con phải bắt vào trong rổ thưa, trên có cái mẹt đậy và có lạt chằng chắc chắn.

Các việc xong hết, chị lại đón lấy cái Tỉu, cho nó bú thêm lúc nữa. Sau khi đã kéo chiếc chiếu thủng rách trên phản trải xuống giữa nhà, chị đặt con nhỏ vào chiếu và sai thằng Dần ngồi đó trông em. Chị lục tất cả quần áo cái Tí và gói chung làm một gói. Rồi, một tay nâng rổ chó lên đầu, một tay cầm sợi xích định dắt luôn con chó ra cửa, sụt sịt chị bảo cái Tí:

– Con hãy đội cái mê nón cho đỡ nắng và con cắp lấy gói quần áo rồi sang bên nhà cụ Quế với u.
Chừng như lúc nãy thấy bắt cả chó lớn, chó con, cái Tí vẫn tưởng những con vật ấy sẽ đi thế mạng cho mình, cho nên nó đã vững dạ ngồi im. Bây giờ nghe mẹ giục nó phải đi, nó lại nhếch nhác, mếu khóc:

– U nhất định bán con đấy ư? U không cho con ở nhà nữa ư? Khốn nạn thân con thế này! Trời ơi!… Ngày mai con chơi với ai? Con ngủ với ai?

Chị Dậu lã chã hai hàng nước mắt:

– U van con, u lạy con, con có thương thầy thương u, thì con cứ đi với u, đừng khóc lóc nữa, đau ruột u lắm. Công u nuôi con sáu, bảy năm trời, tốn

kém bao nhiêu tiền của! Bây giờ phải đem con đi bán, u đã chết từng khúc ruột rồi đấy, con ạ. Nhưng mà tiền sưu không có, thầy con đau ốm là thế, vẫn bị người ta đánh trói, sưng cả hai tay lên kia… Nếu không bán con thì lấy thiền đâu nộp sưu? Để cho thầy con khổ sở đến nước nào nữa? Thôi, u van con, u lạy con, con có thương thầy, thương u thì con cứ đi với u!

Cái Tí vẫn khóc rưng rức. Chị Dậu cũng vừa đội rổ chó con vừa khóc nức nở, nhưng vẫn cố kiềm những lời thấm thía xót xa để khuyên con. […] Thằng Dần níu lấy áo chị và khóc rầm rĩ:

– Chị phải ở nhà với em! Em không cho chị sang nhà cụ Nghị. Nếu chị sang nhà cụ Nghị rồi thì em chơi với ai?
Cái Tí khóc hu hu. Nó cứ quấn quýt thằng Dần, không muốn rời ra. Ngoảnh lại nhìn chị Dậu, nó nói bằng giọng năn nỉ:

– Con nhớ em quá! Hay là u hãy cho con ở nhà một đêm nay nữa, để con ngủ thêm với em, để con nói chuyện với em. Sáng mai con xin đi sớm.
Chị Dậu càng tỏ ra bộ đau đớn:

– Thôi, u van con, u lạy con, con có thương thầy, thương u, thì con đi ngay bây giờ cho u. Nếu con chưa đi, cụ Nghị chưa giao tiền cho, u chưa có tiền nộp sưu thì không khéo thầy con sẽ chết ở đình, chứ không sống được. Thôi, u van con, u lạy con, con có thương thầy, thương u, thì con đi ngay bây giờ cho u.

Và chị cố kiềm cho được cái giọng ngon ngọt để dỗ thằng Dần:

– Dần buông chị ra, đi con! Dần ngoan lăm nhỉ! U van Dầu, u lạy Dần! Dần hãy để cho chị đi với u, đừng giữ chị nữa. Chị con có đi, u mới có tiền nộp sưu, thầy Dần mới được về được với Dần chứ! Sáng ngày người ta đánh tròi thầy Dần như thế, Dần có thương không. Nếu Dần không buông chị ra, chốc nữa ông lí vào đây, ông ấy trói nốt cả u, trói nốt cả Dần nữa đấy.
Thằng Dần vẫn sợ ông lí, như đứa trẻ khác sợ ông ngáo ộp, nghe nói đến tên ông ấy nó đã mất vía đi rồi. Lập tức nó rời vạt áo cái Tí và ỏn ẻn dặn mẹ:

