Soạn bài Bức thư của thủ lĩnh da đỏ (Xi-át-tơn) trang 135 – 140 SGK ngữ văn lớp 6 tập 2, Để học tốt hơn danh sách các bài tập trong bài Bức thư của thủ lĩnh da đỏ (Xi-át-tơn) sau đây là hướng dẫn soạn bài và giải bài tập đầy đủ và chi tiết nhất theo sách giáo khoa.
Truyện ngắn Bức thư của thủ lĩnh da đỏ (Xi-át-tơn)
[…] Đối với đồng bào tôi, mỗi tấc đất là thiêng liêng, mỗi lá thông óng ánh, mỗi bờ cát, mỗi hạt sương long lanh trong những cánh rừng rậm rạp, mỗi bãi đất hoang và tiếng thì thầm của côn trùng là những điều thiêng liêng trong kí ức(2) và kinh nghiệm của đồng bào tôi. Những dòng nhựa chảy trong cây cối cũng mang trong đó kí ức của người da đỏ(3).Khi người da trắng(4) chết đi, họ thường dạo chơi giữa các vì sao(5) và quên đi đất nước họ sinh ra. Còn chúng tôi, chúng tôi chẳng thể quên được mảnh đất tươi đẹp này.
Bởi lẽ mảnh đất này là bà mẹ của người da đỏ. Chúng tôi là một phần của mẹ và mẹ cũng là một phần của chúng tôi. Những bông hoa ngát hương là người chị, người em của chúng tôi. Những mỏm đá, những vũng nước trên đồng cỏ, hơi ấm của chú ngựa con và của con người, tất cả đều cùng chung một gia đình.
[…] Dòng nước óng ánh, êm ả trôi dưới những dòng sông, con suối đâu chỉ là những giọt nước, mà còn là máu của tổ tiên chúng tôi. Nếu chúng tôi bán mảnh đất này cho Ngài, Ngài phải nhớ rằng, Ngài phải dạy bảo con cháu rằng, mảnh đất này là thiêng liêng và những tia sáng chói chang phản chiếu từ mặt hồ trong vắt sẽ nói lên cái gì đó về kí ức của người da đỏ. Tiếng thì thầm của dòng nước chính là tiếng nói của cha ông chúng tôi. […] Tôi biết người da trắng không hiểu cách sống của chúng tôi. Đối với họ, mảnh đất này cũng như những mảnh đất khác, bởi lẽ họ là kẻ xa lạ, và trong đêm tối, họ lấy đi từ lòng đất những gì họ cần. Mảnh đất này đâu phải là những người anh em của họ, mảnh đất này là kẻ thù của họ và khi đã chinh phục(6) được thì họ sẽ lấn tới. Mồ mả tổ tiên của họ, họ còn quên và họ cũng chẳng cần tới dòng tộc của họ. Họ cư xử với mẹ đất và anh em bầu trời như những vật mua được, tước đoạt được, rồi bán đi như những con cừu và những hạt kim cương sáng ngời. Lòng thèm khát của họ sẽ ngấu nghiến đất đai, rồi để lại đằng sau những bãi hoang mạc(7).Tôi biết, cách sống của chúng tôi khác với cách sống của Ngài. Cảnh đẹp nơi thành phố của Ngài làm nhức nhối con mắt người da đỏ. Có lẽ, người da đỏ hoang dã(8) và tăm tối chăng?
Ở thành phố của người da trắng, chẳng có nơi nào yên tĩnh cả, chẳng có nơi nào là nghe được tiếng lá cây lay động vào mùa xuân hay tiếng vỗ cánh của côn trùng. Nếu có nghe thấy thì đó cũng là tiếng ồn ào lăng mạ(9) trong tai. Và cái gì sẽ xảy ra đối với cuộc sống, nếu con người không nghe được âm thanh lẻ loi của chú chim đớp mồi hay tiếng tranh cãi của những chú ếch ban đêm bên hồ? Tôi là người da đỏ, tôi thật không hiểu nổi điều đó. Người Anh-điêng chúng tôi ưa những âm thanh êm ái của những cơn gió thoảng qua trên mặt hồ, được nước mưa gội rửa và thấm đượm hương thơm của phấn thông.
