Soạn bài – Động Phong Nha

Soạn bài Động Phong Nha (Trần Hoàng) trang 144 – 149 SGK ngữ văn lớp 6 tập 2, Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Động Phong Nha (Trần Hoàng) sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ và chi tiết nhất theo sách giáo khoa.

ĐỘNG PHONG NHA

“Đệ nhất kì quan Phong Nha”(1) nằm trong một quần thể hang động thuộc khối núi đá vôi Kẻ Bàng ở miền tây Quảng Bình. Có thể tới Phong Nha rất dễ dàng bằng hai con đường: Đường thủy ngược dòng sông Gianh đến đoạn sông Gianh gặp sông Son rồi cứ theo sông Son mà vào. Đường bộ đi theo tỉnh lộ số 2 đến bến sông Son (đường dài chừng 20 cây số). Từ bến sông này đi thuyền máy độ ba mươi phút là tới cửa hang Phong Nha. Sông mang tiếng là “Son” nhưng nước lại một màu xanh thẳm và rất trong. Ngồi trên thuyền chạy ngược sông, nhìn ra hai bên bờ, ta thấy những khối núi đá vôi trùng điệp, những xóm làng, nương ngô, bãi mía nằm rải rác.

Phong Nha gồm hai bộ phận: Động khô và Động nước. Động khô ở độ cao 200m, theo các nhà địa lí học, thuở xưa vốn là một dòng sông ngầm, nay đã kiệt nước, chỉ còn những vòm đá trắng vân nhũ(2) và vô số cột đá màu xanh ngọc bích(3) óng ánh.

Trái với Động khô, Động nước hiện thời vẫn đang có một con sông dài chảy suốt ngày đêm… Sông khá sâu và nước rất trong. Hấp dẫn và được khách du lịch(4) lui tới nhiều nhất chính là Động nước.

Vào Động nước phải đi bằng thuyền và mang theo đèn đuốc, bởi càng đi sâu vào trong thì hang càng tối. Hiện nay, ở một số nơi trong hang đã mắc điện nhưng muốn đi suốt 1500m hang vẫn cần tới đuốc, đèn.

Động chính Phong Nha gồm mười bốn bưồng(5), nối với nhau bởi một hành lang dài hơn ngàn rưởi mét cùng nhiều hành lang phụ dài vài trăm mét. Ở các buồng ngoài, trần hơi thấp, chỉ cách mặt nước độ 10m. Từ buồng thứ tư trở đi vòm hang đã cao tới 25 – 40m. Đến hang thứ mười bốn, có thể theo các hành lang hẹp để đến các hang to ở phía trong sâu, nơi mới chỉ có một vài đoàn thám hiểm(6) với đầy đủ trang thiết bị(7) (máy móc, đèn, quần áo, thuốc men,…) cần thiết đặt chân tới. Tuy nhiên, hang động Phong Nha phía sâu bên trong, cùng các dòng sông ngầm dưới khối núi đá vôi Kẻ Bàng và khu rừng nguyên sinh(8) 40000ha vẫn còn cất giữ bao điều huyền bí(9) thú vị, hấp dẫn mà con người vẫn chưa biết hết.

soan bai dong phong nha sgk ngu van 6 tap 2

Đi thuyền thăm động Phong Nha, chúng ta sẽ vô cùng kinh ngạc và thích thú trước vẻ đẹp lộng lẫy, kì ảo(10) của nó. Dưới ánh sáng lung linh của đèn đuốc, các khối thạch nhũ(11) hiện lên đủ hình khối, màu sắc. Có khối hình con gà, con cóc, có khối xếp thành đốt trúc dựng đứng trên mặt nước… Lại có khối mang hình mâm xôi, cái khánh(12), hoặc hình các tiên ông đang ngồi đánh cờ, v.v… Bàn tay tài hoa của tạo hóa khéo tạo cho các khối thạch nhũ không những chỉ đẹp về đường nét mà còn rất huyền ảo về sắc màu, một sắc màu lóng lánh như kim cương(13) không bút nào lột tả hết. Đây đó, trên vách động còn rủ xuống những nhánh phong lan xanh biếc. Trong hang cũng có một số bãi cát, bãi đá để thuyền ghé lại cho khách đi thuyền dừng chân mặc sức leo trèo, luồn lách qua các bậc đá, các ngõ ngách để thăm thú đây đó, chụp ảnh, ghi hình hoặc thắp hương lên các bàn thờ do người Chăm, người Việt dựng nên thuở nào.

