Giải câu hỏi 3 (Trang 116 SGK ngữ văn lớp 11 tập 1) – Phần soạn bài Luyện tập thao tác lập luận so sánh trang 116 – 117 SGK ngữ văn lớp 11 tập 1.
Đề bài:
So sánh ngôn ngữ thơ Hồ Xuân Hương và ngôn ngữ thơ Bà Huyện Thanh Quan qua hai bài dưới đây:
TỰ TÌNH
(Bài I)
Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom,
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
Mõ thảm không khua mà cũng cốc,
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om?
Trước nghe những tiếng thêm rền rĩ
Sau giận vì duyên để mõm mòm.
Tài tử văn nhân an đó tá?
Thân này đâu đã chịu già tom!
(Hồ Xuân Hương)
CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ
Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn.
Gác mái, ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?
(Bà Huyện Thanh Quan)
Trả lời:
So sánh
– Giống nhau: Cùng viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.
– Khác nhau:
+ Bài thơ của Hồ Xuân Hương dùng nhiều từ ngữ trong ngôn ngữ hàng ngày (tiếng gà, văng vẳng, mõ thảm, chuông sầu, những tiếng rền rĩ, khắp mọi chòm…) kể cả những chữ rất khó dùng (cớ sao om, duyên mõm mòm, già tom).
+ Trong bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan lại dùng nhiều từ Hán Việt: hoàng hôn, ngư ông, viễn phố, mục tử, cô thôn, lữ thứ, hàn ôn,.. Nhiều từ ngữ mang tính ước lệ, được dùng nhiều trong thơ cổ.
→ Tạo nên sự khác biệt về phong cách giữa hai nhà thơ:
– Hồ Xuân Hương có phong cách gần gũi với đám đông, tuy có mang tâm trạng xót xa nhưng vẫn có những nét tinh nghịch, phá cách.
– Bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan mang phong cách trang trọng, đài các.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)