– Em chỉ cho chị Tí đi một lúc thôi. Lấy được tiền rồi, u lại phải đem chị ấy về đây với em.
Chị Dậu buột miệng:

– Ừ…
Rồi hình như có ý hối vì mình đã nói dối trẻ con, tức thì chị lại nói chữa:

– Ừ, hễ cụ Nghị bằng lòng để cho chị con về nhà vài hôm, thì u đem nó về với con.
Cái Tí với hai hàng nước mắt ròng ròng, hôn hít các em một lượt nữa, rồi lủi thủi nó đội mê nón lên đầu và cắp gói áo vào nách.

(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)

Câu hỏi:

a) Sự chủ động tham gia cuộc thoại của chị Dậu với cái Tí phát triển ngược chiều nhau như thế nào?

b) Tác giả miêu tả diễn biến cuộc thoại như vậy có hợp với tâm lí nhân vật không? Vì sao?

c) Việc tác giả tô đậm sự hồn nhiên và hiếu thảo của cái Tí qua phần đầu cuộc thoại làm tăng kịch tính của câu chuyện như thế nào?

Trả lời:

a) Sự chủ động tham gia cuộc thoại của chị Dậu và cái Tí phát triển ngược nhau:

+ Cái Tí vồn vã, sốt sắng hỏi chuyện mẹ khi thấy mẹ về, hỏi thăm mẹ về việc bị cai lệ đánh.

+ Chị Dậu lúc đó giữ thái độ im lặng “không nói gì”, chị buồn chán khi phải bán cái Tí cho nhà Nghị Quế.

– Khi biết được việc mẹ bán mình cho nhà Nghị Quế cái Tí khóc lóc, van xin mẹ cho ở lại.

+ Chị Dậu đau thắt trong lòng như vẫn tìm lời an ủi, vỗ về để cái Tí nghe lời.

b) Tác giả miêu tả phù hợp với diễn biến tâm lý của nhân vật trong truyện. Vì ban đầu cái Tí chưa biết chuyện, nó hồn nhiên hỏi han, quan tâm mẹ, khi biết mình phải sang ở đợ nhà Nghị Quế nó kêu khóc, van xin.

Còn chị Dậu ban đầu im lặng vì nỗi đau phải bán đứa con dứt ruột đẻ ra, nhưng để cái Tí nghe lời chị phải nén nỗi đau, dỗ dành, thuyết phục con.

c) Sự hồn nhiên hiếu thảo của cái Tí qua phần đầu cuộc thoại làm tăng kịch tính của câu chuyện:

+ Những câu nói, sự quan tâm hồn nhiên của cái Tí lại khắc sâu vào lòng chị Dậu sự đau xót và bất lực.

+ Cái Tí hồn nhiên, hiếu thảo bao nhiêu thì lòng thương con, yêu con không muốn rời xa con lại tăng lên bấy nhiêu.

Giải câu 3 – Luyện tập (Trang 107 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Dựa vào những điều đã biết về truyện Bức tranh của em gái tôi (Ngữ văn 6, tập hai, tr. 30) và đoạn trích dưới đây, hãy cho biết sự im lặng của nhân vật “tôi” biểu thị điều gì.

Trong tranh, một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ […]. Mẹ hồi hộp thì thầm vào tai tôi:

– Con có nhận ra con không?

Tôi giật sững người. Chẳng hiểu sao tôi phải bám chặt lấy tay mẹ. Thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ. Dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến thế kia ư? Tôi nhìn như thôi miên vào dòng chữ đề trên bức tranh: “Anh trai tôi”. Vậy mà dưới mắt tôi thì…
– Con đã nhận ra con chưa? – Mẹ vẫn hồi hộp.
Tôi không trả lời mẹ vì tôi muốn khóc quá. Bởi vì nếu nói được với mẹ, tôi sẽ nói rằng: “Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy.”.

