Giải câu hỏi 1 – Hoán dụ (Trang 136 SGK ngữ văn 10 tập 1) – Phần soạn bài Thực hành phép tu từ Ẩn dụ và Hoán dụ trang 135 – 137 SGK ngữ văn lớp 10 tập 1.
Đề bài:
Đọc những câu sau và trả lời câu hỏi.
(1)
Đầu xanh đã tội tình gì,
Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
(2)
Áo nâu liền với áo xanh,
Nông thôn liền với thị thành đứng lên
(Tố Hữu, Ba mươi năm đời ta có Đảng)
a) Dung những cụm từ đầu xanh, má hồng, nhà thơ Nguyễn Du muốn nói điều gì và ám chỉ nhân vật nào trong Truyện Kiều? Cũng như vậy, dùng những cụm từ áo nâu, áo xanh, Tố Hữu muốn chỉ lớp người nào trong xã hội ta?
b) Làm thế nào để hiểu đúng một đối tượng khi nhà thơ thay đổi tên gọi của đối tượng đó?
Gợi ý: Lấy một đặc điểm tiêu biểu của đối tượng quan sát, chẳng hạn lấy một bộ phận cơ thể, một vận dụng, một tính chất,… để gọi tên nhân vật, đó là phép hoán dụ nói chung. Hoán dụ tu từ là biện pháp thay đổi một tên gọi quen thuộc bằng một tên gọi khác nhờ có sự phát hiện mới về đối tượng đó theo quan hệ gần gũi với một đối tượng khác.
Trả lời:
a)
(1) Đầu xanh: tóc còn xanh, ý nói người còn trẻ.
Má hồng: Gò má người con gái thường ửng hồng rất đẹp, dùng hình ảnh đó để nói đến người phụ nữ trẻ đẹp. Ở trong văn cảnh câu thơ này, Nguyễn Du dùng các cụm từ đó để chỉ nhân vật Thúy Kiều.
(2) Áo nâu: Người nông dân xưa kia thường nhuốm áo màu nâu để mặc, ở đây dùng áo màu nâu để chỉ người nông dân.
Áo xanh: Màu áo thường thấy của công nhân, ở đây dùng áo màu xanh để chỉ chung tầng lớp công nhân.
b) Trong trường hợp, khi chúng ta gặp phải một đối tượng đã bị tác giả thay đổi cách gọi tên, để hiểu đúng được đối tượng ấy, chúng ta phải chú ý xem tác giả đã chọn cái gì để thay thế các đối tượng ấy. Cái được tác giả chọn để thay thế thường là một bộ phận, một tính chất, một đặc điểm nào đó… tiêu biểu. Phương thức chuyển đổi nghĩa này là phép tu từ hoán dụ. Nó giúp cho việc gọi tên sự vật, hiện tượng… trở nên phong phú, sinh động và hấp dẫn hơn.
Các trường hợp này đều là hoán dụ tu từ.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)