Không khí quả là quý giá đối với người da đỏ, bởi lẽ bầu không khí này là của chung, muông thú, cây cối và con người cùng nhau hít thở. Người da trắng cũng cùng chia sẻ, hít thở bầu không khí đó. Nhưng hình như người da trắng chẳng để ý gì đến nó. Nếu chúng tôi bán cho Ngài mảnh đất này, Ngài phải nhớ rằng không khí đối với chúng tôi là vô cùng quý giá và phải chia sẻ linh hồn với tất cả cuộc sống mà không khí ban cho. Ngọn gió mang lại hơi thở đầu tiên cho cha ông chúng tôi và cũng nhận lại hơi thở cuối cùng của họ. Nếu có bán cho Ngài mảnh đất này, Ngài phải giữ gìn và làm cho nó thành một nơi thiêng liêng cho ngay cả người da trắng cũng có thể thưởng thức được những làn gió thấm đượm hương hoa đồng cỏ.
Như vậy, chúng tôi mới cân nhắc những ý muốn mua mảnh đất này của Ngài. Nếu có quyết định chấp nhận yêu cầu của Ngài, chúng tôi phải đưa ra một điều kiện – đó là, người da trắng phải đối xử với các muông thú sống trên mảnh đất này như những người anh em.
Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu bất cứ một cách sống nào khác. Tôi đã chứng kiến hàng ngàn con trâu rừng(10) bị chết dần chết mòn trên những cánh đồng trơ trọi vì bị người da trắng bắn mỗi khi có đoàn tàu chạy qua. Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu nổi tại sao một con ngựa sắt nhả khói(11) lại quan trọng hơn nhiều con trâu rừng mà chúng tôi chỉ giết để duy trì cuộc sống.
Con người là gì, nếu cuộc sống thiếu những con thú ? Và nếu chúng ra đi, thì con người cũng sẽ chết dần chết mòn vì nỗi cô đơn về tinh thần, bởi lẽ điều gì sẽ xảy đến với con thú thì cũng chính xảy ra đối với con người. Mọi vật trên đời đều có sự ràng buộc.
Ngài phải dạy con cháu rằng mảnh đất dưới chân chúng là những nắm tro tàn của cha ông chúng tôi, và vì thế, chúng phải kính trọng đất đai. Ngài phải bảo chúng rằng đất đai giàu có được là do nhiều mạng sống của chủng tộc chúng tôi bồi đắp nên. Hãy khuyên bảo chúng như chúng tôi thường dạy con cháu mình: Đất là Mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của Đất. Con người chưa biết làm tổ để sống, con người giản đơn là một sợi tơ trong cái tổ sống đó mà thôi. Điều gì con người làm cho tổ sống đó, tức là làm cho chính mình…
(Theo tài liệu Quản lí môi trường phục vụ phát triển bền vững
[Dự án VIETPRO – 2020, Hà Nội, 1995], có đối chiếu và chỉnh lại
theo bản in trong cuốn Chào năm 2000, NXB ĐÀ Nẵng, 1999)
Chú thích:
(*) Năm 1854, tổng thống thứ 14 của nước Mĩ là Phreng-lin Pi-ơ-xơ tỏ ý muốn mua đất của người da đỏ. Thủ lĩnh Xi-át-tơn đã gửi bức thư này trả lời. Đây là một bức thư rất nổi tiếng, từng được nhiều người xem là một trong những văn bản hay nhất về thiên nhiên và môi trường. Văn bản trên đây có lược bớt một số câu khó hiểu đối với học sinh THCS.
