Soạn bài Mã Giám Sinh mua Kiều (trích Truyện Kiều) trang 97 – 99 SGK ngữ văn lớp 9 tập 1. Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Mã Giám Sinh mua Kiều (trích Truyện Kiều), sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất.
MÃ GIÁM SINH MUA KIỀU
(Trích Truyện Kiều)
Gần miền có một mụ nào,
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh(1).
Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”(2),
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.
Quá niên trạc ngoại tứ tuần(3),
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.
Trước thầy sau tớ lao xao,
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang.
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng,
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra…
Nỗi mình nên tức nỗi nhà,
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng!
Ngại ngùng dợn gió(4) e sương,
Ngừng(5) hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.
Mối càng vén tóc bắt tay,
Nét buồn như cúc điệu gầy như mai(6).
Đắn đo cân sức cân tài,
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ(7).
Mặn nồng một vẻ một ưa,
Bằng lòng khách mới tùy cơ dặt dìu.
Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều(8),
Sính nghi(9) xin dạy bao nhiêu cho tường?”
Mối rằng: “Giá đáng nghìn vàng,
Dớp nhà(10) nhờ lượng người thương dám nài!”
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vâng(11) ngoài bốn trăm.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều, Sđd)
Chú thích:
Vị trí đoạn trích: Đoạn trích nằm ở đầu phần thứ hai (Gia biến và lưu lạc). sau khi gia đình Kiều bị vu oan, Kiều quyết định bán mình để lấy tiền cứu cha và gia đình khỏi tai họa. Đoạn này nói về việc Mã Giám Sinh đến mua Kiều.
(Lưu ý: Sự việc ở đây xảy ra trước việc Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, nhưng vì là bài tự học có hướng dẫn nên người biên soạn đặt sau).
(1) Viễn khách: khách ở xa đến. Vấn danh: trong tục lệ hôn nhân ngày xưa, khi hai họ đã ưng thuận thì nhà trai phải tiến hành một loạt nghi lễ cho đến khi làm lễ cưới. Một trong những lễ ấy là vấn danh, tức lễ ăn hỏi (vấn danh là hỏi tên). Trong lễ ăn hỏi, nhà gái phải cho biết rõ tên tuổi người con gái. Đây dùng với nghĩa rộng là hỏi xin cưới.
(2) Mã Giám Sinh: Giám Sinh họ Mã. Giám sinh là tên gọi học trò ở Quốc tử giám, trường lớn ở kinh đô thời xưa. Giám sinh cũng có khi chỉ chức giám sinh người ta mua của triều đình.
(3) Tứ tuần: bốn mươi tuổi. Ý câu thơ: người đã đứng tuổi, ngoài bốn mươi.
(4) Dợn gió: có cảm giác ngại gió, sợ gió.
(5) Ngừng (tiếng cổ): nhìn, ngắm.
(6) Hai hình ảnh dùng để tả người phụ nữ đẹp lúc buồn rầu.
(7) Ép cung cầm nguyệt: ép gảy đàn; thử bài quạt thơ: thử tài làm thơ của Kiều khi yêu cầu nàng đề thơ trên quạt.
(8) Mua ngọc đến Lam Kiều: Lam Kiều là tên một cái cầu ở huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Huyện Lam điền là nơi sản xuất ngọc quý. Câu này ý nói: đến đây cốt để mua được người đẹp.
(9) Sính nghi: đồ dẫn cưới. Theo tục lệ cũ, nhà gái buộc nhà trai phải đưa nhiều đồ lễ đến mới cho cưới, đồ lễ ấy gọi là đồ dẫn cưới.
(10) Dớp nhà: nhà gặp vận đen, nhà đang mắc gian truân.
(11) Chữ này, Đào Duy Anh trong quyển Từ Điển truyện Kiều (in lần thứ hai năm 1989) ở phần mục từ và phần văn bản đều là in là vâng. Phần lớn các bản Kiều Nôm và các bản quốc ngữ cũng chép là vâng. Tuy nhiên, cũng có bản chép là vàng.
Hướng dẫn soạn bài – Mã Giám Sinh mua Kiều
I. Bố cục:
– Phần 1 (mười câu thơ đầu): Bức tranh về ngoại hình, tính cách của tên xấu xa Mã Giám Sinh.
– Phần 2 (mười sáu câu còn lại): Tình cảnh tội nghiệp, nỗi đau đớn, tái tê của Thúy Kiều trong cuộc mua bán với bọn buôn người.
II. Hướng dẫn soạn bài Mã Giám Sinh mua Kiều chi tiết.
Giải câu 1 (Trang 99 SGK ngữ văn 9 tập 1)
Phân tích những nét về ngoại hình và tính cách để làm nổi bật chất xấu xa của Mã Giám Sinh.
(Gợi ý:
– Về ngoại hình, hành động: cách ăn mặc, cách nói năng, cử chỉ, thái độ,…
– Về bản chất, tính cách: tính chất bất nhân, tính chất con buôn vì tiền, sự giả dối,…)
Trả lời:
Trong đoạn trích, từ ngoại hình đến tính cách, bản chất xấu xa của Mã Giám Sinh được bộc lộ rõ nét:
– Ngoại hình: Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao
+ Cử chỉ, hành động, cách nói năng: Ghế trên ngồi tót sỗ sàng; Đắn đo cân sắc cân tài – ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ; Cò kè bớt một thêm hai,…
+ Tính cách: thể hiện bản chất con buôn, bất nhân, xem con người chỉ như một món hàng hoá có thể mua bán, thậm chí cò kè bớt xén; giả dối từ việc giới thiệu lí lịch cho đến trình bày mục đích mua Kiều: “Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều – Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”…
Giải câu 2 (Trang 99 SGK ngữ văn 9 tập 1)
Cảm nhận của em về hình ảnh Thúy Kiều?
