X

Soạn bài – Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều)

Soạn bài Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều) trang 112 – 114 SGK ngữ văn lớp 10 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều), sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

TRUYỆN KIỀU

(Tiếp theo)

NGUYỄN DU

CHÍ KHÍ ANH HÙNG

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Qua nhân vật Từ Hải, hiểu được lí tưởng anh hùng của Nguyễn Du.

Nắm được đặc trưng nghệ thuật trong việc tả nhân vật anh hùng của Nguyễn Du.

TIỂU DẪN

Cuộc đời Kiều tưởng như bế tắc hoàn toàn khi lần thứ hai rơi vào lầu xanh thì Từ Hai bỗng xuất hiện và đưa Kiều thoát khỏi cảnh ô nhục. Hai người sống hạnh phúc “Trai anh hùng gái thuyền quyên – Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng”. Những Từ Hải không bằng lòng với cuộc sống êm đềm bên cạnh nàng Kiều tài sắc, chàng muốn có sự nghiệp lớn nên sau nửa năm đã từ biệt Kiều ra đi. Đoạn trích (từ câu 2213 đến câu 2230) bao gồm ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ đối thoại cho thấy chí khí của Từ Hải.

VĂN BẢN

Nửa năm hương lửa (1) đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương (2).
Trông vời (3) trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa (4) lên đường thẳng rong (5).

Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng (6),
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.
Từ rằng: “Tâm phúc tương tri (7),
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

Bao giờmười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh (8) rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường (9),
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia (10).

Bằng nay bốn bể (11) không nhà,
Theo càng thêm bận biết là đi đâu?
Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì!”.

Quyết lời dứat áo ra đi,
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi (12).

(Theo DẦO DUY ANH, Từ điển “Truyện Kiều”, Sđd)

Chú thích:

(1) Hương lửa: thời xưa, nam nữ khi thề nguyền tình yêu chung thủy thường thắp đèn châm hương để cáo cùng trời đất, thần linh. Do đó, hương lửa (hay lửa hương) dùng để chỉ tình yêu.

(2) Lòng bốn phương: “bốn phương” (nam, bắc, tây, đông) có nghĩa là thiên hạ, thế giới. Theo Kinh Lễ, xưa sinh con trai, người ta làm cái cung bằng cây dâu, tên bằng cỏ bồng (nói tắt: tang bồng) bắn tên ra bốn phương, tượng trưng cho mong muốn sau này người con trai làm nên sự nghiệp lớn. Lòng bốn phương: chí nguyện lập công danh, sự nghiệp (Nguyễn Công Trứ: “Chí làm trai nam bắc tây đông – Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”).

(3) Trông vời: trông ra xa.

(4) Thanh gươm yên ngựa: ý nói từ Hải chỉ một mình với một thanh gươm, một con ngựa.

(5) Thẳng rong: đi liền một mạch.

(6) Phận gái chữ tòng: (chữ tòng: đạo Nho quy định “tam tòng” – người phụ nữ, ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con) phận gái thì phải theo chồng.

(7) Tâm phúc tương tri: (tâm: lòng, phúc: dạ) hai người đã hiểu biết lòng dạ nhau, tức là đã hiểu nhau sâu sắc.

(8) Tinh: cờ, bóng tinh: bóng cờ.

(9) Phi thường: không giống cái bình thường, tức là xuất chúng, hơn người.

(10) Nghi gia: bài Đào yêu (Kinh Thi) có câu “Chi tử vu quy – Nghi kỳ thất gia” (Người con gái về nhà chồng – Nên cửa nên nhà). Nghi gia ở đây có nghĩa là người chồng đón người vợ về nhà.

(11) Bốn bể: chỉ thế giới, thiên hạ.

(12) Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi: thiên Tiêu dao du trong sách Trang Tử (Nam Hoa kinh) có truyện ngụ ngôn kể rằng chim bằng là một giống chim rất lớn, đập cánh làm động nước trong ba ngàn dặm, cưỡi gió mà bay lên chín ngàn dặm. Chim bằng trong thơ văn thường tượng trưng cho khát vọng của những người anh hùng có bản lĩnh phi thường, khao khát làm nên sự nghiệp lớn. Ý cả câu: Đã đến lúc chim bằng bay lên cùng gió mây.

