Soạn bài – Thề nguyền (trích Truyện Kiều)

Soạn bài Thề nguyền (trích Truyện Kiều) trang 115 – 116 SGK ngữ văn lớp 10 tập 2. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Thề nguyền (trích Truyện Kiều), sau đây là hướng dẫn soạn bài đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.

TRUYỆN KIỀU

(Tiếp theo)

NGUYỄN DU

Thề nguyền

TIỂU DẪN

Một hôm, khi cả gia đình sang chơi bên ngoại, Kiều đã tìm gặp Kim Trọng. Chiều tà, nàng trở về nhà, được tin cả nhà vẫn chưa về, Kiều quay lại gặp Kim Trọng. Hai người đã làm lễ thề nguyền gắn bó trước vầng trăng sáng vằng vặc. Đoạn trích sau đây (từ câu 431 đến câu 452) kể về việc Kiều sang nhà Kim Trọng và làm lễ thề nguyền.

VĂN BẢN

Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
Nhặt thưa (1) gương (2) giọi đầu cành,
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh (3) hắt hiu.

Sinh vừa tựa án (4) thiu thiu,
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê.
Tiếng sen (5) sẽ động giấc hìe (6),
Bóng trăng đã xế hoa lê (7) lại gần.

Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần (8).
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa.

Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”
Vội mừng làm lễ rước vào,
Đài sen (9) nối sáp lò đào (10) thêm hương.

Tiên thề (11) cùng thảo một chương,
Tóc mây (12) một món dao vàng (13) chia đôi.
Vừng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song.

Tóc tơ (14) căn vặn tấclòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng (15) đến xương.

(Theo ĐÀO DUY ANH, Từ điển “Truyện Kiều”, Sđd)

Chú thích:

(1) Nhặt thưa: (nhặt: mau, dày) chỉ ánh trăng chiếu xuyên qua lá cây tạo thành những khoảng sáng không đều nhau, chỗ sáng nhiều chỗ sáng ít.

(2) Gương: ở đây chỉ mặt trăng.

(3) Trướng huỳnh: xưa có người nhà nghèo không có đèn để đọc sách, phải bắt đom đóm làm đèn học. Do đó, trướng huỳnh được dùng chỉ phòng học của nho sinh, đồng thời gợi ý hiếu học. Cả câu ở đây ý nói: nhìn từ bên ngoài vào thấy ánh sáng đèn từ phòng học của Kim Trọng lọt ra dìu dịu.

(4) Án: cái bàn học xưa.

(5) Tiếng sen: tiếng bước chân nhẹ nhàng của người đẹp.

(6) Xem chú thích (4) trong ngữ văn 10, tập một, tr.129.

(7) Hoa lê: hoa cây lê, ở đây chỉ người đẹp.

(8) Đỉnh Giáp non thần: bài Phú Cao Đường của Tống Ngọc kể rằng vua nước Sở chơi đất Cao Đường nằm mơ thấy một người đàn bà đẹp, hỏi ở đâu, người đó nói là thần nữ núi Vu Giáp. Non thần: thần núi ấy. Cả câu có nghĩa là Kim Trọng cảm thấy Kiều xuất hiện như là thần nữ của núi Vu Giáp.

(9) Đài sen: cái đài hình hoa sen để đặt cây nến.

(10) Lò đào: cái lò hương hình trái đào. Cả câu ý nói Kim Trọng đặt thêm nến sáp cho thêm sáng, thắp thêm hương cho thêm thơm.

(11) Tiên thề: (tiên: tờ giấy) tờ giấy viết lời thề.

(12) Tóc mây: tóc xanh như mây.

(13) Dao vàng: chỉ con dao quý, cũng có thể đây chỉ là phép tu từ thuần túy khi tả con dao mà Kiều và Kim Trọng dùng để cắt tóc thề nguyền, giống như trường hợp bút hoa, lệ hoa, thềm hoa,…

(14) Tóc tơ: chỉ những điều chi li, tỉ mỉ.

(15) Chữ đồng: chữ đồng tâm, đồng lòng.

Hướng dẫn soạn bài – Thề nguyền (trích Truyện Kiều)

I. Bố cục

– Phần 1 (4 câu đầu): Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng trong đêm.

– Phần 2 (6 câu tiếp) : Tư thế và cảm giác của Kim Trọng khi thấy Thúy Kiều bước tới

– Phần 3 (4 câu tiếp): Thúy Kiều giải thích với Kim Trọng lí do mình tới

– Phần 4 (Còn lại): Cảnh thề nguyền giữa Kim Trọng và Thúy Kiều.

Vị trí:

Từ câu 431 đến câu 452

II. Hướng dẫn soạn bài Thề nguyền (trích Truyện Kiều)

Giải câu 1 (Trang 116 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Nêu nhận xét về hàm nghĩa của các từ vội, xăm xăm, băng.

Trả lời:

Trong sự vội vã của Thúy Kiều, người ta dường như nhận ra được sự chuyển biến tất yếu trong tình yêu của đôi trai tài gái sắc, nhưng dường như nó cũng chứng tỏ Kiều đang bị ám ảnh bởi định mệnh dành cho những người tài sắc. Vì vậy, không khí của đêm thề ước diễn ra vội vàng và gấp gáp. Để diễn tả điều này, Nguyễn Du đã dùng hai từ “vội” và “xăm xăm”. Kiều như tranh đua với thời gian và định mệnh đang ám ảnh mà cũng vì tình yêu với Kim Trọng mà Kiều vội vã, khẩn trương đến với chàng Kim.