(Gợi ý:
– Tình cảnh tội nghiệp.
– Nỗi đau đớn, tái tê.)
Trả lời:
Cảm nhận của em về hình ảnh của Thúy Kiều.
Cuộc đời của Thúy Kiều, một cô gai tài hoa nhưng bạc mệnh, cuộc đời của nàng là một chuỗi dài của sự bi thương đau đớn. Trong đoạn trích, hình ảnh của nàng là một chuỗi dài của sự bi thương đau đớn. Trong đoạn trích, hình ảnh của nàng hiện lên tuy không nhiều nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được tình cảnh tội nghiệp và nỗi đau đớn tái tê của nàng.
a) Tình cảnh tội nghiệp: Gia đình nàng gặp cơn nguy biến, Kiều phải bán mình cứu cha.
b) Nỗi đau đớn, tái tê.
– Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng, Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai. Đó là nỗi đau đớn đến tột cùng. Từ một cô gái khuê các, sống trong cảnh “trướng gấm màn che” bỗng dưng nàng bị ném vào cuộc đời ô trọc, bầm dập.
– Trong lòng nàng lúc bấy giờ đang ngổn ngang trăm mối tơ vò: tình duyên đứt đoạn, cha và em bị đánh đập, cửa nhà tan nát thế nhưng nàng phải đánh đàn, phải làm thơ để cho Mã Giám Sinh vừa lòng, trong lòng thì lại chất chứa lo lắng vì số phận sắp tới của mình.
Giải câu 3 (Trang 99 SGK ngữ văn 9 tập 1)
Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua đoạn trích.
(Gợi ý:
– Nỗi đau đớn, xót xa trước tình cảnh con người bị hạ thấp, bị chà đạp.
– Sự khinh bỉ, căm phẫn sâu sắc bọn buôn người bất nhân, tàn bạo).
Trả lời:
Đoạn trích thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du:
– Tấm lòng cảm thương, xót xa trước thân phận nhỏ nhoi của con người, giá trị con người bị chà đạp.
– Vạch trần thực trạng xã hội đen tối, thế lực và đồng tiền lộng hành; Gián tiếp lên án thế lực phong kiến đã đẩy con người vào tình cảnh đau đớn, lên án thế lực đồng tiền bất nhân.
– Bày tỏ thái độ căm phẫn, khinh bỉ trước bọn buôn người giả dối, bất nhân.
Tham khảo thêm cách soạn khác bài Mã Giám Sinh mua Kiều
Câu 1. Phân tích những nét về ngoại hình và tính cách để làm nổi bật chất xấu xa của Mã Giám Sinh.
Trả lời:
– Ngoại hình:
+ Diện mạo: trau chuốt một cách thái quá “nhẵn nhụi”, “bảnh bao” → một kẻ trai lơ, đỏm dáng.
+ Ăn nói cộc lốc, mập mờ nhằm che giấu hành tung, lai lịch thật của mình.
+ Cách đi lại ồn ào, láo nháo, vô tổ chức.
→ Thông qua các từ ngữ miêu tả trực tiếp bằng cử chỉ, hành động mã Giám Sinh hiện lên là một kẻ giả dối, vô văn hóa được che đậy bởi vẻ ngoài bảnh bao, lịch sự.
– Tính cách:
+ Là một kẻ bất nhân, dửng dưng trước nỗi đau của Kiều.
+ Coi tài, sắc, nhân phẩm của Kiều như một mín hằng để kiếm lời.
+ Mua bán sành sỏi, tỉ mỉ, keo kẹt: “kì kèo bớt một thêm hai…” hiện rõ y là một tên buôn người nhẫn tâm, đê tiện.
→ Mã Giám Sinh là hiện thân của xã hội đồng tiền chà đạp lên nhân phẩm và quyên sống của con người.
Câu 2. Cảm nhận của em về hình ảnh Thúy Kiều?
Trả lời:
– Thúy Kiều hiện lên với tình cảnh tội nghiệp: đang sống trong cảnh “tướng rủ màn che” để rồi phải bán mình chuộc cha: trở thành món hàng cho bọn buôn người.
– Nỗi lòng Kiều đau đớn, tái tê:
+ Nỗi đau đớn cho thân phận và cảnh gia đình.
+ Lo lắng khi rơi vào tên Mã Giám Sinh và dự cảm được tai họa sắp xảy đến.
+ Xấu hổ ê chề khi nhân phẩm bị chà đạp, vùi dập.
– Hành động bán mình chuộc cha của Kiều là tự nguyện, Kiều chịu đựng nỗi đau khổ ấy bằng cách câm lăng chứng tỏ nàng là một người giàu đức hi sinh.
Câu 3. Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua đoạn trích.
Trả lời:
Qua đoạn trích, Nguyễn Du bóc trần bản chất xấu xa, đê tiện của Mã Giam sinh cũng như lên án các thế lực bạo tàn chà đạp lên nhân phẩm của người phụ nữ.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)