Giải câu hỏi 4 (Trang 123 SGK ngữ văn 10 tập 1) – Phần soạn bài Viết bài làm văn số 3: Văn tự sự trang 123 – 124 SGK ngữ văn lớp 10 tập 1.
Đề bài:
Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay (tham khảo đề 2, phần Luyện tập, trong bài Lập dàn ý bài văn tự sự – trang 46)
Trả lời:
Một anh thợ học việc trong lò rèn suốt ngày ca thán về những khó khăn anh ta gặp phải trong cuộc sống. Anh ta cho rằng cuộc sống này quá u ám và ngột ngạt đến mức không thể chịu đựng nổi.
Một hôm, ông chủ lò rèn đã lớn tuổi bảo anh ta ra chợ mua về một ít muối. Khi anh thợ học việc đem muối về, ông chủ lấy ra một ly nước và bảo anh hãy bốc một nắm muối cho vào ly rồi uống.
– Anh thấy thế nào? – Ông chủ hỏi.
– Vị mặn chát! – Anh thợ thốt lên.
Ông chủ gật đầu đồng tình rồi bảo anh ta mang một nắm muối tương tự đi theo ông. Hai người lặng lẽ đến bên một bờ hồ gần đó. Ông chủ bảo anh thợ lấy nắm muối thả xuống hồ nước. Khi người thợ khuấy nắm muối vào nước hồ, ông chủ bảo anh ta:
– Giờ anh uống thử nước trong hồ xem sao.
Anh thợ làm theo lời ông chủ.
– Vị thế nào? – Ông hỏi sau khi chàng trai đã uống xong một ngụm nước hồ.
– Mát lắm ạ! – Chàng thợ học việc nhận xét.
– Thế anh có nếm thấy vị mặn chát của nắm muối không?
– Không ạ!
Ông chủ nhẹ vỗ vai chàng trai, hiền từ nhìn vào mắt anh và nói:
– Những phiền muộn cũng giống như những hạt muối mặn chát vậy. Ai trong chúng ta cũng đều gặp những điều không vừa lòng trong cuộc sống. Tuy nhiên, số lượng những đắng cay mỗi người cảm nhận được tùy thuộc vào nơi mà họ đặt nỗi phiền muộn ấy vào. Thế nên khi nào anh đau khổ, điều duy nhất anh nên làm là mở rộng nhận thức của anh về sự việc. Đừng tự biến mình thành cái cốc nước bé nhỏ để nỗi đau khổ ấy tạo thành vị mặn chát mà hãy trở thành hồ nước để hòa tan nỗi phiền muộn, sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)
Leave a Comment