X

Giải câu 2 (Trang 116 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Giải câu hỏi 2 (Trang 116 SGK ngữ văn lớp 11 tập 2) – Phần soạn bài Ôn tập phần văn học kì II trang 115 – 116 SGK ngữ văn lớp 11 tập 2.

Đề bài:

Câu 2. Những nội dung cơ bản và đặc điểm nghệ thuật chủ yếu của các bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu, Hầu trời của Tản Đà? Làm rõ tính chất giao thời (giữa văn học trung đại và hiện đại) về nghệ thuật của các tác phẩm nói trên.

Trả lời:

a) Nội dung cơ bản và đặc điểm nghệ thuật chủ yếu của các bài Xuất dương lưu biệt của Phan Bội Châu, Hầu Trời của Tản Đà

– Lưu biệt khi xuất dương: về nội dung, bài thơ khắc hoạ vẻ đẹp lãng mạn hào hùng, bầu nhiệt huyết sôi trào và khát vọng cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng Phan Bội Châu trong buổi ra đi tìm đường cứu nước, vể nghệ thuật, bài thơ nổi bật ở giọng điệu thơ vừa da diết vừa mạnh mẽ, quyết liệt, sục sôi từ đó mà có sức truyền cảm và lôi cuốn người đọc.

– Hầu Trời: Bài thơ này ra đời vào đầu những năm 20 của thế kỉ XX. Vào thời điểm đó, lãng mạn đã là điệu tâm tình chủ yếu của thời đại. Xã hội thuộc địa phong kiến tù hãm, u uất, đầy rẫy những cảnh ngang trái, xót đau. Người trí thức có lương tri không thể không chấp nhận nhập cuộc, nhưng chống lại nó thì không phải ai cũng đủ dũng khí để làm. Bất bình nhưng bất lực, người ta chỉ có thể mong ước thoát li, làm thơ để giải sầu. Thơ Tản Đà thời này “đã nói lên đúng cái sầu bàng bạc trong đất nước, tiềm tàng trong tim gan người ta” (Xuân Diệu). Nhưng Tản Đà khác người ở chỗ, ngay từ đầu những năm 20 đã dám mạnh dạn thể hiện bản ngã “cái tôi” của mình với “cái buồn mơ màng, cái cảm xúc chơi vơi” (Xuân Diệu), với khát vọng thiết tha đi tìm một cõi tri âm để có thể khẳng định tài năng, phẩm giá đích thực của mình, bởi chẳng thể nào trông đợi ở “cõi trần nhem nhuốc bao nhiêu sự này”. Cái ngông của Tản Đà cũng là ở đó.

Bài thơ Hầu Trời đã thể hiện được nổi bật hồn thơ cũng như tính cách của Tản Đà – một thi sĩ ung dung tự tại, luôn thích tự do, phóng túng; một con người ý thức được tài năng và giá trị đích thực của mình đồng thời cũng luôn khao khát được khẳng định, được cống hiến, được làm đẹp cho đời.

b) Hai bài thơ dù đều có những nét mới, nhất là ở nội dung cảm xúc nhưng về thể thơ và về thi pháp thì cơ bản vẫn thuộc phạm trù văn học trung đại. Bài Xuất dương lưu biệt của Phan Bội Châu thể hiện cái “chí làm trai” theo tư tưởng mới khác với “chí làm trai” thời trung đại, song bài thơ vẫn là một bài thất ngôn bát cú Đường luật khá đăng đối, giàu hình ảnh ước lệ, không khác gì một bài thơ cổ. Trong khi đó, Hầu Trời có nhiều cách tân hơn (thể thơ thất ngôn trường thiên khá tự do) nhưng thực ra thì đó vẫn là thể thơ theo lối cổ, cách diễn đạt, dùng từ, xây dựng hình ảnh cũng vẫn mang những dấu ấn văn học trung đại. Tính chất giao thời về nghệ thuật của các tác phẩm nói trên là ở đó.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

Ngọc Trinh:
Leave a Comment