(1) Thủ lĩnh: người đứng đầu lãnh đạo một tập đoàn người, một tổ chức, một đảng phái, …; ở đây chỉ thủ lĩnh Xi-át-tơn.
(2) Kí ức: trí nhớ, hình ảnh, sự việc được giữ lại trong tâm trí. Trong bức thư, chữ trên lần lượt được dùng với cả hai nghĩa (kí: ghi, nhớ; ức: nhớ).
(3) Người da đỏ: ở đây chỉ dân cư sống lâu đời trên lục địa châu Mỹ thuộc chủng tộc Anh-điêng. Cuối thế kỉ XVIII, trên lãnh thổ Mĩ có chừng 2,5 triệu người. Trải qua mấy trăm năm bị tàn sát và bị dồn vào những nơi hoang vắng, cằn cỗi, nay người da đỏ còn lại không nhiều.
(4) Người da trắng: ở đây chỉ người châu Âu lúc mới sang xâm chiếm, khai khẩn đất đai ở châu Mĩ.
(5) Ý nói dạo chơi nơi Thiên đường, nơi an nghỉ của những linh hồn siêu thoát theo quan niệm của đa số “người da trắng” đương thời.
(6) Chinh phục: dùng sức mạnh để bắt phải phục tùng; ở đây có nghĩa là xâm chiếm, tước đoạt.
(7) Hoang mạc: vùng đất không có cây cối, hoặc cây cối cằn cỗi, có khí hậu rất khô, nhiệt độ rất cao suốt mùa hè hoặc cả năm.
(8) Hoang dã: nơi đất để hoang, ít người qua lại; có tính chất tự nhiên, kém văn minh. Trong bức thư, từ hoang dã được dùng với nghĩa thứ hai, bề ngoài vẻ khiêm nhường song hàm ý châm biếm sâu sắc.
(9) Lăng mạ: chửi mắng, nói năng làm xúc phạm đến người khác.
(10) Trâu rừng: một loại động vật hoang dã có kích cỡ rất lớn (cao khoảng 1,8m; trọng lượng khoảng 900kg), vốn tồn tại rất nhiều ở lục địa châu Mĩ. Chỉ riêng trên lãnh thổ nước Mĩ, đầu thế kỉ XIX có đến khoảng 60 triệu con. Nay người ta chỉ có thể thấy một số ít trong công viên quốc gia Đá Vàng.
(11) Ngựa sắt nhả khói: chỉ tàu hỏa. Lãnh thổ Mĩ rộng lớn đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ mạng lưới giao thông, đặc biệt là đường sắt. Nửa sau thế kỉ XIX, nhà cầm quyền Mĩ đã phóng tay cho các công ti đường sắt những khoảng đất rộng lớn ở hai bên đường (2423000 dặm vuông, rộng hơn lãnh thổ của Pháp và Đức cộng lại) và số tiền trợ cấp kếch sù (khoảng 700 triệu đô la Mĩ).
Hướng dẫn soạn bài – Bức thư của thủ lĩnh da đỏ (Xi-át-tơn)
I. Bố cục
Tác phẩm được chia làm 3 phần:
– Phần 1 (từ đầu đến “cha ông chúng tôi“): Những điều thiêng liêng trong kí ức người da đỏ.
– Phần 2 (tiếp đến “đều có sự ràng buộc“): Những lo âu của người da đỏ về đất đai môi trường sẽ bị tàn phá bởi người da trắng.
– Phần 3 (còn lại): Kiến nghị của người da đỏ về việc bảo vệ môi trường, đất đai.
II. Hướng dẫn soạn bài Bức thư của thủ lĩnh da đỏ chi tiết
Giải câu 1 (Trang 139 SGK ngữ văn 6 tập 2)
Đọc đoạn đầu bức thư: từ Đối với đồng bào tôi đến tiếng nói của cha ông chúng tôi.
a) Hãy chỉ ra những phép so sánh và nhân hóa đã được dùng.
b) Hãy nêu lên tác dụng của phép so sánh và nhân hóa đó, đặc biệt là trong việc làm nổi bật quan hệ giữa người da đỏ với “Đất”, với thiên nhiên.