Đi suốt chiều dài hơn ngàn mét ở phần ngoài của động Phong Nha, du khách(14) đã có cảm giác như lạc vào một thế giới khác lạ – thế giới của tiên cảnh(15). Nơi đây vừa có nét hoang sơ, bí hiểm; lại vừa rất thanh thoát và giàu chất thơ. Một tiếng nước gõ long tong, một tiếng nói trong hang động đều có âm vang riêng, khác nào tiếng đàn, tiếng chuông nơi cảnh chùa, đất Bụt(16).

Với một vẻ đẹp đặc sắc, độc đáo riêng, động Phong Nha được xem là “Kì quan đệ nhất động” của Việt Nam. Nhà thám hiểm Hao-ớt Lim-be trưởng đoàn thám hiểm Hội địa lí Hoàng gia Anh(17) sau khi thăm động Phong Nha về đã phát biểu: “Với kinh nghiệm của mười sáu năm thám hiểm hang động ở tổ chức nghiên cứu hang động mạnh nhất của hoàng gia Anh, tôi khẳng định Phong Nha là hang động dài  nhất và đẹp nhất thế giới”. Theo báo cáo khoa học của đoàn thám hiểm Hội địa lí Hoàng gia Anh gần đây, động Phong Nha có bảy cái nhất: hang động dài nhất; cửa hang cao và rộng nhất; bãi cát, bãi đá rộng và đẹp nhất; có những hồ ngầm đẹp nhất; hang khô rộng và đẹp nhất; thạch nhũ tráng lệ và kì ảo nhất; sông ngầm dài nhất.

Động Phong Nha đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của nhiều nhà khoa học, nhà thám hiểm và khách du lịch trong và ngoài nước. Phong Nha cũng đang được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác để sớm trở thành một địa điểm du lịch, thám hiểm và nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh của đất nước.

(Trần Hoàng, Sổ tay địa danh du lịch các tỉnh Trung Trung Bộ,

NXB Giáo dục, 1998)

Chú thích:

(1) Đệ nhất kì quan Phong Nha: Phong Nha nằm trong quần thể hang động thuộc khối núi đá vôi Kẻ Bàng, nên có chỗ gọi là Phong Nha – Kẻ Bàng, thuộc địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, được xem là “Đệ nhất kì quan”, có nghĩa là cảnh đẹp nhất. Động Phong Nha lại ở gần con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn. Điều đó càng làm cho kì quan Phong Nha mang thêm nhiều giá trị và ý nghĩa.

(2) Vân nhũ: (nhũ: bầu vú, ở đây chỉ hiện tượng chất đá vôi đọng trong các hang động hình búp măng, hình bầu vú; vân: mây) chỉ những nhũ đá có hình dáng trông như mây.

(3) Ngọc bích: ngọc quý có màu xanh biếc.

(4) Du lịch: đi xa cho biết nơi khác nơi mình ở (du: đi chơi; lịch: trải qua). Hiện nay du lịch đã trở thành ngành kinh doanh ở nước ta và trên thế giới. Khách du lịch: người đi du lịch.

(5) Buồng: ở đây chính là hang, tức khoảng trống trong các núi có hang động, xung quanh có vách ngăn như tường.

(6) Thám hiểm: đi vào những vùng xa lạ, ít ai đặt chân tới để xem xét, khảo sát (thám: thăm dò).

(7) Trang thiết bị: trang bị và thiết bị, những thứ (máy móc, dụng cụ, phụ tùng) cần thiết cho một hoạt động nào đó.

(8) Nguyên sinh: trạng thái sống ở thời gian đầu tiên. Rừng nguyên sinh: rừng chưa từng bị khai thác, còn giữ được cây cối thuở ban đầu; ví dụ: rừng quốc gia Cúc Phương ở Ninh Bình.

(9) Huyền bí: bí ẩn, mầu nhiệm đến không thể hiểu nổi.

(10) Kì ảo: (kì: lạ; ảo: chỗ kín, sâu kín) ở đây có nghĩa là vẻ đẹp kì lạ đến mức như chỉ có trong trí tưởng tượng.

(11) Thạch nhũ: nhũ đá (xem thêm chú thích 2).

(12) Khánh: nhạc khí gõ làm bằng phiến đá.

(13) Kim cương: loại khoáng chất rắn, cấu tạo từ các bon nguyên chất kết tinh, làm hàng mĩ nghệ quý; ở đây chỉ vẻ đẹp của thạch nhũ.

(14) Du khách: khách du lịch.

(15) Tiên cảnh: cảnh tượng nơi các vị tiên ở.

(16) Bụt: gọi tắt từ Bút-đa (Buddha), tên đức Phật.