Hướng dẫn soạn bài – Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều)

I. Bố cục

– Phần 1 (4 câu thơ đầu): cuộc chia tay giữa Từ Hải và Thúy Kiều sau nửa năm chung sống.

– Phần 2 (12 câu tiếp): cuộc nói chuyện của Từ Hải và Thúy Kiều.

– Phần 3 (còn lại): ý chí ra đi của Từ Hải

Vị trí:

Từ câu 2213 đến câu 2230

II. Hướng dẫn soạn bài Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều)

Giải câu 1 (Trang 114 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Anh (chị) hãy cho biết hàm nghĩa của các cụm từ lòng bốn phương và mặt phi thường. Tìm những từ ngữ thể hiện sự trân trọng, kính phục của Nguyễn Du với Từ Hải.

Trả lời:

– Hàm nghĩa các cụm từ:

+ Lòng bốn phương: chỉ chí nguyện lập nên công danh sự nghiệp.

+ Mặt phi thường: chỉ tính chất khác người, xuất chúng.

– Nguyễn Du dùng hai cụm từ trên để thể hiện tầm vóc phi thường của người anh hùng Từ Hải.

– Những từ ngữ thể hiện sự trân trọng và kính phục của Nguyễn Du: trượng phu, lòng bốn phương, mặt phi thường (các từ này để tôn xưng hình nhân vật), thoắt (thể hiện sự dứt khoát, mau lẹ, kiên quyết trong con người Từ Hải), …

Giải câu 2 (Trang 114 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Từ Hải bộc lộ lí tưởng anh hùng của mình qua lời nói với Thúy Kiều như thế nào?

Trả lời:

Từ Hải bộc lô lí tưởng của mình qua lời nói với Thúy Kiều:

“Từ rằng: tâm phúc tương tri
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.”

Qua ngôn ngữ của Từ Hải, có thể nhận thấy, người anh hùng đã không vì quyến luyến, bịn rịn với tình yêu mà quên đi lí tưởng cao cả. Thái độ và hành động của Từ Hải mạnh mẽ quyết đoán, không chút do dự khi phải lựa chọn giữa hạnh phúc riêng tư và lí tưởng. Từ Hải tự tin vào sự rạng rỡ của tương lai:

“Bao giờ mười vạn tinh binh
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.”

Và khẳng định sự thành công là tất yếu: “Chầy chăng là một năm sau vội gì”. Lời hẹn ước của Từ Hải ngắn gọn, dứt khoát và chắc nịch đúng với cái khí phách của vị tướng quân uy vũ.

Giải câu 3 (Trang 114 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Nêu nhận xét về đặc điểm của cách miêu tả (hiện thực hay lí tưởng hóa) người anh hùng Từ Hải trong đoạn trích. Đây có phải là cách miêu tả phổ biến của văn học Trung Đại không?

Trả lời:

Cách tả người anh hùng của Nguyễn Du có hai đặc điểm cần phải lưu ý, đó là hình tượng nhân vật vừa có tính ước lệ vừa mang tầm vóc của con người vũ trụ. Kiểu mẫu người anh hùng vốn đã là nhân vật truyền thống của văn học trung đại. Nó có một khuôn mẫu riêng đã được các nhà văn tổng kết trong quá trình sáng tạo. Theo những khuôn mẫu miêu tả này thì hai phương diện ước lệ và cảm hứng vũ trụ vốn gắn bó chặt chẽ với nhau khi các nhà văn chấp bút thể hiện hình ảnh những nhân vật anh hùng. Ở nhân vật Từ Hải cũng vậy. Các cụm từ như “lòng bốn phương” vốn đã mang nội hàm diễn tả lí tưởng con người vũ trụ. Hoặc cụm từ “trông vời trời bể mênh mang” vừa có tính ước lệ (không tả cái nhìn cụ thể) lại vừa tạo nên ấn tượng về tầm vóc phi phàm của Từ Hải. Cũng như thế, có thể phân tích các hình tượng khác như: bốn bể, chim bằng, gió mây.