Trả lời:
a) Đoạn đầu của bức thư, thủ lĩnh da đỏ sử dụng những hình ảnh nhân hóa:
– Mảnh đất này là bà mẹ của người da đỏ
– Những bông hoa ngát hương là người chị, người em.
– Người da đỏ, mỏm đá, vũng nước, chú ngựa “đều cùng một gia đình”.
Các phép so sánh thường được sử dụng:
– Nước óng ánh, êm ả trôi dưới những dòng sông, con suối là máu của tổ tiên.
– Tiếng thì thầm của dòng nước chính là tiếng nói của cha ông.
b) Tác dụng của so sánh, nhân hóa:
– Thể hiện mối quan hệ giữa con người được thể hiện gắn bó hết sức thân thiết, như là chị em, như là con người trong một gia đình, như là con cái với người mẹ.
– Cha ông, tổ tiên của người da đỏ tồn tại trong thiên nhiên, trong những dòng nước, trong âm thanh của côn trùng và nước chảy.
Giải câu 2 (Trang 139 SGK ngữ văn 6 tập 2)
Đọc đoạn giữa của bức thư: từ Tôi biết người da trắng không hiểu cách sống đến Mọi vật trên đời đều có sự ràng buộc.
a) Đoạn văn đã nói lên sự khác biệt, sự đối lập trong “cách sống”, trong thái độ đối với “Đất”, đối với thiên nhiên giữa người da đỏ và “người da trắng” trên những vấn đề gì?
b) Tác giả đã dùng những biện pháp nghệ thuật nào để nêu bật sự khác biệt, sự đối lập ấy và để thể hiện thái độ, tình cảm của mình?
(Gợi ý: cách dùng phép so sánh, phép nhân hóa, phép lặp, phép đối lập; cách sử dụng các kiểu câu; cách sử dụng từ ngữ, …)
Trả lời:
a) Sự khác biệt của người da đỏ và da trắng thể hiện ở thái độ đối với đất đai:
– Người da trắng:
+ Xa lạ với đất, coi đất là kẻ thù.
+ Cư xử như mua được, tước đoạt được, bán đi như mọi thứ hàng hóa.
+ Chỉ biết khai thác, lấy đi những thứ cần, ngấy nghiến đất để lại đằng sau là bãi hoang mạc.
– Người da đỏ:
+ Trân trọng đất, coi đất như mẹ, như phần máu thịt.
Sự khác biệt thể hiện ở lối sống:
– Người da trắng:
+ Sống ồn ào trong nhịp sống công nghiệp căng thẳng.
+ Không quan tâm đến không khí
+ Không biết thưởng thức “những làn gió thấm đượm hương hoa đồng cỏ”.
+ Không quý trọng muông thú.
b) Tác giả dùng nhiều biện pháp nghệ thuật thể hiện thái độ, tình cảm của mình.
– Phép đối lập:
anh em >< kẻ thù
yên tĩnh >< ồn ào
xa lạ >< thân thiết
– Điệp ngữ: Tôi biết… tôi biết… Tôi thật không hiểu… Tôi đã chứng kiến… Ngài phải nhớ… Ngài phải giữ gìn… Ngài phải dạy.
– Sự so sánh tương phản, giữa người da trắng và người da đỏ về thái độ thiên nhiên về cách sống.
Giải câu 3 (Trang 140 SGK ngữ văn 6 tập 2)
Đọc đoạn còn lại của bức thư.
a) Hãy nêu các ý chính của đoạn này.
b) Cách hành văn, giọng điệu của đoạn này có gì giống, có gì khác với hai đoạn trên?
c) Nên hiểu thế nào về câu: Đất là Mẹ.
Trả lời:
a) Ý chính của đoạn còn lại của bức thư, yêu cầu tổng thống Mỹ:
– Dạy người da trắng kính trọng đất đai.
