Soạn bài – Đề văn biểu cảm và cách làm bài văn biểu cảm

Soạn bài Đề văn biểu cảm và cách làm bài văn biểu cảm trang 87 – 90 SGK ngữ văn lớp 7 tập 1, Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Đề văn biểu cảm và cách làm bài văn biểu cảm, sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ và chi tiết nhất theo sách giáo khoa.

Hướng dẫn soạn bài – Đề văn biểu cảm và cách làm bài văn biểu cảm

I. Đề văn biểu cảm và các bước làm bài văn biểu cảm

Giải câu 1 – Đề văn biểu cảm (Trang 87, 88 SGK ngữ văn 7 tập 1)

Đề văn biểu cảm thường chỉ ra đối tượng biểu cảm và tình cảm cần biểu hiện. Hãy chỉ ra những nội dung đó trong các đề sau:

a) Cảm nghĩ về dòng sông (hoặc dãy núi, cánh đồng, vườn cây, …) quê hương.

b) Cảm nghĩ về đêm trăng trung thu.

c) Cảm nghĩ về nụ cười của mẹ.

d) Vui buồn tuổi thơ.

e) Loài cây em yêu.

Trả lời:

Trong mỗi đề văn biểu cảm thường có hai nội dung chính cần phải xác định: đối tượng biểu cảm và tình cảm cần thể hiện. Tìm hiểu đề văn biểu cảm là phải xác định được hai nội dung này.

a) Cảm nghĩ về dòng sông.

– Đối tượng biểu cảm là dòng sông (hoặc cánh đồng, vườn cây, … ) quê hương

– Tình cảm cần thể hiện là sự yêu quý của em với dòng sông (hoặc cánh đồng, vườn cây, … ) đó.

b) Cảm nghĩ về đêm trăng thu.

– Đối tượng biểu cảm là trăng trong đêm trung thu.

– Tình cảm yêu thích chân thực của bản thân.

c) Cảm nghĩ về nụ cười của mẹ

– Đối tượng biểu cảm là nụ cười của mẹ.

– Tình yêu thương tôn kính với mẹ.

d) Vui buồn tuổi thơ.

– Đối tượng biểu cảm là kỉ niệm tuổi thơ.

– Tình cảm sự hoài niệm về quá khứ.

e) Loài cây em yêu.

– Đối tượng biểu cảm là một loài cây bất kì.

– Tình cảm được biểu hiện bằng sự yêu thích chăm sóc của em.

Giải câu 2 – Các bước làm bài văn biểu cảm (Trang 88 SGK ngữ văn 7 tập 1)

Cho đề bài: Cảm nghĩ về nụ cười của mẹ.

a) Tìm hiểu đề và tìm ý: Đối tượng phát biểu cảm nghĩ về đề văn nêu ra là gì? Em hình dung và hiểu thế nào về đối tượng ấy?

(Gợi ý: Từ thuở ấu thơ, có ai không nhìn thấy nụ cười của mẹ? Đó là nụ cười yêu thương, nụ cười khích lệ đối với mỗi bước tiến bộ của em – khi em biết đi, biết nói, khi em lần đầu tiên đi học, mỗi khi em được lên lớp,…. Có phải lúc nào mẹ cũng nở nụ cười không? Đó là những lúc nào? Mỗi khi vắng nụ cười của mẹ, em cảm thấy thế nào? Làm sao để luôn luôn được thấy nụ cười của mẹ? Hãy gợi ra thật nhiều ý liên quan tới đối tượng biểu cảm và cảm xúc của mình.)

b) Lập dàn bài: sắp xếp các ý theo bố cục ba phần Mở bài, Thân bài, Kết bài.

c) Viết bài: hãy dự kiến cách viết các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Em sẽ viết như thế nào để bày tỏ cho hết niềm yêu thương, kính trọng đối với mẹ?

d) Sửa bài: sau khi viết xong, có cần đọc lại và sửa chữa bài viết không? Vì sao?

Trả lời:

a) Tìm hiểu đề và tìm ý:

– Đối tượng biểu cảm: Nụ cười của mẹ

– Hình dung về nụ cười cười của mẹ: nụ cười ấm áp, yêu thương; khích lệ, động viên,…

– Tình cảm của em với nụ cười của mẹ nói riêng và với mẹ nói chung.

b) Lập dàn bài:

* Mở bài: Nêu cảm xúc đối với nụ cười mẹ, nụ cười ấm lòng.

