Hãy tưởng tượng và tả lại một nhân vật trong truyện em đã đọc?

Câu hỏi 3 (Trang 21 SGK Tiếng Việt Lớp 5 Tập 2) – Hãy tưởng tượng và tả lại một nhân vật trong truyện em đã đọc? Phần soạn bài Tập làm văn: Tả người (Tuần 20) trang 21 SGK Tiếng việt 5 Tập 2.

Trả lời:

Bài tham khảo 1:

– Bà ơi! Tấm và Cám như thế nào? Bà kể đi bà …

– Tấm là chị, Cám là em. Hai cô là chị em cùng cha khác mẹ. Tấm xinh đẹp, nết na, có mái tóc xanh, đôi mắt mở to đen láy. Tấm hay làm, phúc hậu lắm. Tội nghiệp, thương lắm, Tấm mồ côi mẹ. Còn Cám là con bà dì ghẻ. Mẹ Cám nanh ác nên Cám có cái mồm nhọn như mõm chuột, hai cái tai bé tí, gian tham và ranh ma!…

Bà mất đã 6 năm, nhưng câu chuyện Tấm Cám bà kể năm tôi lên bốn đến nay tôi vẫn còn nhớ. Nhiều đêm nằm mơ, tôi vẫn còn hình dung được bàn tay, đôi chân, giọng nói, nụ cười và gương mặt của Tấm.

Tấm có mái tóc dài, dài chấm lưng và đen nhánh. Đôi bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn nên bữa nào mụ dì ghẻ bắt đi mò cua bắt tép Tấm cũng bắt được nhiều hơn Cám. Tấm thật thà, tốt bụng, cả tin nên đã bị cô em gian xảo đánh lừa trút hết cua ốc tôm tép.

Ở hiền nên Tấm gặp lành. Tấm có con cá bống làm bạn khi đang sống trong cảnh ngộ tủi nhục, cô đơn. Tiếng Tấm dịu hiền gọi Bống làm em cảm động lắm : “Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”. Nhưng rồi con cá bống đáng yêu đó cũng bị mẹ con mụ dì ghẻ độc ác giết chết.

– Bà ơi? Chị Tấm có được đi hội không hở bà? Chị Tấm có được gặp Hoàng tử không hở bà?

– Mụ dì ghẻ đổ thóc trộn vào một đấu gạo, mụ bắt Tấm nhặt thóc. Mụ không muốn cho Tấm đi hội. Mụ chỉ muốn Cám, con gái ruột của mụ được gặp Hoàng tử thôi…

Tiếng bà kể, tôi vẫn nhớ. Bụt đã sai đàn chim sẻ bay xuống nhặt thóc giúp Tấm, Bụt ban cho Tấm một bộ lụa hồng để mặc đi hội. Qua chỗ lội, Tấm đánh rơi giày. Sau đó, Hoàng tử đã tìm được giày của Tấm. Tấm được yêu cầu thử giày. Trong bộ quần áo lụa hồng Tấm đẹp như cô Tiên giáng trần. Hoàng tử say đắm và Tấm về cung cưới làm vợ.

Mẹ con dì ghẻ đã lập mưu giết chết Tấm để cướp ngôi hoàng hậu. Con Vàng Anh biết nói tiếng người, trái thị thơm mà bà bảo kiếp đời cô Tấm đó: “Thị thơm, thị rụng bị bà/ Bà để bà ngửi, chứ bà không ăn”… Những ngày tháng Tấm ở với bà cụ hàng nước là những ngày tháng ấm áp nhất đối với Tấm. Tấm được sống trong tình thương mẹ con. Bàn tay của Tấm nõn nà khéo léo như búp ngọc, lúc bổ cau, lúc têm trầu. Chính miếng trầu cánh phượng mà Tấm têm sáng hôm ấy đã làm cho Hoàng tử nhận ra người đẹp sau bao lần hóa kiếp.

– Có chuyện ông Tơ bà Nguyệt không hở bà ?

– Có chứ ! Bụt là ông Tơ Hồng xe duyên cho Tấm và Hoàng tử nên vợ nên chồng đó.

Năm nay, tôi đã 10 tuổi, nhiều đêm nằm mơ, tôi vẫn gặp cô Tấm – Hoàng hậu xinh đẹp trong truyện cổ tích bà kể ngày xưa.

Bài tham khảo 2:

Em đã đọc nhiều truyện cổ tích của thế giới nhưng em vẫn ấn tượng với truyện Cô bé Lọ Lem. Nàng Lọ Lem trong truyện thật xinh đẹp, dịu hiền và rất nết na. Cô nàng đã có quãng thời gian dài khổ cực để tìm tới một hạnh phúc trọn vẹn.