(Tạ Duy Anh, Bức tranh của em gái tôi).

Trả lời:

Sự “im lặng” của nhân vật tôi trong câu chuyện Bức tranh của em gái tôi ( sgk Ngữ văn 6, tập hai) biểu thị:

+ Sự ngỡ ngàng, bất ngờ của nhân vật “tôi” trong cái nhìn đầy yêu thương của người em gái đối với mình. Đây là điều thường ngày nhân vật tôi không nhận thấy

+ Sự xấu hổ vì trước đó nhân vật tôi toàn nhìn thấy điểm xấu của em gái, trong khi người em lại luôn yêu thương mình.

Giải câu 4 – Luyện tập (Trang 107 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Tục ngữ phương Tây có câu: Im lặng là vàng. Nhưng nhà thơ Tố Hữu lại viết:

Khóc là nhục. Rên , hèn. Van, yếu đuối
Và dại khờ là những lũ người câm
Trên đường đi như những bóng âm thầm
Nhận đau khổ mà gởi vào im lặng.
(Liên hiệp lại)

Theo em, mỗi nhận xét trên đúng trong những trường hợp nào?

Trả lời:

Việc im lặng hay cất tiếng nói thành lời phụ thuộc vào thời điểm hoàn cảnh của từng người.

– Nếu trong cuộc hội thoại việc nói chỉ đem lại những điều không hay, tiêu cực, dễ gây bất hòa thì lúc đó cần im lặng để giữ được tình bạn, tình đoàn kết, cần tránh to tiếng, tránh điều qua tiếng lại không cần thiết…

– Nhưng lúc cần nói sự thật, dụt dè, nhút nhát không dám dùng tiếng nói để bảo vệ sự thật thì khi đó im lặng trở thành tội lỗi.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Hội thoại (tiếp theo)

I. Lượt lời trong hội thoại

Câu 1. Trong cuộc hội thoại đó, mỗi nhân vật nói bao nhiêu lượt?

Trả lời:

Trong cuộc đối thoại đó, Hồng nói 2 lượt, bà cô nói 6 lượt.

Câu 2. Bao nhiêu lần lẽ ra Hồng được nói nhưng Hồng không nói? Sự im lặng thể hiện thái độ của Hồng đối với những lời nói của người cô như thế nào?

Trả lời:

Có ba lần lẽ ra chú bé Hồng được nói nhưng chú không nói.

– Sự im lặng của bé Hồng thể hiện sự bất bình của Hồng với người cô. Hồng không đồng ý những lời bà cô nói, cũng không muốn cãi lại nên chú bé đã chọn cách im lặng.

Câu 3. Vì sao Hồng không cắt lời người cô khi bà nói những điều Hồng không muốn nghe?

Trả lời:

Hồng không cắt lời người cô khi bà nói những điều Hồng không muốn nghe vì Hồng ý thức được rằng mình là cháu (thuộc vai dưới), không được phép vô lễ với cô của mình.

II. Luyện tập

Câu 1.Qua cách miêu tả cuộc thoại giữa các nhân vật cai lệ, người nhà lí trưởng, chị Dậu và anh Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ (Ngữ văn 8, tập một, tr. 28), em thấy tính cách của mỗi nhân vật được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

Qua cách miêu tả cuộc đối thoại giữa các nhân vật cai lệ, người nhà lí trưởng, chị Dậu và anh Dậu trong Tức nước vỡ bò của Ngô Tất Tố, ta thấy tính cách của nhân vật được thể hiện:

– Cai Lệ hống hác, luôn ra oai, cậy thế ức hiếp người:

+ Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à? Nộp tiền sưu mau!

+ Mày định nói cho cha mày nghe đấy à? Sưu của nhà nước mà mày dám mở mồm ra xin khất!

– Người nhà lí trưởng nịnh bợ cai lệ nhưng lại lên mặt với chị Dậu:

+ Anh ta lại sắp phải gió như đêm qua đấy!