– Dạy người da trắng coi đất là mẹ.
– Khuyên người da trắng bảo vệ đất đai là bảo vệ chính mình.
b) Cách hành văn và giọng điệu của đoạn này cũng giống như các đoạn trước:
– Sử dụng điệp ngữ, dứt khoát và mạnh mẽ hơn.
– Khẳng định chắc chắn rằng “Đất là Mẹ”.
c) Đất là Mẹ nhấn mạnh quan hệ mật thiết gắn bó của người với đất:
– Những con người phải có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, bảo vệ Đất.
– Có ý nghĩa đất là nguồn sống, là sự chở che, bảo vệ con người.
– Sự gắn bó này giúp cho con người có thái độ cư xử đúng đắn với đất đai.
Giải câu 4 (Trang 140 SGK ngữ văn 6 tập 2)
Bức thư đã sử dụng rất nhiều yếu tố của phép lặp (lặp ý, lặp từ ngữ, lặp kiểu câu). Hãy lập bảng thống kê một số hoặc toàn bộ những yếu tố lặp ấy và chỉ ra tác dụng biểu hiện tư tưởng, tình cảm của chúng.
Trả lời:
Tác giả sử dụng nhiều phép lặp:
– Lặp từ ngữ (điệp ngữ): mảnh đất, tôi biết, dòng nước, người da đỏ, người da trắng.
– Lặp kiểu câu:
Nếu chúng tôi bán… ngài phải…
Ngài phải dạy…
Ngài phải bảo…
Ngài phải biết…
Ngài phải giữ gìn…
– Lặp lại sự đối lập giữa người da đỏ và da trắng. Sự lặp lại tăng hiệu quả nhấn mạnh, làm nổi bật sự khác biệt trong cách sống và trong thái độ với thiên nhiên.
Giải câu 5* (Trang 140 SGK ngữ văn 6 tập 2)
Hãy giải thích vì sao một bức thư nói về chuyện mua bán đất đai cách đây một thế kỉ rưỡi nay vẫn được nhiều người xem là một trong những văn bản hay nhất nói về thiên nhiên và môi trường?
(Gợi ý: Vận dụng tổng hợp kết quả việc đọc – hiểu ở trên và kết hợp với việc làm bài Luyện tập dưới đây)
Trả lời:
Bức thư nói về chuyện mua bán đất đai cách đây hơn một thế kỉ được coi là văn bản hay nhất, bởi:
– Tác giả đã viết với tất cả các tình yêu mến, kính trọng đất đai của người da đỏ.
– Bằng kinh nghiệm sống gần gũi với thiên nhiên, đã chỉ ra tầm quan trọng của đất nước, không khí, muôn thú đối với con người.
– Đặc biệt là thủ lĩnh da đỏ đã nêu lên trách nhiệm của con người phải bảo vệ, giữ gìn môi trường sống, bảo vệ thiên nhiên.
Soạn phần luyện tập Bức thư của thủ lĩnh da đỏ
Giải câu Luyện tập (Trang 140 SGK ngữ văn 6 tập 2)
Chọn một số câu hay trong các đoạn của bức thư trên nói về không khí, ánh sáng, đất, nước, thực vật, thú vật và học thuộc lòng.
Trả lời:
Một số câu hay nói về không khí, ánh sáng, đất, nước, thực vật, thú vật:
– Đối với đồng bào tôi, mỗi tấc đất là thiêng liêng, mỗi lá thông óng ánh, mỗi bờ cát, mỗi hạt sương long lanh trong những cánh rừng rậm rạp, mỗi bãi đất hoang và tiếng thì thầm của côn trùng là những điều thiêng liêng …
– Dòng nước óng ánh, êm ả trôi dưới những dòng sông, con suối đâu chỉ là những giọt nước, mà còn là máu của tổ tiên chúng tôi.
