Giải câu 2 (Trang 23 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Giải câu hỏi 2 (Trang 23 SGK ngữ văn lớp 11 tập 2) – Phần soạn bài Vội vàng (Xuân Diệu) trang 23 SGK ngữ văn lớp 11 tập 2.

Đề bài:

Câu 2. Xuân Diệu cảm nhận về thời gian như thế nào? Vì sao nhà thơ có tâm trạng vội vàng, cuống quýt trước sự trôi qua nhanh chóng của thời gian?

Trả lời:

Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu được nói đến trong 11 câu thơ (câu 14 – 24) mang ý vị triết lí nhân sinh sâu sắc. Cảm nhận về thời gian của thi nhân ở đây gắn liền với mùa xuân và tuổi trẻ của một con người yêu cuộc sống thiết tha, say đắm, nên mang nét riêng của Xuân Diệu rất rõ.

a) Thời gian và mùa xuân

Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân đã già,

Xuân Diệu viết bài thơ này khi mới ngoài hai mươi tuổi, nghĩa là còn rất trẻ. Người trai trẻ ấy nghĩ về mùa xuân như vậy, mới biết sức tàn phá của thời gian như thế nào, và thi nhân “sợ” thời gian trôi nhanh ra sao! Ở cái tuổi ấy, có lẽ ít người nghĩ thế, và nhất là viết như thế để giãi bày lòng mình trong thơ. Hai câu trên là đối lập (đương tới / đương qua, còn non / sẽ già) để đi đến một kết luận khẳng định về sự đồng nhất giữa mùa xuân và tác giả (con người):

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

Mùa xuân trôi đi thì cuộc đời con người cũng chấm hết. Cảm thức về sự tàn phá của thời gian thật mạnh và sâu, được nâng lên như một triết lí nhân sinh của Xuân Diệu. Một con người bình thường không thể nghĩ về thời gian, không gian “sợ” thời gian trôi nhanh đến mức như thế. Hẳn là trong ông có chứa chất bi kịch của nhà thơ lãng mạn trong thân phận một thi nhân mất nước lúc bấy giờ, hay chính vì ông quá yêu cuộc sống nồng nhiệt và say đắm mà “sợ” thời gian cướp mất mùa xuân của mình.

Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu ở đây, thực ra, suy cho cùng, cũng chính là hệ quả tất yếu phải có của lòng yêu đời, yêu cuộc sống của ông.

b) Thời gian và tuổi trẻ

Thời gian cướp đi mùa xuân cũng có nghĩa là cướp mất tuổi trẻ của nhà thơ. Đây chính là nỗi xót đau và lo lắng nhất của Xuân Diệu. Bởi chính ông là con người trân trọng tuổi trẻ nhất và lo sợ thời gian trôi nhanh thì tuổi trẻ sẽ không còn nữa. Điều đó được ông bộc lộ thật chân thành, tha thiết:

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!

Làm sao cuộc đời con người lại có hai lần “tuổi trẻ”? Và khi thời gian đã trôi nhanh thì liệu tuổi trẻ có còn? Như vậy, “xuân vẫn tuần hoàn” thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì khi tuổi trẻ đã hết? Với Xuân Diệu, cái quý nhất của đời người là tuổi trẻ, tuổi trẻ là đẹp nhất, cuộc sống thời tuổi trẻ là hạnh phúc nhất, đáng sống nhất. Và điều ông lo sợ nhất là mất đi cái thời quý giá ấy của cuộc sống con người. Nếu không còn tuổi trẻ thì cuộc sống con người cũng chẳng còn ý nghĩa:

Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt …

Qua cảm nhận về thời gian – cũng là qua nỗi băn khoăn của Xuân Diệu trước cuộc đời, ta thấy hiện lên cái đẹp nhất, hấp dẫn nhất trên cõi đời mà nhà thơ khao khát. Đó là tình yêu mùa xuân, yêu tuổi trẻ, yêu cuộc đời tha thiết như muốn sống mãi trong tuổi trẻ, trong mùa xuân của cuộc đời.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status