Câu hỏi 1 (Trang 157 SGK Tiếng Việt lớp 5 Tập 1) – Kể chuyện về một buổi sum họp đầm ấm trong gia đình? Phần soạn bài Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia – Trang 157 SGK Tiếng Việt lớp 5 Tập 1.
Trả lời:
Gia đình của các bạn thường sum họp vào những ngày nào? Còn gia đình mình thường sum họp vào ngày thứ bảy và ngày chủ nhật. Trong tất cả những ngày sum họp ấy, mình nhớ nhất là ngày sum họp khi chú Thắng mình từ hải đảo về nghỉ phép thăm gia đình. Hôm ấy, nhà mình vui như Tết. Cả nhà thật đông. Các cô, các chú mình đang công tác, nhận được tin chú Thắng nghĩ phép đều về hết. Phải nói bà mình có khả năng tổ chức tuyệt vời.
Ai trong gia đình cũng đều tham gia vào bữa liên hoan. Bà nội chỉ đạo. Mẹ mình và các cô, các thím chịu trách nhiệm nấu nướng. Ba mình và các chú chịu trách nhiệm dọn dẹp, kê bàn ghế. Mình và các em con chú tham gia quét nhà, lau bát đũa. Mọi người vừa làm vừa trò chuyện vui vẻ. Bữa liên hoan thật thịnh soạn. Các cô, các thím thi nhau trố tài nấu nướng. Món nào cũng hấp dẫn.
Trong các món ấy, mình thích nhất là món mực chiên giòn. Bữa liên hoan thật vui, thật rôm rả. Sau bữa ăn, cả nhà quây quần quanh bàn uống nước. Mẹ sai mình vào tủ lạnh lấy trái cây mà cô mình đã gọt và cắt thành từng miếng. Lúc đó, ông mình mới nói chuyện cưới vợ cho chú Thắng trong đợt nghỉ phép này của chú. Thế là không khí gia đình vui hẳn lên.
Mỗi người một ý. Còn chú Thắng mình chỉ ngồi tủm tỉm cười. Là chú cười vậy thôi chứ chú nói với ông bà mình tối chú sẽ đưa bạn của chú về. Các cô chú đều sẽ ở lại đến sáng hôm sau mới về vì ai cũng muốn biết mặt bạn của chú Thắng mình mà. Buổi sum họp gia đình thật ấm áp. Cả gia đình mình quy tụ trong sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Mình luôn mong có nhiều buổi sum họp như thế đấy các bạn ạ. Các bạn có mong muôn có những buổi sinh hoạt gia đình đầy ắp những niềm vui như mình không?
Bài tham khảo khác
Kể lại bữa cơm sum họp đầm ấm của gia đình vào chiều 30 Tết
Thời gian trôi qua nhanh quá! Thấm thoát mà đã một năm. Mới hôm nào em được bố mẹ cho về quê ở Ninh Bình ăn Tết cùng ông bà và họ hàng bên nội, thế mà hôm nay đã là ngày cuối cùng của năm Bính Tuất.
Bố mẹ em chuẩn bị rất đầy đủ vì đây là lần đầu tiên ông bà nội ra Thủ đô đón Tết cùng con cháu. Không khí Tết tràn ngập trong căn nhà nhỏ. Phòng khách được trang hoàng đẹp đẽ. Trên bàn thờ bày bộ lư đồng sáng choang. Mùi nhang trầm thơm ngát. Đèn, nến, rượu, trà, bánh chưng, mứt, hoa quả… được ông em sắp xếp thật trang trọng. Cây đào bích khá lớn trồng trong chiếc chậu sứ đang nở những bông hoa tươi thắm chào đón xuân về.
Bữa cơm tất niên chiều ba mươi Tết là một bữa cơm đặc biệt. Từ sáng sớm, bà và mẹ đã đi chợ Đồng Xuân mua sắm những thứ cần thiết để nấu cỗ. Mẹ em là “bếp trưởng” phụ trách những món chính. Còn bà nội và chị Hà cùng với em làm “phụ bếp”. Mấy mẹ con, bà cháu vừa làm vừa trò chuyện thật vui. Em cũng học được cách tỉa rau củ thành những bông hoa, những con vật ngộ nghĩnh, xinh xinh để trang trí cho các món ăn thêm hấp dẫn.
Thức ăn đã nấu xong, bà nội tự tay sắp mâm cỗ cúng. Đỡ mâm cỗ từ tay bà, bố em đặt trước bàn thờ để ông nội thắp nhang khấn mời tổ tiên về sum họp cùng với con cháu trong dịp Tết.
Sau mấy tuần nhang, mâm cỗ được bưng xuống để con cháu hưởng lộc của tổ tiên. Thức ăn được dọn ra bàn: bánh chưng xanh, xôi gấc đỏ, thịt gà luộc vàng ươm, bát canh măng khô hầm chân giò màu nâu sẫm đặt bên cạnh đĩa xào gồm thịt bò, cà rốt, khoai tây, nấm hương, mộc nhĩ… Rồi giò lụa, giò thủ, nem rán… món nào cũng ngon lành và hấp dẫn.
Bố em rót rượu kính mời ông bà. Mọi người nâng cốc chúc mừng ngày vui, ba thế hệ quây quần bên mâm cơm ngày Tết. Trong bữa ăn, những câu chuyện về quê hương được ông bà, cha mẹ kể cho con cháu nghe. Quay sang em, ông bảo:
– Cháu Đức này! Tuy sinh ra và lớn lên ỏ Hà Nội nhưng cháu phải luôn luôn nhớ rằng quê hương cháu ở Ninh Bình, ở đó có mồ mả tổ tiên, có ngôi nhà của ông bà, nơi bố cháu đã sinh ra vả lớn lên. Sau này trưởng thành, dù đi đâu về đâu cũng đừng quên quê hương, cháu nhé!
Rồi ông đọc cho cả nhà nghe hai câu thơ:
Cây có cội mới nảy cành xanh lá,
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu.
Ông giải thích cặn kẽ ý nghĩa của hai câu thơ trên. Giọng nói ấm áp, chân tình của ông khiến cho mọi người cảm động. Bố em kín đáo lau giọt nước mắt ứa trên mi. Ông nội với gương mặt hiền từ và chòm râu bạc như ông Tiên trong cổ tích đã để lại trong em một ấn tượng thật sâu đậm.
Sau bữa cơm, cả nhà tiếp tục chuyện trò. Bà em lấy cơi trầu ra, têm một miếng rồi vừa thong thả nhai trầu vừa kể cho em nghe những chuyện ở làng quê. Hè này, nhất định em sẽ xin bố mẹ cho về Ninh Bình để đi thăm cố đô Hoa Lư, mảnh đất cờ lau dẹp loạn ngày nào; thăm đền thờ Đinh Tiên Hoàng, vị vua tên tuổi lẫy lừng trong lịch sử dân tộc. Có bao điều thú vị đang chờ em trong năm mới.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)
Leave a Comment