Soạn bài – Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mạc Tử)

Soạn bài Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mạc Tử) trang 38 – 40 SGK ngữ văn lớp 11 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mạc Tử), sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

ĐÂY THÔN VĨ DẠ

TIỂU DẪN

Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, sinh ở làng Lệ Mĩ, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc, tỉnh Đồng Hới (nay là tỉnh Quảng Bình) trong một gia đình viên chức nghèo theo đạo Thiên Chúa. Cha mất sớm, ông sống với mẹ ở Quy Nhơn và có hai năm học trung học tại Trường Pe-lơ-ranh (Pellerin) ở Huế. Sau đó ông làm công chức ở Sở Đạc điền Bình Định rồi vào Sài Gòn làm báo. Đến năm 1936, mắc bệnh phong, ông quay về hẳn Quy Nhơn chữa bệnh và mất tại trại phong Quy Hòa.

Tuy cuộc đời nhiều bi thương nhưng Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào Thơ mới. Ông làm thơ từ năm 14,15 tuổi với các bút danh: Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh… ; bắt đầu bằng thơ cổ điển Đường luật, sau chuyển sang sáng tác theo khuynh hướng thơ mới lãng mạn. Qua diện mạo hết sức phức tạp và đầy bí ẩn của thơ Hàn Mặc Tử, người ta vẫn thấy rõ một tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế.

Tác phẩm chính : Gái quê (1936), Thơ Điên (1938), Xuân như ý, Thượng thanh khí, Cẩm châu duyên, Duyên kì ngộ (kịch thơ – 1939), Quần tiên hội (kịch thơ), Chơi giữa mùa trăng (thơ văn xuôi – 1940). Ngoài tập Gái quê in lúc sinh thời, còn toàn bộ thơ Hàn Mặc Tử chỉ được in thành tập sau khi ông mất.

Đây thôn Vĩ Dạ (lúc đầu có tên Ở đây thôn Vĩ Dạ) sáng tác năm 1938, in trong tập Thơ điên (về sau đổi thành Đau thương). Theo một số tài liệu, bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với một cô gái vốn quê ở Vĩ Dạ, một thôn nhỏ bên dòng sông Hương nơi xứ Huế thơ mộng và trữ tình.

VĂN BẢN

Sao anh không về chơi Thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền?

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

(Đau thương, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995)

Hướng dẫn soạn bài – Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mạc Tử)

I. Tác giả

– Hàn Mặc Tử (1912-1940), tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ra ở Đồng Hới, Quảng Bình

– Sớm mất cha sống với mẹ tại Quy Nhơn.

– Đi làm công chức thời gian ngắn rồi mắc bệnh.

– Là nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt trong phong trào Thơ mới “Ngôi sao chổi trên bầu trời thơ Việt Nam” (Chế Lan Viên)

II. Sự nghiệp

– Tác phẩm chính: Gái quê, thơ điên, xuân như ý, duyên kì nhộ, quần tiên hội

– Tâm hồn thơ ông đã thăng hoa thành những vần thơ tuyệt diệu,chẳng những gợi cho ta niềm thương cảm còn đem đến cho ta những cảm xúc thẩm mĩ kì thú và niềm tự hào về sức sáng tạo của con người

– Quá trình sáng tác thơ của ông đã thâu tóm cả quá trình phát triển của thơ mới từ lãng mạn sang tượng trưng đến siêu thực

III. Bài thơ

a) Hoàn cảnh sáng tác: Nằm trong tập “Gái quê” sáng tác năm 1938 được khơi nguồn từ mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử với Hoàng Thị Kim Cúc.

b) Giá trị bài thơ: Lòng yêu cuộc sống, nỗi niềm trong dự cảm chia xa, niềm hi vọng mong manh về tình yêu hạnh phúc

c) Bố cục: 2 phần

IV. Hướng dẫn soạn chi tiết bài Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mạc Tử)

Giải câu 1 (Trang 39 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Phân tích nét đẹp của phong cảnh và tâm trạng của tác giả trong khổ thơ đầu.

Trả lời:

Tâm trạng tác giả trong khổ thơ đầu (qua hồi tưởng về Cảnh và người thôn Vĩ)

– Bao trùm khổ thơ là niềm thích thú, say sưa, lòng yêu mến, tán thưởng vẻ đẹp của cảnh và người thôn Vĩ. Có lẽ tấm thiếp của người thôn Vĩ là một tín hiệu tình cảm tác động mạnh tới vùng kỉ niệm đẹp trong tâm hồn Hàn Mặc Tử. Vì vậy mà hàng loạt hình ảnh, về thôn Vĩ hiện lên rất rõ và thực, tưởng như thi sĩ đang đứng trước cảnh sắc thôn Vĩ mà nhìn ngắm, nâng niu.

