Soạn bài Đại cáo bình Ngô (Bình Ngô đại cáo) – Phần 1: Tác giả Nguyễn Trãi trang 8 – 13 SGK ngữ văn lớp 10 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Đại cáo bình Ngô (Bình Ngô đại cáo) – Phần 1: Tác giả Nguyễn Trãi, sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.
ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ
(Bình Ngô đại cáo)
KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
Nắm được những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của Nguyễn Trãi – một nhân vật lịch sử, một danh nhân văn hóa thế giới; thấy đượ vị trí to lớn của Nguyễn Trãi trong lịch sử văn học dân tộc: nhà văn chính luận kiệt xuất, nhà thơ khai sáng văn học tiếng Việt.
Hiểu rõ Đại cáo bình Ngô có ý nghĩa trọng đại của một bản tuyên ngôn độc lập, khẳng định sức mạnh của lòng yêu nước và tư tưởng nhân nghĩa; là kiệt tác văn học, kết hợp hài hòa giữa yếu tố chính luận và chất văn chương.
Nắm vững những đặc trưng cơ bản của thể cáo, đồng thời thấy được những sáng tạo của Nguyễn Trãi trong Đại cáo bình Ngô.
Phần một: TÁC GIẢ
I – CUỘC ĐỜI
Nguyễn Trãi (1380 – 1442) hiệu là Ức Trai, quê gốc ở làng Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương) sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Thân sinh là Nguyễn Ứng Long (sau đổi là Nguyễn Phi Khanh), một nho sinh nghèo, học giỏi, đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) thời Trần. Mẹ là Trần Thị Thái, con quan Tư đồ (ngang Tể tướng) Trần Nguyên Đán.
Nguyễn Trãi sinh ra trong một gia đình mà bên nội cũng như bên ngoại đều có hai truyền thống lớn: yêu nước và văn hóa, văn học.
Thuở thiếu thời, Nguyễn Trãi đã phải chịu những mất mát đau thương: tang mẹ lúc 5 tuổi, sau đó ông ngoại qua đời khi Nguyễn Trãi mới vừa 10 tuổi. Năm 1400, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh và hai cha con cùng ra làm quan dưới triều nhà Hồ. Năm 1407, giặc Minh cướp nước ta, Nguyễn Phi Khanh bị chúng đưa sang Trung Quốc. “Nợ nước, thù nhà”, Nguyễn Trãi khắc sâu lời cha dặn: “Con trở về lập chí, rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại hiếu”. Sau khi thoát khỏi sự giam lỏng của giặc Minh, Nguyễn Trãi đã từ Đông Quan (Hà Nội ngày nay) tìm vào Lam Sơn theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa. Ông đã góp phần to lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
Cuối năm 1427 đầu năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Đại cáo bình Ngô. Ông hăm hở tham gia vào công cuộc xây dựng lại đất nước. Nhưng rồi những mâu thuẫn nội bộ triều đình phong kiến dẫn đến sự sát hại các công thần, bản thân Nguyễn Trãi bị nghi oan, bị bắt giam. Sau đó ông được tha nhưng không còn được tin dùng như trước. Năm 1439, Nguyễn Trãi xin về ở ẩn tại Côn Sơn. Năm 1440, ông lại được Lê Thái Tông mời ra giúp việc nước. Năm 1442, giữa lúc Nguyễn Trãi đang gánh vác trọng trách với dân với nước thì oan án Lệ Chi viên (Trại Vải) bỗng đổ ập xuống gia đình, dòng họ ông. Nhân cái chết đột ngột của Lê Thái Tông ở Lệ Chi viên (Đại Lại, Gia Lương, Bắc Ninh), bọn gian thần trong triều vu cho ông âm mưu giết vua, khép vào tội “tru di tam tộc” (giết cả ba họ). Năm 1464, Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi, cho sưu tầm lại thơ văn của ông và tìm con cháu còn sống sót để bổ làm quan.
Nguyễn Trãi là bậc anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa lớn. Năm 1980, Tổ chức giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa thế giới.
II – SỰ NGHIỆP THƠ VĂN
1. Những tác phẩm chính
Nguyễn Trãi là tác giả xuất sắc về nhiều thể loại văn học, trong sáng tác chữ Hán và chữ Nôm, trong văn chính luận và thơ trữ tình. Ông để lại một khối lượng sáng tác lớn với nhiều tác phẩm có giá trị.
