Soạn bài – Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra

Soạn bài Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra trang 75 – 78 SGK ngữ văn lớp 7 tập 1, Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra, sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ và chi tiết nhất theo sách giáo khoa.

(Tự học có hướng dẫn)

BUỔI CHIỀU ĐỨNG Ở PHỦ THIÊN TRƯỜNG TRÔNG RA

(Thiên Trường vãn vọng)

Phiên âm

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên

Bán vô bán hữu tịch dương biên

Mục đồng địch lí ngưu quy tận

Bạch lộ song song phi hạ điền

(Trần Nhân Tông(*))

Dịch nghĩa

Sau thôn trước thôn đều mờ mờ như khói phủ

Bên bóng chiều (cảnh vật) nửa như có nửa như không

Trong tiếng sáo mục đồng dẫn trâu về hết

Từng đôi cò trắng hạ cánh xuống đồng.

(Thiên Trường: tên đất, xem chú thích (*) ở cuối bài văn, vãn: buổi chiều, vọng: trông. Thôn: làng, xóm, hậu: sau, tiền: trước, đạm: nhạt, tự: tựa như, yên: khói. Bán: nửa, vô: không, hữu: có, tịch: buổi chiều, ban đêm, dương: ánh sáng mặt trời, biên: bên. Mục: nuôi súc vật, đồng: trẻ con, địch: ống sáo có 7 lỗ, : trong, ngưu: trâu, quy: về, tận: hết. Bạch: trắng, lộ: con cò, song: hai cái, một đôi, phi: bay, hạ: xuống, điền: ruộng.)

Dịch thơ

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng(1)

Bóng chiều man mác có dường không

Mục đồng sáo vẳng(2) trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

(Ngô Tất Tố dịch, trong Thơ văn Lí – Trần, tập II,

NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1989)

soan bai buoi chieu dung o phu thien truong trong ra sgk ngu van 7 tap 1

Chú thích:

(*) Trần Nhân Tông (1258 – 1308) tên thật là Trần Khâm, con trưởng của Trần Thánh Tông, là một ông vua yêu nước, anh hùng, nổi tiếng khoan hòa, nhân ái, đã cùng vua cha lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên thắng lợi vẻ vang. Ông theo đạo Phật. Năm 1299, ông về tu ở chùa Yên Tử (thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay) và trở thành vị tổ thứ nhất của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Trần Nhân Tông còn là một nhà văn hóa, một nhà thơ tiêu biểu của thời Trần.

Bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra được sáng tác trong dịp về thăm quê cũ ở Thiên Trường (thuộc tỉnh Nam Định ngày nay).

(1) Ở thôn quê Bắc Bộ, lúc chiều về, vào mùa thu, thường có lớp sương bao quanh làng xóm.

(2) Mục đồng: trẻ chăn trâu, bò,… Sáo vẳng: tiếng sao văng vẳng

Hướng dẫn soạn bài – Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra chi tiết

I. Đọc – hiểu văn bản

Giải câu 1 (Trang 76 SGK ngữ văn 7 tập 1)

Về thể thơ, bài Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra giống với bài thơ nào đã học? Hãy nêu một số đặc điểm của thể thơ đó và chỉ rõ những đặc điểm ấy đã thể hiện ở bài thơ này như thế nào.

Trả lời:

Thể loại của bài thơ giống bài “Nam quốc sơn hà” của Lí Thường Kiệt.

– Thể loại bài thơ: thất ngôn tứ tuyệt.

– Số dòng: 4 dòng.

– Số tiếng: 7 tiếng ở mỗi dòng thơ.

– Hiệp vần: 1 – 2 – 4: yên – biên – điền.

Giải câu 2 (Trang 77 SGK ngữ văn 7 tập 1)

Cụm từ nửa như có nửa như không (bán vô bán hữu) có nghĩa là gì?Hãy hình dung quang cảnh được gợi lên ở câu thơ thứ hai này.

Trả lời:

Cụm từ bán vô bán hữu (nửa như có nửa như không) có nghĩa là phong cảnh mờ ảo; vừa như có lại như không; vừa thực lại vừa hư. Quang cảnh gợi lên ở đây là làng xóm đang mờ trong sương khói. Cảnh có nét thực nhưng lại có nét ảo. Chính điều này tạo nên sự mơ màng, nên thơ rất độc đáo của câu thơ.