* Thân bài:

– Vài nét về mẹ:

+ Tuổi, sức khỏe.

+ Đảm đang, tháo vát.

+ Tính tình hiền hòa, dễ mến.

– Nêu các biểu hiện sắc thái nụ cười của mẹ.

+ Nụ cười đem lại sự ấm áp và niềm tin tưởng cho em.

+ Nụ cười vui, thương yêu.

+ Nụ cười khuyến khích.

+ Nụ cười tha thứ, bao dung khi em mắc lỗi.

+ Những khi vắng nụ cười của mẹ.

+ Làm sao để luôn thấy được nụ cười của mẹ

Kết bài: Lòng yêu thương và kính trọng mẹ.

c) Dựa vào dàn bài và dự kiến cách viết từng phần của bài làm thế nào để bày tỏ cho hết niềm yêu thương, kính trọng đối với mẹ.

d) Sau khi viết xong, cần đọc lại và sửa chữa bài để bớt những ý thừa, thêm những ý thiếu và kiểm tra các lỗi về chính tả, về ngữ pháp…

II. Soạn phần Luyện tập bài Đề văn biểu cảm và cách làm bài văn biểu cảm trang 89, 90 SGK ngữ văn 7 tập 1

Giải câu hỏi Luyện tập – Đề văn biểu cảm và cách làm bài văn biểu cảm (Trang 89, 90 SGK ngữ văn 7 tập 1)

Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi:

Thông thường người đi xa trở lại quê nhà hay kể với bà con láng giềng chuyện lạ phương xa.Riêng tôi về làng, về xứ, lúc nào cũng thích nói đến cái đẹp, cái lớn quê mình.

Tuổi thơ tôi đã hằn sâu trong kí ức những ngọn núi trông xa lấp lánh như kim cương, lúc xanh mờ, khi xanh thẳm, lúc tím lơ, khi rực rỡ như núi ngọc màu xanh.Những năm tháng xa quê, dông tố cuộc đời tưởng chừng cuốn bay tất cả, nhưng trong tâm tư tôi những dòng sông quê mênh mông vẫn cuồn cuộn chảy, những dòng kinh biêng biếc vẫn lặng lờ trôi.Tôi yêu những cánh đồng bao la vàng rực ngày mùa, mù mù khói rạ, thơm vị mía lùi và trắng xóa sau sương mù sau Tết.Yêu cả tiếng chuông chùa ngân thăm thẳm canh khuya.Tôi yêu ánh nắng chiều tà trải màu vàng tái trên rẫy khoai mì, nghiêng nghiêng bên triền núi.Biết bao đêm trăn trở tôi viết bao trang về con rạch nhỏ cạn lờ chảy qua bến Miễu, cát vàng xâm xấp nước.Tôi yêu màu đá xám đen, tấm phên xác xơ che nắng cho người đập đá.Tôi nhớ ngọn cỏ phất phơ giữa đồng nước lớn, cây cà na trái nặng chùm chùm, cây gáo mồ côi, cây gáo đôi im lìm xa ngoài đồng bãi.Như con chiên ngoan mơ về “Đất Hứa”, tôi da diết mong gặp lại cây đa bến Miễu, cây me già Đá Chẹt, con  đường quanh co lồi lõm lên Pháo Đài.Tôi nhớ những dòng nước lấp lánh từ triền đá cao ào ào đổ xuống, róc rách len vào khe đá rồi thong thả bò qua con đường trải đá, chảy xuống xóm làng.

An Giang từ bao đời đến bây giờ là đất nóng, là bãi chiến trường.Bờ cõi An Giang đời này sang đời khác luôn luôn bị xâm lăng và đẫm máu.Lịch sử An Giang đã viết bằng những cuộc đời lận đận, những số phận bi thương, những tâm hồn vĩ đại, bằng máu và nước mắt, bằng những lưỡi gươm và cây tầm vông vạt nhọn, bằng những mũi phi tiêu và cây súng thô sơ.Tôi thèm được leo lên Pháo Đài tìm lại phiến đá nào đã in dấu chân Hoàng Đạo Cật, cùng đồng đội của anh đánh tung trận địa pháo tầm xa của giặc.Tôi tha thiết muốn biết triền đá nào chí sĩ can trường Trương Gia Mô đã từ trên ngọn tháp lao xuống, nhất định không để sa vào tay giặc Pháp.Tôi muốn tìm lại vang bóng con người đến phút cuối đời còn làm cho giặc khiếp sợ mà nhà cách mạng lỗi lạc Phan Bội Châu nghe tin đã khóc với những lời thơ thống thiết…

