Giải câu hỏi 2 – Ẩn dụ (Trang 135 SGK ngữ văn 10 tập 1) – Phần soạn bài Thực hành phép tu từ Ẩn dụ và Hoán dụ trang 135 – 137 SGK ngữ văn lớp 10 tập 1.
Đề bài:
Tìm và phân tích phép ẩn dụ trong những đoạn trích sau:
(1)
Dưới trăng quyên đã gọi hè,
Đầu tường lửa lựu lập lèo đâm bông.
(Nguyễn Du , Truyện Kiều)
(2)
Vứt đi những thứ văn nghệ ngòn ngọt, bày ra sự phè phỡn thỏa thuê hay cay đắng chất độc của bệnh tật, quanh quẩn vài tình cảm gầy gò của cá nhân co rúm lại. Chúng ta muốn có những cuốn tiểu thuyết, những câu thơ thay đổi được cả cuộc đời người đọc – làm thành người, đẩy chúng ta lên một sự sống trước kia chỉ đứng xa nhìn thấp thoáng.
(Nguyễn Đình Thi, Nhận đường)
(3)
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
(Thanh Hải, Mùa xuân nho nhỏ)
(4)
Thác bao nhiêu thác cũng qua,
Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời
(Tố Hữu, Nước non ngàn dặm)
(5)
Xưa phù du (1) mà nay đã phù sa,
Xưa bay đi mà nay không trôi mất
(Chế Lan Viên, Nay đã phù sa)
Trả lời:
(1) Hình ảnh ẩn dụ: lửa lựu (hoa lựa đỏ như lửa nên gọi là lửa lựu). Cách nói ấn dụ này đã miêu tả được cảnh sắc rực rỡ của cây lựu, đồng thời nói lên sức sống mãnh liệt của cảnh vật ngày hè.
(2) Biện pháp ẩn dụ được dùng là: thứ văn nghệ ngòn ngọt, sự phè phỡn thỏa thuê, cay đắng chất độc của bệnh tật, tình cảm gầy gò, cá nhân co rúm. Ý nói đến thứ văn nghệ mơ mộng, trốn tránh thực tế, hoặc không phản ánh đúng bản chất hiện thực (… thứ văn nghệ ngòn ngọt bày ra sự phè phỡn thỏa thuê hay cay đắng chất độc của bệnh tật), sự thể hiện tình cảm nghèn nàn, thiếu sáng tạo (tình cảm gầy gò) của những tác giả chỉ mãi đi theo lối mòn, không dám đổi mới (những cá nhân co rúm lại).
(3) “Giọt” âm thanh của tiếng chim chiền chiện, ý nói sức sống của mùa xuân.
(4) “Thác”: những cản trở trên đường đi (ý nói những trở lực, khó khăn trên con đường cách mạng); “chiếc thuyền ta”: con thuyền cách mạng. Ý cả câu: dẫu con đường cách mạng có nhiều khó khăn, gian khổ nhưng sự nghiệp cách mạng dân tộc vẫn luôn vững tiến.
(5) Phù du: Một loại sâu bọ sống ở nước, có cuộc sống ngắn ngủi. Dùng hình ảnh con phù du để chỉ cuộc sống tạm bợ, trôi nổi, không có ích; phù sa: chất màu mỡ, chỉ cuộc sống có ích.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)