(17) Hội địa lí Hoàng gia Anh: một hội trong tổ chức Hội đồng khoa học của Hoàng gia Anh (nước Anh vẫn còn theo chế độ quân chủ lập hiến do một nữ hoàng đứng đầu).

Hướng dẫn soạn bài Động Phong Nha chi tiết và giải bài tập SGK

I. Đọc – hiểu văn bản

Giải câu 1 (Trang 148 SGK ngữ văn 6 tập 2)

Đọc kĩ bài văn và phần Chú thích, từ đó cố gắng hình dung ra vẻ đẹp kì ảo của động Phong Nha, nơi được coi là “Đệ nhất kì quan”.

Trả lời:

Đọc văn bản ta biết được con đường đến Động Phong Nha. Hai bộ phận chính của động là Động khô và Động nước. Động khô là một dòng sông đã cạn kiệt nước chỉ còn những vòm đá trắng vân nhũ, vô số cột đá màu xanh ngọc bích óng ánh. Động nước là một con sông ngầm. Động chính gồm 14 buồng. Ngoài ra Động  Phong Nha có đủ hình khối (khối hình gà, con cóc, mâm xôi…) và có những âm thanh khác lạ (tiếng nước gõ long tong, tiếng nói trong hang động đều có âm vang riêng…).

Giải câu 2 (Trang 148 SGK ngữ văn 6 tập 2)

Bài văn có thể chia ra làm mấy đoạn (hai hay ba)? Nếu là hai thì cách chia và nội dung cụ thể của từng đoạn là gì? Nếu là ba thì cách chia và nội dung cụ thể của từng đoạn là gì?

Trả lời:

* Bài văn có thể chia thành 2 hoặc 3 đoạn.

* Chia 2 đoạn:

– Đoạn 1: Từ đầu đến “đất Bụt”: Vị trí địa lí và giới thiệu lối vào của Động Phong Nha.

– Đoạn 2: Còn lại: Khẳng định giá trị của Động Phong Nha, nêu những tiềm năng của Động Phong Nha trong việc khai thác du lịch, thám hiểm và nghiên cứu khoa học.

* Chia 3 đoạn:

– Đoạn 1 (Từ đầu đến những xóm làng, nương ngô, bãi mía nằm rải rác: Giới thiệu vị trí địa lí và lối vào động Phong Nha.

– Đoạn 2 ( Từ Phong Nha gồm hai bộ phận đến tiếng chuông nơi cảnh chùa): Miêu tả cảnh trong động Phong Nha.

– Đoạn 3 (còn lại): Giá trị của động Phong Nha trong việc khai thác du lịch, thám hiểm, nghiên cứu.

Giải câu 3 (Trang 148 SGK ngữ văn 6 tập 2)

Cảnh sắc của động Phong Nha đã được tác giả miêu tả theo trình tự nào? Vẻ đẹp của Động khô và Động nước đã được miêu tả bằng những chi tiết nào? (Để trả lời câu hỏi này, em hãy liệt kê đầy đủ các chi tiết được miêu tả, các từ ngữ được dùng để nói về vẻ đẹp của động Phong Nha).

Trả lời:

Cảnh động Phong Nha được miêu tả theo trình tự từ gần tới xa, từ khái quát tới cụ thể, từ cụ thể tới khái quát:

+ Từ vị trí tới hai con đường vào động gặp nhau ở bến sông Son.

+ Giới thiệu cấu tạo của động.

a) Vẻ đẹp của Động khô được miêu tả bằng các chi tiết miêu tả.

+ Độ cao 200m

+ Nguồn gốc: trước kia là dòng sông ngầm.

+ Hiện tại: những vòm đá trắng vân nhũ và vô số cột đá màu xanh ngọc bích óng ánh.

+ Các từ ngữ: màu xanh ngọc bích óng ánh, đẹp lộng lấy, kì ảo, sắc màu lóng lánh như kim cương…

→ Vẻ đẹp độc đáo, kì ảo của động Phong Nha.

b) Vẻ đẹp của Động Nước được miêu tả bằng các chi tiết:

+ Có một con sông ngầm chảy suốt ngày đêm dưới núi đá vôi nối với Kẻ Bàng với rừng nguyên sinh.

+ Miêu tả tỉ mỉ cấu tạo của Động Nước: gồm 14 buồng thông nhau, buồng ngoài cách mặt nước 10 m, từ buồng thứ tư hang cao 25- 40m.