Ôi quê mẹ nơi nào cũng đẹp, nơi nào cũng rực rỡ chiến tích, kì công.Từ mảnh đất quê nghèo tôi chập chững ra đi, khi về đôi chân rắn chắc vì được luyện qua nhiều miền xa đất nước.Khi đi, từ khung cửa hẹp của ngôi nhà lá nhỏ tôi ngơ ngác nhìn ra vùng đất rộng bên ngoài với đôi mắt khù khờ.Khi về, ánh sáng mặt trời những miền đất lạ bao la soi sáng mỗi bước tôi đi.Tôi nhìn rõ quê hương hơn, thấy được xứ sở mình đẹp hơn ngày khởi cuộc hành trình.

(Theo Tản văn Mai Văn Tạo)

Câu hỏi:

a) Bài văn biểu đạt tình cảm gì, đối với đối tượng nào? Hãy đặt cho bài văn một nhan đề và một đề văn thích hợp.

b) Hãy nêu lên dàn ý của bài.

c) Chỉ ra phương thức biểu cảm của bài văn.

Trả lời:

a) Bài văn này biểu đạt tình yêu tha thiết của tác giả với quê hương An Giang yêu dấu. Có thể đặt nhan đề cho bài văn là: An Giang trong trái tim tôi.

b) Dàn ý của bài văn theo bố cục ba phần:

– Mở bài: Giới thiều tình yêu quê hương An Giang.

– Thân bài: Những biểu hiện tình yêu quê hương của tác giả:

+ Những kỉ niệm tuổi thơ.

+ Tình yêu quê hương trong chiến đấu và tình yêu đối với những người con anh hùng của quê hương.

– Kết bài: Tình yêu quê hương trong suy nghĩ và cảm nhận của người con xa quê (khi đã trưởng thành).

c) Phương thức biểu cảm của bài văn: Bài văn thể hiện những cảm xúc với quê hương bằng những câu văn biểu cảm trực tiếp, rất giàu cảm xúc và dung dị.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Đề văn biểu cảm và cách làm bài văn biểu cảm

I. ĐỀ VĂN BIỂU CẢM VÀ CÁC BƯỚC LÀM BÀI VĂN BIỂU CẢM

1. Đề văn biểu cảm

Câu 1. Đề văn biểu cảm thường chỉ ra đối tượng biểu cảm và tình cảm cần biểu hiện. Hãy chỉ ra những nội dung đó trong các đề sau:

a) Cảm nghĩ về dòng sông (hoặc dãy núi, cánh đồng, vườn cây, …) quê hương.

b) Cảm nghĩ về đêm trăng trung thu.

c) Cảm nghĩ về nụ cười của mẹ.

d) Vui buồn tuổi thơ.

e) Loài cây em yêu.

Trả lời:

Đề văn biểu cảm thường chỉ ra đối tượng biểu cảm và tình cảm cần biểu hiện. Nội dung đó trong từng đầu đề như sau:

a) Cảm nghĩ về dòng sông quê hương.

– Dòng sông quê hương.

– Tình yêu dòng sông, những kỉ niệm về dòng sông.

b) Cảm nghĩ về đêm trăng trung thu.

– Đêm trăng trung thu.

– Sự vui thích về đêm trung thu, lòng biết ơn đối với sự quan tâm của các người lớn.

c) Cảm nghĩ về nụ cười của mẹ.

– Nụ cười của mẹ.

– Cảm nghĩ: hiền lành, thân yêu, độ lượng, ấm áp.

d) Vui buồn tuổi thơ.

– Những ki niệm tuổi thơ.

– Những vui buồn và suy nghĩ về những kỉ niệm đó.

e) Loài cây em yêu.

– Giống cây mà em thích nhất.

– Tình cảm, ý nghĩ về giống cây đó.