+ Chị khất sưu đến chiều mai phải không?

– Chị Dậu nín nhịn, cam chịu nhưng khi cần thiết thì vùng lên mạnh mẽ:

+ Cháu van ông,.. xin ông tha cho!

+ Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!

+ Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!

– Anh Dậu yếu đuối, sợ hãi bọn thống trị:

+ U nó không được thế. Người ta đánh mình không sao chứ mình đánh người ta mình phải tù, phải tội.

Câu 2. Trả lời câu hỏi

Trả lời:

a) Sự chủ động tham gia hội thoại của chị Dậu và cái Tí ngược chiều nhau

– Khi thấy mẹ về, cái Tí vồn vã, bắt chuyện mẹ, sốt sắng hỏi chuyện mẹ về việc của bố, hỏi thăm mẹ về việc bị Cai Lệ đánh. Nhưng lúc đó trong tâm trạng buồn chán vì đã bán cái Tí và sắp phải đưa con sang nhà Nghị Quế, chị Dậu không muốn bắt chuyện với cái Tí và không nói gì với con.

– Khi biết được mình được bán sang nhà Nghị Quế, cái Tí khóc lóc, van xin mẹ cho mình ở nhà . Trong khi đó thì chị Dậu tìm hết lời này đến lời khác để an ủi, vỗ về để cái Tí nghe lời mình sang nhà Nghị Quế.

b) Việc miêu tả diễn biến cuộc thoại như vậy là phù hợ với diễn biến tâm lí của từng nhân vật trong tác phẩm.

c) Sự hồn nhiên và hiếu thảo của cái Tí qua phần đầu cuộc thoại làm tăng kịch tính của câu chuyện:

– Cái Tí càng hồn nhiên và hiếu thảo bao nhiêu thì sự đau xót trong lòng người mẹ, chị Dậu càng tăng lên bấy nhiêu.

– Cái Tí càng hồn nhiên và hiếu thảo bao nhiêu thì lòng yêu con, thương con không muốn xa con càng tăng lên bấy nhiêu.

Câu 3. Dựa vào những điều đã biết về truyện Bức tranh của em gái tôi (Ngữ văn 6, tập hai, tr. 30) và đoạn trích dưới đây, hãy cho biết sự im lặng của nhân vật “tôi” biểu thị điều gì.

Trả lời:

Sự im lặng của nhân vật “tôi” trong câu chuyện Bức tranh của em gái tôi biểu thị:

– Sự ngỡ ngàng, bất ngờ của nhân vật “tôi” trước cái nhìn đầy yêu thương của người em gái đối với mình. Đây là điều thường ngày nhân vật “tôi” không nhận ra được.

– Sự xấu hổ đến không dám nói thành lời khi thấy mình chỉ nhận ra toàn cái xấu của em gái, trong khi đó người em lại nhận ra biết bao điều tốt đẹp của mình.

Câu 4.Tục ngữ phương Tây có câu: Im lặng là vàng. Nhưng nhà thơ Tố Hữu lại viết:

Trả lời:

Khóc là nhục. Rên , hèn. Van, yếu đuối
Và dại khờ là những lũ người câm
Trên đường đi như những bóng âm thầm
Nhận đau khổ mà gởi vào im lặng.

(Liên hiệp lại)

Theo em, mỗi nhận xét trên đúng trong những trường hợp nào?

Trả lời:

Im lặng hay cất tiếng nói đều phải đúng lúc đúng chỗ, không thể mãi im lặng nhưng không phải lúc nào cũng nên nói ra. Chẳng hạn:

– Khi việc nói đem lại tiêu cực, bất lợi thì Im lặng là vàng. Im lặng lúc đó có thể giữ gìn được tình bạn, tình đoàn kết; im lặng lúc đó tránh được những việc xích mích không cần thiết.

– Nhưng nếu có lúc đáng nói mà không nói, phải nói mà không nói vì sợ hãi, hèn nhát thì chúng ta sẽ thấy “Và dại khờ là những lũ người câm”

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status