– Các khối đá nhiều hình khối, màu sắc:

+ Có khối hình con gà, con cóc, đốt trúc, mâm xôi, cái khánh, ông tiên…

– Cảnh sắc trong động còn được tô điểm thêm bằng những nhánh phong lan xanh biếc.

– Vẻ đẹp của động: hoang sơ, kì bí, thanh thoát, nên thơ.

– Hệ thống các từ ngữ có giá trị gợi hình, gợi cảm:

+ Sử dụng tính từ diễn tả vẻ đẹp: lộng lẫy, kì ảo, hoang sơ, bí hiểm, thanh thoát, giàu chất thơ.

+ Cụm tính từ, cụm danh từ: huyền ảo về màu sắc, lóng lánh như kim cương, thế giới khác lạ, thế giới của tiên cảnh.

Giải câu 4 (Trang 148 SGK ngữ văn 6 tập 2)

Hãy đọc lại lời phát biểu của ông trưởng đoàn thám hiểm Hội địa lí Hoàng gia Anh và trả lời các câu hỏi sau:

a) Nhà thám hiểm đó nhận xét và đánh giá động Phong Nha như thế nào?

b) Em có cảm nghĩ gì trước lời đánh giá đó?

Trả lời:

a) Theo lời phát biểu của nhà thám hiểm Hội địa lý Hoàng gia:

Động Phong Nha là hang động dài nhất và đẹp nhất thế giới, bao gồm bảy cái nhất:

+ Hang động dài nhất.

+ Bãi cát, bãi đá rộng và đẹp nhất.

+ Có những hồ ngầm đẹp nhất.

+ Hang động khô rộng và đẹp nhất.

+ Thạch nhũ tráng lệ và kỉ ảo nhất.

+ Sông ngầm dài nhất.

b) Lời đánh giá nhận định đúng về vẻ đẹp của Động Phong Nha, điều đó nhắc chúng ta có trách nhiệm bảo tồn, đầu tư, tôn tạo, khai thác tiềm năng của động Phong Nha một cách hiệu quả và hợp lí.

Giải câu 5 (Trang 148 SGK ngữ văn 6 tập 2)

Động Phong Nha đã và đang mở ra những triển vọng gì? (Đặc biệt là về phương diện kinh tế du lịch).

Trả lời:

– Động Phong Nha mở ra những triển vọng về khai thác kinh tế du lịch, thám hiểm, nghiên cứu khoa học.

– Muốn phát triển được giá trị của động cần phải có thái độ tích cực trong đầu tư, bảo vệ và giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan.

II. Luyện tập

Sau khi đọc bài văn, giả dụ được làm người hướng dẫn khách du lịch đi tham quan động Phong Nha, em sẽ giới thiệu như thế nào về “Đệ nhất kì quan” này?

Trả lời:

Giả sử được làm người hướng dẫn khách du lịch đi tham quan động Phong Nha, khi giới thiệu về “Đệ nhất kì quan” này, em cần chú ý:

– Em sẽ chọn giới thiệu những gì? (đặc điểm khái quát của cả khu quần thể, cách thức, phương tiện sử dụng cho chuyến tham quan, …)

– Em sẽ lựa chọn thứ tự giới thiệu ra sao? (giới thiệu tổng thể trước chuyến đi của khách du lịch để họ có điều kiện tự khám phá hoặc giới thiệu từng địa điểm nếu được đi theo cùng đoàn khách tham quan).

– Em sẽ chuẩn bị như thế nào về ngôn ngữ (cách xưng hô, các từ ngữ sử dụng khi thuyết minh,…).

Gợi ý:

– Sẽ chọn giới thiệu đặc điểm khái quát của cả quần thể, phương tiện cho chuyến tham quan.

– Em sẽ giới thiệu Động Phong Nha bao gồm: Động nước, Động khô và động chính.

– Chú ý những điểm nổi bật của mỗi động.

– Phong Nha không chỉ là danh lam thắng cảnh đẹp và tráng lệ nhất nước mà còn vào loại nhất trên thế giới.

– Kể ra 7 cái nhất mà nhà thám hiểm đã nói.

Tham khảo bài soạn Động Phong Nha (Trần Hoàng) theo cách khác

I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

Câu 1. Đọc kĩ bài văn và phần Chú thích, từ đó cố gắng hình dung ra vẻ đẹp kì ảo của động Phong Nha, nơi được coi là “Đệ nhất kì quan”.

Trả lời:

Đọc văn bản ta biết được con đường đến Động Phong Nha. Hai bộ phận chính của động là Động khô và Động nước.

– Động khô: vòm đá trắng vân nhũ…

– Động nước: con sông ngầm

– Động chính: đủ màu sắc và âm thanh.

