Giải câu hỏi 2 – luyện tập trên lớp (Trang 108 SGK ngữ văn 8 tập 2)

Giải câu hỏi 2 – luyện tập trên lớp (Trang 108 SGK ngữ văn lớp 8 tập 2) – Phần soạn bài Luyện tập đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận trang 108 – 110 SGK ngữ văn lớp 8 tập 2.

Đề bài

Hãy trình bày các luận điểm đó cho có sức truyền cảm bằng việc thực hiện các bài tập sau:

a) Tham khảo đoạn văn sau và tìm những gợi ý cho em về việc đưa yếu tố biểu cảm vào trong bài văn nghị luận.

Biết bao hứng thú khác nhau ta tập hợp được nhờ cách ngao du thú vị ấy, không kể sức khỏe được tăng cường, tính khí trở nên vui vẻ. Tôi thường thấy những kẻ ngồi trong các cỗ xe tốt chạy rất êm nhưng mơ màng, buồn bã, cáu kỉnh hoặc đau khổ; còn những người đi bộ lại luôn luôn vui vẻ, khoan khoái và hài lòng với tất cả. Ta hân hoan biết bao khi về gần nhà! Một bữa cơm đạm bạc mà sao có vẻ ngon lành thế! Ta thích thú biết bao khi lại ngồi vào bàn ăn! Ta ngủ ngon giấc biết bao trong một cái giường tồi tàn!

(Ru-xô, Đi bộ ngao du)

b) Nếu phải trình bày luận điểm “Những chuyến tham quan, du lịch đem đến cho ta thật nhiều niềm vui”, hãy cho biết:

– Luận điểm ấy gợi cho em cảm xúc gì?

– Theo em, đoạn nghị luận dưới đây đã thể hiện được hết cảm xúc ấy chưa?

Không chỉ tăng cường sức mạnh thể chất, những chuyến tham quan, du lịch còn đem lại cho ta rất nhiều niềm vui sướng trong tâm hồn. Chắc các bạn vẫn chưa quên lần cả lớp đến tham quan vịnh Hạ Long. Hôm ấy không ai trong chúng ta kìm nổi một tiếng reo, khi sau một chặng đường dài, chợt thấy trải ra trước mắt cả một cảnh trời biển, núi non mênh mông, kì thú. Tôi nhớ hôm trước bạn Lệ Quyên còn đang âu sầu vì bị cô giáo phê bình. Tôi để ý thấy Lệ Quyên lúc đầu vẫn lặng lẽ, nhưng nét mặt bạn cứ rạng rỡ dần lên trước cảnh nước biếc non xanh. Nỗi buồn kia đã tan đi hẳn, như có một phép màu. Niềm sung sướng ấy không thể có khi chúng ta suốt năm chỉ quanh quẩn trong căn nhà, nơi góc phố hay trên con đường mòn quen thuộc.

– Cần tăng cường yếu tố biểu cảm như thế nào để đoạn văn biểu hiện đúng những cảm xúc chân thật của em? Có nên đưa vào đoạn văn các từ ngữ biểu cảm (ví dụ: biết bao nhiêu, diệu kì thay, có ai… lại, làm sao có được,…) không, và nếu có thì đưa vào chỗ nào trong đoạn? Em có định thay đổi một số câu văn để đoạn văn thêm sức truyền cảm không? (Ví dụ: Bạn có nhớ cái lần cả lớp chúng mình cùng đến thăm vịnh Hạ Long không?)

– Hãy viết lại đoạn văn trên rồi trình bày trước tổ (trước lớp). Sau đó, cần lắng nghe sự góp ý của thầy, cô giáo và của các bạn để rút ta những kinh nghiệm thiết thực và bổ ích cho bản thân.

Trả lời:

a) Trong đoạn văn Đi bộ ngao du, sau khi nêu ý chính (“Biết bao hứng thú khác nhau ta tập hợp được nhờ cách ngao du ấy”), Ru-xô đã vận dụng cả hai phương thức trực tiếp và gián tiếp để đưa các yếu tố biểu cảm vào bài:

– Gián tiếp: nêu các yếu tố đối lập (ngồi trong cỗ xe tốt, chạy rất êm >< đi bộ, luôn vui vẻ, khoan khoái).

– Trực tiếp biểu lộ cảm xúc qua các cụm từ: Ta hân hoan biết bao, ta sung sướng biết bao, Một bữa cơm đạm bạc mà sao có vẻ ngon lành thế!…

b) Luận điểm “Những chuyến tham quan, du lịch đem đến cho ta nhiều niềm vui” có thể gợi cho chúng ta nhiều cảm xúc:

– Muốn được hít thở bầu không khí thoáng đãng, trong lành.

– Muốn được khám phá thới giới tự nhiên, xã hội, tìm hiểu những vẻ đẹp của quê hương, đất nước, con người.

– Niềm vui được hoà nhập với thiên nhiên, xã hội.

– Khát vọng cống hiến cho Tổ quốc nhiều hơn…

c) Trong đoạn trích (SGK Ngữ văn 8 tr. 109), những cảm xúc được thể hiện khá rõ qua nhiều thủ pháp, nổi bật lên trong đó là những thủ pháp miêu tả, kể chuyện được đan xen, phối hợp với một giọng văn nhẹ nhàng nhưng khá truyền cảm.

Tuy vậy, khi viết văn, mỗi người có một giọng điệu, một cách viết riêng. Bởi vậy, hoàn toàn có thể thêm vào các yếu tố biểu cảm, thậm chí thay đổi trật tự các câu văn cho phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của mình.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status