+ Hình ảnh “nắng hàng cau nắng mới lên” ở thôn Vĩ mang một vẻ đẹp lấp lánh, tinh khiết. Được nhìn nắng mới, trên những lá cau non là khoảnh khắc khó quên.

+ Cảnh vườn tược “mướt”, “xanh như ngọc” cũng là một nét độc đáo của những khu biệt thự nhà vườn thôn Vĩ. Cây cảnh nên được chăm sóc kĩ càng, không chỉ xanh mà còn mỡ màng, óng ả. Lại thêm một vẻ đẹp thanh khiết.

Từ cảm thán “mướt quá” bộc lộ trực tiếp sự trầm trồ của thi sĩ. Chứng tỏ Hàn Mặc Tử đang say sưa trong dòng hồi tưởng. Vậy mới biết, xa thôn Vĩ nhưng tình đối với thôn Vĩ vẫn tràn đầy. Đại từ “ai” (vườn ai) phiếm chỉ nhưng vẫn mang ý nghĩa hướng về một “ai” đó xác định trong tâm tưởng của nhà thơ.

+ Người thôn Vĩ chỉ hiện lên chưa đầy nửa câu thơ, không trực diện, nguyên hình mà chỉ một nét thấp thoáng lá trúc. Khuôn mặt chữ điền phúc hậu càng có ấn tượng trong sự kín đáo, duyên dáng.

=> Cảnh và người thôn Vĩ thật đẹp nhưng cũng chỉ là hoài niệm.

Giải câu 2 (Trang 39 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Hình ảnh gió, mây, sông, trăng trong khổ thơ thứ hai gợi cảm xúc gì?

Trả lời:

Khổ 2

– Hình ảnh thơ:

+ Gió, mây: đi ngược lại với quy luật của thiên nhiên: chia lìa, phân li.

+ Dòng nước: buồn thiu. Dòng sông lặng lờ như bất động, không muốn chảy như đánh mất đi sự sống của mình.

+ Hoa bắp lay: sự lay động khẽ khàng.

=> Không chỉ cái buồn của cảnh vật mà còn là cái buồn của con người.

– Sông trăng, con thuyền: lung linh, kì ảo.

+ Bút pháp tượng trưng thể hiện sự khát khao hạnh phúc.

+ Câu hỏi: thể hiện sự mong ngóng, hi vọng và cả nỗi đau thương, tuyệt vọng.

=> Câu thơ đẹp, gợi cảm. Gợi cảm giác bâng khuâng, xót xa.

Giải câu 3 (Trang 39 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Ở khổ thơ thứ ba, nhà thơ bộc lộ tâm sự của mình như thế nào? Chút hoài nghi trong câu thơ “Ai biết tình ai có đậm đà?” có biểu hiện niềm tha thiết với cuộc đời không? Vì sao?

Trả lời:

Tâm trạng của Hàn Mặc Tử ở khổ thơ thứ 3.

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

– Thiết tha hướng về người thôn Vĩ nhưng cảm thấy xa vời, khó tiếp cận.

+ Điệp ngữ “khách đường xa” (Huế và Quy Nhơn không quá xa về không gian địa lí. Đây là không gian tâm trạng. Đối với Hàn Mặc Tử, Huế và Quy Nhơn là hai thế giới cách biệt).

+ Các từ: Xa, trắng quá, sương khó, mờ, ảnh … càng tăng cảm giác khó nắm bắt.

– Chỉ còn biết mơ tưởng.

– Lòng đầy hoài nghi (Làm sao biết “tình ai có đậm đà”).

Giải câu 4 (Trang 39 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Có gì đáng chú ý trong tứ thơ và bút pháp của bài thơ?

Trả lời:

– Tứ thơ là ý chính, ý lớn bao quát bài thơ, là điểm tựa cho sự vận động cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng toàn bài thơ. Ở bài thơ này, tứ thơ bắt đầu với cảnh đẹp thôn Vĩ bên dòng sông Hương, từ đó là khơi gợi liên tưởng thực – ảo và mở ra bao nhiêu nỗi niềm cảm xúc, suy tư về cảnh và người xứ Huế với phấp phỏng những mặc cảm, uẩn khúc, niềm hi vọng, niềm tin yêu.

– Bút pháp của nhà thơ sử dụng trong bài thơ này kết hợp hài hòa điệu tả thực, tượng trưng, lãng mạn và trữ tình. Cảnh đẹp xứ Huế đậm nét tả thực mà lại có tầm cao tượng trưng. Sự mơ mộng làm tăng thêm sắc thái lãng mạn. Nét chân thực của cảm xúc làm đậm thêm chất trữ tình.

