Giải câu 1 – Cách viết đoạn văn trong bài văn tự sự (Trang 97 SGK ngữ văn 10 tập 1)

Giải câu hỏi 1 – Cách viết đoạn văn trong bài văn tự sự (Trang 97 SGK ngữ văn 10 tập 1) – Phần soạn bài Luyện viết đoạn văn tự sự trang 97 – 99 SGK ngữ văn lớp 10 tập 1.

Đề bài:

Trong bài Lập dàn ý bài văn tự sự, chúng ta được nghe nhà văn Nguyên Ngọc kể: “cái truyện ngắn này sẽ bắt đầu bằng một khu rừng xà nu – mà tôi se ra sức tả một cách hết sức tạo hình […] và truyện sẽ kết thúc bằng một cảnh rừng xa nu, nhưng một vĩ thanh cứ xa mờ dần và bất tận […]”.

Viết Rừng xà nu, nhà văn Nguyễn Trung Thành (tức Nguyên Ngọc) mở đầu và kết thúc tác phẩm như sau:

– Mở đầu: Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện lại thành từng cục máu lớn.

Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã ngục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã nga… Cứ thế hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng…

Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời.

– Kết thúc: Tnú lại ra đi. Cụ Mết và Dít đưa anh ra đến cửa rừng xà nu gần con nước lớn. Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê.

Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời.

a) Theo anh (chị), các đoạn văn trên có thể hiện đúng như dự kiến của tác giả không? Nội dung và giọng điệu của các đoạn văn mở đầu và kết thúc có nét gì giống nhau, khác nhau?

b) Anh (chị) học được điều gì ở cách viết đoạn văn của Nguyên Ngọc?

Trả lời:

a) Các đoạn văn đã thể hiện đúng và rõ ràng những dự kiến của tác giả trước khi viết truyện. Nội dung và giọng điệu của các đoạn văn mở đầu và kết thúc:

– Giống nhau là: Cả đoạn mở đầu và kết thúc đều miêu tả cảnh rừng xà nu. Nó tạo thành một kết cấu vòng tròn – mở. Kết cấu này vừa đảm bảo sự chặt chẽ về bố cục, vừa tập trung làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Không những thế, kết cấu kiểu vòng tròn – mở còn gọi cho người đọc những suy nghĩ để liên tưởng “mở rộng vấn đề”.

– Khác nhau: Hai đoạn mở đầu miêu tả cánh rừng xà nu cụ thể sinh động bằng những chi tiết nghệ thuật giữa sức tạo hình nhằm để tạo không khí cho câu chuyện và để dẫn dắt, lôi cuốn người đọc. Trong khi đó đoạn cuối truyện chủ yếu miêu tả cảnh rừng xà nu mờ dần và bất tận nhằm tạo cho ng-ười đọc cảm giác về sự bất diệt của rừng cây và sức sống mãnh liệt của con người.

b) Qua việc tìm hiểu các giai đoạn sáng tác tác phẩm Rừng xà nu của nhà văn Nguyên Ngọc, chúng ta có thể rút ra kinh nghiệm: trước khi viết hoặc kể chuyện cần suy nghĩ, dự kiến trước phần mở đầu và kết thúc của bài văn. Có như vậy bài văn sẽ có một mạch thống nhất, chặt chẽ, rõ ràng và lôi cuốn người đọc, người nghe hơn

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status