Đây là một nét mới trong cách nhìn tình yêu của Nguyễn Du. Ngày xưa, trong quan hệ nam nữ, thông thường bao giờ người con trai cũng phải đóng vai trò chủ động. Nhưng ở đây, Nguyễn Du đã nhấn mạnh sự chủ động của Kiều. Đó là một cái nhìn rất tiến bộ có ý nghĩa vượt thời đại của đại thi hào Nguyễn Du.

Giải câu 2 (Trang 116 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Không gian thơ mộng và thiêng liêng của cuộc thề nguyền được Nguyễn Du tả như thế nào?

Trả lời:

Không gian đêm thần tiên, hư ảo được tả bằng các hình ảnh: ánh trăng nhặt thưa, ngọn đèn hiu hắt. Đồng thời chính Tiếng sen khẽ động giấc hoè (tiếng bước chân nhẹ nhàng của người đẹp) đã tạo cho Kim Trọng cảm giác như đang sống trong mơ (Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng). Rồi nó được thắp sáng hơn, thơm hơn và ấm áp hơn từ sự nhiệt thành nhưng cũng đầy cung kính của Thúy Kiều và Kim Trọng. Có thể nói đây là một không gian đẹp, nhưng có cảm giác hư ảo, không có thực. Có vẻ như ngay trong lúc thề nguyền, đính ước, nhà thơ đã muốn tạo cho người đọc cái linh cảm về sự mong manh, dễ vở của cuộc tình này.

Giải câu 3 (Trang 116 SGK ngữ văn 10 tập 2)

Liên hệ với trích đoạn Trao duyên để chỉ ra tính chất lôgic nhất quán trong quan niệm về tình yêu của Kiều.

Trả lời:

Đoạn trích này có một sự liên hệ khá chặt chẽ với đoạn trích Trao duyên. Qua miêu tả của Nguyễn Du, chúng ta có thể nhận thấy ngay từ trong màn thề ước này, tình yêu của hai người đã rất thiêng liêng. Sự gắn bó giữa họ không chỉ là do tình cảm tha thiết mà còn mang dấu ấn của tâm linh. Lời thề của họ trong đêm ấy đã được vầng trăng chứng giám, được ghi nhận bởi đấng tối cao.

Đoạn Trao duyên là sự tiếp tục một cách lôgíc quan niệm về tình yêu của Kiều. Nó cho thấy không chỉ khi tình yêu vuột mất và ngay cả khi đã phải sống cuộc đời hoen ố, Kiều vẫn một mực coi trọng mối tình đầu, coi trọng lời thề ước năm xưa như một báu vật cao quý, thiêng liêng. Ngược lại, đoạn trích này là một cơ sở chắc chắn góp phần hiểu đúng đoạn Trao duyên, cũng như hiểu đúng sự nhất quán và sâu sắc trong tình yêu mà Thúy Kiều dành cho Kim Trọng.

Tham khảo thêm cách soạn khác bài Thề nguyền (trích Truyện Kiều)

Câu 1. Nêu nhận xét về hàm nghĩa của các từ vội, xăm xăm, băng.

Trả lời:

– Các từ “vội”, “xăm xăm”, “băng” vừa diễn tả sự khẩn trương, vội vã tìm đến với người yêu của Kiều, lại vừa diễn tả tâm trạng và tình cảm của Kiều.

– Sở dĩ Kiều có vẻ vội vã như vậy là do nàng sợ người lớn quở mắng về hành động chưa được phép của mình, lại vừa chạy theo tiếng trái tim mách bảo.

Câu 2. Không gian thơ mộng và thiêng liêng của cuộc thề nguyền được Nguyễn Du tả như thế nào?

Trả lời:

– Không gian thơ mộng và thiêng liên của cuộc thề nguyền: chàng kim đang mơ màng giấc ngủ dưới ánh trăng thì chợt có tiếng bước chân khẽ khàng của Kiều tiến đến gần. Chàng choàng tỉnh, chưa hết bàng hoàng. Cả hai như lạc vào cõi mộng, sung sướng và hạnh phúc.

– Cảnh thề nguyền diễn ra trang trọng với các nghi thức được trời đất chứng dám:

+ Đài sen sáng bừng ánh sáng của nến sáp.

+ Lò đào tỏa hương trầm

+ Tờ giấy ghi lời thề của hai người

+ Trao kỉ vật: tóc mây

+ Vầng trăng “vằng vặc giữa trời” chứng dám cho lời thề của lứa đôi.

⇒ Cả thiên nhiên, đất trời chứng dám cho lời thề nguyền của đối trai gái. Lời thề của họ là minh chứng cho tình yêu và sự chung thủy thiêng liêng đến sâu nặng của họ.

Câu 3. Liên hệ với trích đoạn Trao duyên để chỉ ra tính chất lôgic nhất quán trong quan niệm về tình yêu của Kiều.

Trả lời:

Cuộc thề nguyền và những kỉ vật hai người đã trao nhau trong đêm đó chính là những gì Thúy Kiều nhắc tới và trao lại cho Thúy Vân trong đoạn trích Trao duyên. Kiều nhờ em gái, là người mà Kiều tin tưởng nhất, trả nghĩa cho chàng Kim là vì Kiều tôn thờ và muốn bảo vệ tình yêu của mình. Đó là tình yêu Kiều gìn giữ suốt đời, nên nếu không thể sống cả đời với nó thì Kiều sẵn sàng hi sinh vì nó.

(HTTPS://BAIVIET.ORG)

DMCA.com Protection Status