Giải câu 3 (Trang 77 SGK ngữ văn 7 tập 1)

Trong bài thơ, cảnh vật được miêu tả vào thời điểm nào trong ngày và gồm những chi tiết gì? (về ánh sáng, âm thanh, màu sắc và cảnh vật).

Trả lời:

Trong bài thơ, cảnh được miêu tả vào lúc chiều tà (lúc hoàng hôn). Trong khung cảnh có thể nghe thấy tiếng sáo của trẻ chăn trâu đang dẫn những chú trâu no mẫm về nhà, có những cánh cò trắng đang từ từ đáp xuống cánh đồng phía trước, ở phía xa kia, các thôn xóm đã chìm dần trong sương khói như mơ như thực. Một khung cảnh làng quê thật thanh bình và êm ả, nên thơ.

Giải câu 4 (Trang 77 SGK ngữ văn 7 tập 1)

Qua các nội dung được miêu tả trong bài thơ, em có những cảm nhận gì trước cảnh tượng buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường và về tâm trạng của tác giả trước cảnh tượng đó?

Trả lời:

– Cảm nhận về cảnh: Cảnh giản đơn đạm bạc, quê mùa mà sức chứa đựng lớn lao kì vĩ. Không núi cao sông rộng, không thời gian nghìn năm mây trắng còn bay. Không không gian vạn lí thiên, chỉ một khoảnh khắc chiều tà, một góc xóm nhà dân giữa dăm vạt ruộng nương vậy mà âm vang cả non sông đất nước.

– Tâm trạng của tác giả: Ta hình dung tác giả như đang đắm chìm mơ màng trong không gian buổi chiều tà dung dị quyến rũ ấy. Trong lòng trào dâng một tình yêu tha thiết đối với xóm làng quê hương đất nước thân thương.

Giải câu 5* (Trang 77 SGK ngữ văn 7 tập 1)

Sau khi hiểu được giá trị của bài thơ, em có thêm suy nghĩ gì khi nhớ rằng tác giả là một ông vua chứ không phải là một người dân quê? Từ đó, em có thể nói gì nữa về thời nhà Trần trong lịch sử nước ta?

Trả lời:

Tác giả của bài thơ là một ông vua có tâm hồn thi sĩ. Đọc bài thơ, ta thấy hoàn toàn không có sự ngăn cách nào giữa một người lãnh đạo cao nhất của một quốc gia với một người nông dân thuần phác (cảnh được nhìn và miêu tả ở những nét gần gũi và dân dã nhất). Điều đó cho thấy, nhà vua rất gần dân chúng, rất yêu dân, yêu chuộng sự thanh bình. Phải chăng vì các vị vua Trần rất thân dân, yêu dân như con mà mỗi khi đứng trước hoạ xâm lăng (nhất là trong ba lần quân Nguyên – Mông xâm lược nước ta) nhà Trần đều lãnh đạo nhân dân chống xâm lược thành công.

II. Soạn phần luyện tập bài Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra

Giải câu hỏi Luyện tập – (Trang 77 SGK ngữ văn 7 tập 1)

Từ việc đọc – hiểu hai câu thơ cuối, bằng trí tưởng tượng, viết một đoạn văn khoảng năm, sáu dòng để tả cảnh mục đồng thổi sáo dẫn trâu về nhà khi chiều xuống. (Gợi ý: xem tranh minh họa).

Trả lời:

Buổi chiều chậm rãi buông những sợi tơ vàng cuối cùng lên sóng lúa dập dờn. Đàn cò trắng vẫy nhẹ nhàng đôi cánh chuẩn bị sà xuống ruộng lúa.  Xa xa, tiếng sáo vi vu, ngân nga của những mục đồng ngồi trên lưng trâu. Tiếng sáo ấy như khúc nhạc êm ả của đồng quê thôn dã. Trên con đường làng đàn trâu no kềnh đang bước chậm chạp từng bước về nhà để nghỉ ngơi sau một ngày ăn cỏ thoả thích trên cánh đồng. Cảnh làng quê lúc chiều về thật thanh bình yên ả.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra

I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

Câu 1. Về thể thơ, bài Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra giống với bài thơ nào đã học? Hãy nêu một số đặc điểm của thể thơ đó và chỉ rõ những đặc điểm ấy đã thể hiện ở bài thơ này như thế nào.