Soạn phần luyện tập bài Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mạc Tử)

Giải câu 1 – Luyện tập (Trang 40 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Những câu hỏi trong bài thơ hướng tới ai và có tác dụng gì trong việc biểu hiện tâm trạng của tác giả?

Trả lời:

Tìm hiểu ý nghĩa các câu hỏi trong bài thơ.

– Đây không phải là những câu hỏi vấn đáp. Hỏi để bày tỏ tâm trạng. Các câu hỏi xuất hiện ở cả ba khổ thơ kết nối cảm xúc toàn bài thơ. Cụ thể:

+ Khổ 1: Câu hỏi “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”.

+ Khổ 2: Câu hỏi: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó – Có chở trăng về kịp tối nay?”

+ Khổ 3. Câu hỏi “Ai biết tình ai có đậm đà?”

Những câu hỏi trên đều không hướng tới một đối tượng nào cụ thể, vì không phải là những câu hỏi kiểu vấn đáp mà chỉ là những hình thức tỏ nỗi niềm, tâm trạng.

Giải câu 2 – Luyện tập (Trang 40 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Hoàn cảnh sáng tác và nội dung bài thơ gợi cho anh (chị) cảm giác gì?

Trả lời:

Nội dung bài thơ thể hiện nỗi buồn, niềm khao khát của một con người tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu con người. Bài thơ đẹp như thế, trên thực tế lại được tác giả sáng tác trong một hoàn cảnh thật tối tăm, tuyệt vọng (bệnh tật giày vò, nỗi ám ảnh về cái chết, về sự xa lánh của người đời). Điều đó khiến người ta thêm thương xót và cảm thông với số phận của tác giả, thêm cảm phục một con người đầy tài năng và nghị lực, con người đã dũng cảm vượt lên trên hoàn cảnh nghiệt ngã để sáng tác ra một bài thơ tài hoa về tình đời, tình người.

Giải câu 3 – Luyện tập (Trang 40 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Đây là bài thơ về tình yêu hay tình quê? Vì sao bài thơ diễn tả tâm trạng riêng của nhà thơ lại tạo được sự cộng hưởng rộng rãi và lâu bền trong tâm hồn các thế hệ bạn đọc?

Trả lời:

Đây là bài thơ về tình yêu hay tình quê?

Hai tình cảm này có trong từng khổ thơ mang mức độ khác nhau.

– Bài thơ này làm hiện lên những vẻ đẹp về cảnh và người xứ Huế qua đó cho thấy được tình yêu thiết tha, đằm thắm của tác giả đối với quê hương đất nước.

– Ẩn trong lớp câu ngữ, bài thơ còn thể hiện tình cảm của Hàn Mặc Tử hướng về người thôn Vĩ: nhớ mong, khắc khoải, hoài nghi, vô vọng.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mạc Tử)

Câu 1. Phân tích nét đẹp của phong cảnh và tâm trạng của tác giả trong khổ thơ đầu.

Trả lời:

Phân tích nét đẹp phong cảnh và tâm trạng của tác giả trong khổ thơ đầu:

+ Từ “nắng” hai lần trong một câu thơ -> ấn tượng về ánh sáng tràn ngập, tươi tắn, bao phủ khắp không gian.

+ Vẻ đẹp của màu xanh: “Mướt”: màu xanh của sự mỡ màng, non tơ gợi sự trù phú của mảnh vườn thôn Vĩ, của xứ Huế.

+ Vẻ đẹp của người thôn Vĩ: Thấp thoáng hiện ra sau những cành trúc. Đó là nét đậm hiện ra sau những nét thanh.

+ Miền quê đẹp, thơ mộng, trữ tình, điểm đến hấp dẫn

+ Nơi người thương đang sinh sống

=> Vẻ đẹp của cảnh và người hòa quyện tạo nên nét quyến rũ riêng của thôn Vĩ để làm bùng cháy nỗi khát khao được về thăm thôn Vĩ dù chỉ một lần của Hàn Mặc Tử.

Câu 2. Hình ảnh gió, mây, sông, trăng trong khổ thơ thứ hai gợi cảm xúc gì?

Trả lời:

Những hình ảnh thiên nhiên trong khổ thơ thứ 2:

– “Gió theo lối gió, mây đường mây”. Gió mây chia lìa đôi ngả cũng khiến cho dòng nước thấm thêm nỗi buồn, nỗi cô đơn, xa vắng: “dòng nước buồn thiu”.