Vẫn theo cách thể hiện này thì người anh hùng còn có một nét đặc trưng nữa là suy nghĩ và hành động ngắn gọn, dứt khoát. Họ chủ yếu được quan sát và miêu tả nhiều hơn ở khía cạnh lí trí, phần tình cảm có vẻ giản đơn và ít nhiều nhòa nhạt hơn.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều)

Câu 1. Anh (chị) hãy cho biết hàm nghĩa của các cụm từ lòng bốn phương và mặt phi thường. Tìm những từ ngữ thể hiện sự trân trọng, kính phục của Nguyễn Du với Từ Hải.

Trả lời:

– Hàm nghĩa của các cụm từ “lòng bốn phương” và “mặt phi thường”:

+ Lòng bốn phương: (cụm từ ước lệ) chỉ chí khí anh hùng tung hoành thiên ha của bậc đại trượng phu ⇒ lí tưởng anh hùng thời đại, không bị ràng buộc bởi gia thất, chí hướng ra bốn phương trời, quyết mưu nghiệp lớn.

+ Mặt phi thường: quyết tâm tạo nên sự nghiệp xuất chúng, phi thường ⇒ niềm tin sắt đá của Từ Hải vào tương lai, sự nghiệp.

– Những từ ngữ Nguyễn Du sử dụng để biểu thị thái độ kính trọng Từ Hải:

+ Các từ ngữ sắc thái tôn xưng: trượng phu, lòng bốn phương, mặt phi thường,…

+ Từ ngữ chỉ hình ảnh kì vĩ, lớn lao: mười vạn tinh binh, bóng tinh rợp đường, gió mây bằng đã đến kì dặm khơi,…

+ Từ ngữ diễn tả hành động dứt khoát: thoắt, thẳng rong, dứt áo ra đi,…

Câu 2. Từ Hải bộc lộ lí tưởng anh hùng của mình qua lời nói với Thúy Kiều như thế nào?

Trả lời:

– Trong lời Từ Hải nói với Kiều sử dụng rất nhiều từ cổ: tâm phúc tương tri, nữ nhi thường tình, tinh binh, bóng tinh, nghi gia.

– Từ Hải giải thích lí do không thể đem Kiều đi theo và hứa hẹn ngày trở về.

⇒ Khẩu khí trong lời nói của Từ Hải thể hiện rõ là một bậc trượng phu chí lớn, có hào khí. Lời nói với Kiều cũng không đơn giản là lời nói với người yêu hay người vợ mà đó là lời nói của một bậc anh hùng nói với người “tâm phúc tương tri” của mình.

Câu 3. Nêu nhận xét về đặc điểm của cách miêu tả (hiện thực hay lí tưởng hóa) người anh hùng Từ Hải trong đoạn trích. Đây có phải là cách miêu tả phổ biến của văn học Trung Đại không?

Trả lời:

– Đặc điểm cách miêu tả người anh hùng Từ Hải:

+ Nhà thơ khắc họa những hình ảnh phóng túng, oai hùng: động lòng bốn phương, thanh gươm yên ngựa, lên đường thẳng rong, dứt áo ra đi,…

+ Sử dụng hệ thống từ ngữ chỉ người “trượng phu”: trượng phu, mười vạn tinh binh, tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường,…

+ Ngôn ngữ đối thoại ước lệ, thậm xưng

⇒ Từ Hải là nhân vật lí tưởng thể hiện ước mơ công lí của Nguyễn Du nên không thể sử dụng bút pháp hiện thực mà phải sử dụng bút pháp lí tưởng hóa.

– Những người anh hùng là những nhân vật lí tưởng trong văn học trung đại. Các tác giả trung đại hình thành khuôn mẫu người anh hùng dựa vào bút pháp ước lệ và cảm hứng vũ trụ. Từ Hải cũng nằm trong hệ thống các nhân vật anh hùng của văn học trung đại, cũng được xây dựng trên bút pháp ước lệ và cảm hứng vũ trụ, song vẫn có những đặc điểm riêng rất người, khiến cho hình tượng Từ Hải tuy rất anh hùng nhưng cũng không quá xa lạ.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

Ngọc Trinh:
Leave a Comment