X

Soạn bài – Đọc thêm: Vi Hành

Soạn bài Đọc thêm: Vi Hành trang 168 – 171 SGK ngữ văn lớp 11 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Đọc thêm: Vi Hành, sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

Đọc Thêm: “VI HÀNH”

(Trích Những bức thư gửi cô em họ do tác giả tự dịch từ tiếng An Nam)

Nguyễn Ái Quốc

TIỂU DẪN

Năm 1922, thực dân Pháp đưa vua bù nhìn Khải Định sang Pháp để dự cuộc đấu xảo (hội chợ) thuộc địa ở Mác–xây. Mục đích của chúng là để lừa gạt nhân dân Pháp, làm cho họ tưởng rằng vị quốc vương An Nam đã hoàn toàn quy phục “mẫu quốc”, sang Pháp để cảm tạ công ơn “bảo hộ” và “khai hoá” của “mẫu quốc”. Qua sự có mặt và thái độ hèn hạ của Khải Định, chúng những muốn làm cho nhân dân Pháp tin rằng tình hình Đông Dương đã ổn định, cần phải đầu tư thêm vào Đông Dương để khai thác về kinh tế, đồng thời tiếp tục đem văn minh đến “khai hoá” cho dân bản xứ còn mông muội này.

Nguyễn Ái Quốc viết “Vi hành” vào đầu năm 1923 để cùng với các tác phẩm khác như vở kịch Con rồng tre, truyện ngắn Lời than vãn của bà Trưng Trắc,… lật tẩy âm mưu nói trên của bọn cướp nước tác giả đã vạch trần bản chất bù nhìn, tay sai của Khải Định, đồng thời cũng phơi bày tính chất điêu trá bịp bợm của những cái gọi là “văn minh”, “khai hoá” của chủ nghĩa thực dân Pháp. Tác phẩm được viết bằng tiếng Pháp, đăng trên báo Nhân đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp, số ra ngày 19 – 2 – 1923. Bản dịch dưới đây là của Phạm Huy Thông, in trong tập Truyện và kí của Nguyễn ái Quốc (NXB Văn học, Hà Nội, 1974).

VĂN BẢN

– Hắn đấy!

– Đâu phải!

– Đúng mà! Anh đã bảo là chính hắn đấy.

– Chắc thật à? Em thì em đã thấy hắn ở trường đua, trông hắn có vẻ nhút nhát hơn, lúng ta lúng túng hơn cơ, có cả cái chụp đèn chụp lên cái đầu quấn khăn, các ngón tay thì đeo đầy những nhẫn.

– Thế hay là hắn đã đem tất cả các thứ đó đến tiệm cầm đồ rồi? Nhưng mà nhìn kĩ xem kìa! Chẳng phải vẫn cái mũi tẹt ấy, vẫn đôi mắt xếch ấy, vẫn cái mặt bằng như vỏ chanh ấy đấy à?

– Ừ nhỉ. Thì cũng có thể là anh đúng. Nhưng hắn đến đây làm gì nhỉ, trong đường xe điện ngầm này, và tụi các ông quan bà kiếc đi theo thì đâu cả?

– Có khi đã gửi tất ở kho hành lí nhà ga để đi chơi vi hành đấy.

Đấy cô em họ thân mến của tôi! Tôi đã thuật lại y nguyên câu chuyện giữa một đôi bạn trẻ ngồi cùng toa xe với tôi. Họ ngấu nghiến trông tôi với cặp mắt ma mãnh, tò mò, nhưng lại ra bộ không nhìn tôi gì cả.

Cuộc đối thoại tiếp diễn như sau:

– Thế em nghĩ thế nào về người khách của chúng ta?– Người con trai hỏi, ngỡ tôi là một đấng hoàng thượng và tưởng rằng tôi không hiểu họ nói gì với nhau.

– Hắn còn làm mình bật cười hơn nữa cơ lúc hắn đeo lên người hắn đủ cả bộ lụa là, đủ cả bộ hạt cườm. – Người bạn gái anh ta trả lời.

– Hạt châu báu đấy chứ! Em thích có chỗ châu báu ấy quá đi, chứ còn gì!

– Em mà có ấy à, thì em cố tình đánh mất đi, để được báo chí nói đến, và thế là được trở thành một ngôi sao. Thế còn anh, anh nghĩ gì về người dân bảo hộ của chúng ta nào?

– Ích cho chúng ta lắm đấy. Cái lò ở Găng–be đã bán rồi. Cái rương của Hê–ra Miếc–ten cũng đã thanh toán rồi. Vụ án người bị chặt ra từng khúc thì không thu hút được công chúng lắm vì không thuộc giới thượng lưu. Và thế là cái kho giải trí của chúng ta sắp cạn ráo như B.Đ.D vậy. Nhật báo chẳng còn cái gì để bôi bác lên giấy cả. Đúng lúc đó thì…

– Đổi xe ở đây chứ, anh yêu ơi?