Câu 2. Bài văn có thể chia ra làm mấy đoạn (hai hay ba)? Nếu là hai thì cách chia và nội dung cụ thể của từng đoạn là gì? Nếu là ba thì cách chia và nội dung cụ thể của từng đoạn là gì?

Trả lời:

Cách chia 1: Chia làm hai đoạn.

– Đoạn 1: Từ đầu đến “nơi cảnh chùa, đất Bụt“: Giới thiệu Động Phong Nha.

– Đoạn 2: Phần còn lại: Xác định giá trị của Động Phong Nha, sức thu hút của động đối với khách tham quan và việc đầu tư khai thác để sớm biến động thành một địa điểm du lịch, thám hiểm, nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh.

Cách chia 2: Chia làm ba đoạn.

– Đoạn 1: Từ đầu đến “bãi mía nằm rải rác”: Giới thiệu vị trí địa lí và hai đường (thuỷ bộ) vào Động Phong Nha.

– Đoạn 2: Từ “Phong Nha gồm hai bộ phận” đến “nơi cảnh chùa, đất Bụt”: Cảnh tượng Động Phong Nha.

– Đoạn 3: Phần còn lại: Xác định giá trị của Động Phong Nha, sức thu hút cùa động đối với khách tham quan, và việc đầu tư khai thác để sớm biến động thành một địa điểm du lịch, thám hiểm, nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh.

Câu 3. Cảnh sắc của động Phong Nha đã được tác giả miêu tả theo trình tự nào? Vẻ đẹp của Động khô và Động nước đã được miêu tả bằng những chi tiết nào? (Để trả lời câu hỏi này, em hãy liệt kê đầy đủ các chi tiết được miêu tả, các từ ngữ được dùng để nói về vẻ đẹp của động Phong Nha)

Trả lời:

Trình tự miêu tả của người viết – tuân theo trật tự không gian, từ khái quát đến đến cụ thể, từ ngoài vào trong:

– Giới thiệu vị trí của quần thể Động Phong Nha

– Hai đường thuỷ, bộ vào động cùng gặp nhau ở bến sông Son

– Hai bộ phận chính của hang: Động khô và Động nước

– Động chính với 14 buồng nối đuôi nhau bởi một hành lang chính và nhiều hành lang phụ.

– Vào sâu nữa là các dòng sông ngầm dưới khối núi đá vôi và khu rừng nguyên sinh.

– Đặc tả vẻ đẹp lộng lẫy, kì ảo của Động Phong Nha.

Vẻ đẹp của Động khô và Động nước:

– Động khô ở độ cao 200 m, có vòm đá trắng vân nhũ và vô số cột đá màu xanh ngọc bích óng ánh.

– Động nước: có một con sông dài chảy suốt ngày đêm. Sông khá sâu và nước rất trong.

– Động Phong Nha mang vẻ dẹp lộng lẫy, kì ảo, hiếm có. Từ các khối thạch nho hiộn lên đủ hình khối (có khối hình gà, con cóc, có khối mang hình mâm xôi; có khối là hình các tiên ông đang ngồi đánh cờ) và huyền ảo về sắc màu lóng lánh như kim cương không bút nào lột tả hểt cho đến những âm thanh nơi đây cũng khác lạ: một tiếng nước gõ long tong, một tiếng nói trong hang động đều có âm vang riêng, khác nào tiếng đàn, tiếng chuông nơi cảnh chùa, đất Bụt. Và đây đó, trên vách động còn rủ xuống những nhánh phong lan xanh biếc. Du khách như lạc vào một thế giới khác lạ – thế giới của tiên cảnh: vừa có nét hoang sơ, bí hiểm; lại vừa rất thanh thoát và giàu chất thơ. Thật đúng là “ kì quan đệ nhất động ” của Việt Nam.

Câu 4. Hãy đọc lại lời phát biểu của ông trưởng đoàn thám hiểm Hội địa lí Hoàng gia Anh và trả lời các câu hỏi sau:

a) Nhà thám hiểm đó nhận xét và đánh giá động Phong Nha như thế nào?

b) Em có cảm nghĩ gì trước lời đánh giá đó?

Trả lời:

a) Ông trưởng đoàn khẳng định Phong Nha là một hang động dài nhất và đẹp nhất thế giới. Điều khẳng định của ông đã được báo cáo khoa học của đoàn thám hiểm ẩn tích rõ trong bảy cái nhất của Động Phong Nha. Thật là kì diệu và cũng thật tự do. Phong Nha không chỉ là danh lam thắng cảnh đẹp và tráng lệ nhất nước ta mà còn vào loại nhất trên thế giới.

b) Là người Việt Nam chúng ta tự hào vì có nhưng thắng cảnh như Động Phong Nha.