Những tác phẩm chính viết bằng chữ Hán: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Ức trai thi tập, Chí Linh sơn phú, Băng Hồ di sự lục, Lam Sơn thực lục, Văn bia Vĩnh Lăng, Văn loại. Sáng tác chữ Nôm có Quốc âm thi tập gồm 254 bài thơ viết theo thể Đường luật hoặc Đường luật xen lục ngôn (sáu chữ). Ngoài sáng tác văn học, Nguyễn Trãi còn để lại cuốn Dư địa chí, một bộ sách địa lí cổ nhất của Việt Nam.
Sau thảm họa tru di tam tộc, tác phẩm của Nguyễn Trãi bị thất lạc hoặc bị thiêu hủy nhiều. Năm 1467, vua Lê Thánh Tông đã ra lệnh sưu tập lại trước tác của ông và phải đến thế kỉ XIX, tác phẩm của Nguyễn Trãi mới được sưu tầm tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, di sản văn học Nguyễn Trãi còn đến ngày nay chắc chắn chưa phải là toàn bộ sự nghiệp văn học vĩ đại của ông.
2. Nguyễn Trãi – nhà văn chính luận kiệt xuất
Trong văn học trung đại Việt Nam, Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận lỗi lạc nhất. Ông đã để lại khối lượng khá lớn văn chính luận: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, chiếu biểu viết dưới triều Lê,… Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt các áng văn chính luận của Nguyễn Trãi là tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân.
Quân trung từ mệnh tập gồm những thư từ gửi cho tướng giặc và những giấy tờ giao thiệp với triều đình nhà Minh,… Tác phẩm là tập văn chiến đấu “có sức mạnh của mười vạn quân” (Phan Huy Chú). Sức mạnh ấy có được từ sự kết hợp tuyệt diệu giữa tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng yêu nước với nghệ thuật viết văn luận chiến bậc thầy. Bình Ngô đại cáo là áng văn yêu nước lớn của thời đại, là bản tuyên ngôn về chủ quyền độc lập dân tộc, bản cáo trạng tội ác kẻ thù, bản hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ở Bình Ngô đại cáo, sức mạnh của tư tưởng nhân nghĩa và tư tưởng yêu nước đã hòa làm một:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Nguyễn Trãi quan niệm khi đất nước có ngoại xâm thì yêu nước, nhân nghĩa, anh hùng là chống xâm lược. Trong cảnh thái bình, ông vẫn ước vọng nhà nước phong kiến dùng nhân nghĩa để “trị” dân, “khoan” dân,…
Văn chính luận của Nguyễn Trãi đạt tới trình độ nghệ thuật mẫu mực từ việc xác định đối tượng, mục đích để sử dụng bút pháp thích hợp đến kết cấu chặt chẽ, lập luận sắc bén.
3. Nguyễn Trãi – nhà thơ trữ tình sâu sắc
Hai tập thơ Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập ghi lại hình ảnh Nguyễn Trãi vừa là người anh hùng vĩ đại vừa là con người trần thế.
Lí tưởng của người anh hùng là sự quyện hòa giữa nhân nghĩa với yêu nước, thương dân. Lí tưởng ấy lúc nào cũng thiết tha, mãnh liệt: “Bui (1) một tấc lòng ưu ái (2) cũ – Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.” (Thuật hứng – bài 2).
Phẩm chất, ý chí của người anh hùng luôn ngời sáng trong chiến đấu chống ngoại xâm cũng như trong đấu tranh chống cường quyền, bạo ngược vì chân lí: “Vườn quỳnh dầu chim kêu hót – Cõi trần có trúc đứng ngăn.” (Tự thán – bài 40).
Dáng ngay thẳng, cứng cỏi của cây trúc, vẻ thanh tao, trong trắng của cây mai, sức sống khỏe khoắn của cây tùng – những phẩm chất tốt đẹp tượng trưng cho người quân tử – đều có ở Nguyễn Trãi. Điều đáng quý là tất cả những phẩm chất ấy không phải để làm đẹp cho riêng bản thân mà là để giúp dân, giúp nước “Dành còn để trợ dân này” (Tùng).
Là bậc anh hùng với lí tưởng cao cả, Nguyễn Trãi cũng là một con người trần thế. Ông đau nỗi đau của con người, yêu tình yêu của con người. Nguyễn Trãi đau khi chứng kiến nghịch cảnh éo le của xã hội cũ: “Phượng những tiếc cao diều hãy liệng – Hoa thường hay héo cỏ thường tươi.” (Tự Thuật – bài 9).
Từ nỗi đau trước thói đời đen bạc “Bui một lòng người cực hiểm thay”, nhà thơ khao khát sự hoàn thiện của con người và mơ ước xa hội thái bình, thịnh trị “Dân Nghiêu Thuấn, vua Nghiêu Thuấn”.