– Không khí quả là quý giá đối với người da đỏ, bởi lẽ bầu không khí này là của chung, muông thú, cây cối và con người cùng nhau hít thở.
– Tôi đã chứng kiến cả ngàn con trâu rừng bị chết dần chết mòn trên những cánh đồng trơ trọi vì bị người da trắng bắn mỗi khi có đoàn tàu chạy qua.
Tham khảo thêm cách soạn khác bài Bức thư của thủ lĩnh da đỏ
Câu 1. Đọc đoạn đầu bức thư: từ Đối với đồng bào tôi đến tiếng nói của cha ông chúng tôi.
a) Hãy chỉ ra những phép so sánh và nhân hóa đã được dùng.
b) Hãy nêu lên tác dụng của phép so sánh và nhân hóa đó, đặc biệt là trong việc làm nổi bật quan hệ giữa người da đỏ với “Đất”, với thiên nhiên.
Trả lời:
Những phép so sánh và nhân hoá trong đoạn văn:
– … tiếng thì thầm của côn trùng -> nhân hóa.
– Mảnh đất này là bà mẹ của người da đỏ -> nhân hóa, so sánh.
– Chúng tôi là một phần của mẹ và mẹ cũng là một phần của chúng tôi -> so sánh.
– Những bông hoa ngát hương là người chị người em của chúng tôi -> nhân hóa, so sánh.
– Những mỏm đá, những vũng nước (… ) đều cùng chung một gia đình -> nhân hóa.
– Dòng nước óng ánh (…) còn là máu của tổ tiên chúng tôi —> so sánh.
– Tiếng thì thầm của dòng nước chính là tiếng nói của cha ông chúng tôi —> so sánh.
b) Những phép so sánh và nhân hoá này đã cho thấy mối quan hệ mật thiết gắn bó giữa người da dỏ với Đất, với thiên nhiên. Họ coi thiên nhiên như máu thịt, như thành viên trong gia đình vì thế, đó là những gì thiêng liêng trong tình yêu của con người đối với nơi mình sinh sống.
Câu 2. Đọc đoạn giữa của bức thư: từ Tôi biết người da trắng không hiểu cách sống đến Mọi vật trên đời đều có sự ràng buộc.
a) Đoạn văn đã nói lên sự khác biệt, sự đối lập trong “cách sống”, trong thái độ đối với “Đất”, đối với thiên nhiên giữa người da đỏ và “người da trắng” trên những vấn đề gì?
b) Tác giả đã dùng những biện pháp nghệ thuật nào để nêu bật sự khác biệt, sự đối lập ấy và để thể hiện thái độ, tình cảm của mình?
(Gợi ý: cách dùng phép so sánh, phép nhân hóa, phép lặp, phép đối lập; cách sử dụng các kiểu câu; cách sử dụng từ ngữ, …)
Trả lời:
a) Sự đối lập thể hiện ở những vấn đề sau:
Người da đỏ |
Người da trắng |
– Mỗi tấc đất là là thiêng liêng trong kí ức và kinh nghiệm. – Đất là bà mẹ. – Chúng tôi không thể nào quên được mảnh đất tươi đẹp này. – Không khí quả là quý giá đối với người da đỏ. – Ngọn gió mang lại hơi thở đầu tiên của cha ông chúng tôi và cũng là hơi thở cuối cùng của họ. |
– Mảnh đất này là kẻ thù của họ và khi họ đã chinh phục được thì học sẽ lấn tới. – Họ đối xử với mẹ đất và anh em bầu trời như những vật mua được, tước đoạt được rồi bán đi. – Họ sẽ ngấu nghiến đất đai, rồi để lại đằng sau những bãi hoang mạc. – Người da đỏ chẳng để ý gì đến bầu không khí, muông thú, cây cối. – Xoá bỏ cuộc sống yên tĩnh, thanh khiết, hoà đồng với thiên nhiên để thay thế bằng cuộc sống thị thành ầm ĩ, ồn ào, lăng mạ. |
b) Để làm nổi bật những nội dung ấy, tác giả đã sử dụng một số thủ pháp nghệ thuật phù hợp: phép đối lập (người anh em – kẻ thù, mẹ đất – anh em bầu trời, vật mua được – tước đoạt được, yên tĩnh – ồn ào…), điệp ngữ kết hợp với phép đối lập (Tôi biết, cách sống của chúng tôi khác với cách sống của ngài; Tôi thật không hiểu nổi; Tôi không hiểu bất cứ một cách sống nào khác; Nếu chúng tôi… Ngài phải…)
Câu 3. Đọc đoạn còn lại của bức thư.