– Không, ga sau. Đúng lúc đó thì có một anh vua đến với chúng ta.

– Em thì em thích Sác–lô hơn. Với lại, vua, thì tốn lắm.

– Đâu có! Thế em còn nhớ buổi dạ hội thuộc địa ở Nhà hát Ca vũ đấy chứ? Phải trả những nghìn rưởi phơ–răng để xem vợ lẽ nàng hầu vua Cao Miên, xem tụi làm trò leo trèo nhào lộn của sư thánh xứ Công–gô; hôm nay thì chúng mình có mất tí tiền nào đâu mà được xem vua đang ngay cạnh? Nghe nói ông bầu Nhà hát Múa rối có định kí giao kèo thuê đấy…

Tàu đỗ, cặp trai gái bước xuống, mắt cứ liếc nhìn trộm tôi, và tôi thì buồn cười quá bỗng đâm ra nghĩ, và nghĩ đến cô. Tôi như còn trông thấy cái ngày mà cô với tôi đôi chúng ta, như đôi chim ấy thôi, đậu vắt vẻo trên đầu gối ông bác thân yêu, nghe bác kể chuyện cổ tích. Tôi nhớ chuyện vua Thuấn, vì muốn đích thân tai nghe mắt thấy dân có bàng lòng mình không, nên cải trang làm dân cày đi dò la khắp xứ. Lại nhớ chuyện vua Pi–e nước Nga đi làm thợ và đến làm việc ở các công trường nước Anh. Bên những bậc cải trang vĩ đại ấy muốn đi sâu vào cuộc sống của nhân dân, ngày nay còn có những ông hoàng, ông chúa, để tiện việc riêng và vì những lí do không cao thượng bằng, cũng “vi hành” đấy.

Tôi không được rõ ý đồ nhà “vi hành” của chúng ta ra sao. Phải chăng là ngài muốn biết dân Pháp, dưới quyền ngự trị của bạn ngài là A–lếch–xăng Đệ nhất, có được sung sướng, có được uống nhiều rượu và được hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam, dưới quyền ngự trị của ngài, hay không? Phải chăng ngài muốn học sử dụng (theo kiểu Pháp) cái liềm của nhà nông cùng cái búa của thầy thợ để sau cuộc ngao du, đem về chút ấm no mà đám “ dân” bất hạnh của ngài tới nay hoàn toàn chàng biết đến? Hay là, chán cảnh làm một ông vua to, giờ ngài lại muốn nếm thử cuộc đời của các cậu công tử bé?

Thế nào thì thế, ít lâu nay tôi đã trở thành một đấng hoàng thượng bất đắc dĩ. Bất cứ tôi đi đâu, là có người nhìn tôi, ganh tị tôi, mỉm cười với tôi, tán tụng tôi, đi theo tôi.

Cô em thân mến, hẳn cô bảo tôi rằng thế là cái bánh xe vô lượng nó đã quay rồi đấy. Đến nay, tất cả những ai ở Đông Dương có màu da trắng đều là những bậc khai hoá, thì bây giờ đến lượt tất cả những ai có màu da vàng đều trở thành hoàng đế ở Pháp.

Cô không thể tưởng tượng được cảnh đón tiếp tốt đẹp người ta dành cho chúng tôi ở đây. Quần chúng cứ là tự phát mà biểu lộ nhiệt tình khi vừa thoáng thấy một đồng bào ta. Những tiếng “Hắn đấy!” hay “Xem hắn kìa!” là những lời chào mừng kín đáo và kính trọng mà chúng tôi thường gặp dọc đường.

Cái vui nhất là ngay đến Chính phủ cũng chẳng nhận ra được khách thật của mình nữa, và để chắc chắn khỏi thất thố trong nhiệm vụ tiếp tân, Chính phủ bèn đối đãi với tất cả mọi người An Nam vào hàng vua chúa và phái tuỳ tùng đi hộ giá tuốt! Đó là những người phục vụ thầm kín, rụt rè, vô tư và hết sức tận tuỵ. Các vị chẳng nề hà chút công sức nào để bảo vệ bọn tôi, và giá cô được trông thấy các vị ân cần theo dõi tôi chẳng khác bà mẹ hiền rình con thơ chập chững bước đi thứ nhất, thì hẳn cô phải phát ghen lên được về nỗi niềm âu yếm của các vị đối với tôi Có thể nói là các vị bám lấy đế giày tôi, dính chặt với tôi như hình với bóng. Và thật tình là các vị cuống cuồng cả lên nếu mất hút tôi chỉ trong năm phút? Cô thử nghĩ, làm sao mà không xúc động sâu xa được, khi được đối đãi như thế?