Câu 5. Động Phong Nha đã và đang mở ra những triển vọng gì? (Đặc biệt là về phương diện kinh tế du lịch).

Trả lời:

Động Phong Nha đã và đang trở thành một địa điểm du lịch, thám hiểm và ghiên cứu khoa học thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà thám hiểm là khách du lịch trong, ngoài nước.

Phong Nha có một tương lai đầy hứa hẹn về nhiều mặt: khoa học, kinh tế và văn hoá.

II. LUYỆN TẬP

Sau khi đọc bài văn, giả dụ được làm người hướng dẫn khách du lịch đi tham quan động Phong Nha, em sẽ giới thiệu như thế nào về “Đệ nhất kì quan” này?

Trả lời:

– Sẽ chọn giới thiệu: đặc điểm khái quát của cả khu quần thể, cách thức, phương tiện sử dụng cho chuyến tham quan, đặc điểm từng bộ phận của động, động trong con mắt của các nhà khoa học, của khách tham quan trong và ngoài nước,…

– Thứ tự giới thiệu: tổng thể trước chuyến đi của khách du lịch để họ có điều kiện tự khám phá hoặc giới thiệu từng địa điểm nếu được đi theo cùng đoàn khách tham quan.

Chuẩn bị ngôn ngữ: chuẩn xác, cách xưng hô, các từ ngữ sử dụng khi thuyết minh,…

Bài văn mẫu tham khảo:

Kính chào các quý vị du khách!

Rất hân hạnh được chào đón quý khách đến tham quan động Phong Nha!

Sau một hành trình vất vả, tôi tin rằng quý khách sẽ được đền đáp bằng những điều bất ngờ và lí thú ngoài sức tưởng tượng khi tham quan động Phong Nha, một hang động được mệnh danh là Đệ nhất kì quan.

Động Phong Nha nằm trong một quần thể hang động thuộc dãy núi đá vôi Kẻ Bàng ở phía Tây tỉnh Quảng Bình. Chúng ta có thể dễ dàng đến Phong Nha bằng hai con đường: đường thuỷ và đường bộ. Đường thuỷ ngược dòng sông Gianh, đến đoạn sông Gianh gặp sông Son thì cứ theo sông Son mà vào. Đường bộ theo tỉnh lộ số 2 đến bến sông Son, dài chừng 20 cây số. Từ bến sông này đi thuyền máy độ ba mươi phút là tới Phong Nha. Đoàn tham quan của chúng ta vừa đi theo đường bộ.

Thưa quý khách!

Hiện giờ, chúng ta đang đứng trước cửa động. Phong Nha gồm hai bộ phận: Động khô và Động nước. Động khô ở độ cao 200m. Theo các nhà địa lí học thì chỗ này thuở xưa vốn là một dòng sông ngầm chảy qua dãy núi đá vôi, nay đã kiệt nước. Nước biển cùng với gió và thời tiết trải mấy ngàn năm đã bào mòn núi thành hang động. Trong hang là những vòm đá trắng nổi vân như mây và vô số cột đá màu xanh ngọc bích óng ánh.

Trước mắt chúng ta là động chính của Phong Nha gồm mười bốn buồng, tức mười bốn hang nối với nhau bằng một hành lang đá dài hơn ngàn rưởi mét. Độ cao của hang từ ngoài vào trong khá chênh lệch, ở những buồng ngoài, vòm hang chỉ cách mặt nước chừng 10 mét nhưng từ buồng thứ tư trở đi thì vòm hang cao tới 25 – 40 mét. Càng vào sâu, hang càng lớn. Chỉ mới có một vài đoàn thám hiểm đặt chân tới đó với đầy đủ trang thiết bị hiện đại.

Hấp dẫn du khách nhiều nhất vẫn là Động nước. Trái với Động khô, Động nước hiện thời vẫn đang có một con sông dài chảy suốt ngày đêm. Sông khá sâu và nước rất trong.

Thú vị tuyệt vời là lúc thuyền nhẹ lướt trên sông, đưa du khách thưởng ngoạn khung cảnh hữu tình non xanh nước biếc ngay trong lòng động. Gió từ biển Đông thổi vào hoà quyện với hơi lạnh từ các dãy núi đá thoang thoảng mùihương của hoa phong lan và các loại hoa rừng đang nở rộ khiến không khí trong lành, dễ chịu vô cùng.