Tình yêu của Nguyễn Trãi dành nhiều cho thiên nhiên, đất nước, con người, cuộc sống.
Tình yêu thiên nhiên của Nguyễn Trãi thể hiện qua mảng thơ thiên nhiên rất có giá trị ở Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập. Trong thơ chữ Hán có những bức tranh thiên nhiên hoành tráng: “Kình ngạc băm vằm non mấy khúc – Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng” (Cửa biển Bạch Đằng – bản dịch). Thiên nhiên trong thơ Nôm có những bức tranh lụa xinh xắn, phảng phất phong vị thơ Đường: “Nước biếc non xanh thuyền gối bãi – Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu” (Bảo kính cảnh giới – bài 26). Thiên nhiên bình dị, dân dã, từ quả núc nác, lảnh mồng tơi, bè rau muống, đến “ngõ cày đất ải”, con đòng đong,… đều đi vào thơ Nguyễn Trãi một cách tự nhiên, tạo nên những rung động thẩm mĩ.
Thiên nhiên trở thành môi trường sống thanh tao, con người gắng giữ gìn vẻ đẹp nguyên sơ, không làm tổn thương đến cảnh vật. Nhà thơ không nỡ thả mái chèo vì sợ làm tan vỡ bóng trăng in trên nước: “Nước còn nguyệt hiện xá (3) thôi chèo”; hớp chén rượu in bóng trăng mà tưởng đang hớp ánh trăng: “Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén”; gánh nước về pha trà, nước im bóng trăng tưởng mang cả trăng về theo: “Chè tiên (4) nước ghín (5) nguyệt đeo về”. Có thể nói, ở Nguyễn Trãi “lòng yêu thiên nhiên vạn vật là một kích thước để đo một tâm hồn” (Xuân Diệu).
Thơ Nguyễn Trãi có những câu nói về nghĩa vua tôi, về tình cha con xiết bao cảm động: “Quân thân (6) chưa báo lòng canh cánh – Tình phụ cơm trời áo cha.” (Ngôn chí – bài 7).
Ức Trai thường hay nói tới lòng bạn. Lòng bạn bao giờ cũng sáng trong như vầng nguyệt: “Lòng bạn trăng vằng vặc cao”.
Nguyễn Trãi gắn bó tha thiết với quê hương. Nỗi nhớ quê trong thơ Ức Trai cụ thể, sâu sắc. Quê ấy là Chi Ngại, Côn Sơn, nơi Nguyễn Trãi sống với ông ngoại từ thuở thiếu thời. Quê ấy còn là cánh đồng Nhị Khê mà tuổi thơ Nguyễn Trãi cùng bạn từng đội nón, vác cuốc làm đồng trong ngày xuân.
Những vần thơ Nguyễn Trãi viết về thiên nhiên đất nước, về tình cha con, tình bạn,… xiết bao gần gũi, thân thương. Khía cạnh “con người” trong người anh hùng Nguyễn Trãi chính là vẻ đẹp nhân bản đã góp phần nâng người anh hùng dân tộc lên tầm nhân loại.
Chú thích:
(1) Bui: duy chỉ.
(2) Ưu ái: ưu quốc, ái dân (lo nước, yêu dân).
(3) Xá: hãy.
(4) Tiên: nấu.
(5) Ghí: gánh.
(6) Quân thân: vua,cha.
Hướng dẫn soạn bài – Đại cáo bình Ngô (Bình Ngô đại cáo) – Phần 1: Tác giả Nguyễn Trãi
Giải câu 1 (Trang 13 SGK ngữ văn 10 tập 2)
Vì sao có thể nói Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử vĩ đại?
Trả lời:
Nguyễn Trãi là nhân vật lịch sử vĩ đại vì những đóng góp to lớn sau:
– Vào cuối thế kỉ XIV, đất nước ta lâm vào tình trạng hết sức rối ren, nhà Hồ lật đổ nhà Trần, quân Minh xâm lược nước ta. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra – là biểu tượng của phong trào đấu tranh của dân tộc.Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những ngày đầu tiên, là vị quân sư số 1, giúp Lê Lợi vạch chiến lược tiêu diệt kẻ thù xâm lược, giữ trọng trách về ngoại giao, chính trị.
– Cùng Lê Lợi chỉ huy và đốc chiến nhiều trận chiến quan trọng: trận Chi Lăng – Xương Giang …
– Đất nước hòa bình: đi đầu trong công cuộc tái thiết nước nhà, một mực trung hiếu cho đến khi phải chịu oan án. Tư tưởng chính trị mà ông suốt đời phấn đấu và phụng sự hết mình là tư tưởng nhân nghĩa mà cái nền tảng chính là tình yêu nước và lòng thương dân.