Ngày nay, cứ mỗi lần ra khỏi cửa, thật tôi không sao che giấu nổi niềm tự hào được là một người An Nam và sự kiêu hãnh được có một vị hoàng đế.

(NGUYỄN ÁI QUỐC, Truyện và kí, NXB Văn học, Hà Nội, 1974)

Hướng dẫn soạn bài – Đọc thêm: Vi Hành

I. Tóm tắt cốt truyện

Trên chuyến xe điện ngầm, đôi trai gái người Pháp nhìn thấy nhân vật tôi, người kể chuyện, là một người An Nam nên tưởng đó là Khải Định. Họ bàn luận nhận xét về Khải Định và coi hắn như một tên hề, một trò giải trí rẻ tiền. Đôi trai gái xuống tàu, người kể chuyện nhớ về ngày ấu thơ, về câu chuyện vi hành của Vua Pi – e, vua Thuấn rồi liên hệ, bình luận về cuộc “Vi hành” mờ ám vì mục đích riêng của Khải Định. Tác giả cũng kể về sự nhầm lẫn của người Pháp, của chính quyền thực dân. Qua đó châm biếm cách đối xử của thực dân Pháp đối với người Việt Nam yêu nước.

II. Hướng dẫn soạn bài Đọc thêm: Vi Hành chi tiết.

Giải câu 1 (Trang 171 SGK ngữ văn 11 tập 1)

Mâu thuẫn trào phúng cơ bản của truyện ngắn “Vi hành”?

Trả lời:

Mâu thuẫn cơ bản của truyện được mở đầu bằng một tình huống oái oăm, vừa vui vừa tạo được hiệu quả châm biếm sâu cay. Đó là tình huống nhầm lẫn của đôi trai gái người Pháp trong chuyến tàu điện ngầm: nhìn người An Nam (nhân vật tôi) và cho đó là Khải Định. Nhờ sự nhầm lẫn mà hình ảnh Khải Định được miêu tả vừa rất khách quan lại vừa hài hước.

Giải câu 2 (Trang 171 SGK ngữ văn 11 tập 1)

Một trong những vấn đề then chốt của nghệ thuật truyện ngắn là tạo được tình huống truyện độc đáo. Theo anh (chị), tác giả đã sáng tạo được tình huống gì trong truyện ngắn này? Tình huống đó có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm và khắc hoạ nhân vật Khải Định?

Trả lời:

Tác giả xây dựng được một tình huống truyện độc đáo đó là tình huống nhầm lẫn. Có rất nhiều sự nhầm lẫn: cặp đôi trai gái nhầm lẫn tác giả với Khải Định, người dân Pháp nhầm tất cả người da vàng mũi tẹt đều là Khải Định.

Trong con mắt của đôi trai gái người Pháp, Khải Định chỉ như một tên hề rẻ tiền. Và với người Pháp hắn chỉ có tác dụng là làm thỏa mãn tính hiếu kì của họ.Với tình huống nhầm lẫn này, bức chân dung Khải Định không phải là một ông vua của một đất nước mà là một vai hề. Một vẻ ngoài không giống ai của Khải Định, cái vẻ ngoài nhố nhăng, lố bịch: “vẫn cái mũi tẹt ấy, vẫn đôi mắt xếch ấy, vẫn cái mặt bủng như vỏ chanh, cả cái chụp đèn chụp lên cái đầu quấn khăn, các ngón tay thì đeo đầy những nhẫn”. Thảm hại hơn, họ còn so sánh Khải Định với những trò ở đấu xảo “một cách khôi hài”, “phải mất những nghìn rưởi phrăng để xe vợ lẽ nàng hầu vua Cao Miên, xem tụi làm trò leo trèo nhào lộn của sư thánh xứ Công gô, hôm nay chúng mình có mất tí tiền nào đâu mà được xem vua đang ngay cạnh?”. Đó là một sự so sánh vừa hài hước, vừa đầy kịch tính có giá trị châm biến rất sâu sắc.

Giải câu 3 (Trang 171 SGK ngữ văn 11 tập 1)

Phân tích hình tượng nhân vật Khải Định, qua đó làm rõ tính chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng sắc bén của ngòi bút Nguyễn Ái Quốc.

Trả lời:

– Hình tượng nhân vật Khải Định

+ Mặt mũi: da vàng bủng như quả chanh, mũi tẹt, mắt xếch.

+ Trang phục thì lố lăng chẳng ra một phong cách cốt chỉ đẻ khoe trang sức lụa là có bao nhiêu là đeo hết hết lên người trưng diện.

+ Điệu bộ: lấm lén, lúng túng của phường ăn cắp vụng trộm.

+ Hành vi: nhút nhát.