Vì trong hang khá tối nên xin quý vị nào có đèn pin hãy bật lên để chúng ta có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp kì lạ có một không hai của động Phong Nha.

Du khách bước vào cửa động sẽ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp huyền ảo, đa dạng của động. Vách động cao và thẳng đứng được bao bọc bởi những nhũ đá. Dưới ánh sáng lung linh của đèn đuốc, các khối thạch nhũ hiện lên đủ mọi hình khối và màu sắc lộng lẫy. Có khối hình con gà, con cóc, có khối xếp thành hình đốt trúc dựng đứng trên mặt nước… Lại có khối hình mâm xôi, hình cái khánh hoặc hình các tiên ông đang ngồi đánh cờ, tiên nữ đang múa hát… Bàn tay tài hoa của Tạo hoá đã khéo tạo cho các khối thạch nhũ không chỉ đẹp về đường nét mà còn huyền ảo về sắc màu, một sắc màu lóng lánh như kim cương khống bút nào tả xiết… Cửa động nhỏ hẹp được giấu kín trong lòng núi nhưng càng vào sâu càng mở rộng khiến cho người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Dọc theo sông có nhiều bãi cát, bãi đá để cho khách đi thuyền tạm dừng chân. Những con thuyền nhỏ soi mình trên mặt nước trong xanh giống như những dấu lặng làm cho bản tình ca của thiên nhiên ngân thêm những cung bậc trữ tình bâng khuâng, xao xuyến.

Chúng ta hãy men theo các ngõ ngách trong hang để thăm thú đó đây, chụp ảnh kỉ niệm hoặc thắp hương trên những bàn thờ của người Chăm, người Việt dựng nên từ thuở xưa. Bàn tay điêu khắc kì diệu của thiên nhiên đã làm cho cảnh đẹp Phong Nha phong phú và đa dạng. Khung cảnh ở đây vừa hoang sơ, bí hiểm lại vừa thanh thoát và giàu chất thơ. Quý vị sẽ thấy khung cảnh hiện ra trước mắt không phải là khung cảnh thường thấy ở ngoài đời mà là cảnh thần tiên chỉ có trong thế giới thần thoại hay cổ tích.

Thưa quý khách!

Phong Nha chỉ mới đưa vào khai thác Động nướcvà Động khô, hai trong quần thể 300 hang động, vậy mà danh thắng này đã hấp dẫn rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Nếu khu động Phong Nha bí hiểm làm kinh ngạc người xem và là đề tài nghiên cứu lâu dài của các nhà khảo cổ, địa chất học thì khu rừng nguyên sinh 40. 000 ha với hàng ngàn loài động, thực vật trên rừng, dưới biển là một thế giới vẫn còn cất giữ bao điều huyền bí thú vị, hấp dẫn mà con người chưa biết hết.

Đây chỉ là một phần nhỏ trong khu vườn quốc gia rộng gần 100. 000 ha nằm giữa hoang mạc đá vôi hình thành cách nay hơn 300 triệu năm, chạy dài từ đất Việt qua tận đất Lào, được coi là lớn nhất thế giới.

Trong tương lai gần, khi các tuyến du lịch mở rộng phạm vi ra hết các hang động ở đây thì quy mô khu du lịch này chẳng kém gì vịnh Hạ Long, nơi được đánh giá là kì quan thiên nhiên của thế giới.

Theo kết quả khảo sát của các nhà thám hiểm hang động Hội Địa lí hoàng gia Anh thì hang Vòm còn kì vĩ hơn động Phong Nha và chiều sâu hang này lên đến 28 km! Nếu du khách ngồi thuyền ngược sông Chày lên phía Tây, dọc hai bên bờ sông là những hang động trổ cửa ra bờ sông mà ngắm cảnh trí ngoài hang thì thật quyến rũ chẳng kém Phong Nha. Với màu nước sông xanh đến mê hồn, hai bên vách đá dựng đứng sừng sững cao tới hàng trăm mét sẽ tạo cho khách cái cảm giác mạo hiểm rờn rợn không thể nào quên.

Đi ngược sông Chày còn gặp một vùng nước lạ sau thác Trộ Mợng, nơi dòng chảy của sông gặp núi đá vôi lặn xuống thành sông ngầm, rồi lại hiện lên sau núi đá. Tại vùng nước này, nhân dân địa phương đã phát hiện ra một loài cá chép lạ đặt tên là cá Quảng Bình.