Lọ Lem thật xinh đẹp! Dáng người nàng nhỏ nhắn, dong dỏng cao. Khuôn mặt trái xoan, thanh tú nổi bật, nước da trắng hồng, mịn màng. Đôi mắt đen láy, sáng long lanh ẩn dưới hàng lông mi uốn cong tự nhiên càng làm tăng vẻ quyến rũ của đôi mắt. Hàng lông mày lá liễu dài, cong càng làm tăng vẻ tự nhiên của đôi mắt quyến rũ ấy. Chiếc mũi dọc dừa cao điểm vẻ đẹp cho khuôn mặt của nàng. Đôi môi mềm, đầy đặn, bóng như vừa được bôi một lớp son mỏng. Hàm răng trắng, đều đặn cứ lấp ló giữa hai vành môi, ẩn giấu một vẻ đẹp nền nã. Mái tóc đen, óng mượt xõa ngang vai. Thường ngày Lọ Lem chỉ mặc một bộ đồ rách rưới, vá chằng vá đụp để lau dọn nhà cửa. Khuôn mặt của Lọ Lem xinh xắn vậy mà lại luôn bị lem luốc bởi cô phải quét dọn nơi xó nhà hay gác xép bẩn thiu. Chính vì bộ dạng lem luốc nên cô mới bị gọi tên là Lọ Lem. Lọ Lem rất chăm chỉ, luôn dọn dẹp luôn chân luôn tay. Cô rất hay lam hay làm. Lọ Lem có tính nết thật tốt đẹp: hiền dịu, nết na, chăm chỉ – những đức tính, phẩm chất tốt đẹp nhất của người phụ nữ.

Cuộc đời của Lọ Lem có quãng đường dài thật gian khổ mới tìm được hạnh phúc đích thực. Để dẫn tới kết quả tốt đẹp đó là cả một câu chuyện dài.

Thuở nhỏ, Lọ Lem sống rất vui vẻ cùng cha mẹ trong ngôi nhà rộng rãi, thoải mái. Bỗng nhiên, mẹ nàng lâm bệnh nặng rồi qua đời. Cha nàng lấy thêm vợ kế. Mụ mẹ kế đã có hai đứa con riêng trạc tuổi Lọ Lem. Hai đứa con của mụ đứa thì gầy, đứa thì béo. Sau đó, cha của Lọ Lem bị tai nạn nên cũng qua đời. Sau khi ông mất, mụ mẹ kế bắt cô bé phải phục vụ và phục tùng hai mẹ con mụ. Những bộ đồ lộng lẫy, những đôi giày tuyệt đẹp và căn phòng trang hoàng lộng lẫy đã quá xa vời với Lọ Lem. Mụ mẹ kế chỉ cho Lọ Lem mặc những bộ đồ bỏ đi, vá chằng vá đụp và đôi giày thô kệch. Mụ bắt cô phải làm lụng luôn chân luôn tay. Còn hai cô con riêng của mụ chỉ biết ăn chơi, lêu lổng, sống cuộc sống sung sướng mà lẽ ra Lọ Lem được hưởng. Lọ Lem xinh xắn chỉ được ở trên gác xép bụi bậm, bẩn thỉu, chứa đầy đồ cũ nát và cô có bạn là những chú chuột. Rồi một hôm, hoàng tử mở tiệc tiếp khách có mời cả mấy mẹ con mụ dì ghẻ và cả Lọ Lem nữa. Nhưng mụ chỉ sắm sửa, trang điểm cho mình và hai đứa con xấu xí. Mụ còn bắt Lọ Lem nhặt hạt đỗ tới bong cả tay mà không được đi dự tiệc. May có bà tiên giúp đỡ, cô đã có bộ đồ lộng lẫy, cổ xe tuyệt đẹp tới dự tiệc. Lọ Lem nhảy với hoàng tử tới sau mười hai giờ – giờ bà tiên dặn phải về nếu không phép màu sẽ bị biến mất. Cô vội vã đánh rơi chiếc giày làm hoàng tử đi tìm khắp nơi. Cuối cùng, hoàng tử đã tìm được chủ nhân của chiếc giày. Hoàng tử đã tìm thấy vị hôn thê của đời mình – Lọ Lem và cưới nàng về làm vợ. Cuộc sống của hai người rất hạnh phúc.

Lọ Lem là cô gái nết na, hiền dịu và rất xinh đẹp. Với tâm hồn trong sáng và phẩm chất tốt đẹp, cô đã tìm được đến với hạnh phúc đích thực. Qua câu chuyện, em hiểu rằng người chăm ngoan, hiền dịu, nết na sẽ được đền đáp xứng đáng.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status