2. Các bước làm bài văn biểu cảm

Câu 2. Cho đề bài: Cảm nghĩ về nụ cười của mẹ.

a) Tìm hiểu đề và tìm ý: Đối tượng phát biểu cảm nghĩ về đề văn nêu ra là gì? Em hình dung và hiểu thế nào về đối tượng ấy?

(Gợi ý: Từ thuở ấu thơ, có ai không nhìn thấy nụ cười của mẹ? Đó là nụ cười yêu thương, nụ cười khích lệ đối với mỗi bước tiến bộ của em – khi em biết đi, biết nói, khi em lần đầu tiên đi học, mỗi khi em được lên lớp,…. Có phải lúc nào mẹ cũng nở nụ cười không? Đó là những lúc nào? Mỗi khi vắng nụ cười của mẹ, em cảm thấy thế nào? Làm sao để luôn luôn được thấy nụ cười của mẹ? Hãy gợi ra thật nhiều ý liên quan tới đối tượng biểu cảm và cảm xúc của mình.)

b) Lập dàn bài: sắp xếp các ý theo bố cục ba phần Mở bài, Thân bài, Kết bài.

c) Viết bài: hãy dự kiến cách viết các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Em sẽ viết như thế nào để bày tỏ cho hết niềm yêu thương, kính trọng đối với mẹ?

d) Sửa bài: sau khi viết xong, có cần đọc lại và sửa chữa bài viết không? Vì sao?

Trả lời:

a) Tìm hiểu đề và tìm ý:

– Đối tượng biểu cảm: nụ cười của mẹ

– Hình dung về nụ cười của mẹ: nụ cười động viên, an ủi, hạnh phúc…

b) Lập dàn bài:

* Mở bài: giới thiệu em ấn tượng nhất nụ cười của mẹ.

* Thân bài:

– Vài nét về mẹ: hiền lành, nụ cười sáng và lan tỏa hạnh phúc đến cho mọi người.

– Biểu hiện về nụ cười của mẹ:

+ Mẹ cười khi thấy hạnh phúc (lúc em được điểm cao).

+ Nụ cười của mẹ là sự động viên cho em ( khi em học đàn nhưng chưa đánh được).

+ Nụ cười tha thứ, bao dung khi em mắc lỗi (em nói lời không phải với mẹ).

– Khi thiếu vắng nụ cười của mẹ: em cảm thấy nó thiếu đi một thứ gì đó quan trọng.

– Em làm như thế nào để lúc nào cũng thấy mẹ cười: em phải chăm ngoan, học giỏi.

* Kết bài: Cảm xúc của em với mẹ và phải luôn yêu thương, kính trọng mẹ.

c) Viết bài:

Dựa vào dàn bài và dự kiến cách viết từng phần của bài làm thế nào để bày tỏ cho hết niềm yêu thương, kính trọng đối với mẹ.

d) Sửa bài:

Sau khi viết xong, cần đọc lại và sửa chữa bài để bớt những ý thừa, thêm những ý thiếu và kiểm tra các lỗi về chính tả, về ngữ pháp…

II. LUYỆN TẬP

Đọc bài văn trong SGK và trả lời các câu hỏi:

a) Bài văn biểu đạt tình cảm gì, đối với đối tượng nào? Hãy đặt cho bài văn một nhan đề và một đề văn thích hợp.

b) Hãy nêu lên dàn ý của bài.

c) Chỉ ra phương thức biểu cảm của bài văn.

Trả lời:

a) Bài văn biểu đạt tình cảm: yêu làng quê An Giang của tác giả.

Đối tượng: Quê hương An Giang yêu dấu.

Nhan đề: Quê hương An Giang của tôi.

b) Nêu dàn ý của bài:

– Mở bài: Giới thiệu tình yêu quê hương của tác giả.

– Thân bài:

+ Những kỉ niệm tuổi thơ.

+ Yêu khung cảnh quê nhà.

+ Tình yêu quê hương trong chiến đấu và tình yêu đối với những người anh hùng của quê hương.

– Kết bài: Cảm xúc của con người xa quê.

c) Phương thức biểu cảm của bài văn: Tác giả bộc lộ trực tiếp tình cảm yêu quê hương thắm thiết của mình đối với khung cảnh cũng như truyền thống đấu tranh giữ nước.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status