Còn trên những vách đá dựng đứng cheo leo là những bầy voọc chuyền thoăn thoắt qua cành cây. Từ động Phong Nha băng qua vách núi dựng ấy (nếu đi tour mạo hiểm) hoặc chạy xe trên đường 20, du khách sẽ gặp một thung lũng rộng hàng trăm hecta, có tên Sinh Tồn. Đó là một đồng cỏ bằng phẳng giữa bốn bề núi dựng mà vây quanh nó là những cánh rừng nguyên sinh với những thân cổ thụ vút thẳng, dưới tán rừng là thảm lá khô dày, hoàn toàn không có cây bụi hay dây leo.

Sắp tới, nhà nước sẽ đầu tư cho khu du lịch sinh thái tại đây với tổng kinh phí lên đến hàng trăm tỉ đồng. Một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã sẽ được xây dựng và những loài chim thú quý hiếm sau khi được cứu sẽ thả trở lại rừng. Du khách có thể quan sát chúng từ những chòi cao. Các công trình như khách sạn, sân golf… đang được tập trung xây dựng ở vùng đệm của vườn quốc gia.

Phong Nha – Kẻ Bàng có một hệ động thực vật phong phú vào bậc nhất trong các vườn quốc gia tại Việt Nam (26/67 loài thú ở đây được ghi vào sách đỏ). Ngoài ra, Phong Nha – Kẻ Bàng còn có những địa danh gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mĩ như bến phà Xuân Sơn, sân bay Khe Cát, hang “Tám Cô”… cùng những cổ tự Chăm bí ẩn trong các lòng hang động hay huyền thoại về kho báu của vua Hàm Nghi thời cần Vương chống thực dân Pháp.

Khu du lịch Phong Nha hiện nay đã có hệ thống dịch vụ khá chu đáo như khách sạn, cửa hàng bán đồ lưu niệm, phòng hướng dẫn… Sau một ngày thăm thú hang động, du khách sẽ về Đồng Hới nghỉ đêm.

Nếu tham gia tour du lịch dài ngày thì quý khách sẽ kết hợp du lịch hang động, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm và tìm hiểu văn hoá của các dân tộc thiểu số… Phong cảnh sơn thuỷ hữu tình sẽ níu chân du khách trong những đêm ở vùng sơn cước này.

Du khách nghỉ đêm trên con thuyền đôi chắc chắn, rộng rãi đủ chỗ cho khoảng dăm bảy chục người. Con thuyền có thể thả trôi theo sông Son để nghe những làn điệu dân ca rẻo cao hay xem các nghệ nhân làng tuồng Khương Hà (một gánh tuồng nổi tiếng của Quảng Bình) biểu diễn. Trên thuyền có đủ rượu cần với cá sông Son. Đây là những món ăn du khách sẽ nhớ đời. Du khách vừa uống rượu vừa ngắm trăng thượng huyền đổ bóng trên sông Son và nghe bài Sơn nữ ca loang trên khói sóng: Một đêm trong rừng vắng, ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng…

Sau khi tham quan Phong Nha, nhà thám hiểm Hao-ớt Lim-be, trưởng đoàn thám hiểm Hội địa lí Hoàng gia Anh đã phát biểu: Với kinh nghiệm của mười sáu năm thám hiểm hang động ở tổ chức nghiên cứu hang động mạnh nhất của Hoàng gia Anh, tôi khẳng định Phong Nha là hang động dài nhất và đẹp nhất thế giới. Trong báo cáo khoa học của đoàn thám hiểm nói trên, động Phong Nha có bảy cái nhất: hang động dài nhất; cửa hang cao và rộng nhất; bãi cát, bãi đá rộng và đẹp nhất; có những hồ ngầm đẹp nhất; hang khô rộng và đẹp nhất; thạch nhũ tráng lệ và kì ảo nhất; sông ngầm dài nhất.

Kính thưa quý khách!

Chúng ta đã được nhìn thấy tận mắt vẻ đẹp kì thú của động Phong Nha. Động Phong Nha chỉ là một trong nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước Việt Nam. Tôi tin rằng những chuyến du lịch bổ ích như thế này sẽ phần nào giúp cho quý khách hiểu thêm về cội nguồn của lòng yêu nước thiết tha, mãnh liệt của dân tộc Việt Nam.

Chúng tôi vô cùng tự hào về giang sơn gấm vóc của mình và mong ước rằng cả nhân loại sẽ sống vui vẻ, hoà bình trong môi trường thiên nhiên tuyệt đẹp mà tạo hoá đã hào phóng ban tặng cho loài người.

Xin cảm ơn quý khách đã lắng nghe! Xin chào và hẹn gặp lại!

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status