Giải câu 2 (Trang 13 SGK ngữ văn 10 tập 2)
Anh (chị) đã đọc những tác phẩm nào của Nguyễn Trãi? Hãy giới thiệu sơ lược một vài tác phẩm tiêu biểu.
Trả lời:
– Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Trãi: Côn Sơn ca, Bạch Đằng hải khẩu, Đại cáo Bình Ngô, Cảnh ngày hè, Cây chuối, Dục Thúy Sơn, Tùng, Thư lại dụ Vương Thông, … .
– Giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu:
+ Côn sơn ca: là khúc ca về bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, cảnh trí Côn Sơn với tác giả như là người bạn tâm giao. Âm điệu khỏe khoắn, thảnh thơi, song cơ bản, âm hưởng chủ đạo vẫn là tiếng thở dài bi thiết về kiếp nhân sinh.
+ Cây chuối: thể hiện cốt cách đa tình của người thi sĩ. Nó là một thứ tình yêu nhưng tình yêu đấy chẳng qua chỉ là một chút hương xuân, hương lòng thầm kín mà thôi.
+ Cảnh ngày hè: Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên và yêu đất nước, lòng thương dân của Nguyễn Trãi …
Giải câu 3 (Trang 13 SGK ngữ văn 10 tập 2)
Phân tích vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua một số câu thơ mà anh (chị) cảm nhận sâu sắc nhất.
Trả lời:
Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi, có thể tham khảo hai đoạn sau:
– Về hai câu cuối bài Cuối xuân tức sự:
Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn
Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan
“Lắng nghe thời gian đang mải miết trôi đi không cách gì cầm giữ được thì còn bồn chồn khắc khoải nào hơn là qua tiếng cuốc. Cứ đều đều, đơn điệu như không có gì đáng chú ý, ấy thế mà nó cứ chậm rãi cướp đi cái phần đẹp nhất của một năm, cái sự khởi đầu của tuổi trẻ. Còn gì đáng tiếc hơn khi “lực bất tòng tâm”, phần chủ thể không kìm giữ được cái khách thể cứ vận động khách quan ngoài ý muốn con người. Tiếc xuân, tiếc đời, tuổi xuân đi để chỉ còn là một hoài niệm, tâm trạng của Nguyễn Trãi là tâm trạng rất con người, rất nhân văn mà con người ai chẳng thấy mình dù một lần trong đó”.
(Lê Bảo, Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường – Nguyễn Trãi, NXB Giáo dục, 1999)
– Hai câu cuối bài “Cảnh ngày hè”:
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương
Tuy tác giả đón nhận cảnh ngày hè với tư thế ung dung trong một ngày nhàn rỗi nhưng ông vẫn luôn suy nghĩ, lo lắng cho nhân dân, cho đất nước. Cảm nhận cảnh ngày hè nhưng tác giả vẫn quan tâm tới cuộc sống của nhân dân. Thế nên ông nghe thấy âm thanh tấp nập, lao xao của làng chài. Ông quan tâm tới nhân dân, lo cho dân cho nước. Chính vì vậy, ông ước mong mình có cây đàn của vua Ngu Thuấn. Với cây đàn đó, Nguyễn Trãi có thể mang tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và đất nước.
Giải câu 4 (Trang 13 SGK ngữ văn 10 tập 2)
Nêu khái quát những giá trị cơ bản về nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Trãi.
Trả lời:
– Nội dung văn chương: Hội tụ 2 nguồn cảm hứng lớn yêu nước – nhân đạo.
– Nghệ thuật: ông là nhà văn chính luận kiệt xuất, nhà thơ khai sáng văn học tiếng việt, với sáng tác bằng chữ Nôm góp phần làm cho tiếng việt trở thành ngôn ngữ dân tộc giàu và đẹp.
Tham khảo thêm cách soạn khác bài Đại cáo bình Ngô (Bình Ngô đại cáo) – Phần 1: Tác giả Nguyễn Trãi
Câu 1. Vì sao có thể nói Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử vĩ đại?
Trả lời:
Nói Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử vĩ đại bởi:
– Cuối thế kỉ XIV, đất nước ta lâm vào tình trạng hết sức rối ren, nhà Hồ lật đổ nhà Trần, quân Minh sang xâm lược nước ta. Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những ngày gian khó đầu tiên. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh, giúp Lê Lợi và quân khởi nghĩa giành chiến thắng trước kẻ thù hung bạo, bảo vệ chủ quyền non sông.