Trả lời:

– Thể loại bài thơ: thất ngôn tứ tuyệt.

– Số dòng: 4 dòng.

– Số tiếng: 7 tiếng ở mỗi dòng thơ.

– Hiệp vần: 1 – 2 – 4: yên – biên – điền.

=> Thể loại của bài thơ giống bài “Nam quốc sơn hà” của Lí Thường Kiệt.

Câu 2. Cụm từ nửa như có nửa như không (bán vô bán hữu) có nghĩa là gì? Hãy hình dung quang cảnh được gợi lên ở câu thơ thứ hai này.

Trả lời:

Cụm từ “nửa như có nửa như không” miêu tả cảnh vật đã chập chờn vào lúc ngày sắp tàn. Quang cảnh trong câu thơ thứ hai hiện lên trong không khí êm đềm, tĩnh lặng. Mọi vật như chìm đần vào sương khói, cho nên, mới có đó mà không đó.

Câu 3. Trong bài thơ, cảnh vật được miêu tả vào thời điểm nào trong ngày và gồm những chi tiết gì? (về ánh sáng, âm thanh, màu sắc và cảnh vật)

Trả lời:

Trong bài thơ, cảnh vật được miêu tả vào lúc chiều về, sắp tối, gồm những chi tiết sau:

– Ánh sáng, màu sắc: mờ mờ như khói phủ.

– Âm thanh, tiếng sáo thổi dắt trâu về.

– Cảnh vật: đàn trâu đi, từng đôi cò trắng bay dưới cánh đồng.

Câu 4. Qua các nội dung được miêu tả trong bài thơ, em có những cảm nhận gì trước cảnh tượng buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường và về tâm trạng của tác giả trước cảnh tượng đó?

Trả lời:

Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường, khung cảnh thôn quê được phác họa rất đơn sơ nhưng vẫn đậm đà sắc quê, hồn quê. Điều đó chứng tỏ tác giả là vị vua dù có địa vị tối cao nhưng tâm hồn vẫn gắn bó máu thịt với quê hương thôn dã của mình. Một điều không dễ gì có được.

Câu 5*. Sau khi hiểu được giá trị của bài thơ, em có thêm suy nghĩ gì khi nhớ rằng tác giả là một ông vua chứ không phải là một người dân quê? Từ đó, em có thể nói gì nữa về thời nhà Trần trong lịch sử nước ta?

Trả lời:

Sau khi hiểu được giá trị của bài thơ, em thấy rất là lạ vì khi nhớ rằng tác giả là một ông vua chứ không phải là một người dân quê. Vì thông thường, vua thì làm gì mà có tình cảm, tâm hồn cao đẹp như thế. Thế nhưng, có một ông vua tâm hồn cao đẹp như Trần Nhân Tông, chứng tỏ thời đại đó, dân tộc ta, nhân dân ta sống rất cao đẹp, đúng như sử sách đã từng ca ngợi.

II. LUYỆN TẬP

Từ việc đọc – hiểu hai câu thơ cuối, bằng trí tưởng tượng, viết một đoạn văn khoảng năm, sáu dòng để tả cảnh mục đồng thổi sáo dẫn trâu về nhà khi chiều xuống. (Gợi ý: xem tranh minh họa).

Trả lời:

Quê em là một làng nhỏ nằm bên bờ sông Đáy hiền hòa, mềm mại uốn lượn giữa bạt ngàn ruộng mía, bờ dâu tươi tốt. Buổi chiều, mặt trời dần dần khuất sau dãy mây trắng. Bầu trời xuất hiện những chấm trắng chính là những chú cò, dang rộng sải cánh, lượn qua lượn lại. Những chú mục đồng dần xuất hiện trên cánh đồng vàng. Bên cạnh đó là những chú trâu và tiếng vi vu của sáo trúc. Tiếng sáo réo rắt, du dương ngân lên trong không gian êm đềm, tĩnh lặng. Hai bên đường, đồng lúa dập dờn như sóng biển trước cơn gió, mọi thứ dần trôi theo thời gian.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

 

DMCA.com Protection Status