→ Bản chất lố lăng của một ông vua bù nhìn.

– Tính chiến đấu mạnh mẽ của tác phẩm được thể hiện:

+ Nhà văn tố cáo chế độ thực dân với chế độ chính sách dã man và tàn bạo.

+ Lên án chính sách lừa bịp của thực dân, chính sách ngu dân.

– Đặc sắc về mặt nghệ thuật:

+ Xây dựng tình huống truyện độc đáo.

+ Truyện được viết dưới dạng một bức thư – một lối văn tự do, phóng túng và đa giọng điệu.

+ Tính chất đa giọng điệu với nhiều sắc điệu khác nhau, từ giọng điệu giễu cợt mỉa mai, phê phán đả kích đến giọng điệu trữ tình tự sự… đã làm nên sức hấp dẫn và sức chiến đấu của tác phẩm.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Đọc thêm: Vi Hành

Câu 1. Mâu thuẫn trào phúng cơ bản của truyện ngắn “Vi hành”?

Trả lời:

– Mâu thuẫn trào phúng: đó là sự nhầm lẫn giữa bản chất bên trong và hình thức bên ngoài, giữa bản chất bù nhìn sa đọa và bản chất việc làm của chính quyền thực dân khi đưa Khải Định sang thăm Pháp.

Câu 2. Một trong những vấn đề then chốt của nghệ thuật truyện ngắn là tạo được tình huống truyện độc đáo. Theo anh (chị), tác giả đã sáng tạo được tình huống gì trong truyện ngắn này? Tình huống đó có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm và khắc hoạ nhân vật Khải Định?

Trả lời:

Truyện mở đầu bằng một tình huống oái oăm, vừa vui vừa tạo được hiệu quả châm biếm sâu cay. Đó là tình huống nhầm lẫn của đôi trai gái người Pháp trong chuyến tàu điện ngầm: Nhìn người An Nam (nhân vật tôi) và cho đó là Khải Định. Tình huống nhầm lẫn tưởng như vô lí nhưng lại rất có lí, vì người Tây rất khó phân biệt được bộ mặt khác nhau của người da vàng (mắt xếch, mặt bóng như vỏ chanh có gì khác nhau đâu) cũng như người châu Âu, da trắng mũi lõ mắt xanh như nhau cả. Nhờ sự nhầm lẫn mà hình ảnh Khải Định được miêu tả vừa rất khách quan lại vừa thật hài hước. Tạo ra tình huống nhầm lẫn của đôi trai gái trong chuyến tàu điện ngầm, nhân vật tôi tình cờ hiểu được nhiều điều qua câu chuyện thầm lén và tinh quái của họ, nhất là những lời bình luận về hoàng đế An Nam Khải Định. Và thế là, dù Khải Định không hề xuất hiện trong truyện mà chân dung của y được dựng lên rất cụ thể và ngộ nghĩnh.

Câu 3. Phân tích hình tượng nhân vật Khải Định, qua đó làm rõ tính chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng sắc bén của ngòi bút Nguyễn Ái Quốc.

Trả lời:

– Ngoại hình

+ Mặt mũi: da vàng bủng như quả chanh, mũi tẹt, mắt xếch –> vô duyên.

+ Trang phục thì lố lắng chẳng ra một phong cách nào cốt chỉ để khoe trang sức lụa là có bao nhiêu là đeo hết lên người trưng diện.

+ Điệu bộ: lấm lét lúng túng của phường ăn cắp vụng trộm

– Hành vi: nhút nhát, lén lút vi hành.

=> Chỉ bấy nhiêu thôi qua đấy ta thấy được bản chất của một ông vua bù nhìn. Những đánh giá của đôi trai gái kia là những đánh giá khách quan của thực dân Pháp đôi với hoàng đế Khải Đinh. Từ một ông vua hắn biết thành một thằng hề một con rối để mua vui cho dân Pháp, để làm tay sai cho thực dân Pháp và cuối cùng chỉ là một đứa con nít ngốc nghếch mà thôi.

– Tính chiến đấu mạnh mẽ của tác phẩm:

+ Nhà văn tố cáo chế độ thực dân với chế độ chính sách dã man và bịp bợm.

+ Lên án chính sách ngu dân, đầu độc người dân bằng thuốc phiện và rượu cồn.

+ Nhà văn còn vạch trần những chính sách lừa bịp quốc tế của thực dân, tung chiêu bài khai hóa văn minh nhưng thực chất là cướp nước.

+ Tố cáo chế độ nhà tù, những truy nã bủa vay theo dõi những người yêu nước trên khắp đất Pháp.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

Ngọc Lan: Ngủ dậy muộn thì phí mất cả ngày, ở tuổi thanh niên mà không học tập thì phí mất cả cuộc đời .
Leave a Comment