– Hình ảnh “hoa bắp lay”càng khiến cho cảnh vật hiu hắt, cô quạnh làm tăng nỗi buồn lên, tâm trạng như càng nặng nề, chán nản hơn.

Câu 3. Ở khổ thơ thứ ba, nhà thơ bộc lộ tâm sự của mình như thế nào? Chút hoài nghi trong câu thơ “Ai biết tình ai có đậm đà?” có biểu hiện niềm tha thiết với cuộc đời không? Vì sao?

Trả lời:

– Tâm sự của nhà thơ trong khổ thơ thứ 3:

+ Điệp ngữ “khách đường xa” được nhắc lại hai lần như để thể hiện niềm khao khát, mơ mộng, hướng đến một điều gì đó không có trong thực tại. Đó là một niềm xót xa, hối tiếc.

– Sự hoài nghi trong câu thơ cuối:

+ Câu thơ cuối như mang chút hoài nghi mà vẫn chứa chan niềm thiết tha với cuộc đời, với một tình yêu sâu thẳm. Bởi cuộc đời vẫn đẹp là thế, thiên nhiên thôn Vĩ vẫn luôn tinh khôi, tràn trề sức sống là thế và con người nơi đây cũng thân thuộc, đẹp đã là.

Câu 4. Có gì đáng chú ý trong tứ thơ và bút pháp của bài thơ?

Trả lời:

Về tứ thơ và bút pháp của bài thơ

– Về tứ thơ: Ở bài thơ, tứ thơ bắt đầu với cảnh đẹp nơi thôn Vĩ bên sông Hương, từ đó khơi gợi liên tưởng thực – ảo và mở ra cảm xúc, suy tư về cảnh và người xứ Huế.

– Bút pháp của bài thơ: kết hợp hài hòa giữa tả thực, tượng trưng, lãng mạn và trữ tình.

Soạn phần luyện tập bài Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mạc Tử) trang 40 SGK ngữ văn 11 tập 2

Bài 1. Những câu hỏi trong bài thơ hướng tới ai và có tác dụng gì trong việc biểu hiện tâm trạng của tác giả?

Trả lời:

Những câu hỏi trong bài thơ không phải là những câu hỏi vấn đáp. Ở đây, tác giả hỏi để bày tỏ tâm trạng.

+ Khổ 1: Câu hỏi” Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Có thể là câu hỏi của cô gái Huế (cụ thể hơn là người trong mộng của Hàn Mặc Tử: Hoàng Thị Kim Cúc) mang hàm ý trách móc, hờn dỗi nhẹ nhàng; nhắc nhở, mời mọc duyên dáng. Cũng có thể hiểu chủ thể câu hỏi là chính tác giả: tự phân thân để chất vấn mình

+ Khổ 2: Câu hỏi “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?” Toát lên niềm hi vọng đầy khắc khoải. Đó là khát khao, là ước vọng được giao duyên, được hội ngộ của nhà thơ gửi gắm qua chữ “kịp”.

+ Khổ 3. Câu hỏi “Ai biết tình ai có đậm đà?” hỏi “Khách đường xa” hay cũng là tự hỏi mình, thể hiện tâm trạng hoài nghi. Đó là nỗi trăn trở của thi sĩ về tình người, tình đời.

Bài 2. Hoàn cảnh sáng tác và nội dung bài thơ gợi cho anh (chị) cảm giác gì?

Trả lời:

Bài thơ được Hàn Mặc Tử sáng tác trong hoàn cảnh khi nhà thơ bị bệnh tật giày vò, nỗi ám ảnh về cái chết. Do vậy bài thơ thể hiện nỗi buồn, niềm khao khát của một con người tha thiết yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu con người.

Bài 3*. Đây là bài thơ về tình yêu hay tình quê? Vì sao bài thơ diễn tả tâm trạng riêng của nhà thơ lại tạo được sự cộng hưởng rộng rãi và lâu bền trong tâm hồn các thế hệ bạn đọc?

Trả lời:

Đây thôn Vĩ Dạ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử dành cho người con gái gốc Vĩ Dạ – Hoàng Cúc. Do đó, Đây thôn Vĩ Dạ trước hết là một bài thơ về tình yêu. Tuy nhiên vượt lên cảm hứng đó, bài thơ vẽ nên một tranh tuyệt bích về cảnh và người nơi Xứ Huế. Qua đó thấy được tình yêu thiết tha của tác giả đối với quê hương đất nước.

Việc khơi gợi lên tình cảm yêu thương chung của nhiều người như thế, bài thơ đã diễn tả tâm trạng riêng của tác giả lại tạo được sự cộng hưởng rộng rãi và bền lâu trong tâm hồn của bao thế hệ người đọc.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status