Câu hỏi 1 (Trang 41 SGK Tiếng Việt Lớp 4 Tập 2) – Cách tả của tác giả trong mỗi đoạn văn tả lá, thân và gốc một số loài cây có gì đáng chú ý? Phần soạn bài Tập làm văn: Luyện tập miêu tả các bộ phận của cây cối trang 41 SGK Tiếng việt Tập 2.
Dưới đây là một số đoạn văn tả lá, thân và gốc một số loài cây. Theo em, cách tả của tác giả trong mỗi đoạn có gì đáng chú ý?
a) Tả lá cây
Lá bàng
Có những cây mùa nào cũng đẹp như cây bàng. Mùa xuân, lá bàng mới nảy trông như những ngọn lửa xanh. Sang hè, lá lên thật dày, ánh sáng xuyên qua chỉ còn là màu ngọc bích. Khi lá bàng ngả sang màu lục, ấy là mùa thu. Sang đến những ngày cuối đông, mùa của lá rụng, nó lại có vẻ đẹp riêng. Những lá bàng mùa đông đỏ như đồng ấy, tôi có thể nhìn cả ngày không chán. Năm nào tôi cũng chọn lấy mấy lá thật đẹp về phủ một lớp dầu mỏng, bày lên bàn viết. Bạn có biết nó gợi lên chất liệu gì không? Chất sơn mài.
ĐOÀN GIỎI
Chú thích và giải nghĩa:
Màu lục: màu xanh sẫm pha vàng.
Đọc thêm
Bàng thay lá
Chỉ vài hôm, lộc non đã tràn đầy trên bàn tay mùa đông của cây bàng. Dáng mọc của lộc rất lạ, thẳng đứng trên cành, như thể đêm qua có ai đã thả ngàn vạn búp lá nhỏ xíu từ trên trời, xanh biếc chi chít đầy cành và xoay thành những tán tròn quanh thân cây. Lá non lớn nhanh, đứng thẳng và cao chừng gang tay, cuộn tròn như những chiếc tai thỏ. Khi những tai thỏ xòe ra thành vài ba chiếc lá nhỏ, cây bàng nảy thêm một lứa lộc lần thứ hai màu đỏ đọt giữa những chùm lá; tán bàng bây giờ là một màu áo lục non lỗ đỗ những vệt hoa hồng thắm. Chỉ trong vòng mươi hôm từ khi nảy lộc, nhìn lại thấy lá đã già trên thân cây đầy những hốc bướu cổ quái, tưởng vẫn y như thế từ trăm năm. Ai ngờ trên thân thể đại lão của nó là một linh hồn rất trẻ, bởi không còn một chiếc lá nào năm ngoái sót lại trên cây.
Theo HOÀNG PHÚ NGỌC TƯỜNG
b) Tả thân cây và gốc cây.
Cây sồi già
Bên vệ đường, sừng sững một cây sồi. Đó là một cây sồi lớn, hai người ôm không xuể, có những cành có lẽ đã gãy từ lâu, vỏ cây nứt nẻ đầy vết sẹo. Với những cánh tay to xù xì không cân đối, với những ngón tay quều quào xòe rộng, nó như một con quái vật già nua cau có và khinh khỉnh đứng giữa đám bạch dương tươi cười.
Bấy giờ đã là đầu tháng sáu. Mới sau có một tháng, cây sồi già đã thay đổi hẳn, tỏa rộng thành vòm lá xum xuê xanh tốt thẫm màu, đang say sưa ngây ngất, khẽ đung đưa trong nắng chiều. Không còn thấy những ngón tay co quắp, những vết sẹo và vẻ ngờ vực, buồn rầu trước kia. Xuyên qua lớp vỏ cứng già hàng thế kỉ, những khóm lá non xanh tươi đã đâm thẳng ra ngoài. Thật khó lòng tin được chính cây sồi già cằn cỗi kia đã sinh ra chùm lá non xanh mơn mởn ấy.
Theo LÉP TÔN-XTÔI
Đọc thêm
Cây tre
Thân tre vừa tròn lại vừa gai góc. Trên thân cây tua tủa những vòi xanh ngỡ như những cánh tay vươn dài. Dưới gốc chi chít những búp măng non. Búp thì mới nhô khỏi mặt đất, búp thì cao ngang ngực em, búp vượt quá đầu em… Em cứ nghĩ những búp măng ấy chính là những đứa con thân yêu của tre năm năm tháng tháng được mẹ chăm chút, ngày một lớn lên, ngày một trưởng thành trong bóng mát yêu thương.
BÙI NGỌC SƠN
Trả lời:
1. Đoạn văn tả lá bàng của Đoàn Giỏi Tác giả đã miêu tả màu sắc của lá bằng biến đổi theo từng thời kì: mùa xuân lá bàng mới nảy trông theo như những ngọn lửa xanh. Mùa hè, lá lên thật dày mang màu xanh ngọc bích. Mùa thu lá chuyển sang màu lục. Mùa đông, khi sắp rụng lá bàng chuyển sang màu đồng hun.
2. Đoạn văn: tả bàng thay lá của Hoàng Phủ Ngọc Tường: Tác giả chọn thời kì bàng thay lá với sự xuất hiện của lộc non và phát triển thành búp lá với những giai đoạn phát triển khác nhau. Sau đó lại tả tiếp sự xuất hiện của lứa lộc thứ hai. Lứa lộc này màu đỏ đọt. (Khi miêu tả, tác giả luôn chú trọng sử dụng các từ ngữ so sánh).
3. Đoạn 3: Tả cây sồi già của Lép-tôn-xtôi Tác giả chọn thời điểm từ mùa đông sang mùa hè với sự thay đổi của cây sồi: từ nứt nẻ đầy sẹo, già cỗi chuyển thành một cây sồi có một sức sống mới: vòm lá xum xuê tỏa rộng. Ngoài những hình ảnh so sánh, tác giả còn sử dụng biện pháp nhân hóa tạo cho đoạn văn sinh động cuốn hút người đọc.
4. Đoạn 4: Tả cây tre của Bùi Ngọc Sơn Tác giả tả cả một bụi tre gồm tre già và búp măng và những đặc điểm của loài tre: rậm rạp, bù xù, gai góc. Tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh làm cho lời văn vừa cụ thể vừa có giá trị gợi hình, gợi tả cao.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)
Leave a Comment