a) Hãy nêu các ý chính của đoạn này.
b) Cách hành văn, giọng điệu của đoạn này có gì giống, có gì khác với hai đoạn trên?
c) Nên hiểu thế nào về câu: Đất là Mẹ.
Trả lời:
a) Ý chính của đoạn cuối:
– Đất đai giàu có được là do nhiều mạng sống của chủng tộc da đỏ.
– Bởi vậy nếu người da đỏ buộc phải bán đất thì người da trắng và cả con cháu họ phải kính trọng đất đai, phải biết đối xử với đất như người da đỏ.
– Con người phải bảo vệ thiên nhiên như mạng sống của mình.
b) Lối hành văn vẫn trang trọng và tha thiết với đất. Tuy nhiên xuất hiện nhiều yêu cầu tha thiết. Đoạn văn có phương thức biểu đạt nghị luận, đặc biệt 3 câu sau là chân lí rất thấm thía.
c) Đất là mẹ bởi đất sinh ra muôn loài, trong đó có con nguời tồn tại và sống hạnh phúc.
Câu 4. Bức thư đã sử dụng rất nhiều yếu tố của phép lặp (lặp ý, lặp từ ngữ, lặp kiểu câu). Hãy lập bảng thống kê một số hoặc toàn bộ những yếu tố lặp ấy và chỉ ra tác dụng biểu hiện tư tưởng, tình cảm của chúng.
Trả lời:
Một số yếu tố lặp (trùng điệp):
– Kí ức, thiêng liêng, người anh em, mẹ, hoang dã, người da đỏ, người da trắng…
– Nếu chúng tôi bán… ngài phải…
– Tôi là kẻ hoang dã, tôi không hiểu.
Các yếu tố trên có tác dụng:
– Làm rõ tình cảm gắn bó sâu nặng, thiêng liêng với đất nước, quê hương.
– Phê phán, châm biếm lối sống và thái độ, tình cảm của người da trắng đối với tự nhiên, đất đai, môi trường.
– Thái độ kiên quyết, cứng rắn, tạo đà cho lập luận.
– Hơi văn nhịp nhàng, lôi cuốn thêm khí thế.
Câu 5*. Hãy giải thích vì sao một bức thư nói về chuyện mua bán đất đai cách đây một thế kỉ rưỡi nay vẫn được nhiều người xem là một trong những văn bản hay nhất nói về thiên nhiên và môi trường?
(Gợi ý: Vận dụng tổng hợp kết quả việc đọc – hiểu ở trên và kết hợp với việc làm bài Luyện tập dưới đây)
Trả lời:
Thủ lĩnh da đỏ không chỉ đề cập đến vấn đề đất đai mà còn nói tới tất cả cá hiộn tượng có liên quan tới đất. Đó chính là tự nhiên, môi trường sống của cả người. Hiện nay, trong thế kỉ XXI, vấn đề môi trường sinh thái đang bị xâm hại, bị ô nhiễm nặng nề. Chính vì vậy, bức thư của thủ lĩnh da đỏ vốn xuất phát từ lòng yêu thương quê hương đất nước bỗng trở thành một trong những văn bản có giá trị nhất về vấn đề bảo vệ thiên nhiên môi trường.
(HTTPS://BAIVIET.ORG)