– Khi đất nước thái bình Nguyễn Trãi trở thành một bậc đại trung thần, một mực cống hiến cho đất nước, trung thành với đế vương cho đến khi phải chịu án oan Lệ Chi Viên. Nguyễn Trãi là tấm gương sáng ngời về khí tiết, lòng trung quân ái quốc cho ngàn đời sau noi theo.
Câu 2. Anh (chị) đã đọc những tác phẩm nào của Nguyễn Trãi? Hãy giới thiệu sơ lược một vài tác phẩm tiêu biểu.
Trả lời:
– Một số tác phẩm tiêu biểu: Côn Sơn ca, Bạch Đằng hải khẩu, Đại cáo Bình Ngô, Cảnh ngày hè, Cây chuối, Dục Thúy Sơn, Tùng, Tái dụ Vương Thông thư, … .
+ Côn sơn ca: là khúc ca về bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, cảnh trí Côn Sơn với tác giả như là người bạn tâm giao. Âm điệu khỏe khoắn, thảnh thơi, song cơ bản, âm hưởng chủ đạo vẫn là tiếng thở dài bi thiết về kiếp nhân sinh.
+ Cây chuối: thể hiện cốt cách đa tình của người thi sĩ. Nó là một thứ tình yêu nhưng tình yêu đấy chẳng qua chỉ là một chút hương xuân, hương lòng thầm kín mà thôi.
+ Cảnh ngày hè: Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên quê hương đất nước và tấm lòng ưu dân ái quốc, mong cho đất nước thái bình, nhân dân no ấm của Nguyễn Trãi.
+ Dục Thúy Sơn: Vừa là dòng cảm xúc trước cảnh đẹp núi Dục Thúy qua đó bày tỏ tình yêu của nhà thơ đối với thắng cảnh đất nước, đồng thời còn là nỗi niềm hoài cổ, tâm trạng ngậm ngùi khi nhớ về các bậc danh nhân đời trước.
+ Tái dụ Vương Thông Thư: là một trong những bức thư do Nguyễn Trãi soạn thảo để gửi Vương Thông – tướng giặc, trong sự nghiệp phò giúp Lê Lợi đánh quân Minh.
Câu 3. Phân tích vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua một số câu thơ mà anh (chị) cảm nhận sâu sắc nhất.
Trả lời:
– Hai câu cuối bài “Cảnh ngày hè”:
Dễ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương
– Tuy tác giả đón nhận cảnh ngày hè với tư thế ung dung trong một ngày nhàn rỗi nhưng ông vẫn luôn suy nghĩ, lo lắng cho dân, cho nước. Cảm nhận cảnh ngày hè nhưng tác giả vẫn quan tâm tới cuộc sống của nhân dân. Thế nên ông vẫn lắng tai nghe âm thanh tấp nập, lao xao của làng chài. Chính vì vậy, ông ước mong mình có cây đàn của vua Ngu Thuấn. Với cây đàn đó, Nguyễn Trãi có thể mang tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và đất nước. Ấy là một giấc mơ, và cả một học thuyết nhân sinh ấp ủ bật ra thành lời.
– Hai câu thơ đầu bài Côn Sơn ca :
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
– Khung cảnh thiên nhiên mở ra hết sức nên thơ, nhẹ nhàng cho ta cảm thấy sự tĩnh tại trong từng câu từng chữ. Nơi Côn Sơn vắng vẻ mà yên tĩnh, để cho tiếng suối chảy róc rách cũng vang vọng, êm dịu đi vào lời thơ trong trẻo như tiếng đàn cầm. Tâm hồn thi nhân thật tinh tế, để tiếng suối trong kia khẽ khàng chạm vào sợi dây rung cảm. Nguyễn Trãi có lẽ không chỉ yêu mến thiên nhiên mà còn coi thiên nhiên như một người bạn tâm tình, hòa mình vào thiên nhiên cảm nhận từng hơi thở của cành cây hoa lá, của âm thanh.
Câu 4. Nêu khái quát những giá trị cơ bản về nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Trãi.
Trả lời:
– Về mặt nội dung: Tác phẩm của ông dung hòa hai nguồn cảm hứng lớn là cảm hứng yêu nước và cảm hứng nhân đạo.
– Về mặt nghệ thuật: Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt xuất, nhà thơ khai sáng văn học nước nhà với sáng tác bằng chữ Nôm góp phần làm cho tiếng Việt trở thành ngôn ngữ dân tộc giàu và đẹp.’
(HTTPS://BAIVIET.ORG)
Leave a Comment